"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

PHÚC ĐỨC KHÁN NHI TÔN

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011 0 nhận xét

(Muốn biết phúc đức thế nào nhìn cháu con khắc rõ)

Điếu văn do THÁI DOÃN HIỂU
đọc trong  lễ tang bác ĐÀO THỊ AN  ngày 23-1-2011]


Ngày 19-1-2011, tức là ngày 16-12 Canh Dần, vào lúc 16 h 10 phút, bác Đào Thị An không còn nữa !

Họ Thái và gia đình ta lại chịu thêm một tổn thất lớn: người con dâu Tộc trưởng thuận thảo, người Chị, người Mẹ, người Bà thân thương của chúng ta đã từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, để lại  nỗi trống vắng không gì bù đắp được với muôn vàn tình thương yêu cho con cháu.

Bác An sinh năm 1935 trong gia đình điền chủ gia thế giàu có tại làng Lễ Nghĩa, xã Minh sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Tuổi thơ  và thời niên thiếu của bác được hưởng phúc trạch của tổ ấm nên lớn lên trong vòng yêu thương chăm bẵm của cha mẹ, ông bà.

Thế nhưng, hạnh phúc thật quá ngắn ngủi. Giữa lúc trời quang mây tạnh, tai họa như sét giáng xuống. Gia đình bác tan nát. Cha, bác, ông nội…đều hàm oan nhận cái chết bất đắc kỳ tử, ra đi trong tức tưởi. Trước đó, chú Hường đã  hy sinh  ở ngoài mặt trận, chú  Hinh bệnh binh vật vạ vì bệnh tật. Chú Vinh, chú Tiến đang là quân nhân tại ngũ.  Ông bà  nội của bác là ân nhân nuôi quân, nơi đóng đại bản doanh của danh tướng Nguyễn Sơn trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình bỗng chốc mất sạch tài sản, là con gái thứ hai, bác phải gồng mình cùng chị cả Oanh xoay trần ra thay cha làm lụng nuôi  mẹ và ba em gái nhỏ Hồng, Phượng, Nguyệt. Cuộc mưu sinh thật nhọc nhằn, khổ ải.

Năm kỷ Hợi, 1959, 24 tuổi bác về làm dâu họ Thái. Các đấng bề trên đều nhắm tới con nòi cháu giống mà kén lựa dâu hiền rể thảo. Làm vợ lính, bác phải chịu nhiều bề thua thiệt, trăm cay nghìn đắng. Bác trai Thái Doãn Hợi thì phải biền biệt xa nhà, trận mạc liên miên. Tay cày, tay cuốc nuôi con, phấp phỏng chờ chồng. Trong khốn khó  và bom đạn chiến tranh ác liệt, bác sinh hạ bốn mặt con, mang thai vượt cạn, một thân một mình nuôi nấng chúng thành Người. Bác hội đủ tam tòng tứ đức của người đàn bà xưa và phẩm hạnh anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của người phụ nữ thời này.

Mẹ hiền sinh con thảo. Trong phút lâm chung, giữa chuỗi ngày dài hôn mê sâu, bác bỗng nhiên mở mắt nhận diện đủ mặt con cháu quây quần bên giường bệnh. Này đây là con gái đầu Thái Hoàng Kim sinh năm 1961, một cử nhân văn chương, cô giáo dạy văn giỏi của trường PTTH Nguyễn Trãi, Biên Hòa Đồng Nai, có chồng là Nguyễn Công Hoàn, làm thư viện và tin học của trường. Các cháu Anh Thư, Anh Thông đều là sinh viên. Này đây là con trai thứ Thiếu tá Thái Doãn Ngân, sinh năm 1965, người nối nghiệp binh gia của cha, hiện đang tại ngũ, có vợ là cô giáo Xuân với cậu con trai đầu là Thái Doãn Bình, sinh viên trường Đại học Kinh tế và bé Bình Dương 7 tuổi. Này đây là  Thái Doãn Hà, sinh năm 1967, nhân viên của công ty cà phê Thụy Sĩ cùng vợ là Hồng với 3 cháu: Thái Doãn Phong, Bảo Ngọc, Bảo Nghi. Và đây nữa, con trai út kỹ sư Thái Doãn Hưng, sinh năm 1979,  đã kịp kết hôn với Trần Thu Hiền trước khi mẹ nhắm mắt. Tất cả 4 con, 3 dâu, 1 rể, 5 cháu nội, 2 cháu ngoại, tổng cộng 15 người. Thật là “một cây cù mộc, một sân quế hòe”. Công việc trần gian bác đã hoàn tất trong một chuỗi năm tháng đầy những lo toan biến động. Mắt bác bỗng sáng rực lên, rồi lịm đi trong mạn nguyện. Tục ngữ Trung Quốc có câu “Phúc đức khán nhi tôn” nghĩa là “Muốn biết phúc đức thế nào nhìn cháu con khắc rõ”. Nhìn con cháu phương trưởng của bác, ai cũng hài lòng vì cái đức độ bác truyền cho chúng. Bác đã gieo được những hạt giống quý, hiến cho đời những công dân tốt, có ích. Bà con - các anh em con cháu  họ Thái xin kính cẩn nghiêng mình trước công ơn to lớn sinh thành dưỡng dục  nối dõi tông đường của bác, cảm ơn họ Đào đã cho họ Thái - Mạc một nàng dâu tốt.

Hiện hữu giữa đời bác An  còn là một thầy thuốc giỏi. Cả hàng huyện Đô Lương, ai bong gân, trật xương đều tìm đến bác. Với bàn tay như có phép tiên, bệnh nhân đến trong đau đớn và què quặt, ra về trong vui tươi lành lặn. Chị thiện nguyện giúp người cứu nhân độ thế, không lấy một đồng tiền công nào cả. chính việc làm cao thượng đó, đã làm cho cha chồng của bác là Lương y Thái Trung Tiên cảm mến và tin cậy. Trong tâm thức của bệnh  nhân bác là một vị nữ bồ tát sống. Thật đúng là “Mở cửa nhân đón khách vào, trồng cây đức để con ăn” như thơ Nguyễn Trãi đã viết. Bác An ơi, bác đã trồng được một cây đức rất lớn cho gia đình ta, cho các con cháu hưởng phúc.

Vợ chồng biền biệt như Ngưu Lang - Chức Nữ. Tưởng về hưu là được sống với nhau đến đầu bạc. Nào ngờ, Bác Hợi mất năm 1992, khi hai bác mới chớm  tuổi 57. Bác đã gắng sống thêm được 20 năm cùng con cháu trong cương vị cây cao bóng cả chở che đùm bọc chúng. Cuộc đời có  hậu đã hửng sáng vào giai đoạn cuối. Bác đã cùng con cháu trong họ tộc cố cụ Tuần Thái Doãn Huề bảo tồn được di sản của tổ tiên, trân trọng gìn giữ từng viên ngói, hòn táng trong việc chuyển ngôi nhà cổ - nơi anh em, con cháu chúng ta đã ra lần lượt ra đời lớn lên tung cánh vào bốn phương trời – di dời ngôi nhà. xa ngàn dặm đường từ Thịnh Sơn, Đô Lương vào quê mới Bình Dương; dựng lên đó một ngôi từ đường hoành tráng đúng khuôn mẫu của nhà thờ gốc. Công việc thật vô cùng khó khăn, khó nhọc. Uống nước nhớ nguồn, luôn luôn hàm ơn tiên tổ,  tâm nguyện lòng thành, có phúc sẽ phần. Việc làm đó là một nghĩa cử cao quý.

Khi Bác nằm xuống, suốt mấy ngày nay, các em, cô dượng, chú thím, cậu dì, các  bà con thân thích nội ngoại, bạn bè thân hữu xa gần từ từ Hà Nội vào như em Nguyệt, từ Vũng Tàu lên như em Thu, Đà Lạt, Bình Thuận xuống như gia đình em Liên, cháu Lê, từ Sài Gòn đến như chị Huệ, cùng các con, anh chị Huế Nguyệt, các con,  bác Thảo Xuân; cháu Bảy Hoè; Em con chú Phan; Bác Lý, chú Thọ, bác tộc trưởng Thái Doãn Niêm, gia đình O Tâm có vợ chồng các cháu Vi Nhi, Sơn Thảo, Nghĩa; vợ chồng Ngà, gia đình bác Phương với Dũng, Tuấn, Diệp, Bình Minh, gia đình chú thím Hiểu Liên với Trình, Quỳnh, cháu Chương đại diện cho con cháu họ Hoàng Yên Thành; từ Đồng Nai sang có anh em trường Nguyễn Trãi, gia đình chú thím Hữu Nguyệt, Ngần Lưu, vợ chồng em Cúc, các cháu; từ Bình Dương có các thủ trưởng và các đồng đội trong bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các cơ quan đoàn thể nơi các cháu Ngân, Xuân, Hiền  Hưng làm việc, có anh Vinh; từ Nha Trang  vào có bác Ngộ, Ông bà Trần Quý thông gia từ Hà Tĩnh gửi vòng hoa; Chú Lâm từ Mỹ Tho lên ... cùng bà con lối xóm... đã đến viếng tang đông đến hàng trăm người trong niềm tiếc thương vô hạn..

Hôm nay, ngày 23-1-2011, nhằm ngày 20 tháng chạp Canh Dần, từ sáng sớm anh em bà con, bạn bè thân hữu lại tề tựu tập trung quanh linh cữu để tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng bên cạnh bác trai Thái Doãn Hợi và cháu nhỏ Thái Doãn Nhân tại nghĩa trang địa phương. Thế là bác đã thành người của cõi nhớ.

Trong giờ phút tử biệt sinh ly, vĩnh biệt Mẹ và Bà, các con cháu của bác xin thề: trong đau thương sẽ thắt chặt đoàn kết một lòng, đùm bọc, bảo ban nhau, dạy dỗ các cháu thành con ngoan trò giỏi, giúp nhau phấn đấu xây dựng đời sống kinh tế và nề nếp gia phong truyền thống, cùng tiến  bằng chị bằng em.

Vĩnh biệt bác, các em xin hứa với anh chị sẽ làm chỗ dựa tinh thần vững chắc và tin cậy cho các cháu khi anh chị vắng bóng ở trần gian.

Thác là thể phách, còn là tinh anh. Kìa - bác thấy không - cha mẹ ông bà Oanh, ông bà Thiệu, này chồng, này cháu, o Thiệu, o Thanh… đang dang tay đón bác kìa.

Cuộc đời của bác chẳng có mấy ngày vui, chỉ có tận tụy hy sinh dâng hiến. Bác hãy yên nghỉ, sẽ sống mãi trong tình thương và nỗi nhớ của muôn đời con cháu.

Mẹ ơi !
Bà ơi !
Chị ơi !
Bác An ơi, xin bái biệt !


Bình Dương, 23-1-2011
Thay mặt bà con Nội Ngoại hai họ
THÁI DOÃN HIỂU


KHÓC MẸ


Trưởng nữ THÁI THỊ HOÀNG KIM


Mẹ già đau yếu lâu rồi
Thuốc thang chạy chữa khắp nơi tội tình
Viện trên, viện dưới hết mình
Vẫn không cứu được… tội tình, Mẹ ơi !
Bây giờ Mẹ giã biệt đời
Mong Mẹ thanh thản tới nơi an lành.

Nhớ Mẹ xưa
Sinh ra trong nhà gia thế
Cha ông sống đời tử tế hiền lương
Gặp buổi cải cách tai ương
Cảnh nhà tan tác tang thương một thời
Cha, em lần lượt qua đời
Thương cha, đỡ mẹ giữa trời đảo điên.
Ngược xuôi chẳng quản lụy phiền
Đào tơ liễu yếu, của tiền số không
Gồng mình chống đỡ bão giông
Chống chèo gắng gỏi, mẹ trông em chờ
Qua bao năm tháng vật vờ
Thuyền nhà tới bến lên bờ, tạm yên
Thương em, nặng nghĩa mẹ hiền
Trai khôn lấy vợ, gái hiền lập gia
Thế rồi, Mẹ giã biệt nhà
Hai mươi hai tuổi về nhà làm dâu.

Đằng đẵng năm tháng giãi dầu
Làm thân dâu trưởng, bạc đầu bão giông.
Lấy chồng tiếng cả nhà không
Mẹ già, cha yếu, em đông, khổ nghèo.
Gò lưng Mẹ phải chống chèo
Ba bề bốn phía đói nghèo bủa vây
Chẳng được nghỉ lấy một ngày
Thân cò lặn lội, đò đầy sóng to
Đầy mình canh cánh nỗi lo
Chồng đi đánh giặc đợi chờ, ngóng trông.
Bốn con lần lượt lọt lòng
Lo con một nách, nỗi chồng chiến chinh
Những mong thế cuộc yên bình
Sớt chia đỡ cảnh một mình chăm con
Lần lữa năm tháng héo hon
Cha về, gối mỏi, gót mòn, giặc tan
Ngỡ rằng Mẹ được bình an
Sánh vai, đầu bạc an nhàn cùng cha
Ba mươi năm lẻ xa nhà
Làm trai thời loạn sức cha cạn mòn
Tuổi trẻ dâng hiến nước non
Trở về trọng bệnh, vợ con đỡ đần
Thuốc thang chạy chữa bao lần
Vẫn không qua khỏi số phần đắng cay.

Níu kéo, giành giật từng giây
Vẫn không níu được cái ngày chia xa
Năm mươi bảy tuổi chưa già
Dở dang đời mẹ, cửa nhà lạnh tanh !
Những tưởng được sống an lành
Ngờ đâu nổi sóng đất bằng lệch nghiêng
Dặn lòng chịu nỗi đau riêng
Thay chồng báo hiếu tổ tiên ông bà
Tấm thân còm cõi xông pha
Cầm bốn gậy (*) lúc ông bà quy tiên
Quyết đem tấc cỏ đáp đền
Mồ yên mả đẹp, Mẹ hiền lo toan.
Cuộc sống chẳng bớt gian nan
Nuôi con kỳ vọng muôn vàn mai sau
Trọn đời làm lụng, cháo rau
Chắt chiu gắng gỏi, mong giàu cháu con
Tấm thân tàn tạ héo hon
Vẫn còn nỗ lực vun trồng tương lai
Bốn con một gái ba trai
Trưởng thành công Mẹ năm dài bảo ban
Đời Mẹ cay đắng muôn phần
Vẫn mong con cháu vạn lần sướng vui
Thật là tội nghiệp Mẹ tôi
Một đời gánh nặng, một đời âu lo!

Từ nay Mẹ quẳng gánh lo
Tới miền cực lạc, bến bờ bình yên
Mẹ giờ sống giữa cõi Tiên
Trả xong món nợ lụy phiền nhân gian

Thương Mẹ vò xé ruột gan
Không sao giữ Mẹ trần gian đời đời
Khóc Mẹ khản tiếng tàn hơi
Tháng ngày lạnh lẽo con thời mồ côi
Ông Trời ơi, hỡi ông Trời
Nỗi đau xé ruột ! Ông Trời có hay !

-----------------------------
(*) Cầm bốn gậy: lúc đưa tang ông bà nội, Mẹ phải cầm bốn gậy, thay cho 4 người con trai của ông bà vắng mặt.





Viếng Chị Dâu trưởng Đào Thị An

Thế là chị về với Anh.
Nghẹn lời… mắt ứa long lanh giọt buồn.
Thế là mãi mãi… mãi luôn,
Cây vườn Bàu Vạn, suối nguồn ngẩn ngơ…
                
Hà Nội 21/1/2011  các em ở ngoài bắc
                        Các em Mại - Giang, Ngãi - Hạnh
                                       THÁI DOÃN MẠI



TƯỞNG NHỚ CHỊ XIN CHÉP LẠI BỨC THƯ CŨ

Kính gưởi Chị An

Chị về làm dâu Bác tôi,
Bốn mươi năm trước cái hồi xuân xanh.
Trải qua bao cuộc chiến tranh,
Biền biệt năm tháng …nỗi Anh xa nhà,
(Lính Cụ Hồ quen xông pha ).
Chị tôi dâu trưởng, nỗi nhà đắng cay,
Anh về nghỉ mới ít ngày,
Rồi đi đi mãi …chia tay cõi trần.
Nuôi con ăn học âm thầm,
Ruộng vườn cây cối, cát lầm, bụi than.
Ứa nước mắt cảnh cơ hàn,
Nắm tay gầy, chẳng hỏi han được gì!

Sáng nay chào chị em đi,
Nắng vừa rạng, gió rầm rì lũy tre,
Ước sao như một sáng hè,
Quao vườn trĩu quả, chè khoe hương màu,
Khoai  lang, nác mới cùng nhau,
Nói chuyện trạng, ngắm hoa cau trước nhà.

Hà Nội 24/1/1997
THÁI DOÃN MẠI

Một số hình ảnh tang lễ:

















THIỀN, TRIẾT VÀ SIÊU THỰC KHI NGƯỜI TA CÚI MẶT

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011 1 nhận xét

THIỀN, TRIẾT VÀ SIÊU THỰC
KHI NGƯỜI TA CÚI MẶT

[Nxb Hội Nhà văn, 12-2010]

(Thư riêng của Nhà phê bình văn học THÁI DOÃN HIỂU
gửi nhà thơ trẻ NHỤY NGUYÊN)

Nhụy Nguyên thân mến.
KHI NGƯỜI TA CÚI MẶT là tập thơ có chất lượng.
Thơ Nhụy Nguyên có giọng điệu riêng, không lặp ai cả tứ lẫn hình
tượng, từ ngữ. Tác giả rất có ý thức vượt thoát ra ngoài cái tù túng
vây hãm của qũy đạo thơ truyền thống. Nó không quá nặng nề như các bạn
trẻ khác chạy theo đổi mới lời, và cấu trúc,  Nhụy Nguyên tập trung
cách tân tứ. Giống Văn Cầm Hải ở sự độc đáo nhưng khác Văn Cầm Hải là
tương đối dễ hiểu, dễ đọc. Đó là điều cơ bản để làm một tác gia.
Thơ Nhụy Nguyên như những nhát cắt nhanh gọn và sắc lẹm vào từng mảng
đời sống phơi lộ ra những vỉa địa tầng mới tinh khôi.
Thơ Nhụy Nguyên đã  bắt rễ vào cuộc sống thiết yếu và đã động chạm đến
những vấn đề chính trị xã hội nhạy cảm: tội ác của giai cấp thống trị
trong “Theo gót sen hồng”, nỗi khổ của nhân dân lao động trong “Hồng
hoang biển
”,  thái độ thành khẩn phục thiện trong “Chiêu hồn”, tinh
thần sám hối trong “Đoạn cuối của ngày”, trẻ trung và bạo trong “màng
đêm
”, khẩu khí làm người trong “Bản di chúc của trái đất”…
Có một bài tuyệt tác: Hồng hoang biển

Thơ Nhụy nguyên đẫm chất thiền và triết nên sâu. Làm loại thơ này là
phải khổ công tu luyện như võ sĩ kuôngfu. Phải học nhiều và đi nhiều.
Thơ Nhụy Nguyên không khủng bố người đọc, phù hợp với cơn khủng hoảng
thời bùng nổ thông tin bởi sự ngắn gọn, súc tích. Đó là một cá tính
sáng tạo nổi trội, kể như một năng lực nội công.
Thơ Nhụy Nguyên khá thích hợp với thời buổi nhiễu nhương. Hiện thực
nhục nhằn và trái khoáy hiện nay là mảnh đất tốt cho thơ Nhụy Nguyên
gieo vãi.

Một giọng thơ lạ. Cái anh chàng trẻ có tên Nhụy Nguyên này rồi sẽ làm
nên chuyện cho mà xem!

Sài Gòn, 28-6-2008


Nhụy Nguyên thân mến.
Chú cảm ơn cháu đã tin cậy phó thác âm bản của
tập thơ KHI NGƯỜI TA CÚI MẶT. Chú đã đọc một mạch tập thơ trong cảm
hứng khoan khoái, mặc dù đã từng quen thuộc khi nhuận sắc nó cách đây
vài năm. Đây là tập thơ siêu thực có giá trị cao về phương diện văn
học. Có thể nói là Nhụy Nguyên đã nung cháy tâm tư mình để luyện quặng
thành vàng. Súc tích và già dặn, trội hơn nhiều người làm thơ siêu
thực trên thi đàn hiện nay. Chú chúc mừng cháu...

Sài Gòn,12-10-2010
THÁI DOÃN HIỂU.
       


Bản di chúc của trái đất


Khi ta chết
sẽ chẳng có nơi chôn

Cứ treo ngược giữa trời
làm quả cân vũ trụ


Hồng hoang biển


không còn chắt được giọt nước mắt nào
                                                             lúc đó
người đàn bà
                         đứng nhìn ra biển cả,
trong mắt xuất hiện một con thuyền

bão tố đã vét sạch mẻ lưới đêm qua
cả người đàn ông vạm vỡ...

tôi - vô hình trước chị - nhìn vào
                                                            đôi mắt ấy
sợ con thuyền lớn lên
                                    mắc cạn!

Đêm không trăng


mưa vuốt mặt phố
gõ cửa từng căn nhà sang trọng. Im lìm!
lũ trẻ vẫn nện dùi lên mặt trống
và phèng la chiêng chạ

Không thây ma, quan tài
Với cái đầu lân tã tượi
Trong mưa thu
Lũ trẻ đưa tang tuổi thơ mình
                                    Trung thu 2007


Huyệt thơ


Một ngày xác chữ lên ngôi
Huyệt thơ rỗng suốt cuộc đời thi nhân

Chiêu hồn

Tôi ngồi đối bóng cô đơn
Thơ nương vào những linh hồn mọc lên

Tôi ngồi đánh bóng tuổi tên
Nghe thơ chết yểu trước hiên nhà mồ

Tôi ngồi đối bóng giấc mơ
Thấy mình như một câu thơ... liệm rồi

Em giờ ảo ảnh trong tôi
Còn ai đánh bóng dáng ngồi chịu tang!?



Đoạn cuối của ngày

5h chiều. Cuối hạ
mặt trời chưa tắt
trên rẻo cao đã lạnh
cụ chủ nhà (có người con trai vừa hóa thân vào
cây Kim Giao) ngồi thu lu trước bậu cửa
tẩu thuốc dài bằng một ngày sắp qua
      
tôi trở về từ rừng Ma
vác theo nhành cây Kim Giao làm chứng...
cụ già vẫn mơ màng nhả khói
chẳng màng đến sắn khoai
mai này, người chủ trọ kia
ký gửi linh hồn vào cây Kim Giao
liệu tôi có bị rừng Ma trừng phạt
tội đốn gãy... ai đó?

trong ngôi nhà trọ
tôi hết đứng lại ngồi
hết nhìn cụ già lại nhìn vô - bên bếp lửa
đỏ như máu cây Kim Giao
có người phụ nữ ngồi thu lu...
Chị mới chết chồng!



Dưới vòm đêm


đêm nằm nghe tiếng Vạc rơi
mảnh sắc như lệ em thời dở dang
tôi rời giấc ngủ đi hoang
giẫm phải tiếng vỡ máu loang đường về!

Bức hình đen


đêm bị đánh loãng
bởi tiếng thét gào của lũ sóng điên tàng
thức giấc quá sớm
biển níu bờ
đàn hồi niềm đau

dẫu được dãy núi vỡ vàm
                                        hiến thân che chắn
chân trời vẫn ngả nghiêng.
biển oằn gập xuống...

và sóng - những
                           thiên thần quỷ dữ
cuộn tròn,
                 đâm đầu vào đá
bức phù điêu
                      tan
                            trắng xoá.
biển,
       chít sóng lên đầu        
phủ phục trước ống kính

Nam châm màu huyết


trái đất neo vào chân tôi
bằng sợi xiềng khổng lồ.
giống một kiểu gông cùm thời Trung cổ

một, hai...
nếu không tính trọng lượng của sợi xiềng
vị chi mỗi bước đi
tôi phải kéo theo sức nặng
tương đương
lực hút trái tim em.

Cổ sử


Tôi hoài thai kiếp khỉ hoang
Em từ huyền thoại hóa nàng tiên sa

Làm người - gái phận đào hoa
trai tu dưới cội phong ba - Làm người

Em thời hái lượm tình tôi
Tôi thời săn bắt bóng mồi tình em

Đồng hồ cát


tôi ngoạm vào tháng năm miếng lớn
giống một kẻ phàm ăn ngoạm vào khẩu phần
                                                              của đức Phật
và, mặt trời ngoạm vào mặt trăng
                                                    phần nguyệt thực
còn chút bẻo thời gian
                                    em đợi người tình



Và quỷ. Và tôi


không hiểu ai xui khiến tôi
lại tới cầm cái chổi
quét nền nhà láng coóng.
có lẽ là quỷ
phải, từ lâu tôi vẫn tin trong mình có quỷ

quỷ thật!
nền nhà sạch là thế
dưới ánh nắng buổi mai xuyên vào
tôi vẫn thấy vô vàn bụi
vùng lên từ lưỡi chổi
không như thân thể em...

đêm qua,
                giữa sự minh bạch nhất của kiếp người
chỉ có mỗi hạt bụi
                              uằn oại
                                           dưới tấc lưỡi của quỷ.



Theo gót sen hồng


dãy núi Trung Hoa chôn ai
                                mà thành những mộ lớn
chưa thời đại nào cắm một nén nhang!
em kiếm Tần Thuỷ Hoàng
                                trên Trường thành vạn lý
hay đếm xác người
                                sắp dưới những bậc thang?

Màng đêm

đám mây hoàng hôn cố kéo dãn ngày ra
đêm trở mình rất khẽ
tôi - em kéo co thời son trẻ
rách bươm màng tối trắng trinh!

Mưa tàn phế

mưa thấm vào đêm buốt giá
tong teo cái rùng mình
tôi gầy thêm sau lần dâng hiến
giọt nghìn vạn sinh linh.

ngoài kia mưa
                        tan tành trên những lá
xác thu nhẫn nại gói tiếng ồn
cầu em rửa vết thương mưa tạnh
cứu giùm đêm nghìn vạn cô đơn!...


(Rút từ tập KHI NGƯỜI TA CÚI MẶT)
NHỤY NGUYÊN

MỪNG THỌ GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG LÊN TUỔI 70

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011 0 nhận xét


Thái Doãn Hiểu

Có dễ đến 15 năm nay, Trời ban cho tôi một người bạn quý: Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Anh Hưng là người có tài, có tâm trên nhiều phương diện: khoa học, sư phạm, văn, thơ, nhạc… Anh là tác giả của hàng trăm công trình khoa học, là thầy học của hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, tác giả tập thơ Dặm xưa, Nxb Trẻ, tác giả nhiều bút ký, du ký, tác giả của anbum nhạc Sẽ cuốn theo gió bay, tuyển tập những khúc tình ca hay nhất thế giới do anh dịch lời Việt và tự trình bày bằng hai thứ tiếng với chất giọng tono âm vang, ấm. Tôi thấy có một số nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ phát ghen lên với con người này.

Thật kỳ diệu, một người ở Bỉ, một người ở Sài Gòn xa tít mù khơi duyên kỳ ngộ nào đã gắn kết chúng tôi lại với nhau ? Chính văn chương là chiếc cầu nối đã đưa anh đến với tôi. Và, chúng tôi sau khi chạy đã đời khắp bốn phương trời, số phận mỉm cười ném hai người bạn đồng lứa tác tri âm tri kỷ ở cùng với nhau trên một con phố: đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, Tp Hồ Chí Minh.

Anh chơi thân với tôi. Các con trai tôi rất quý bác Hưng. Sang Sydney giảng bài, khi xong công việc, bác Hưng và con trai cả Thái Doãn Hoàng Cầu của tôi thường rủ nhau đi ăn cơm, đàm đạo chuyện khoa học, chuyện đời. Bác Hưng trân trọng đem một xêri sách đồ họa tin học của Mạc Bảo Long (tức Thái Hoàng Trình) về Bỉ phô với bạn bè…

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một Việt kiều yêu nước thứ thiệt. Rời đất Quảng Nam từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước sang Bỉ du học. Với tuổi trẻ tài cao, người trở thành một khoa học gia hàng đầu Tính toán cấu trúc phức tạp về cơ khí, xây dựng và hàng không, được xếp vào hàng  1 trong 100 nhà khoa học Bỉ gốc nước ngoài làm thay đổi diện mạo khoa học nước Bỉ. Và,  khi cô lại thì anh đứng  trong tốp 10. Anh được vua Bỉ phong làm sĩ quan cận vệ, xếp lên hàng đại thần, và năm ngoái anh được tặng Huân chương Đại thần vương triều Bỉ  trọn đời lần thứ hai (lần thứ nhất là năm 1999 của anh quân Lêôpôn). Anh là giáo sư thực thụ của trường Đại học Lière và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Phạm Đăng Hưng đã làm rạng danh người Việt chúng ta. Trong những ngày tha hương, người luôn canh  cánh bên lòng nỗi thương nhớ quê cha đất tổ, muốn làm một cái gì đó cụ thể để đền đáp cho bà con cô bác ở quê nhà. Bằng uy tín của mình, giáo sư đã xin được tài trợ của chính phủ Bỉ và các nước khác mở  khoa cao học tại trường Đại học Bách khoa tp. Hồ Chí Minh từ năm 1995 được 12 khóa; năm 1998, mở tại Đại học Bách khoa Hà Nội được 7 khóa. Dưới sự đều hành, nuôi dưỡng và mời giáo sư các nước đến giảng bài, gs Hưng còn trực tiếp giảng dạy. Suốt gần 20 năm, hệ cao học tại chỗ đã đào tạo được 318  thạc sĩ , trong đó có 40 tiến sĩ có bằng cấp và chất lượng nước ngoài, đất nước không tốn một xu nào. Công tích thật quá lớn, vô giá. Đào tạo hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia, nếu không có tấm lòng yêu nước cao cả như giáo sư thì chẳng ai làm nổi. Trong những năm tháng vất vả gian nan ấy, giáo sư còn phải gồng mình chịu đựng sự nghi ngờ, theo dõi, cấm cản của lực lượng an ninh,  phải cắn răng chịu đựng những lời gièm pha, khích bác của kẻ  đố kỵ. Giáo sư đã bảo vệ thành công trọn vẹn quyền được yêu nước chân chính của mình !


Cha ông ta thường bảo “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Nguyễn Đăng Hưng là  một Việt kiều biểu trưng cho tinh thần lá rụng về cội. Tâm hồn anh trở nên thư thái khi quyết định hồi hương về sống nốt những năm cuối đời ở cố hương trong tình nhà nghĩa nước với bà con ruột rà thân thuộc.

Tôi đã ngồi hằng nhiều đêm nghe Nguyễn Đăng Hưng kể về cuộc đời mình. Đời của người là một thiên tiểu thuyết khá ly kỳ hấp dẫn, đầy ắp những tư liệu sống động. Tôi rất hứng thú và dự định viết một cuốn truyện về người. Công việc này không khó, tôi biết cách để lần giở những trang đời của anh. Bởi ngoài đời, Con Người này là một hình tượng đẹp đủ sức khái quát không cần phải dùng phép điển hình. Tôi bỏ ý định tiểu thuyết hóa cuộc đời của anh, mà bàn bạc nên viết hồi ký để tác phẩm có giá trị người thật việc thật hơn. Anh Hưng đồng ý. Ai viết đây ? Rất may, anh Hưng là người kể chuyện rất có duyên và hóm nữa. Hơn hai phần ba đời người anh sống ở nước ngoài mà tiếng Việt dùng vẫn  chuẩn, chỉ có một ít lỗi chính tả lẫn lộn giữa dấu hỏingã. Tôi cổ vũ khích lệ anh viết. Anh có hứng và hăm hở viết. Chủ đề thiên hồi ký xoay quanh việc làm thế nào để bảo vệ được quyền yêu nước của một Việt kiều trí thức. Dù ở cố đô Luăng Prabăng (Lào), Bỉ, ở Pari hay Xanh Petécbua… viết được chương nào anh đều email về cho tôi đọc thẩm định lại. Năm qua, anh đã viết được 15 chương. Một số chương đã đăng tải trên blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và thu được những hồi âm rất tốt từ phía bạn đọc.

Hy vọng với đà này, năm nay cuốn hồi ký sẽ hoàn thành để ra mắt bạn đọc.

Ngày 1-1  ngày sinh nhật lần thứ 70 của anh, thực khách dự đông đến dăm chục người, toàn là các viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, học giả, nhà văn, nhà báo, học trò. Họ mang đến những bó hoa tươi thắm và những lời chúc phúc nồng nhiệt. Tiệc buypphê quanh hồ bơi trong vườn ngôi biệt thự xây theo kiểu lâu đài… rất vui, thân mật và ấm cúng.

Nguyễn Đăng Hưng là một người tử tế, một nhà khoa học lão thực, một người yêu nước chân thành ngay từ thời sinh viên đã biểu tình trước trụ sở của Nato đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Anh là người toàn vẹn, hoàn toàn khác xa một số Việt kiều yêu nước chót lưỡi đầu môi tôi từng tiếp xúc. Tôi kính anh như trọng một hiền nhân, quân tử.

Chúc mừng anh thượng thọ :

Bảy mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, viết hồi ký khỏe
Trần mà như thế thật là tiên !

CHÙM TRUYỆN NGẮN CỦA THÁI DOÃN HIỂU (III)

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011 0 nhận xét


Tài - tai

Không một thiên tài nào là không bị bức hại
                                                              VONTER


Lê Ngô Cát ngồi Tri huyện Thất Khê đã được mấy niên !

Ông huyện trẻ không thấy non nước Cao Bằng thơ mộng như trong ca dao ai đó từng nỉ non tủi hờn “ Nàng về nuôi cái cùng con - Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng”, mà chỉ thấy từng giải rừng thiêng chập chùng hoang vắng, suối reo róc rách, chim hót líu lo, mang hoẵng tác váng thung ghê rợn cả hoàng hôn. Có chăng nét gợi cảm đến rưng lệ là thành quách nhà Mạc trơ gan cọ mãi với nắng mưa năm tháng như một thoáng hoài cổ mơ hồ. Mấy lần bệnh sốt nước ngã nước quái ác quật ông xuống hành cho trụi lủi râu tóc. Lê Ngô Cát phập phồng sống trong tâm trạng buồn nhớ quê nhà, bất đắc chí vì cuộc đời này đầy rẫy bất công !

Cao Bằng là u tì quốc dành riêng cho những người như loại ông có tài nhưng không chịu luồn cúi và chẳng biết đứng về phe phái nào hết.

Một sáng thăng đường (Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11, năm 1858), liền có chiếu chỉ của vua Tự Đức triệu ông về Huế. Ông tức tốc lên đường ngay. Mừng lo lẫn lộn khôn xiết. Không biết số phận mình sẽ ra sao đây ?

Đến kinh, Cát vào thẳng Đại Nội bái mạng vua. Tự Đức phán :

-         Trẫm biết rõ tài khanh nên phong cho khanh chức Hàn lâm viện Biên tu và giao Quốc sử quán cho khanh đó. Khanh hãy vì trẫm mà san định lại lịch sử nước nhà cho tử tế ?

Lê Ngô Cát rập đầu :

-         Muôn tâu, thần xin phụng mệnh.

Thế là từ đó cuộc sống đế đô bắt đầu : ơn vua lộc nước, áo mão xênh xang, ăn trắng mặc trơn. Ngày ngày, ngồi ở Quốc sử quán, Các lục lọi bí thư các sắp xếp chỉnh lý tài liệu, xắn cao tay áo viết tiếp lịch sử thời vua Lê chúa Trịnh đến hết thời Lê Chiêu Thống, rồi vắt qua đương triều. Cát viết miệt mài ngày đêm, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này qua năm kia - viết theo lệnh của đức vua ! Dĩ nhiên, ăn cơm chúa phải múa… thành ra cái gì của triều Nguyễn cũng phải hay phải đẹp. Sự nghiệp cát cứ Nam Hà của chúa Nguyễn là chính danh, thuận lẽ trời, hợp lòng người, Còn những gì ở phía bên kia nhà Tây Sơn đều là ngụy tặc, xấu xa đáng căm ghét phỉ nhổ, Cát nhúng bút vào hắc ín bôi đen tuốt. Còn Nhân Dân ? – Nhân Dân  ư ? Ồ, họ chỉ là đám đông mù quáng trong tay một nhúm người có thiên mệnh chỉ lối đưa đường cho lịch sử.

Cặm cụi mấy năm, năm 1860, Cát hoàn thành bộ sách. Sách dâng lên vua. Thật là độc đáo : toàn bộ lịch sử nước nhà được gói gọn trong 3.774 câu lục bát khá uyển chuyển, một bộ sử diễn ca bằng thơ ! Tự Đức ngự đọc, rất hài lòng  “Khanh đã làm trúng ý trẫm”.

Cát viết thế chỉ vì tùy thời và chiều vua. Tu chùa nào phải tụng kinh chùa ấy, Vả, Cát cũng ngã lòng buông xôi chữ tiết. Mỗi khi nghĩ tới Cao Bằng, Cát hãy còn rùng mình, sởn ốc. Ngòi bút của Cát chỉ sáng bừng lên khi viết về những cuộc chiến tranh chống xâm lăng huy hoàng của dân tộc, nó mang hơi thở sử thi cổ đại đầy tráng khí khi Cát dành cho cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng chống quân Nam Hán, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần, cuộc kháng chiến mười năm nằm gai nếm mật của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Ngòi bút của Cát bừng bừng nộ khí khi tả hành động tội ác trời không dung đất không tha của quân cướp nước. Cát châm biếm sâu cay những kẻ rước voi về giày mả tổ, những kẻ ích kỷ phản nước hại nòi. Cái hay của văn là khi nó nói được những thực chất của lòng mình, mọi lời dối trá chẳng lòe được ai. Ta hãy nghe ông nói một đoạn về bà Triệu :

Vú dài ba thước dắt lưng
Cưỡi voi đánh trống trong rừng bước ra
Cũng toan gánh vác sơn hà
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam !

Tự Đức - vẫn ông vua hay chữ ấy ngự lãm đến đoạn này đã vỗ đùi cười ha hả, khuyên tròn rồi phết một sổ thật dài vào cạnh, tiện bút chữa chữ “cũng toan” thành “ghé vai”, rồi quay ra xởi lởi với đám quần thần :

-         Ba thước vú ! Đàn bà vú vê chi dài dữ khiếp rứa. Thế còn bọn đàn ông nước Nam chết rấp mô cả mà chỉ còn đàn bà con gái đánh giặc làm cho bọn Ngô thấy mặt anh thư của nước Việt thôi sao ?

Tự Đức cười, bá quan văn võ cười theo. Nhà vua cho gọi sử gia Lê Ngô Cát vào, ban thưởng cho Cát một tấm lụa với hai đồng tiền ngự bằng bạc !

Nghe tin vui, các bạn hữu nườm nượp đến tận quý xá mừng đòi tác giả bộ Đại Nam quốc sử diễn ca phải có rượu khao. Mọi người chúc tụng hỉ hả. Cát lâng lâng trong khoái cảm công thành danh toại .

Khi rượu đã ngà ngà, một bạn hứng chí đòi chủ nhân phải có thơ tức sự về việc vua ban “lộc”, Cát bèn ngất nga ngất ngưởng đọc :

Vua khen thằng Cát có tài
Ban cho cái khố với hai đồng tiền !

Ít lâu sau, đùng một cái, Lê Ngô Cát nhận chiếu chỉ thăng Án sát kiêm Tán dương Quân vụ Cao Bằng. Lệnh phải lên ngay !

Mãi về sau, ông mới vỡ nhẽ : hai câu thơ của ông đã đến tai Tự Đức. Ui chao, bệnh do mồm ăn vào, tai vạ do mồm nói ra. Đức kim thượng cho ông có ý xỏ ngọt vua keo kiệt (cho một tấm lụa đủ thửa cái khố và hai đồng tiền công may) nên đã “biếm” ông “trẩy” trở lại “non nước Cao Bằng” cho bõ ghét !

(Rút trong tập truyện THỬ GIẢI MÃ SẤM TRẠNG TRÌNH
của THÁI DOÃN HIỂU, gồm 200 truyện chưa xuất bản)

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN