"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

Hoàng Trần Cương - người hóa giải những nỗi niềm, khát vọng (tiếp theo)

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

·         Thơ và trường ca Trầm tích của Hoàng Trần Cương giống như bộ hồ sơ của vị thẩm phán, một phổ hệ gia tộc, một tiểu sử tính cách được tích góp viết hằng ngày, được phân tích đánh giá theo chiều hướng xã hội học và đạo đức học. Có khi nó còn là một tiếng kêu thương, một lời ca tụng, một câu hỏi nhói buốt hay một chuỗi những lời đáp dang dở không lời.

Điểm xuất phát cho những hồi tưởng của Hoàng Trần Cương là từ góc nhìn gai góc, đau thương. Bao cay đắng ngọt bùi của đời người lặn ngụp vào lòng rồi tích tụ xuống đáy sâu tâm tưởng. Ký ức ấy có dịp là òa ra lai láng.

            Quay lại tìm trời đã nín thinh
            Quay lại tìm ta không còn là ta nữa
                                    (Bóng đa làng - Trầm tích)

Nhà thơ đã cho ta sống lại những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn, trong ngần những kỷ niệm buồn đau để vươn lên tầm cao cuộc sống.

Làm thơ mà không có một đòn xeo chủ quan thúc đẩy mãnh liệt xuất phát từ một tư tưởng nổi bật của thời đại làm khởi điểm thì khó lay động được hồn người. Khi sự vong ân bội nghĩa của người đời đang diễn ra ở khắp đó đây thì Hoàng Trần Cương là người sống bằng ân sâu nghĩa cả. Với anh, ân nghĩa là một gánh nặng phải gánh. Anh nói về ân nghĩa như là một thứ trí nhớ của lương tri, một món nợ không bao giờ trả xong. Tích trữ ân nghĩa là một việc làm phúc đức. Anh đem lòng bao dung của mình bao dung kẻ khác. Anh lấy việc đền ơn đáp nghĩa làm niềm vui sống. Không hề than thở hay phàn nàn, những khổ ải đã làm cho lòng người bớt oán hờn. Hoàng Trần Cương đã tưới tình thương và đức độ xuống hận thù do kẻ ác gieo cho người thân của anh. Lòng nhân từ, đức vị tha đã nâng con người lên, tiếp thêm cho nhà thơ một năng lượng mới. Đó là cách trả và cũng là cách chữa lành các vết thương của mình.

Những trang đẹp nhất, rung cảm nhất trong Trầm tích Hoàng Trần Cương trân trọng viết dành cho bà và mẹ với tất cả ân tình máu thịt.

Bà là bà tiên hiền hậu, là cây cao bóng cả che mát đời anh. Trong bà là cả một kho tàng văn hóa dân gian “Câu ví dặm gầy nhom thì thào như người mới ốm - Từ trong cái đãy nâu sồng thắt ngang sau lưng bà tối tối lại bò ra” truyền sức sống cội nguồn sang cho cháu. Những câu thơ dung dị không dễ ai cũng viết được:

            Tuổi thơ tôi đi qua
            Trong nắng mưa lấn bấn
            Trong dáng bà đã lấm bóng hoàng hôn
            Những khi bà ốm
            Giàn trầu không đầu hồi bỗng dưng trụi lá
            Mùi hương bay váng vất cả chiều
            Gió mang lá trầu vàng đặt vào manh chiếu
            Ngoài sân
            Một mình cây cau dầm trong sương muối
            Âm thầm cúi đầu
            Giấu bóng vào hiên
            Đợi chừng nửa đêm khi bà tỉnh giấc
            Mây buông mảnh trăng liềm
            Ánh trăng nâng bóng cau non mớm đặt vào mép chõng
            Bỏm bẻm miếng trầu
            Rón rén thức mùi hương
                                    (Đất mật - chương 2 Trầm tích)

Người mẹ của Hoàng Trần Cương là một người mẹ giàu lạc quan. Bà tất tả ngược xuối, tay cắm chân vầy trong bùn ruộng cấy cày gặt hái “Gió thốc vào dáng mẹ bạt theo mưa”. Bà tảo tần “Sấp mặt ngồi cuối chợ - Nhặt về những đồng xu bạc phếch đất bùn”. Với “đôi chân trần tóe máu tươi” bà quảy đầu con đầu hàng “Gò lưng giữ cho cân đòn gánh - Chỉ sợ con lật người là đổ mất ngày mai”. Bà tằn tiện, căn cơ “Cái nón mê mẹ đội nửa đời người - Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút”. Bà xắn váy quai cồng lo toan từng bữa ăn với “vàng khè màu ngô dặt”, với “đĩa rau lang cao như tầng núi xám” cho một gia đình đông con thiếu ăn quanh năm. Bà gạt nước mắt, giấu tiếng thở dài trước mặt con cái “Mẹ chan tiếng cười chạy vòng quanh mâm”. Bà đem cái can trường ra trụ với cuộc đời cơ cực:

            Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười
            Trên gương mặt bầy con ngày giáp hạt
                                    (Những viên đá lẻ - Trầm tích)

Người mẹ của Hoàng Trần Cương là một người đàn bà kiên nghị, biết cách dạy con sống:

            Ngậm đắng nuốt cay
            Không vay mượn tiếng cười
            Mẹ dặn con những giọng cười đi mượn
            Sớm muộn gì cũng phải trả người ta
            Muối đã mặn xin đừng pha nước mắt
            Mồ hồi sẽ lọc mình tinh khiết
            Và nụ cười trở lại sáng bờ môi
                                    (Những viên lá lẻ - Trầm tích)

Tình yêu của mẹ dành cho anh không bao giờ già. Trái tim của mẹ đã là trường học dũng cảm dẫn dắt tuổi thơ. Hình bóng mẹ luôn thổn thức sống trong tâm tưởng anh, trên môi anh tên mẹ chính là tên của vị thần hộ mệnh.

            Mẹ là trầm tích của làng quê hoa trái
            Cất trữ mọi giấc mơ rồi có mặt trên đời
            Mẹ là trầm tích của bạt ngàn thương mến
            Xanh mát màu trời đượm ấm hương quê
            Đưa ngọn gió trở về xóm nhỏ
            Đưa cơn mưa xuống mạch giếng làng
            Đưa mây trắng về trời khêu lại nắng
            Đưa nỗi buồn ra khỏi thôn trang.
                                    (Những viên đá lẻ - Trầm tích)

Khi nửa đời nhìn lại mình, đối chứng với bao người khác, đặc biệt với người đã khuất, Hoàng Trần Cương xem những ngày anh sống bây giờ “kể như là lãi”. Anh bảo: “Tư bản của mỗi người chính là vận may của họ - Tư bản của riêng con - Là cuộc sống mẹ cho - Những đồng vốn bằng xương cha da mẹ”.

Và cuối cùng, đọng lại trong hồn nhà thơ là bức tượng đài Người Mẹ tạc bằng nghĩa tình thắm đỏ:

            Mẹ ngồi nhen lửa dưới mưa
            Nuôi tôi giữa nước và trời
                        (Cật tre - Trầm tích)

Hoàng Trần Cương không hướng về số lượng sự kiện khi phản ánh, mà hướng theo chiều hướng sự kiện tìm tòi tiêu biểu. Các sự kiện chỉ làm nhiệm vụ bắc dàn cho bầu bí suy tưởng xum xuê bò lan ra. Là một kế toán trưởng, Hoàng Trần Cương cân đo đong đếm cuộc đời rất chính xác, tạo ra được những bất ngờ kỳ thú. Những câu thơ so le miên man, hoang dại chạy lúp xúp trên những dòng kẻ đứt nối của thời gian hoài niệm. Dưới ngòi bút của anh cái gì cũng sáng tỏ. Những lời độc thoại ngổn ngang tâm sự của thi nhân đã đem vào thơ cả một niềm hưng phấn trong sạch.

Anh đóng nhiều vai, nhập vai khéo: lúc là trẻ con “nhảy cò cò với cỏ”, lúc là một lão nông tri điền, lúc lại là bà, mẹ, cha, người lính, nhà quản lý, một cán bộ về hưu, nhân viên kế toán...

Anh yêu cái đẹp, cái thật, cái tốt đến nồng cháy, ghét cái dối trá, cái ác, cái xấu đến sâu sắc. Anh yêu mình, yêu những gì trong mình mà người khác có thể yêu được.

Hoàng Trần Cương viết hồi ký bằng thơ. Nhớ lại dĩ vãng để làm gì? - Dĩ vãng chỉ còn là dĩ vãng hắt hiu, ngồi luyến tiếc quá khứ thì chỉ là một gã khờ bệnh hoạn. Ai chỉ chăm chắm sống cho hôm nay sẽ làm hỏng ngày mai của mình. Còn người sẵn sàng hy sinh hiện tại chỉ ngồi mơ mộng hướng tới ngày mai là một kẻ giơ tay bắt gió hoang tưởng. Với Hoàng Trần Cương, cuộc sống không phải là chuỗi ngày buồn nản đã trôi qua, mà là những mảng đời sướng khổ buồn vui còn tươi nguyên in đậm trong trí nhớ. Quá khứ còn sống trong hiện tại, còn tương lai chính là hiện tại đang đi vào bằng một ngõ khác. Hoàng Trần Cương không tán dương quá khứ, anh hồi ức lại quá khứ là để sáng tỏ hiện tại. Anh vừa mỉm cười vừa tách mình ra khỏi quá khứ. Quá khứ khổ đau là lực đẩy, đẩy anh về phía tương lai. Nhận rõ cái gì là tức thời, cái gì là muôn thuở, Hoàng Trần Cương lấy lửa từ quá khứ chứ không lấy tro tàn. Anh tràn đầy hy vọng sống cho hôm nay bằng cái vốn liếng sẵn có của ngày qua, và tầm nhìn xa trông rộng của ngày mai. Anh không tiến vào tương lai bằng cách đi giật lùi. Đằng sau dĩ vãng, nhà thơ ngả mũ chào; trước tương lai, con người công dân trong anh đang xắn tay áo lên.

Trong thơ Hoàng Trần Cương quá khứ, hiện lại, tương lai hòa quyện đan vào nhau trong một chỉnh thể tạo nên bức tranh thời gian và không gian mênh mông, một thứ thời gian và không gian của tâm tưởng, nỗi niềm, khát vọng.

Khi tình đã chín, trí đủ đằm thì thủ pháp cất cánh. Hoàng Trần Cương có chất thi sĩ bẩm sinh, có ý thức tu dưỡng nghề nghiệp, đã định hình phong cách riêng, vừa hùng tráng vừa bi thiết. Bằng những chữ nhặt từ nơi bắt ốc mò cua tinh chế nên, ngôn ngữ thơ Hoàng Trần Cương mang mùi hương đất đai, cây trái, ao vườn, nắng lửa, mưa dồn, bão góp, lảnh lót tiếng mẹ đẻ ầu ơ vọng về từ miền thơ ấu xa xăm. Chất thơ của anh đậm đà trong từng chi tiết bình thường, lặn cả vào trong sỏi đá. Nhà thơ đã say sưa kể cho mọi người nghe về sự phức tạp và cái đẹp của cuộc đời. Hoàng Trần Cương chú ý nâng niu cả đến những cái nhỏ nhặt, những linh hồn bé nhỏ, gắng giảm bớt khổ đau, tăng niềm vui sống cho mọi người. Anh chuyện trò thật đằm thắm, lắng đọng tình người, tình đời, những trải nghiệm phong phú, những đúc rút tinh thông. Người đọc rung cảm phập phồng theo từng vận tiết nơi trái tim sinh nở của thi nhân. Từ trong rơm rạ, nước đọng bùn lầy, Hoàng Trần Cương đã bật lên những cảm hứng đầy thi vị thành những tâm khúc nỗi niềm.
Trầm tích là sự  lắng đọng vật chất như phù sa, các thứ quặng mỏ, lắng kết cả những thứ của cải phi vật thể như ngôn ngữ, phong tục, lịch sử, văn hóa, đạo đức, phẩm tiết…Trầm tích với 19 chương đã được tác giả khai thác như nhà địa chất bóc tách từng vỉa các địa tầng để lộ những châu báu trong lòng đất. Nó là một trường ca bề thế, một dàn hợp xướng đồ sộ, được dàn âm phối khí nhịp nhàng, ăn ý. Cái nội lực giao hưởng này đã làm cho thiên trường ca thành công chuyển tải được khối dung lượng lớn những điều công dân Hoàng Trần Cương muốn thổ lộ.
Trầm tích là một trường ca thành công. Phép làm thơ trường thiên phải như sóng dậy, đợt này trùng điệp với đợt sau. Người giỏi thơ thường chỉ nêu ý mà không vạch tên, dẫn lý thông, nói việc trôi, tả cảnh vi diệu. Trầm tích có chi tiết đắt, cốt vững, bút pháp tung hoành, câu thơ vừa êm ái vừa gân guốc, thực và ảo xoắn xuýt lấy nhau.

Trong quá trình sáng tạo, ý nghĩa của trực giác nghệ thuật chỉ phát sáng lên khi những tiền tố tư tưởng được người nghệ sĩ đẩy lên hàng đầu. Nhiệm vụ của nhà thơ đâu phải chỉ tái hiện hiện thực thế giới mà điều trọng yếu là phải biểu hiện khát vọng của con người. Thơ phải hướng dẫn con người sống tốt đẹp hơn. Để làm cho thơ mình có thần khí, Hoàng Trần Cương không biểu hiện những gì đã qua, anh đang làm cho cái ấy sống lại và tiếp diễn. Hoàng Trần Cương không phản ánh sự thật trần trụi mà phản ánh một cái gì đó giống như sự thật. Cuộc sống sẽ chuyển hóa tiếp làm nó mất hẳn đi cái chất nguyên thủy tự nhiên để lột xác thành chân lý nghệ thuật. Trong thi phẩm của mình, các hình tượng của Hoàng Trần Chương đều mới mẻ, độc đáo, mỗi hình tượng đều sống đời sống riêng của nó. Nhà thơ hiểu nhiều biết rộng, cảm sâu đạt đến thâm độ lý tính và sự bặt thiệp từng trải.

Trầm tích có kết cấu tự sự giản đơn nhằm biểu đạt quá trình thanh lọc tâm hồn nhà thơ. Hoàng Trần Cương đã đưa ra như một giá trị cao hơn, khái quát hơn cái mà tự nhiên chưa hề có trong bản thân các thi liệu. Thơ anh đã chuyển tải được thế giới chân thật của tinh thần, một thứ hiện thực cao nhất của tồn tại. Chúng ta sửng sốt bởi tính chân thực, hồn nhiên, chuẩn xác như nó đã diễn ra đúng như thế trong đời. Đọc Hoàng Trần Cương ta không tìm thấy mà ta nhận thấy. Nhà thơ đã nâng cao được chất bác học, tính hiện đại trong thơ.

Trầm tích không hiến cho ta một điều gì thật kinh động. Tác giả biết cách giãi bày sự vật, sự kiện như nó chưa bao giờ được nói tới trước kia, đã nhìn sáng rõ hơn người thường tiếng vọng của nhân thế.

Bên cạnh những điểm mạnh trên, Hoàng Trần Cương còn vướng phải một vài khiếm khuyết. Thỉnh thoảng nhà thơ còn để cho tình cảm của mình dắt đi, cuốn theo nên các thao tác tư duy thơ có chỗ rối. Anh miên man say nên giọng kể có khi sa đà, tứ bị dàn trải, phân bố không cân xứng, quên chỗ dừng, trùng lặp hoặc dùng thái quá các thi liệu: Hoàng hôn (“Tấp hoàng hôn đóng nhấm cuối chiều” - “Mây trắng tuôn về loãng hoàng hôn”), chiều, trăng, nắng - [Câu thơ khá hay “Đêm âm thầm vùi nắng vào trăng” nhưng môtíp này có khác chi “Nong kén vàng rủ nắng vào đêm”, có khác chi “Để nắng lặn vào mắt trong...”. Hình ảnh đẹp rất Nghệ “nắng ra nàng” đã dùng ở Trầm tích rồi thì Đỉnh vua chớ dùng lại nữa].

Hoàng Trần Cương còn để lại những câu thơ khắc chạm nhưng gia công hơi quá tay:

            Đâu chỉ lỡ một chuyến đò đánh chìm duyên đôi lứa
            Trái tim trẫm mình trong máu đỏ tươi
                                    (Sấp ngửa bàn tay)

Anh đã dụng công nhưng vẫn chưa vượt khỏi hơi hướm của thơ tiền chiến:

            Áo ai chợt sẫm màu thương nhớ
            Mượn bóng hoàng hôn trốn bóng mình...
                                    (Manh áo hoàng hôn)

*
Plutác viết rằng “Tình yêu cổ xưa nhất tình yêu cuộc sống. Và bài thơ hay nhất chính là bài thơ của sự sống”.

Với một tay nghề già dặn, thơ Hoàng Trần Cương là thứ phù sa kết đọng mang nét tổng kết cuộc đời sau những năm tháng vật lộn gian nan. Như một tấm gương lồi, nhà thơ đã phản ánh được những vấn đề chân thật và bản chất nhất có tính đặc thù của thời đại ta đang sống. Soi vào dòng thơ Hoàng Trần Cương ta thấy bóng dáng mình thấp thoáng nổi chìm. Nhà thơ đã cảnh báo: sống đâu phải dễ, phải kiên cường lắm mới mong sống sót ở đời.

Trầm tích và tập thơ Quà tặng của của thế kỷ của Hoàng Trần Cương là những thi phẩm có giá trị được kết tinh bằng máu huyết của một thi nhân tạo nên khí cốt tầm vóc thi bá. Văn học Việt Nam hiện đại ghi thêm một tên tuổi mới sáng giá về trường ca :Hoàng Trần Cương, sau những Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Thi Hoàng, trước những Nguyễn Vũ Tiềm… Tr
ầm tích  là bản trường ca về cuộc sống, bài ca về số phận con người mang ý nghĩa nhân văn bởi nó đã khêu gợi và truyền lửa cho ta hành động. Thơ Hoàng Trần Cương là quyển cách trí, là sách học làm người bằng thơ hướng cho con người một thế đi, dáng đứng.

Sau chiến tranh thơ ta đang có xu hướng khai thác đời tư và những mảnh đời vụn vặt, nhàn tản thì Hoàng Trần Cương đã dám xông thẳng vào những vấn đề thế sự gai góc nóng bỏng của xã hội hôm qua và hôm nay để hướng tới ngày mai tươi sáng với cái nhìn sắc bén, tổng lực cất lên tiếng nói mạnh bạo có trọng lượng, đầy ma lực  nghệ thuật. Trầm tích là thiên trường ca  có lẽ là hay nhất trong các trường ca hay của nửa cuối thế kỷ XX đầy giông bão, máu lửa.
Trầm tích của một đời đã trầm lắng hết kết xuống  Trầm tích thành Trầm Nghệ ca độc đáo. Tác giả đã “tuốt xác ra mà thơ,…nó vật vã, tướp táp, thắt ngực buốt lòng” (Thanh Thảo). “Đây là một trường ca được viết bằng một thủ pháp nghệ thuật khúc chiết trong các cặp đối lập, nhưng đầy va đập giữa các ngôn từ, hình ảnh, lý trí, cảm xúc, với lối kết cầu đa tầng, đa thanh, đa nghĩa. Tác giả sử dụng đầy ắp các động từ, nhịp thơ sinh động, biến hóa và tạo được “ép phê” cực mạnh ở các cao trào phụ trong từng chương đoạn nhằm đẩy tới một cộng hưởng gần cuối tác phẩm (chương Đá đỏ). Hoàng Trần Cương đã tạo ra một thi pháp động rất đặc sắc trong thơ Việt cuối thế kỷ XX” (Nguyễn Trọng Tạo). “Trầm tích bởi 5 cái “rất”: rất Nghệ, rất thật, rất lính, rất riêng và rất giáo hưởng” (Nguyễn Thụy Kha). “Trầm tích thô tháp mà vẫn không thiếu tinh tế, nhạy cảm” (Đỗ Chu). “Tôi mê thơ Hoàng Trần Cương. Tác giả đã đi hết cỡ cái cá nhân mình trong tác phẩm” (Trung Trung Đỉnh). “Qua độ lắng của thời gian, thấy Trầm tích không bị phai nhạt” (Phạm Tiến Duật). Ra đời hơn chục năm, Trầm tích đã sống một đời sống khỏe mạnh tươi tốt “Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng thật lớn thế này. Tác giả Trầm tích là một thi sĩ đích thực, một nhà thơ lớn. Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được như thế. Đọc ứa nước mắt. Đấy chính là thơ đích thực của quê hương  Việt Nam nghèo khổ. Con người Việt Nam đích thực phải là con người miền Trung. Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra từng câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện ra được những chi tiết đắt giá. Trầm tích rõ ràng có không khí trường ca, nhất quán chất trường ca” (Hoàng Cầm). “Trầm tích là một bài thơ lớn chứa nhiều chục bài thơ nhỏ có giá về Cội nguồn, về Đất đai, về Hạt giống, về quặng lửa… “ (Hồ Phi Phục). Với Trầm tích, “anh Hoàng Trần Cương đã chọn hướng đi đúng. Viết trường ca là dấn thân vào phiêu lưu. Tác giả phải biết giữ người ta ngồi lại đọc qua hàng trăm trang thơ, hàng ngàn câu thơ. Về nghệ thuật trường ca, nên tạo ra “khoảng trống” đó nhằm tạo ra vùng liên tưởng, để bạn đọc cùng ta sáng tạo lại một lần nữa , mở ra những thế giới khác, tái sinh ý nghĩa” (Hữu Thỉnh) (1)
Trầm tích là như vậy đó! Tôi nghĩ, nếu có viết thêm 4 trường ca nữa như dự kiến thì rồi Hoàng Trần Cương cũng khó mà vượt qua được chính anh?  


Thoạt trông, cái mặt Hoàng Trần Cương ẩn tướng rất khó nhìn, nó khắc khổ, góc cạnh và bụi bặm. Đúng là hoa sen trong giếng ngọc! Là hậu duệ đời thứ29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi, Hoàng Trần Cương mang trong mình dòng máu thơm tài hoa và tiếp tục làm rạng danh công đức cụ tổ của mình. Anh đã hai lần đoạt giải trạng nguyên về văn chương.

(Rút từ bộ  THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)
THÁI DOÃN HIỂU
Nguồn : http://thaidoanhieu.blogspot.com


---------------------------
(*) Nhà thơ Hoàng Trần Cương sinh ngày 30-7-1948 tại xã Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1994). Hội viên hội Nhà báo Việt Nam. Hội viên Hội Kế toán Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Đại học Tài chính - Kế toán, tháng 8-1970 Hoàng Trần Cương gia nhập quân đội chiến đấu ở các chiến trường miền Nam, Lào và Tây Nam. Kết thúc chiến tranh 1975, nhà thơ ra quân chuyển ngành làm chuyên viên ngành kế toán kinh doanh, bộ Tài chính. Hiện nay là Phó tổng biên tập, rồi Tổng biên tập Thời báo Tài chính. Mới nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản:
Hạnh phúc hôm nay (Ký sự, in chung), Thanh Niên, 1971; Bầu trời Quảng Trị (Truyện ký, in chung), Thanh Niên, 1972; Dư âm (Truyện ngắn, in chung), Lao Động, 1976; Đường chân trời (Tập thơ, in chung), Trẻ, 1989; Dấu vết tháng ngày (Tập thơ) Hội Nhà văn,1991; Trầm tích (Trường ca), Hội Nhà văn 1996, 1999 ( Đã dịch sang Anh ngữ), Quà tặng của hành tinh (Tập thơ), Hội Nhà văn,1999.

Hoàng Trần Cương đã nhận các giải thưởng văn học:
- Giải A cuộc vận động viết về lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với ký sự
Hạnh phúc hôm nay.
- Giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ 1989-1990 với trường ca
Trầm tích và chùm thơ.
- Giải thưởng VHNT Bộ Quốc phòng (1994-1999)
trường ca Trầm tích.
- Giải thưởng Hồ Xuân Hương  (5 năm một lần) của Hội VHNT Nghệ Tĩnh  cho trường ca Trầm tích.
(1) Sau khi trường ca Trầm Tích ra đời, phát hành chính thức năm 1999, bài viết trên đây của chúng tôi được công bố trên tạp chí Sông Hương số 142 ra tháng 12-2000, tạp chí Nhà văn đăng lại trên số 2-2001, tác phẩm Trầm tích đoạt 4 giải thưởng quốc gia, đã gây một chấn động lớn trong công chúng bạn đọc và giới văn nghệ cả nước. Trong âm hưởng của tiếng vang đó, báo Văn Nghệ đã mở cuộc tọa đàm về Trầm tích ngày 3-10-2002 tại tòa soạn với rất đông văn nghệ sĩ tham dự. Các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã phát biểu tại chỗ khá sôi nổi, đánh giá cao Trầm tích. Để bạn đọc biết thêm thông tin, chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến quay quanh cơn địa chấn Trầm tích trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại cuối thế kỷ xx 
Thái Doãn Hiểu

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN