"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

“Nên thợ, nên thầy” và “No ăn, no mặc”

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Hoàng Ngọc Hiến

“ Nên thợ, nên thầy” và “No ăn, no mặc” 
trong những suy nghĩ minh triết của 
Mác, Nguyễn Trãi, Hồ Chí MinhNam Cao…

        Ngày nay có những quan điểm  kinh tế, chinh trị của  Mác đã trở nên lỗi thời,nhưng trong nguồn minh triết của tư tưởng của Mác có những viên ngọc quý càng ngày càng sáng giá.  Tư tưởng quan trong nhất  của minh triết  Mác được  trình bày minh xác  trong câu văn nổi tiếng : “…sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của mọi người” (câu kết thúc chương 2 bản “Tuyên ngôn cộng sản”).Chủ bút  báo “Kỷ nguyên mới”, một tuần báo xã hội chủ nghĩa Ý có nhờ Engels chọn trong toàn bộ trước tác cuả Mác một câu làm đề từ cho tờ báo, một câu “diễn đạt”được tư tưởng của chủ nghĩa xã hội tương xứng với câu nói của Dante được viết để định nghĩa “Kỷ nguyên cũ” : “ Một số người trị vì còn những người khác thì đau khổ”.Engels đã chọn câu nói trên để diễn đạt tư tưởng của “Kỷ nguyên mới”[i]Trong câu này được nhấn mạnh quyền tự do cao nhất của con người là tự do phát triển, những quyền tự do chinh trị (đi lai, ngôn luận, tin ngưỡng, hội họp…) tạo điều kiện cho sự tự do phát triển, chúng là những phương tiện, “tự do phát triển” mới là cứu cánh. “Tự do phát triển”, vậy thì phát triển cái gì? Đó là sự phát triên những “năng lực nhân tính” (Mác), còn gọi là những “năng lực bản chất của loài người” được chứa đựng ở con ngưới (cần hiểu năng lực nhân tính theo nghĩa rộng: biết nói, biết đi cũng là năng lực nhân tính, biết “nuôi con” ,biết “nựng”, biết âu yếm con - không phải người mẹ nào cũng làm được - là một năng lực nhân tinh cao quý không kém gì giỏi toán, giỏi ngoại ngữ, có tài năng nghệ thuật, có tài quản lý, lãnh đạo ...; biết chơi, biết yêu là những năng lực nhân tính vĩ đại của con người, người chỉ biét làm không biết chơi là một ngươi bất hạnh, “không biết yêu” là một trong những nỗi bất hạnh lớn nhất đời người…).Trong câu của Mác được trích dẫn, từ-chìa khóa là “tự do phát triển”.Trong câu của Dante “Kỷ nguyên cũ” được định nghĩa bằng “sự trị vì” của một số  người và “ sự đau khổ” của những người khác. Để định nghĩa “Kỷ nguyên mới” Mác đưa ra một thước đo hoàn toàn khác: “sự phát triển tự do “ của “mỗi người” và  của “mọi người” Mác đã lấy thước đo này để phân loại những kiếp người, những sô phận con người: “ Một thiểu số được độc quyền phát triển,còn đa số những kẻ khác – do thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết - …thì bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào[ii] Số kiếp của toàn bộ một giai cấp có khi cũng được Mác xác định bằng thước đo này: sự phát triển được thực hiện ở một số ít cá nhân, trong khi đó “ đa số cá nhân và có những giai cấp toàn bộ bị hy sinh[iii].Sự phát triển tự do những năng lực nhân tính ở “mỗi người” cũng như ở “mọi người”, đây là thước đo cơ bản của sự phát triẻn , học thuyết phát triển của chúng ta cần đặc biệt quan tâm.        
        Coi trọng sự phát triển tự do của “mỗi người” là coi trọng cá nhân. Và xem “sự phát triển tự do của mỗi người” là “diều kiện” cho “sự phát triển tự do của mọi người”, phải chăng là có sự ưu tiên dành cho sự phát triển của cá nhân ? Dù thế nào đi nữa thì sự phát triển tự do của “mỗi người” bao giờ cũng  “ liên đới một cách  tất yếu với sự phát triển tự do của mọi người[iv] Tính “liên đới” ở đây là tinh thần trách nhiệm, là lòng kính trọng phải có của cá nhân đối với những cá nhân khác và đối với cộng đồng.
        Sự phát triển những năng lực nhân tính  đòi hỏi những điều kiện tối thiểu. Mác đã nêu lên những điều kiện này trong một câu đã được trích dẫn ở trên: “…đa số những kẻ khác – do thường xuyên phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết - …thì bị tước đoạt bất kỳ khả năng phát triển nào”.Nói một cách nôm na, suốt ngày, quanh năm, …suốt đời phải vật lộn kiếm “miếng cơm, manh áo” thì làm sao mà phát triển được! “Những tư tưởng lớn gặp nhau.”. Cũng như Mác, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nam Cao… đều đặt sự phát triển những năng lưc nhân tính như là mục tiêu cao nhất, mục tiêu tối hậu của sự làm người nhưng không bao giờ quên chuyện “ cơm áo”.
      
       Nguyễn Trãi:
                   
       Nên thợ nên thầy vì có học
       No ăn no mặc bởi hay làm
                          (bài thơ số 173 trong tập “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi)

       Vẻn vẹn trong hai câu thơ được đặt ra những vấn đề và  những yêu cầu cơ bản nhất của cuộc sống làm người : “làm”và “học”, “no ăn no mặc”,  “nên thợ nên thầy”.  “No ăn no mặc” là điều kiện tối thiểu để phát triển, “nên thợ nên thầy” là sự đòi hỏi phát triển những năng lực nhân tính. Trong quan niệm truyền thống, “học” được gắn với những yêu cầu “thông kinh thuộc sử”, “khoa danh hoạn lộ”. Ở đây, “học” được gắn với “nên thợ nên thầy”, không có sự phân biệt năng lực“làm thợ”, năng lực “làm thầy”, đó là một tư tưởng giáo dục học vĩ đại của Nguyễn Trãi

      Hồ Chí Minh:

       “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

         Trong cấu trúc lý tưởng nhân văn này của Hồ Chí Minh, sự phát triển những năng lực của con người thông qua “học hành” là mục tiêu cuối cùng. Nhưng muốn thực hiện mục tiêu này thì phải có “độc lập ,tự do”,có “cơm ăn, áo mặc”. Có một sự tương đồng khá rõ giữa lý tưởng nhân văn của Nguyễn Trãi và lý tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh.Cả hai vĩ nhân này đều là sự hiện thân của tinh thần đấu tranh cho “độc lập, tự do”,đều đặt lên hàng đầu nhu cầu “cơm ăn, áo mặc” - điều kiện tối thiểu  cho sự phát triển và sự “học hành” - hoạt động cơ bản  phát triển những năng lực nhân tính của con người.

         Nam Cao là tác gia hiện đại có những cảm hứng nhân văn gần gũi hơn cả với minh triết chủ nghĩa Mác.Cảm hứng này được bộc lộ  trong những suy nghĩ day dứt  của Thứ về cách sống và lẽ sống làm người: “Thứ - tác giả viết – không thể nào chịu được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình, vợ con mình có cơm ăn áo mặc thôi. Sống là để làm cái gì đẹp hơn nhiều, cao quí hơn nhiều.Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của loài người chứa đựng trong mình[v]… (H.N.H. tô chữ đậm). Sau đây là mấy câu đối thoại giữa Thứ và Sang, một trong những đoạn đối thoại hay nhất trong truyện Sống mòn :

       “ Y mỉm cười chua chát hỏi San:
   Nếu gia đình anh có cách sinh nhai nchắc chắn rồi, anh chỉ nghĩ đến anh thôi, thì anh sẽ làm gì?
   Tôi học vẽ, tôi thích vẽ ngay từ hồi mười ba, mười bốn tuổi.Ông giáo nào cũng phải để ý đến cái khiéu vẽ của tôi và bắt tôi vẽ những bức tranh trong lớp.Giá tôi được học, chắc chắn tôi có thể thành họa sĩ[vi]

      Hóa ra ở một con người tầm thường và phàm tục như  San,nhà văn Nam Cao không nỡ tước bỏ khát vọng nhân văn phát triển những mầm mống tài năng, một sự phát triển vô tư, không vụ lợi, hoàn toàn theo sở thích, sở trường riêng của mình.Trong cuộc sống của San, dạy học chỉ là hoạt động sinh nhai vì “miếng cơm manh áo” cho “mình và vợ con mình”, đó là hoạt động trong “vương quốc của sự tất yếu” (Marx), “chưa thoát khỏi xiềng xích của cái đói và cái rét” (Nam Cao); “vẽ”, đó là sự phát triển tự do của San, là hoạt động trong “vương quốc của tự do”.Ở trên có dẫn ý kiến của Marx về  bi kịch của đa số người lao động trong xã hội cũ: chừng nào con người còn phải vật lộn để thỏa mãn những nhu cầu bức thiết nhất thì chưa thể nói đến sự phát triển.Nam Cao đã đề cập đến vấn đề này qua những suy nghĩ hằn học của nhân vật Thứ về kiếp sống của y “khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”:
       “…Sao mà cái đói nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế!Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn ,lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí,sức lực,lo tính đều dùng vàoviệc ấy…Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng la  làm thế nào cho không chết đói…[vii]




[i] Xem K.Marx và F.Engels. Tác phẩm (bản tiếng Nga)t.29,tr.286
[ii] Nhưtrên,t.3,tr.4
[iii] Như trên,t.26,phần II, tr.123
[iv] Như trên,tập 3,tr.441
[v] Nam Cao.Sống mòn .1963.tr.202
[vi] Như trên , tr.202
[vii] Như trên, tr. 113

1 Responses to “Nên thợ, nên thầy” và “No ăn, no mặc”

  1. Nặc danh Says:
  2. nhu do hoi

     

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN