"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

TRƯỚC TÁC KHOA HỌC

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011 0 nhận xét

Tưởng niệm nhân  229 năm ngày sinh nhà bác học Phan Huy Chú:


TRƯỚC TÁC KHOA HỌC
ĐỂ MỘT ĐỜI HIỂU THẤU MUÔN ĐỜI


THÁI DOÃN HIỂU


Năng lượng khoa học mà Phan Huy Chú gửi vào bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí là khuynh hướng tư tưởng duy lý, phương pháp tư biện phân tích, phân loại, tổng hợp một cách nhất quán, hệ thống logic, tạo nên được một sản phẩm văn hóa khổng lồ, đột phá, vượt quá xa thời phong kiến trung cổ của văn minh… nông nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chính Phan chứ không ai khác là người tiên phong khai sáng cho sự tiến triển của văn hóa nước nhà từ cổ đại sang hiện đại.

*


Phan Huy Chú (1782-1840) là nhà thơ, nhà bác học lỗi lạc của thế kỷ XIX.

Phan Huy Chú tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong. Quê quán của ông ở xã Thụy Khê, tục gọi làng Thày, một vùng quê có thắng tích Sài Sơn ở Hà Tây. Quê gốc - họ Phan Huy của ông hiện  nay vẫn là một dòng họ lớn có truyền thống khoa bảng ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Gốc gác xa xưa của họ nổi tiếng về nghề ca xướng.

Phan xuất thân trong một gia đình trí thức có tầm cỡ với những tên tuổi đáng nể trọng : Phan Huy Cận (ông nội), Ngô Thì Sĩ (ông ngoai), Phan Huy Ích (cha), Ngô Thời Nhiệm (bác – anh mẹ), Ngô Thì Vị (cậu), Phan Huy Ôn (chú), Phan Huy Sáng (chú), bà Ngô Thị Thục (mẹ) là người có học, rồi vợ ông (con gái danh y, quan thượng thư, tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch tức Nguyễn Gia Phan)… Gen di truyền, sự kế thừa và môi trường ấy đã nâng đỡ, tơ trời vấn vít tạo nên tài năng, học vấn cho Phan. Vốn thông minh, lại được các thành viên trong gia đình rèn cặp nên Phan học rất giỏi, nổi tiếng uyên bác cả vùng Sài Sơn.

Phan sống trong gai góc vây bủa thời tráng niên của mình là một hàng rào lý lịch khá đặc biệt nguy hiểm : nội thân ngoại thích của ông đều là trụ cột của Tây Sơn - kẻ tử thù của nhà Nguyễn vừa bị họ đánh đổ, trả thù khốc liệt, hèn mạt. Con đường thi thố tài năng bằng hoạn lộ thật mịt mờ. Sau vài phen thử vận may vào năm 1807 và 1819, không vượt khỏi tú tài vì bị kỳ thị, ông Kép Thày  (dân làng nể trọng gọi thế) đành chuyển sang con đường trước thuật  với tất cả năng lực được tu luyện khá kỹ càng cùng chí hướng nung nấu của một trí thức tự do. Ròng rã 10 năm trời từ tuổi 27 (1809) đến tuổi 37 (1819), Phan dựng nhà trong núi, “đóng cửa tạ khách” (đóng cửa không tiếp khách) để làm sách. Sống giữa một thiên nhiên u nhã với bạt ngàn sách vở tàng trữ được bao đời trong kho thư tích gia bảo của gia đình, Phan đã chịu đói lạnh dùi mài nghiên cứu, tổng kết được mọi điển chương, thâu tóm được mọi tinh túy học vấn dân tộc của những người đi trước, soạn ra bộ bách khoa sử học đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí.

Năng lượng khoa học mà Phan gửi vào bộ sách là khuynh hướng tư tưởng duy lý, phương pháp tư biện phân tích, phân loại, tổng hợp một cách nhất quán, hệ thống logic, tạo nên được một sản phẩm văn hóa khổng lồ, đột phá, vượt quá xa thời phong kiến trung cổ của văn minh… nông nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chính Phan chứ không ai khác là người tiên phong khai sáng cho sự tiến triển của văn hóa nước nhà từ cổ đại sang hiện đại.

Dẫu không có chân trong đám đại khoa nhưng tiếng thơm của Phan vẫn bay xa. Vua Minh Mệnh nghe tin đồn xuống chiếu triệu ông vào Huế cho giữ chức Hàn lâm viện biên tu (1821), sung đoàn sứ bộ đi sứ nhà Thanh (1828), thăng Hiệp trấn Quảng Nam (1829). Sau đó Phan bị giáng. Năm 1831, lại được cử đi sứ Trung Quốc lần hai, khi về bị cách tuột vì bị ghép tội lộng hành. Năm 1832, lại bị Minh Mạng bắt đi tiền quân hiệu lực ở Inđônêxia về công thương buôn bán.. Xong việc, Phan được khôi phục với chức vụ Tư vụ bộ Công. Trên thực tế, Minh mạng cũng muốn dùng Phan nhưng không thể ưu ái, tin cậy được bọn cừu gia đệ tử. Bản thân Phan cũng vậy, làm sao ông có thể yêu quý cái triều đình đã nọc cổ cha và bác ông đánh tóe máu, một người mang đầy thương tích, một người tử thương giữa Văn Miếu ? Phan không phạm lỗi sao được khi tài năng và đức thương dân của ông vượt ra khỏi trí não lôi long hẹp hòi, bảo thủ của bọn hủ nho già (1)

Có lẽ đến đây, trên mười năm “tha hóa” (chữ dùng của nhà sứ học Lê Văn Lan) làm quan chức hành chánh triều nhà Nguyễn, Phan đã  lợm mùi khổ nhục thăng giáng nơi quan trường, lấy cớ đau yếu xin cáo quan về nghỉ, mở trường dạy học ở Thanh Mai, rồi mất ở đó. Mộ ông hiện nay còn táng tại ở xã Vân Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ngoài bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú còn để lại : Hoàng Việt địa dư ký: sách viết về địa lý nước ta dưới triều Nguyễn; Hoa thiều ngâm lục là tập thơ Phan đi sứ Trung Quốc lần thứ nhất (1825) gồm: quyển thượng có một bài tựa, 161 bài thơ, 3 bài phú, quyển hạ  có 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ; Hoa trình tập ngâm là tập thơ Phan đi sứ Trung Quốc lần thứ hai (1831) gồm 127 bài thơ; Dương trình ký kiến (ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc hành trình trên biển) khi Phan đi tiền quân hiệu lực sang Inđônêxia (1832), tác phẩm này bị mất nay chưa tìm thấy; Nam trình tạp ngâm tập thơ 36 bài (bị mất); Tiến Ngọc phả biểu là cuốn gia phả nhà Nguyễn do Phan và một người khác soạn dâng Minh Mệnh.

*

Lịch triều loại chí là công trình lớn nhất làm cho tên tuổi của Phan sống  mãi. Toàn bộ trí tuệ, tài năng, sự đam mê khoa học, ý chí lao động Phan dồn hết cho công trình này. Nó là sự kết tinh một tình yêu lớn đối với lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Trong lời tựa của tác phẩm, Phan đã kể về công việc của mình:

Nước Nam từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, trần, phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của thời ấy. Đến thời nhà Lê kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa…

Duy điển lễ của các triều trước chưa có sách sẵn. Trong quốc sử biên chép công việc hàng năm về điển lễ còn sơ lược nhiều. Huống chi từ năm Bính Ngọ (1786) xẩy ra việc binh đao đến giờ, sách cũ tan nát, chỉ còn lại một  ít của các cố gia thế tộc cất giấu đi. Các sách nát, vở cũ còn lại biên chép lẫn lộn sai lầm chưa lần ra đầu mối, có bàn về điển cố các triều thì lờ mờ không bằng cớ vào đâu. Vậy thì, chép lấy những điều mắt thấy tai nghe, chia ra từng việc, từng loại để làm một quyển có khuôn phép há chẳng phải là nhiệm vụ của nhà học giả ư ?

Tôi từ nhỏ đi học vẫn thường có chí ấy. May nhờ sách vở của mấy đời để lại và sự dạy dỗ của gia đình nên về điển chương gọi là có biết qua đầu  mối, nhưng hiềm vì sứ sách tản mát chưa kịp sửa chép. Từ khi vào núi đến giờ, mới đóng của tạ khách cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách được nhàn rỗi, thì lại tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn. Ngày tháng góp lại đến nay đã trải 10 năm, biên chép đã xong”…

Lịch triều hiến chương loại chí tất cả có 10 chí, 49 quyển ghi chép 10 bộ môn được phân loại, nghiên cứu, theo trình tự:

1- Dư địa chí: nghiên cứu sự thay đổi về lãnh thỗ bờ cõi qua các thời đại.
2- Nhân vật chí: kể về hành trạng cá vua chúa, những nhân vật  như danh tường, hiền sĩ có công tích đối với các triều đại.
3- Quan chức chí: việc đặt quan chức và thay đổi quan chức các triều đâi, chế độ phâ phát bổng lộc, chế độ bổ dụng người làm qua.
4- Lễ nghi chí: những quy định về y phục, mũ miện, xe cộ của vua chúa, các phong tục thờ cúng, tang ma, cưới hỏi.
5- Khoa mục chí: phép tắc thi cử, thể lệ các kỳ thi, học vị học chế các đời.
6- Quốc dụng chí : sổ hộ khẩu, phép thu thuế, đánh thuế hàng hoá, tiền tệ, chế độ ruộng đất…
7- Hình luật chí: khái quát về luật lệ, luật pháp các đời.
8- Binh chế chí: việc tổ chức quân đội, chế độ quân lương, quân trang, quân dụng, phép thi võ.
9- Văn tịch chí: nói về sách vở, văn hóa, văn học các thời.
10- Bang giao chí: thể chế ngoại giao, nghi lễ đón tiếp các sứ thần các nước.

Đó là toàn bộ lịch sử văn hiến của một dân tộc chứa đựng trong bộ sách bách khoa toàn thư với chiều rộng và bề sâu 10 khoa học thiết yếu của một quốc gia. Thực chất công việc nghiên cứu của Phan là tỉ mẩn làm công việc phân loại, hệ thống và đánh giá các tri thức. Với cốt cách sáng suốt, sành sỏi, bao quát, tường tận với tính chính xác của tư liệu, sự tôn trọng sự thực khách quan, Phan Huy Chú đã vững vàng đóng các vai nhà sử học, nhà địa lý, nhà luật học, nhà kinh tế học, nhà giáo dục, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thư tịch học, nhà nghiên cứu và phê bình văn học… Lĩnh vục nào Phan cũng tỏ ra uyên thâm, chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập và bản lĩnh học thuật cao cường của cá nhân Phan cũng như tinh hoa của các thế hệ. Sau 177 năm từ khi Lịch triều hiến chương loại chí ra đời, liệu có ai đó ở nước ta dám làm một công trình quy mô như ông “tú quèn” họ Phan này chăng ?

Tính mục đích của Lịch triều hiến chương loại chí nằm ngay trong tên gọi của nó: hãy giữ vững và làm theo pháp chế, điển chế của các đời. Rõ ràng sách là đối tượng nghiên cứu phổ biến tâm thuật trọng yếu của nhà bác học, ông nghĩ: “Cái tinh vi của  lòng nghĩ ngợi lo toan, đều gửi gắm trong văn chương để hiếu thấu đường đời. Văn minh của  loài người đều chứa trong sách” (Tựa Văn tịch chí).

Cùng với tập ký Vân đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí là một trước tác khoa học chặt chẽ, khuôn mẫu để “người đọc một đời hiểu thấu muôn đời”.

Khi bộ Lịch triều hiến chương loại chí dâng lên,  vua Minh Mạng thưởng cho Phan 30 lạng bạc, 1 chiếc áo sa, 30 ngòi bút lông, 30 thỏi mực. Chút nhuận bút hương hoa bạc bẽo cho mười năm lao động khoa học với công trình không ai sánh nổi đã không làm cho Phan buồn tủi, trái lại làm ông vui sướng vì bao điều tâm huyết của nhà học giả kiêm nghệ sĩ gửi gắm trong đó đã được khắc in và phổ biến.



----------------------
(1) Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ chép : Vào năm Minh Mệnh thứ tư (1823) “Lang trung bộ Lại Phan Huy Chú dâng sớ điều trần bốn việc, nói nhiều điều viển vông, bậy bạ, không thiết thực việc đời. Vua xem cười bảo rằng “Chú cầu tiến thân mong được hợp ý như bọn Mao Toại tự tiến vậy”, rồi trả lại sớ”.

NGÔ NGHÊ NGỐ NGHỆ

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011 0 nhận xét

NGÔ NGHÊ NGỐ NGHỆ, NGỘ, NGHI NGỜ

Phiếm đàm của THÁI DOÃN MẠI



Có những điều quen thuộc với mọi người mà mình không hiểu gọi là ngố. Ngộ có nhiều nghĩa: là gặp (hội ngộ), là sai lầm (ngộ nhận) là hiểu ra (diệu ngộ) là trái ngược (ngộ ngược). Có lẽ nhiều người phải trải qua như thế. Sợ bị người đời chê là dốt nát, tôi đành ghi cái ngố của mình vào nhật kí để “ một mình mình biết một mình mình hay”.

        Hôm qua làm cái đơn, dòng đầu là CH XHCN VN, quốc hiệu này làm tôi nhớ tới quốc hiệu 1945 VN DC CH. Điều này làm tôi ngờ ngợ vị trí của danh từ riêng VN. Ngố Nghệ tự lí giải: quốc hiệu 45, VN là trung tâm ngữ, DC,CH (tính từ) làm định ngữ. Vậy cụm từ VN DC CH được sắp xếp theo trật tự cú pháp nước Nam ta. Suy rộng ra , quốc hiệu 76 CH XHCN VN được sắp đặt theo cú pháp Tầu chăng ? Vua Minh Mạng đặt quốc hiệu Đại Nam thì chắc chắn thuận theo cú pháp Tàu là nhẽ dễ hiểu. Học tập Bác Hồ tôi muốn dân tộc hóa quốc hiệu nước mình : VN XHCN CH . Ôi, nghe mà nghịch cái lỗ nhĩ, phải chăng ta quen tai đi rồi !

       Trong các đại lễ, quốc thiều VN vang lên thật hùng tráng. Nghe nói ban đầu Tiến Quân Ca (ra đời trong hoàn cảnh phát xít thực dân hoành hành) có ca từ : “thề phanh thây uống máu quân thù”…, sau này được sửa lại : “thề vì Dân chiến đấu không ngừng”… nghe nhân văn  mà vẫn hào sảng. Nay trộm nghĩ trong quốc ca có câu : “Đường vinh quang XÂY XÁC quân thù nghe ra có mùi hiếu sát”. Nghĩ rằng Nguyễn Trãi đánh quân Minh nhưng vẫn sẵn mở đường hiếu sinh, Bác Hồ những ngày căng thẳng cuối năm 1946 vẫn tính đường nhân nhượng, để Pháp, Việt không đổ máu. Mạo muội tôi đề xuất ca từ thay thế: “Đường vinh quang thấm máu anh hùng”, để tôn vinh ý chí quật cường cả một dân tộc anh hùng, tránh cái hành vi trả thù Cám  của Cô Tấm dịu hiền trong cổ tích.

       Có người lấy thơ phổ nhạc, tôi mơ ước lấy thơ “phổ họa”, nếu tôi có tài như Cù Huy Hà Vũ, tôi sẽ vẽ 2 bức thủy mặc lấy đề tài từ 2 bài thơ nổi tiếng : Thiên Trường vãn vọng của vua Trần Nhân Tông và Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh).Hai bài thơ vẽ ra cái không gian (gần như tịnh) của một buổi chiều ở đồng bằng Nam Định, của một đêm trăng êm đềm ở núi rừng Việt Bắc …cánh cò trắng cứ mãi dập dờn trong tâm trí ta , ánh trăng rằm cùng nước thượng nguồn sông Đà mãi tắm mát tâm hồn ta. Ở bài Nguyên Tiêu, nếu thay từ “quân sự” bằng từ “thời vụ” thì dễ ngộ nhận hai tác giả là hai Thiền sư Thi sĩ (hoặc là 2 Ẩn giả Thi sĩ) , thực ra đây là 2 Người Lính. .. Thi sĩ đã gác bỏ mọi thế sự , thành bại, sinh tử…Thiên nhiên an bình của bậc Đạo Sư liễu ngộ với cái thơ ngây trong sáng của trẻ thơ. Bức thủy mặc thứ 2 thế nào cũng có núi (sơn) , nhưng ở nguyên tác lại không có núi, tôi bèn cải đi cho riêng mình: Xuân sơn, xuân thủy tiếp xuân thiên. Trộm nghĩ vắng chữ “giang”  thì đã sẵn có chữ “thủy” liền kề .( đại khái người ta dung chữ “ thủy” như chữ “giang” : “ Lục Đầu vô thủy bất thung thanh”, nghĩa là ở Lục Đầu không có con sông nào không vang lên tiếng đóng cọc gỗ lim , “Dịch thủy tống biệt” nghĩa là tiễn biệt bên dòng sông Dịch, gọi Lam giang hay Lam thủy đều có nghĩa là sông Lam.)

             Truyên Kiều là ngôi đền thiêng trong khuôn viên Văn hiến nước nhà. Năm Tân Mão này Hội Kiều Học ra đời, ngôi đền đó đã có thủ từ…từ nay Nguyễn Tiên Điền , Người không phải ám ảnh về nỗi cô đơn Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Trong niềm thành kính bậc đai thi hào, mình vẫn có một tý xíu “thóc mách”. Vòng vo Tam quốc là như vầy: Văn chương và toán học cũng có liên quan không nhiều thì ít (đọc văn chứ đâu phải đọc bản vẽ kĩ thuật). Nhà văn Ngô Tất Tố viết : Mặt trời đã lên cao một cây sào (Tắt Đèn) …vậy lúc đó là mấy giờ ..7 ..8..hay 9 h, Nam Cao viết : cái mặt của  Thị  (Nở) bề  dài ngắn hơn bề rộng (Chí Phèo)…cái hình chữ nhật này có tỉ lệ nào? Họa có là điên mà đi bắt bẻ độ “nhòe” của những câu văn này, dù có “nhòe” thì đã có “sai số văn chương” đỡ đòn. Nhưng dù là văn chương cũng không được vượt ngưỡng cho phép (Con rắn vuông là một ví dụ)

     Tôi giở đến màn Sở Khanh rủ Vương  Thúy Kiều vượt biên . Mật mã “ticviet” được giải mã thành “ trấp nhất nhật tuất tẩu”, sự không hợp lí ở đây là : giờ tuất tính từ 7h đến 9h tối, đêm 21 âm lịch mãi đến giờ tí mới có trăng lên, tôi lo cho cái giờ G có sự trục trặc…vậy lấy đâu ra cảnh : “Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”… nên chăng chỉ có thể là : “ Đóa trà mi đã ngậm sương lạnh lùng”. Đang mổ cò chợt nghe trẻ con nghêu ngao hát :  “20 giấc tốt 21 nửa đêm” , liệu điều này có đúng với tọa độ “hai kinh vững vàng” không nhỉ ? Mình nghi hoặc bởi dốt quá, không có cách gì kiểm tra !

          Đến màn Từ Hải đại vương xuất hiện…Tôi tưởng tượng : Ngài oai phong như ông Hộ pháp ở cổng tam quan làng mình xưa, không ngờ tôi thất vọng , vì diện mạo ngài có quá nhiều nét ( nói dại )của súc …s..u..c  vật : “lông hùm hàm én mày ngài” và số đo thì lỏng khỏng lòng khòng:  vai 5 tấc rộng: bằng 20 cm, lưng 10 thước cao: bằng 3,33 m hay 4,0 m gì đó (chuyển đổi từ hệ đo lường cổ TQ theo hệ SI).Tôi có “ mác” chân dài tôi sẽ yêu đại za khác, nếu tàm tạm sửa đi tí chút : “ vai 10 tấc rộng lưng vài thước cao”, thì may ra  tôi cũng xiêu lòng.

       Trong Truyện Kiều có 2 chữ “ ngài”.
1/ “Khuôn trăng”…. “nét ngài”…Đây là cặp tiểu đối mô tả hai phần: diện mạo nàng Vân và dáng người (tổng thể). Ngài ở đây là người ( tiếng Nghệ), dân xứ tôi thường nói : “nhọc cấy (cái) con ngài”, nghĩa là mệt cả con người. Các nhà chú giải cứ đè con tằm ngài ra mà chú giải, khổ thân mày! Lông mày nở nang là lông mày sâu róm, Kim lang không thể ok được. Thực ra thi  hào muốn nói tới cái số đo phồn thực của nàng Vân( to mông rộng háng đáng quan tiền) . Nhân bảo như thần bảo, sau này ta biết nàng sinh đẻ vô kế hoạch “một sân quế hòe”, như Cầm Giang  nói “tung một nắm thóc hóa ra đàn gà

 2/…Hàm én mày  ngài. Ngài ở đây mới thực là tằm ngài… cặp lông mày của  Từ Hải có độ dốc như chữ bát (    ) lật ngược…( thư pháp : nét mác cong)

     Mùa xuân đi trẩy hội Đạp thanh, giàu nghèo gì thì cũng cố phô ra cái sự sang trọng: “ngựa xe như nước, áo quần như” ( X). X từng được chú giải là  nêm cối (chặt …nhiều), X từng được chú giải là nen , như cây năn cây lác mọc chi chit ở ruộng hoang…tôi cho rằng không ổn. Phương án chú giải của tôi : X là cây nen hay còn gọi là cây niệt, thấp,thân gỗ lá hình elip sáng bóng, đặc biệt trên thân nó thường mang 3 loại quả nhỏ xanh vàng đỏ sặc sỡ vui mắt…có vậy mới phù hợp với cái cảnh thiếu nữ du xuân nơi hương đồng cỏ nội “ Xiêm y mớ  bảy  mớ ba -  Xanh hồng vàng lục…như là  quả nen”.

Cứ đồng quang sang rú rậm như thế này kể cũng tốn giấy và phạm thượng… tôi phải “phanh” cái thể văn “ lan man kí” này lại …cầu trời mong đất sớm có nhãn dược  để mắt mình  luôn luôn “trông gà hóa  Oke”.


Nha Trang 13/ 11/2011
Lâm tẩu Thái Doãn Mại

Một minh triết thiền: THẾ À !

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011 0 nhận xét

Một minh triết thiền: THẾ À !


THÁI DOÃN HIỂU


Cách đây khá lâu, một nhà xuất bản nọ ở phương Nam có nhã ý nhờ tôi xem lại bản dịch và nhân thể viết mấy lời đưa duyên cho một công trình thiền học (1) của Nhật Bản. Tôi phấn hứng làm công việc này vì phát hiện ra rằng đằng sau một nước Nhật  phồn thịnh về công nghệ còn có một nước Nhật với nền văn hóa truyền thống hào hoa. Không ai tưởng tượng nổi người Phù Tang văn minh hiện đại lại là một dân tộc có nhiều tín ngưỡng đến thế. Vâng, ở đời làm sao sống được trên trần thế này mà lại thiếu tín ngưỡng !?. Người Nhật có 221 triệu dân thì có đến 217 triệu tín đồ ! Chỉ có 4 triệu là vô thần [trong đó có 112 triệu người theo đạo Shinto (quốc giáo), 89 triệu Phật tử, Thiên Chúa giáo 1,7 ; 14,5 triệu theo các giáo phái khác] (2) Tác phẩm ấy có tên là SHASEKISHU do vị tổ sư MUJU khởi thảo từ thế kỷ XIII và các đồ đề của ngài thuộc dòng thiền về sau viết nối. Nó là quyển minh triết thiền thú vị gối đầu giường của bất cứ người dân Nhật có đạo hay không có đạo Phật suốt 8 thế kỷ qua. Quyển sách mỏng, nhỉnh hơn trăm trang  đã được dịch ra hầu hết các ngữ quan trọng của thế giới (3). Theo chỗ tôi được biết thì người Nga cũng vô cùng thích thú tiếp nhận sách thiền này khi nó được dịch vào quãng tháng 5-1989. Và bây giờ đến lượt người Việt Nam chúng ta.

Nhân dịp này, để thưởng thức nghệ thuật, tôi xin đọc hầu quý bạn một mẩu giai thoại thiền có duyên nợ  nhiếu nhất đối với tôi trong cuốn sách trứ  danh đó.
                                                     
THẾ À !

Thiền sư Hakuin được những người xung quanh ca tụng là người trong sạch. Một gia đình người Nhật có tiệm bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở. Họ có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai.

Việc này làm cha mẹ cô gái nổi giận. Cô gái không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.

Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến  xỉ vả ngay vị thầy đức hạnh này. Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng: Thế à ? rồi thôi.

Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm cho Hakuin mảy may buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế, ngày ngày xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cho đứa bé.

Một năm sau, cô gái không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng rằng người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.

Lập tức cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin, xin Hakuin tha lỗi, chuyện xin lỗi dài dòng, và xin đứa bé về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt ra hai tiếng : Thế à !

LỜI BÌNH : Sự thật là sự thật, thế nào cuối cùng cũng phơi ra ánh sáng chẳng cần một ngoại lực nào. Tôi nhớ câu nói của vị Thánh Ấn Độ Gandhi  “Một chân lý bao giờ cũng là chân lý dù bị tất cả thiên hạ đả đảo. Một sai lầm vẫn là một sai lầm dù được tất cả thiên hạ hoan nghênh”.

Thiền sư Hakuin là một dạng Quan Âm Thị Kính của nước Nhật nhưng ở tầm cao hơn. Như bạn thấy đấy Thị Kính - ở thời kỳ đầu còn ý thức và vật vã về nỗi đau khi bị vu oan giá họa, còn Hakuin thì tuyệt nhiên không. Do tu luyện kỹ thành chánh quả, thiền sư xử lý trầm tĩnh mọi tai biến vượt ra ngoài tầm thế tục. Người đã thành huyền nhân rồi.

Một thời, tôi vốn  là người hăng hái đấu tranh để đến nỗi những người gần gụi thường trách cứ là “đi đâu cũng ham đấu đá”. Bà vợ tôi thường khổ sở vì cá tính mạnh “không phải hòn bi cho người khác dễ lăn”. Âu cũng là do bản tính hướng thiện và sự tuân thủ quá mê tín lời dạy “Hạnh phúc là đấu tranh” của ông Mác. Nhưng sau bao nhiêu là tai ương gặt hái từ cái dại dột “Đấu tranh = tránh đâu”, tôi bỗng trầm mình lại giác ngộ khi đọc thiên minh triết thiền Thế à ! Rồi, tôi đi học thiền và tích cực vận dụng vào đời sống.

Người phương Tây ưa lăng xăng đi cải tạo thế giới và kẻ khác, còn người phương Đông lại thích âm thầm khám phá mình. Xưa nay, sửa trị người khác dễ, nhưng sửa mình cực khó. Một bà mẹ nào đó đã dạy con thật chí lý “Bên phải của mình là bên trái của người”. Mỗi một con người sống là phải gánh chịu sự tàn phá ghê gớm của thời gian và sự bất công lăng loàn của loài người. Ai cũng tự mình sống cho đúng thì có cần rậm lời cãi vã tranh được tranh thua không nhỉ ?

Rõ khổ, con người luôn luôn sống trong bệnh hoạn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ đó. On peut  guérir le comrps, on ne peut passe quérir du corps - Muốn cho thân không bệnh thì tâm phải vô bệnh. Giai thoại thiền này cùng với quyển sách là phương thần dược chữa lành bệnh tâm. Nó đã giúp tôi cập được bến bờ bên kia của bát nhã (5). Đọc các bạn nghe là để thiền với tinh thần đó.



--------------------
(1) GÓP NHẶT CÁT ĐÁ do Đỗ Đình Đồng dịch, Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu hiệu đính, nhuận sắc và  đề tựa. Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành vào tháng 7-1990. Trong vòng một năm đã tái bản đến 3 lần, những năm sau tổng cộng 7 lần.
(2) Tài liệu thống kê của Viện Phương Đông học (Nga)
(3) Những tên dịch khác nhau của tác phẩm này: THẠCH SA TẬP (tiếng Trung Quốc); , THE ZEN PARDOXES (bản tiếng Anh phổ cập ở tất cả các nước), NGƯỢC CHIỀU CỦA THIỀN (tiếng Nga)…
(4) Nói đúng hơn là đối với các bạn đọc ở miền Bắc. Ở miền Nam trước đây Nhà xuất bản Lá Bối đã in nhiều lần và bạn đọc miền Nam rất trân trọng xem nó là hạt ngọc quý.
(5) Bát nhã: phương pháp dùng trí tuệ để quan sát, chiêm nghiệm, tìm tòi sự thật của sự vật.





Thư chúc mừng

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011 0 nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN