"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

PHÚC ĐỨC KHÁN NHI TÔN

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

(Muốn biết phúc đức thế nào nhìn cháu con khắc rõ)

Điếu văn do THÁI DOÃN HIỂU
đọc trong  lễ tang bác ĐÀO THỊ AN  ngày 23-1-2011]


Ngày 19-1-2011, tức là ngày 16-12 Canh Dần, vào lúc 16 h 10 phút, bác Đào Thị An không còn nữa !

Họ Thái và gia đình ta lại chịu thêm một tổn thất lớn: người con dâu Tộc trưởng thuận thảo, người Chị, người Mẹ, người Bà thân thương của chúng ta đã từ trần, hưởng thọ 76 tuổi, để lại  nỗi trống vắng không gì bù đắp được với muôn vàn tình thương yêu cho con cháu.

Bác An sinh năm 1935 trong gia đình điền chủ gia thế giàu có tại làng Lễ Nghĩa, xã Minh sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Tuổi thơ  và thời niên thiếu của bác được hưởng phúc trạch của tổ ấm nên lớn lên trong vòng yêu thương chăm bẵm của cha mẹ, ông bà.

Thế nhưng, hạnh phúc thật quá ngắn ngủi. Giữa lúc trời quang mây tạnh, tai họa như sét giáng xuống. Gia đình bác tan nát. Cha, bác, ông nội…đều hàm oan nhận cái chết bất đắc kỳ tử, ra đi trong tức tưởi. Trước đó, chú Hường đã  hy sinh  ở ngoài mặt trận, chú  Hinh bệnh binh vật vạ vì bệnh tật. Chú Vinh, chú Tiến đang là quân nhân tại ngũ.  Ông bà  nội của bác là ân nhân nuôi quân, nơi đóng đại bản doanh của danh tướng Nguyễn Sơn trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình bỗng chốc mất sạch tài sản, là con gái thứ hai, bác phải gồng mình cùng chị cả Oanh xoay trần ra thay cha làm lụng nuôi  mẹ và ba em gái nhỏ Hồng, Phượng, Nguyệt. Cuộc mưu sinh thật nhọc nhằn, khổ ải.

Năm kỷ Hợi, 1959, 24 tuổi bác về làm dâu họ Thái. Các đấng bề trên đều nhắm tới con nòi cháu giống mà kén lựa dâu hiền rể thảo. Làm vợ lính, bác phải chịu nhiều bề thua thiệt, trăm cay nghìn đắng. Bác trai Thái Doãn Hợi thì phải biền biệt xa nhà, trận mạc liên miên. Tay cày, tay cuốc nuôi con, phấp phỏng chờ chồng. Trong khốn khó  và bom đạn chiến tranh ác liệt, bác sinh hạ bốn mặt con, mang thai vượt cạn, một thân một mình nuôi nấng chúng thành Người. Bác hội đủ tam tòng tứ đức của người đàn bà xưa và phẩm hạnh anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang của người phụ nữ thời này.

Mẹ hiền sinh con thảo. Trong phút lâm chung, giữa chuỗi ngày dài hôn mê sâu, bác bỗng nhiên mở mắt nhận diện đủ mặt con cháu quây quần bên giường bệnh. Này đây là con gái đầu Thái Hoàng Kim sinh năm 1961, một cử nhân văn chương, cô giáo dạy văn giỏi của trường PTTH Nguyễn Trãi, Biên Hòa Đồng Nai, có chồng là Nguyễn Công Hoàn, làm thư viện và tin học của trường. Các cháu Anh Thư, Anh Thông đều là sinh viên. Này đây là con trai thứ Thiếu tá Thái Doãn Ngân, sinh năm 1965, người nối nghiệp binh gia của cha, hiện đang tại ngũ, có vợ là cô giáo Xuân với cậu con trai đầu là Thái Doãn Bình, sinh viên trường Đại học Kinh tế và bé Bình Dương 7 tuổi. Này đây là  Thái Doãn Hà, sinh năm 1967, nhân viên của công ty cà phê Thụy Sĩ cùng vợ là Hồng với 3 cháu: Thái Doãn Phong, Bảo Ngọc, Bảo Nghi. Và đây nữa, con trai út kỹ sư Thái Doãn Hưng, sinh năm 1979,  đã kịp kết hôn với Trần Thu Hiền trước khi mẹ nhắm mắt. Tất cả 4 con, 3 dâu, 1 rể, 5 cháu nội, 2 cháu ngoại, tổng cộng 15 người. Thật là “một cây cù mộc, một sân quế hòe”. Công việc trần gian bác đã hoàn tất trong một chuỗi năm tháng đầy những lo toan biến động. Mắt bác bỗng sáng rực lên, rồi lịm đi trong mạn nguyện. Tục ngữ Trung Quốc có câu “Phúc đức khán nhi tôn” nghĩa là “Muốn biết phúc đức thế nào nhìn cháu con khắc rõ”. Nhìn con cháu phương trưởng của bác, ai cũng hài lòng vì cái đức độ bác truyền cho chúng. Bác đã gieo được những hạt giống quý, hiến cho đời những công dân tốt, có ích. Bà con - các anh em con cháu  họ Thái xin kính cẩn nghiêng mình trước công ơn to lớn sinh thành dưỡng dục  nối dõi tông đường của bác, cảm ơn họ Đào đã cho họ Thái - Mạc một nàng dâu tốt.

Hiện hữu giữa đời bác An  còn là một thầy thuốc giỏi. Cả hàng huyện Đô Lương, ai bong gân, trật xương đều tìm đến bác. Với bàn tay như có phép tiên, bệnh nhân đến trong đau đớn và què quặt, ra về trong vui tươi lành lặn. Chị thiện nguyện giúp người cứu nhân độ thế, không lấy một đồng tiền công nào cả. chính việc làm cao thượng đó, đã làm cho cha chồng của bác là Lương y Thái Trung Tiên cảm mến và tin cậy. Trong tâm thức của bệnh  nhân bác là một vị nữ bồ tát sống. Thật đúng là “Mở cửa nhân đón khách vào, trồng cây đức để con ăn” như thơ Nguyễn Trãi đã viết. Bác An ơi, bác đã trồng được một cây đức rất lớn cho gia đình ta, cho các con cháu hưởng phúc.

Vợ chồng biền biệt như Ngưu Lang - Chức Nữ. Tưởng về hưu là được sống với nhau đến đầu bạc. Nào ngờ, Bác Hợi mất năm 1992, khi hai bác mới chớm  tuổi 57. Bác đã gắng sống thêm được 20 năm cùng con cháu trong cương vị cây cao bóng cả chở che đùm bọc chúng. Cuộc đời có  hậu đã hửng sáng vào giai đoạn cuối. Bác đã cùng con cháu trong họ tộc cố cụ Tuần Thái Doãn Huề bảo tồn được di sản của tổ tiên, trân trọng gìn giữ từng viên ngói, hòn táng trong việc chuyển ngôi nhà cổ - nơi anh em, con cháu chúng ta đã ra lần lượt ra đời lớn lên tung cánh vào bốn phương trời – di dời ngôi nhà. xa ngàn dặm đường từ Thịnh Sơn, Đô Lương vào quê mới Bình Dương; dựng lên đó một ngôi từ đường hoành tráng đúng khuôn mẫu của nhà thờ gốc. Công việc thật vô cùng khó khăn, khó nhọc. Uống nước nhớ nguồn, luôn luôn hàm ơn tiên tổ,  tâm nguyện lòng thành, có phúc sẽ phần. Việc làm đó là một nghĩa cử cao quý.

Khi Bác nằm xuống, suốt mấy ngày nay, các em, cô dượng, chú thím, cậu dì, các  bà con thân thích nội ngoại, bạn bè thân hữu xa gần từ từ Hà Nội vào như em Nguyệt, từ Vũng Tàu lên như em Thu, Đà Lạt, Bình Thuận xuống như gia đình em Liên, cháu Lê, từ Sài Gòn đến như chị Huệ, cùng các con, anh chị Huế Nguyệt, các con,  bác Thảo Xuân; cháu Bảy Hoè; Em con chú Phan; Bác Lý, chú Thọ, bác tộc trưởng Thái Doãn Niêm, gia đình O Tâm có vợ chồng các cháu Vi Nhi, Sơn Thảo, Nghĩa; vợ chồng Ngà, gia đình bác Phương với Dũng, Tuấn, Diệp, Bình Minh, gia đình chú thím Hiểu Liên với Trình, Quỳnh, cháu Chương đại diện cho con cháu họ Hoàng Yên Thành; từ Đồng Nai sang có anh em trường Nguyễn Trãi, gia đình chú thím Hữu Nguyệt, Ngần Lưu, vợ chồng em Cúc, các cháu; từ Bình Dương có các thủ trưởng và các đồng đội trong bộ chỉ huy quân sự tỉnh, các cơ quan đoàn thể nơi các cháu Ngân, Xuân, Hiền  Hưng làm việc, có anh Vinh; từ Nha Trang  vào có bác Ngộ, Ông bà Trần Quý thông gia từ Hà Tĩnh gửi vòng hoa; Chú Lâm từ Mỹ Tho lên ... cùng bà con lối xóm... đã đến viếng tang đông đến hàng trăm người trong niềm tiếc thương vô hạn..

Hôm nay, ngày 23-1-2011, nhằm ngày 20 tháng chạp Canh Dần, từ sáng sớm anh em bà con, bạn bè thân hữu lại tề tựu tập trung quanh linh cữu để tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng bên cạnh bác trai Thái Doãn Hợi và cháu nhỏ Thái Doãn Nhân tại nghĩa trang địa phương. Thế là bác đã thành người của cõi nhớ.

Trong giờ phút tử biệt sinh ly, vĩnh biệt Mẹ và Bà, các con cháu của bác xin thề: trong đau thương sẽ thắt chặt đoàn kết một lòng, đùm bọc, bảo ban nhau, dạy dỗ các cháu thành con ngoan trò giỏi, giúp nhau phấn đấu xây dựng đời sống kinh tế và nề nếp gia phong truyền thống, cùng tiến  bằng chị bằng em.

Vĩnh biệt bác, các em xin hứa với anh chị sẽ làm chỗ dựa tinh thần vững chắc và tin cậy cho các cháu khi anh chị vắng bóng ở trần gian.

Thác là thể phách, còn là tinh anh. Kìa - bác thấy không - cha mẹ ông bà Oanh, ông bà Thiệu, này chồng, này cháu, o Thiệu, o Thanh… đang dang tay đón bác kìa.

Cuộc đời của bác chẳng có mấy ngày vui, chỉ có tận tụy hy sinh dâng hiến. Bác hãy yên nghỉ, sẽ sống mãi trong tình thương và nỗi nhớ của muôn đời con cháu.

Mẹ ơi !
Bà ơi !
Chị ơi !
Bác An ơi, xin bái biệt !


Bình Dương, 23-1-2011
Thay mặt bà con Nội Ngoại hai họ
THÁI DOÃN HIỂU


KHÓC MẸ


Trưởng nữ THÁI THỊ HOÀNG KIM


Mẹ già đau yếu lâu rồi
Thuốc thang chạy chữa khắp nơi tội tình
Viện trên, viện dưới hết mình
Vẫn không cứu được… tội tình, Mẹ ơi !
Bây giờ Mẹ giã biệt đời
Mong Mẹ thanh thản tới nơi an lành.

Nhớ Mẹ xưa
Sinh ra trong nhà gia thế
Cha ông sống đời tử tế hiền lương
Gặp buổi cải cách tai ương
Cảnh nhà tan tác tang thương một thời
Cha, em lần lượt qua đời
Thương cha, đỡ mẹ giữa trời đảo điên.
Ngược xuôi chẳng quản lụy phiền
Đào tơ liễu yếu, của tiền số không
Gồng mình chống đỡ bão giông
Chống chèo gắng gỏi, mẹ trông em chờ
Qua bao năm tháng vật vờ
Thuyền nhà tới bến lên bờ, tạm yên
Thương em, nặng nghĩa mẹ hiền
Trai khôn lấy vợ, gái hiền lập gia
Thế rồi, Mẹ giã biệt nhà
Hai mươi hai tuổi về nhà làm dâu.

Đằng đẵng năm tháng giãi dầu
Làm thân dâu trưởng, bạc đầu bão giông.
Lấy chồng tiếng cả nhà không
Mẹ già, cha yếu, em đông, khổ nghèo.
Gò lưng Mẹ phải chống chèo
Ba bề bốn phía đói nghèo bủa vây
Chẳng được nghỉ lấy một ngày
Thân cò lặn lội, đò đầy sóng to
Đầy mình canh cánh nỗi lo
Chồng đi đánh giặc đợi chờ, ngóng trông.
Bốn con lần lượt lọt lòng
Lo con một nách, nỗi chồng chiến chinh
Những mong thế cuộc yên bình
Sớt chia đỡ cảnh một mình chăm con
Lần lữa năm tháng héo hon
Cha về, gối mỏi, gót mòn, giặc tan
Ngỡ rằng Mẹ được bình an
Sánh vai, đầu bạc an nhàn cùng cha
Ba mươi năm lẻ xa nhà
Làm trai thời loạn sức cha cạn mòn
Tuổi trẻ dâng hiến nước non
Trở về trọng bệnh, vợ con đỡ đần
Thuốc thang chạy chữa bao lần
Vẫn không qua khỏi số phần đắng cay.

Níu kéo, giành giật từng giây
Vẫn không níu được cái ngày chia xa
Năm mươi bảy tuổi chưa già
Dở dang đời mẹ, cửa nhà lạnh tanh !
Những tưởng được sống an lành
Ngờ đâu nổi sóng đất bằng lệch nghiêng
Dặn lòng chịu nỗi đau riêng
Thay chồng báo hiếu tổ tiên ông bà
Tấm thân còm cõi xông pha
Cầm bốn gậy (*) lúc ông bà quy tiên
Quyết đem tấc cỏ đáp đền
Mồ yên mả đẹp, Mẹ hiền lo toan.
Cuộc sống chẳng bớt gian nan
Nuôi con kỳ vọng muôn vàn mai sau
Trọn đời làm lụng, cháo rau
Chắt chiu gắng gỏi, mong giàu cháu con
Tấm thân tàn tạ héo hon
Vẫn còn nỗ lực vun trồng tương lai
Bốn con một gái ba trai
Trưởng thành công Mẹ năm dài bảo ban
Đời Mẹ cay đắng muôn phần
Vẫn mong con cháu vạn lần sướng vui
Thật là tội nghiệp Mẹ tôi
Một đời gánh nặng, một đời âu lo!

Từ nay Mẹ quẳng gánh lo
Tới miền cực lạc, bến bờ bình yên
Mẹ giờ sống giữa cõi Tiên
Trả xong món nợ lụy phiền nhân gian

Thương Mẹ vò xé ruột gan
Không sao giữ Mẹ trần gian đời đời
Khóc Mẹ khản tiếng tàn hơi
Tháng ngày lạnh lẽo con thời mồ côi
Ông Trời ơi, hỡi ông Trời
Nỗi đau xé ruột ! Ông Trời có hay !

-----------------------------
(*) Cầm bốn gậy: lúc đưa tang ông bà nội, Mẹ phải cầm bốn gậy, thay cho 4 người con trai của ông bà vắng mặt.





Viếng Chị Dâu trưởng Đào Thị An

Thế là chị về với Anh.
Nghẹn lời… mắt ứa long lanh giọt buồn.
Thế là mãi mãi… mãi luôn,
Cây vườn Bàu Vạn, suối nguồn ngẩn ngơ…
                
Hà Nội 21/1/2011  các em ở ngoài bắc
                        Các em Mại - Giang, Ngãi - Hạnh
                                       THÁI DOÃN MẠI



TƯỞNG NHỚ CHỊ XIN CHÉP LẠI BỨC THƯ CŨ

Kính gưởi Chị An

Chị về làm dâu Bác tôi,
Bốn mươi năm trước cái hồi xuân xanh.
Trải qua bao cuộc chiến tranh,
Biền biệt năm tháng …nỗi Anh xa nhà,
(Lính Cụ Hồ quen xông pha ).
Chị tôi dâu trưởng, nỗi nhà đắng cay,
Anh về nghỉ mới ít ngày,
Rồi đi đi mãi …chia tay cõi trần.
Nuôi con ăn học âm thầm,
Ruộng vườn cây cối, cát lầm, bụi than.
Ứa nước mắt cảnh cơ hàn,
Nắm tay gầy, chẳng hỏi han được gì!

Sáng nay chào chị em đi,
Nắng vừa rạng, gió rầm rì lũy tre,
Ước sao như một sáng hè,
Quao vườn trĩu quả, chè khoe hương màu,
Khoai  lang, nác mới cùng nhau,
Nói chuyện trạng, ngắm hoa cau trước nhà.

Hà Nội 24/1/1997
THÁI DOÃN MẠI

Một số hình ảnh tang lễ:

















0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN