"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG – MINH TRIẾT CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

(Tham luận đọc tại Hội thảo Minh triết kinh doanh & Minh triết doanh nhân)

 THÁI DOÃN HIỂU (*)

 Trên những ngả năm ngả bảy trùng điệp của đường đời, con người hành trình như một lữ khách, thường rất lúng túng bởi thiếu một tấm biển chỉ đường và đôi lúc phải gục ngã chỉ vì lầm lạc.

Quyển sách LỜI VÀNG  này đến với bạn là một Tấm biển chỉ đường đa năng dành cho tất cả mọi người. Nó là cả một thư viện thu nhỏ, thành một cẩm nang đầy phép lạ.

*

Tuân Tử nói “Ngàn vàng dễ kiếm, lời tốt khó tìm”. Quyển LỜI VÀNG khởi đầu là một trò chơi trí tuệ ! Thoạt đầu, trong gia đình tôi thường hay đố nhau là khi đọc sách hễ gặp tư tưởng gì hay và mới lạ thì ghi nó một tấm phiếu nhỏ. Những lời vàng ngọc này đã được hái lượm như vậy từ hai nguồn : nguồn sách vở bác học với tinh hoa lời nói của các lãnh tụ, thánh nhân, triết gia, tướng lãnh, thầy thuốc, văn nghệ sĩ, nhà khoa học và cả những… thường dân; nguồn túi khôn của nhân loại qua folkore (**) : tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn… của các nước. Giống như hũ đậu cứ đầy lên mỗi ngày của nhà hiền triết nọ trong truyện ngụ ngôn, các tấm fich của chúng tôi cứ chồng chất lên cao theo thời gian. Chúng tôi gọi chúng là vàng và công việc đào bới đó là tìm kiếm vàng. Chúng đã giúp chúng tôi sống tốt, sống đẹp lên rất nhiều. Thú thật cho đến khi tìm được những câu “Phê bình không phải là sự phẫn nộ của lý trí mà là lý phẫn nộ” (Kác Mác), “Người ta kiêu căng khi có cái gì sắp mất, người ta khiêm nhường khi có cái gì để nhận” (Henrigiêmxơ)… chúng tôi mới hiểu được bản chất đích thực của phê bình, của kiêu ngạo và khiêm tốn… Khi đọc câu “Yêu đừng vay” (Tục  ngữ Cămpuchia) mình mới giật mình nhớ lại một thời xa vời… vụng dại. Khi suy ngẫm câu “Thù đừng bắn” (Tục ngữ Cămpuchia), chúng tôi mới thấm thía tư tưởng với tầm cộng đồng không chống lại điều ác bằng bạo lực của L. Tônxtôi, Huygô, Thích ca, Lão Tử. Có nhiều câu súc tích “Máu nối họ lại, lợi chi họ ra” (La phôngten); “Kẻ yêu nhiều bị trừng phạt nhiều” (Ngạn ngữ Pháp); “Khi một nhân tài xuất hiện, người ta sở dĩ nhận ra được là vì thấy tất cả bọn đố kị, ngu xuẩn kết bè với nhau nổi lên chống báng” (Fonơrông)…quả là đề tài dành cho những cuốn sách lớn.

LỜI VÀNG kết tinh từ trí tuệ, mồ hôi xương máu của các cá nhân, các dân tộc, là lương tri của mọi thời đại được đúc thành định đề mang chiều sâu triết học và vẻ đẹp óng ả của thi ca. Chúng đã và sẽ được thời gian thử lửa.

LỜI VÀNG tập hợp danh ngôn cổ kim đông tây của mọi ngành, mọi giới, mang tính bách khoa và tính quốc tế góp vào triết luận mọi vấn đề thuộc đời sống con người trên cõi nhân gian của chúng ta.

Chúng tôi không gọi hết thảy 20.000 lời hay ý đẹp của vài ngàn tác giả hữu danh cùng hàng vạn tác giả vô danh trong bộ sách này là chân lý vĩnh cửu. Ở đây có câu kim cương, câu vàng, thậm chí có cả câu đồng, câu chì (nếu thấy thật cần thiết) góp mặt làm nên chính đề và phản đề của các tư tưởng. Dù mức độ giá trị từng câu có khác nhau nhưng không một lời vàng nào là chẳng có ích. Trước một danh ngôn, do đức hạnh và trí tuệ, do vị trí người tiếp nhận khác nhau, nên với người này nó là chân lý, có ích nhưng với người kia nó chẳng là gì cả, hoặc ngược lại. Tùy từng số phận, từng hoàn cảnh riêng mà bạn lựa chọn, áp dụng sao cho thích hợp và có hiệu quả.

Để nâng những phương châm lên tầm khái quát, ngoài các chương mục cụ thể, chúng tôi chủ trương cấu trúc những chương khác theo phép tương phản với những cặp phạm trù triết học đối chọi nhau. Ví như : Thật - Giả, Thành - Bại, Ân - Oán, Khôn - Dại, Bạn - Thù, Họa - Phúc, Tự do - Nô lệ , Giàu - Nghèo, Vinh - Nhục, Mua – Bán (kinh doanh)… Cách thức này sẽ giúp bạn tiếp cận dễ dàng hơn với chân lý cuộc sống.(***)

Xin bạn hãy hãy giở chương gần cuối Sống - Chết, chương nói về tai họa khủng khiếp nhất mang tính quy luật, nhân luật trong mọi tai ương của con người. Bạn sẽ thấy ở đây có nhiều kiểu chết, có lắm cách chết : có cái chết hồn nhiên như một “cuộc du lịch” (Sênêca), bên cái chết vật vã, yếm thế “sống không có gì mới” của Êxênhin, cái khinh bạc của Tản Đà “quí chi chữ thọ mà mong sống nhiều”, có cái  chết trần tục “trả nghĩa cho đất” theo lối dân gian giữa một quan niệm “sinh ký, tử quy” hư vô của nhà Phật cùng cái chết “thân cát bụi lại trở về cát bụi” của đạo Thiên Chúa; bên cái chết đầy sắc màu lãng mạn của Bích Khê, có cái chết “hoài nghi đi tìm sự thật” trong hành vi tự tử (Phonơrê), nhưng Ruxô thì lại cực lực lên án cho là “sự ăn cắp đối với nhân loại” trong cái chết “lén lút” và “nhục nhã” này; có cái chết “nghĩa trọng nghìn non” (Tư Mã thiên), sự trút bỏ hình hài “sát thân thành nhân” của Văn Thiên Tường sánh với cái chết hai lần vô nghĩa khi kẻ chết “tự nguyện làm phương tiện” cho kẻ khác (Xyrútx); có cái chết hóa thành “bất tử” (Xixêrông, Tố Hữu); có cái chết trút bỏ hình hài để trường sinh “Thác là thể phách còn là tinh anh” (Nguyễn Du); lại có cái chết  không đẳng cấp đến chán chường “hiền ngu lưỡng giả nhất khâu thổ”(Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều); đã xem cuộc đời là “mộng” (Rêrôm), là “lưu đày ngắn hạn” (Platông), là “thuế” (người Mađagatxca), là “nợ” (Sếchxpia) thì con người có quyền sống vội vã hiện sinh lắm chứ ? (Xuân Diệu) và làm sao lại không thể giải giới mình một cách siêu hình rất thiền theo kiểu Hàn Mặc Tử ?; mà coi chừng không khéo lại “chết yểu” ngay giữa lúc đang sống một “cuộc sống vô ích” ? (Gơtơ).

Chúng tôi đã trình bày chuyện tử sinh được các nhà hiền triết săm soi dưới nhiều góc độ trải dài trong những thời gian khác nhau. Không riêng gì chương này mà bất cứ chương nào của bộ sách cũng vậy, rõ là chúng tôi không dọn sẵn một món và bắt ép chân lý hay cưỡng bức bạn đọc ăn độc một món. Trong chương, các thái cực đã gặp  nhau. Thật kỳ lạ là những điều hết sức trái ngược nhau lại có chỗ phù hợp nhau (Too far east is west). Mọi ý tưởng đều có lý, đó vừa là sự thật lại vừa không phải là sự thật bởi việc đời như bạn thấy đấy “có lắm cái hình như ngược mà kỳ thực là xuôi, có lắm cái hình như xuôi mà kỳ thực là ngược” (Lã Thị Xuân Thu). Chân lý sẽ lóe sáng giữa những cái va đập của những lời tranh cãi quyết liệt cùng với sự điều chỉnh sự thật theo như quan niệm của bạn. Platông đã rất có lý khi ông nói rằng “Trong thực tế, không thể nhận thức được cái nghiêm chỉnh nếu thiếu cái buồn cười. Và nói chung cái đối lập được nhận thức nhờ cái đối lập của nó”.

Cốt lõi của cái đẹp và cái thiện là chân lý. Mà chân lý chứa tính lịch sử lại luôn chìm dưới đáy sâu của cuộc sống. Với phép đọc như vậy, bạn sẽ cùng LỜI VÀNG đi đến được tận ngọn nguồn chân lý. Đọc sách này, chúng tôi không mong mỏi những điều to tát là bạn sẽ khám phá và cải tạo thế giới, chỉ mong bạn khám phá bản thân, gia tăng sức mạnh, tự hoàn thiện lấy chính mình.

Cái còn lại không phải là toàn bộ tác phẩm được bạn trân trọng tiếp nhận chứa hết vào đầu bằng cách học thuộc để truyền giáo hay nói năng giao tiếp bặt thiệp với đời mà chỉ cần vài ba tư tưởng thật thiết cốt sẽ đồng hành với bạn trong suốt cả cuộc đời. Được thế, quả là một thành công vô cùng lớn đối với người làm ra LỜI VÀNG.

*

Cuộc sống là một chuỗi hành trình đầy chông gai, cạm bẫy, nung nấu đầy những ý tưởng điên rồ, phải có những tư tưởng lớn dẫn đường, ngăn chặn. LỜI VÀNG đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều, nay xin đem dâng hiến bạn.

Nếu trong mỗi gia đình có một tủ thuốc để chữa bệnh thể xác thì quyển LỜI VÀNG nên được xem là tủ thuốc gia đình thứ hai để phòng và chữa bệnh tinh thần cho mỗi người. Quyển sách sẽ là vị cố vấn đặc biệt, có thể làm minh triết tham mưu cho bạn với những chỉ dẫn cặn kẽ, thông minh, khôn ngoan trước bất cứ vấn nạn nào do cuộc sống đặt ra.

LỜI VÀNG chỉ giúp bạn ánh sáng soi đường chứ không thể giúp bạn sức lực đi đường. Chúc bạn thành công, không lúng túng, không gục ngã trước ngả năm ngả bảy đường đời!







(*) Nhà Nghiên cứu & Phê bình văn học, xem http://thaidoanhieu.blogspot.com
Giám đốc công ty TNHH PHẦN MỀM TIN HỌC 3T.GROUP, xem www.3tgroupi.com. Công ty chuyên cung cấp hệ điều hành cho các nhà máy sản xuất.
Bộ sách LỜI VÀNG, 2 tập (687 trang) Văn Nghệ Tp Hô Chí Minh 
xuất bản lần thứ nhất năm 1991 gồm 5.500 danh ngôn. Xin xem trích đoạn tại : http://thaidoanhung.blogspot.com/search/label/L%C6%A0%CC%80I%20VA%CC%80NG.                          Đây là Lời đề dẫn viết cho tái bản lần thứ hai gồm 20.000 danh ngôn (1.400 trang khổ lớn, chuẩn bị in)

(**) Folklore - gốc tiếng Anh, folk là dân gian, love là tri thức. Folklore trong tiếng Anh hay Pháp vừa có nghĩa là toàn bộ sáng tạo của dân gian vừa có nghĩa là  khoa học về các sáng tạo đó.

(***) Làm bộ LỜI VÀNG, chúng tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc biên soạn sau đây. Khi dùng sách, xin bạn đọc lưu ý cho mấy điểm này :

  1. Trong sách, các chương có tính độc lập tương đối và chúng được sắp xếp trong một cụm đề tài có họ hàng với nhau đế tạo nên sự tác động hỗ tương. Ở mỗi chương chúng tôi đặt một danh ngôn tiêu biểu làm tiêu ngữ cho cả chương.
2-       Mỗi tư tưởng nếu có nhiều câu danh ngôn trùng, chúng tôi chỉ chọn giữ lại một câu có giá trị nghệ thuật cao hơn, hạn hữu lấy cả hai để bạn đọc đối chiếu, thưởng thức.
3-       Một danh ngôn có mặt ở đề tài này lại có thể góp mặt ở đề tài khác. Điều đó giải thích sự trùng lặp không thể tránh khỏi (nếu có)
4-       Tuyển danh ngôn, đương nhiên là câu ngắn. Nhưng có những trường hợp đặc biệt, chúng tôi bất chấp dài miễn là lời hay ý đẹp.
5-       Chúng tôi chủ trương phiên âm ra tiếng Việt tên tác giả nước ngoài viết bằng tiếng Latinh, tiếng Xlavơ, tiếng tượng hình (chữ vuông) là do vấn đề quốc thể, sự bình đẳng giữa các ngôn ngữ, phương tiện in ấn, và việc phổ cập hóa quyển sách tới số đông bạn đọc. Các bậc thức giả nếu cần trích dẫn cảm phiền quý vị tìm nguyên ngữ ở bảng tra cuối sách.
6-       Phônklo (folklore) nước ngoài dịch ra tiếng ta nếu có nếu có một đơn vị tục ngữ Việt tương đương chúng tôi sẽ dẫn nguyên văn (chỉ với ba ngữ : Anh, Pháp, Hoa) để bạn đọc thấy được nét tương đồng và kích thích việc học sinh ngữ của bạn đọc.
7-       Do tam sao thất bản và hiện tượng râu ông nọ cắm cằm bà kia nên những danh ngôn nào không chắc chắn tác giả, chúng tôi tạm xếp vào loại Khuyết danh (phương Đông), Anonimotx (phương Tây).
8-       Trước một tư tưởng, hệt như hai mặt của chiếc mề đay, chúng tôi đặt những danh ngôn phản đề bên những danh ngôn chính đề để bạn đọc tự rút ra kết luận cho riêng mình. Ví dụ : “Càng biết nhiều càng mạnh” bên “Biết nhiều chóng già”. “Lời nói dời cả núi” bên “Lưỡi dài thu ngắn đời sống”…
9-       Qua vận động của cuộc sống, danh ngôn bị quy luật đào thải chi phối. Do chân lý có tính lịch sử nên một số danh ngôn vốn nổi tiếng một thời, dần dần rơi vào quên lãng. Các danh ngôn mới lại hình thành, thời gian sàng sảy giữ lại những danh ngôn đã được thử thách, đi vào cõi trường sinh.
10-    Ngoài tính nhân loại, tính phổ quát vĩnh hằng của chân lý chứa trong mỗi lời, chúng tôi tuyển chọn với tư cách lời vàng những câu nào của bất cứ ai giúp ích thật sự cho cuộc sống ngày hôm nay của mọi người, của dân tộc. Danh ngôn hàm chứa những nguyên lý của đời sống xã hội, nó không nhằm mục đích chỉ trích một cá nhân hay phúng thích một chế độ chính trị nào cả. Tất nhiên mọi người sẽ soi bóng nhận ra chính mình trong danh ngôn.
11-    Với LỜI VÀNG, bạn sẽ thấy nói lời hay không phải là độc quyền của các vĩ nhân! Chúng tôi đều trân trọng với giá trị như nhau bất luận là của danh nhân lớn hay danh nhân bé, miễn là phải hay, có giá trị đích thực làm bùng nổ tâm linh người đọc. Điều chúng tôi quan tâm đặc biệt là lời (danh ngôn) chứ không phải là người (danh nhân). Dĩ nhiên được cả hai tiêu chuẩn vẫn tốt hơn.
12-    Danh ngôn mang đậm tính lịch sử của nó, thường diễu nhại nhau giữa các thế hệ. Chúng tôi đã cẩn trọng trả Ceza về với Ceza.
13-    Chúng tôi rất có ý thức cân bằng danh ngôn trong nước và nước ngoài, giữa đông và tây, giữa dân gian và bác học, giữa cổ và kim, và tiến tới hậu (dày) Việt Nam bạc (mỏng) nước ngoài, hậu kim bạc cổ.
14-    Cấu trúc của công trình : hai cuốn sách lồng trong một cuốn sách. Bạn có thể tra cứu theo vần đề, cũng có thể tra cứu theo tác giả  (căn cứ theo bảng tra cuối sách)

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN