"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

CÂY ROI VÀ CON NGỰA.

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011



Cây roi và con ngựa.


THÁI DOÃN HIỂU


Mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình văn học sẽ ra sao, ai hơn ai kém, ai trước ai sau  đây ? Phải xác nhận thật chuẩn xác công bằng vai trò và vị trí của phê bình văn học trên văn đàn. Từ  những năm đầu  của thiên niên kỷ này, nhà thơ nhà phê bình văn học Nguyễn Trọng Tạo (1) đã bàn rất hay về vấn đề này. Mới đây, nhà phê bình văn học Văn Giá (2) lại bàn tiếp rất sâu về chuyện ấy. Tôi ngứa  ngáy thấy mình cần phải nói thêm.

Vốn đã bị người đời rẻ rúng, nhà phê bình Vương Trí Nhàn còn khiêm tốn đến tự ty rẻ rúng tiếp  xếp văn phê bình thuộc hạng ba, còn nhà phê bình là người “ăn theo”. Anh Vương nói hồn nhiên nhiều lần chứ không phải là buột miệng lỡ lời.

Rồi Inrasara – nhà thơ dân tộc Chăm, sau khi nhận giải Văn học Asean về tập thơ Lễ tẩy trần tháng tư từ Ấn Độ trở về, trong một cuộc tọa đàm bàn tròn đã ngất ngưởng tuyên bố một câu xanh rờn  “Nhà phê bình là nô bộc của nhà văn”.

“Ăn theo” chưa đủ giờ lại còn là “nô bộc”, tức nhà  phê bình là đầy tớ cho nhà văn. Thật hồ đồ. Cách nói ẩu đó đã làm cho không biết bao nhiêu nhà văn cỡ choai choai vênh váo. Tôi bật tực cười khi có dịp tiếp xúc với họ!

Vương Trí Nhàn hồi còn hàn vi biên tập sách cho Tô Hoài viết lời giới thiệu nịnh Tô Hoài đến chết, nhưng khi có tiếng tăm thì lại quay ra hạ bệ thần tượng của mình. Tại sao tô hồng chán giờ lại bôi đen ? Văn ấy không thể xếp vào hạng 3 mà là hạng bét, và bản thân người viết cái thứ văn cơ hội ấy chỉ đáng là kẻ ăn theo.

Còn Inrasara Phú Trạm thì do bội thực tự hào mà hạ mục vô nhân đó thôi. Lời nói hớ hênh trong cơn phấn hứng đã phóng ra rồi thì tứ mã nan truy. Giá không có câu nói tai hại bột phát này thì hay cho Inrasara biết bao. Thường ngày, qua tiếp xúc, con người anh ấy hiền hậu và thủ thỉ, đâu có dữ như vậy.

Bây giờ, tôi xin hỏi hai vị : Các thầy giáo dạy văn từ bậc phổ thông đến đại học khi chấm văn cho học sinh sinh viên họ ăn theo, nô bộc ở chỗ nào ? Thầy giáo và học trò là hai cấp độ trí tuệ khác nhau. Thầy phán thì trò sợ xanh mang vãi cả linh hồn chứ chơi à ! Vậy thì ai ăn theo ai ? Ai nô bộc của ai ?

Tôi lại xin chất vấn hai ông nữa : Các thiên tài phê bình văn học như Biêlinsky ở Nga, Thánh Thán, Viên Mai ở Trung Quốc, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu… ở Việt Nam họ đều “ăn theo”, “nô bộc” của nhà văn Nga, Trung Quốc, Việt Nam hay sao ? Chẳng nhẽ ông Hoàng Ngọc Hiến giáo sư của các giáo sư, thầy dạy viết văn cho những Hữu Thỉnh, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Giá, Văn Chinh…  lại  ăn theo làm nô bộc của học trò mình sao ? Rõ ràng Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là sư biểu của các nhà văn chứ? 

Con gà đẻ ra trứng gà, nhưng nhà phê bình lại biết thưởng thức mùi vị trứng rán dĩ nhiên hơn con gà . Là nhà phê bình thứ thiệt các phê bình gia  phải lớn và cao hơn nhà văn cái đầu thì mới có thể tính đến chuyện phê ai. Nhà phê bình và nhà văn làm thành một cặp tri âm Bá Nha - Tử Kỳ tương đắc. Nhà phê bình và nhà văn có thể ví khiếm nhã như Biêlinxky là cây roi và con ngựa. Con ngựa không có cây roi phê bình quất cho lồng lên thì rất dễ ủ rũ đi bước một chuyệc choạc. Nhà văn mà không có nhà phê bình thì tác phẩm như trầm hương của anh ta cất giấu ru rú trong rương hòm lâu ngày cũng thành củi mục. Người viết phê bình chân chính là người không những biết làm sáng giá tác phẩm văn học, mà còn là người chỉ trích những sai lầm, kém cỏi của nhà văn nữa. Quan hệ của nhà phê bình với nhà văn là chiếc cầu nối giữa nhà văn với bạn đọc về phương diện thông tin.

Từ điển Bách khoa toàn thư định nghĩaPhê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, đồng thời kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà tác phẩm nói tới”.


Nhà phê bình dương cao bó đuốc lý luận hướng dẫn sáng tác. Trước văn phẩm của nhà văn, nhà phê bình là độc giả số 1 đặc biệt có quyền phán xét thẩm định giá trị của nó về mọi phương diện. Trước tác phẩm của nhà văn, nhà phê bình bằng tất cả nỗ lực cộng hưởng, sáng tạo của mình đã tạo nên một văn bản tác phẩm thứ hai không thua kém và có khi nổi trội hơn văn bản thứ nhất. Xưa nay, có ai dám đặt các tác giả lục tài tử (sáu quyển sách hay nhất của Trung Quốc) - toàn là cỡ kiệt xuất của văn học cổ điển Trung Hoa từ Trang Tử với Nam Hoa kinh, Tư Mã Thiên với Sử ký, Khuất Nguyên với Ly tao; Đỗ Phủ với Thơ; Thi Nại Am với Thủy Hử; Vương Thực Phủ với Mái Tây lên trên đầu Thánh Thán  theo cách dàn xếp của Vương Trí Nhàn và Phú Trạm ? Tuy nhiên không phải mọi dạng viết lách thuộc phạm vi phê bình bài báo, bài điểm sách, bài tổng quan văn học, tiểu luận, bài viết về các chân dung văn học, bài đối thoại phê bình văn học, thậm chí là các trào lưu bút chiến văn học v.v. đều có thể được coi là văn học, chỉ một số ít những trang viết đạt được tính nghệ thuật cao về ngôn từ thẩm mỹ, bộc lộ phong cách độc đáo, cái nhìn có chủ kiến, mới trở thành phê bình văn học. Trường hợp “ăn theo” và “nô bộc” chỉ đúng với những tay mơ làm nghề  điểm sách quấy quá, chữ nghĩa lóp lép ta thường gặp đầy trên các mặt báo. Sao lại vơ đũa cả nắm như vậy ?

Nhân đây cũng xin nói thêm là lối cái điểm sách bôi bác hiện nay lại được các báo chuộng vì nó ngắn gọn, đăng ít đất, đọc nhanh; còn lối phê bình hàn lâm thì rềnh rang mất thì giờ quá. Báo Văn Nghệ có mục Mỗi tuần gặp một nhà văn là cách hành xử  theo cung cách trên. Còn nhớ năm 2008, tôi có gửi cho Toà Soạn báo Văn Nghệ một tiểu luận phê bình “Gánh bao nỗi người” viết tổng kết về toàn bộ văn nghiệp Trần Nhuận Minh. Khi giở báo ra xem thì ôi thôi, đáng lẽ đăng mục Phê bình & Tiểu luận  thì nó được nhét vào mục Mỗi tuần gặp một nhà văn. Bài viết được cắt rỉa  từ 43 trang sách bản thảo in khổ 14,5 x 20,5 cm giữ lại 6 trang, đủ một trang báo Văn Nghệ. Cái lối  gọt chân cho vừa giày chẳng văn chương một tí nào cả, nó không tôn trọng tác giả và phương hại đến giới phê bình làm người ta ngộ nhận rằng thì là phê bình văn học ở xứ ta chỉ toàn là điểm sách ! Tôi thật rầu trước lời khen của tòa soạn “Hay không kém Hoài Thành” về đứa con tinh thần của mình bị ngắt đầu cấu cánh như qụa rỉa tử thi trên chiến trường. Năm ngoái, khi còn rong chơi bên châu Úc, tôi có Email về chất vấn ông Tổng biên tập  Nguyễn Trí Huân: “Tại sao một truyện ngắn viết về một người dân bình thường được đăng tất dù có khi cả 2 kỳ báo (4 trang) mà một tiểu luận nghiên cứu về một nhà văn viết rất công phu và tâm huyết lại chỉ cho 1 trang ?”. Ông Huân im lặng, còn ông Nguyễn Duy đỡ lời “ Nó thế bác ạ, báo quy định thế”. Tôi cũng đành biết thở dài Cái xứ mình nó thế đấy. Thôi đành phải ném 30 chục chương của quyển sách Thi nhân Việt Nam hiện đại lên Internet cho cư dân mạng đọc ké vậy.


Nhà văn cất rượu nho, nhà phê bình nếm rượu nho (Abutalíp). Phê tác giả và tác phẩm thật dễ, nhưng đánh giá anh ta quả là khó. Nhà phê bình nâng niu thành quả lao động khó nhọc của nhà văn. Phải đọc kỹ, chuẩn bị tư liệu phong phú và chu đáo, nghiền ngẫm những ý tưởng thật nhuyễn mới đặt bút viết. Có như vậy tác phẩm phê bình mới đóng góp những điều mới mẻ, hữu ích, độc đáo của riêng mình. Phê bình phải làm cho người đọc thấu hiểu những điều sâu xa ẩn giữa những dòng chữ của nhà văn. Nhà phê bình gợi mở, thức dậy những trăn trở nghĩ suy của bạn đọc trước những vấn đề nóng của thời đại. Viết có lý có tình. Khen chê đến độ, đừng kinh viện quá, đừng sáo rỗng hay quá khích. Viết phê bình không thể chiều hết thị hiếu nghệ thuật của mọi người mà phải như Hoài Thanh “lấy hồn ta để hiểu hồn người”. Nhà phê bình là người giữ và truyền lửa cho văn học.

Muốn trở thành nhà phê bình văn học chân chính thì bản thân nhà phê bình phải là nhà văn thứ thiệt. Nhà phê bình phải  trung thực, không a dua, phụ họa, ăn theo nói leo, không xu thời nịnh thế. Nhà phê bình cần học vấn sâu rộng, năng khiếu lịch lãm và niềm đam mê cháy bóng. “Ở đâu không có tình yêu đối với nghệ thuật thì ở đó không hề có phê bình” (Puskin)

Nhiệm vụ của nhà văn hay nhà phê bình là phải viết  cho hay, thật hay vào. Là kỹ sư của tâm hồn, nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại. Mỗi tác phẩm muốn có tầm cao thì khi thai nghén hình thành nó phải lấy một hạt nhân triết học làm động lực. Thiếu điều này thì tác phẩm sẽ rất thấp và phê bình văn học chẳng có điều gì để nói..

Phê bình văn học phải hướng tới không khí cởi mở, thẳng thắn, khoa học và bình đẳng. Nhà phê bình đánh giá văn học bằng cảm quan thẩm mỹ. Tài và tình của nhà phê bình sẽ tạo nên cái Đẹp. Dòng sông phê bình êm đềm chảy giữa đôi bờ nghệ thuật và khoa học. Nhà phê bình luôn để hồn mình phiêu diêu trên những kiệt tác văn học. Tố chất nhà phê bình cũng như nhà văn phải nhạy cảm, trung thực, thân ái. Viết phê bình hay viết văn đều là một cách ứng xử văn hóa, một cuộc chạy maratông kiếm tìm chân thiện mỹ.

Phê bình có thiên chức phát hiện những nguyên lý đời sống, chỉ ra thi pháp nhà văn sử dụng, tiếp cận được thế giới nghệ thuật phong phú của anh ta. Nhà phê bình là  người bạn đồng sáng tạo của nhà văn. Viết phê bình là do sự thôi thúc mãnh liệt nhu cầu cần giãi bày không khác gì nhà văn viết văn. Công việc viết phê bình cũng thiêng liêng nghiêm túc như nhà văn sáng tác. Một thú đam mê không biết mệt mỏi. “Những người viết phê bình thường là những người có chủ kiến mạnh mẽ, cảm hứng phê bình nảy sinh chủ yếu khi chủ kiến  của nhà phê bình ngẫu nhiên cộng hưởng với tác giả” (Hoàng Ngọc Hiến)

Thế nhưng, phê bình ở nước ta lệt đệt đi sau tác phẩm của nhà văn, chưa trở thành chuyên nghiệp, chỉ làm nghề tay trái nên không thể đi sâu vào học thuật, chỉ làm công việc nói như ai đó là  “lọng xanh che dái ngựa”. Nguyên nhân là do quan niệm sai trái, phiến diện và đời sống cơm áo chi phối can thiệp quá sâu. Những cuộc cãi nhau, sát phạt nhau thiếu tính học thuật. Nhà phê phán học, nhà chửi học như những tay văn côn bặm trợn hùng hục bôi xóa tên người khác rồi thế tên mình vào đó. Hoặc cái lối phê bình chiếu lệ vô bổ khen chê bày ra mỗi thứ một ít cho kín cạnh. Thường họ làm quảng cáo thương mại cho nhau nên rất dễ bốc đồng.  Khen một tác phẩm dở tai hại không biết đâu mà lường. Loạn chuẩn đã làm cho sáng tác rối loạn, cứ nhìn trên mặt báo trang văn học nghệ thuật thì rõ, văn với thơ - nói theo cách Phạm Xuân Trường - nhợt nhạt như đứa trẻ bị cưỡng hôn.

Nền phê bình chân chính cần phải được tiến hành từ tốn bằng những cuộc trò chuyện thân mật, lấy học thuật làm gốc.

Viết văn như cất rượu, làm tốt  được rượu ngọn, cất không khéo được dấm, vụng về được mẻ. “Văn chương là lương tâm của lịch sử. Phê bình là lương tâm của văn học” (Biêlinxky). Cần xem phê bình là cố vấn chiến lược của nhà văn nếu muốn tồn tại. Cần hăng say cố gắng đốt lửa nhiệt tình lên công việc để nhà phê bình trở thành một chuyên gia đáng tin cậy của nhà văn. “Tôi viết phê bình để làm sáng giá và sang giá những tác phẩm mà tôi tâm đắc… Không có sự tâm đắc này phê bình văn học hướng về mục đích ngoài văn học” (Hoàng Ngọc Hiến)

---------------------------
(1) Nhà phê bình - người bạn lớn của những nhà sáng tác - Nguyễn Trọng Tạo

(1) Phê bình thơ cần những cặp mắt xanh - Nguyễn Trọng Tạo

(2) Những nguy cơ của lý luận phê bình văn học hiện nay - Văn Giá.




0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN