"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

MỪNG THỌ GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG LÊN TUỔI 70

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Năm, 6 tháng 1, 2011


Thái Doãn Hiểu

Có dễ đến 15 năm nay, Trời ban cho tôi một người bạn quý: Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng. Anh Hưng là người có tài, có tâm trên nhiều phương diện: khoa học, sư phạm, văn, thơ, nhạc… Anh là tác giả của hàng trăm công trình khoa học, là thầy học của hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, tác giả tập thơ Dặm xưa, Nxb Trẻ, tác giả nhiều bút ký, du ký, tác giả của anbum nhạc Sẽ cuốn theo gió bay, tuyển tập những khúc tình ca hay nhất thế giới do anh dịch lời Việt và tự trình bày bằng hai thứ tiếng với chất giọng tono âm vang, ấm. Tôi thấy có một số nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ phát ghen lên với con người này.

Thật kỳ diệu, một người ở Bỉ, một người ở Sài Gòn xa tít mù khơi duyên kỳ ngộ nào đã gắn kết chúng tôi lại với nhau ? Chính văn chương là chiếc cầu nối đã đưa anh đến với tôi. Và, chúng tôi sau khi chạy đã đời khắp bốn phương trời, số phận mỉm cười ném hai người bạn đồng lứa tác tri âm tri kỷ ở cùng với nhau trên một con phố: đường Nguyễn Duy Trinh, Q.2, Tp Hồ Chí Minh.

Anh chơi thân với tôi. Các con trai tôi rất quý bác Hưng. Sang Sydney giảng bài, khi xong công việc, bác Hưng và con trai cả Thái Doãn Hoàng Cầu của tôi thường rủ nhau đi ăn cơm, đàm đạo chuyện khoa học, chuyện đời. Bác Hưng trân trọng đem một xêri sách đồ họa tin học của Mạc Bảo Long (tức Thái Hoàng Trình) về Bỉ phô với bạn bè…

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một Việt kiều yêu nước thứ thiệt. Rời đất Quảng Nam từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước sang Bỉ du học. Với tuổi trẻ tài cao, người trở thành một khoa học gia hàng đầu Tính toán cấu trúc phức tạp về cơ khí, xây dựng và hàng không, được xếp vào hàng  1 trong 100 nhà khoa học Bỉ gốc nước ngoài làm thay đổi diện mạo khoa học nước Bỉ. Và,  khi cô lại thì anh đứng  trong tốp 10. Anh được vua Bỉ phong làm sĩ quan cận vệ, xếp lên hàng đại thần, và năm ngoái anh được tặng Huân chương Đại thần vương triều Bỉ  trọn đời lần thứ hai (lần thứ nhất là năm 1999 của anh quân Lêôpôn). Anh là giáo sư thực thụ của trường Đại học Lière và là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Phạm Đăng Hưng đã làm rạng danh người Việt chúng ta. Trong những ngày tha hương, người luôn canh  cánh bên lòng nỗi thương nhớ quê cha đất tổ, muốn làm một cái gì đó cụ thể để đền đáp cho bà con cô bác ở quê nhà. Bằng uy tín của mình, giáo sư đã xin được tài trợ của chính phủ Bỉ và các nước khác mở  khoa cao học tại trường Đại học Bách khoa tp. Hồ Chí Minh từ năm 1995 được 12 khóa; năm 1998, mở tại Đại học Bách khoa Hà Nội được 7 khóa. Dưới sự đều hành, nuôi dưỡng và mời giáo sư các nước đến giảng bài, gs Hưng còn trực tiếp giảng dạy. Suốt gần 20 năm, hệ cao học tại chỗ đã đào tạo được 318  thạc sĩ , trong đó có 40 tiến sĩ có bằng cấp và chất lượng nước ngoài, đất nước không tốn một xu nào. Công tích thật quá lớn, vô giá. Đào tạo hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia, nếu không có tấm lòng yêu nước cao cả như giáo sư thì chẳng ai làm nổi. Trong những năm tháng vất vả gian nan ấy, giáo sư còn phải gồng mình chịu đựng sự nghi ngờ, theo dõi, cấm cản của lực lượng an ninh,  phải cắn răng chịu đựng những lời gièm pha, khích bác của kẻ  đố kỵ. Giáo sư đã bảo vệ thành công trọn vẹn quyền được yêu nước chân chính của mình !


Cha ông ta thường bảo “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Nguyễn Đăng Hưng là  một Việt kiều biểu trưng cho tinh thần lá rụng về cội. Tâm hồn anh trở nên thư thái khi quyết định hồi hương về sống nốt những năm cuối đời ở cố hương trong tình nhà nghĩa nước với bà con ruột rà thân thuộc.

Tôi đã ngồi hằng nhiều đêm nghe Nguyễn Đăng Hưng kể về cuộc đời mình. Đời của người là một thiên tiểu thuyết khá ly kỳ hấp dẫn, đầy ắp những tư liệu sống động. Tôi rất hứng thú và dự định viết một cuốn truyện về người. Công việc này không khó, tôi biết cách để lần giở những trang đời của anh. Bởi ngoài đời, Con Người này là một hình tượng đẹp đủ sức khái quát không cần phải dùng phép điển hình. Tôi bỏ ý định tiểu thuyết hóa cuộc đời của anh, mà bàn bạc nên viết hồi ký để tác phẩm có giá trị người thật việc thật hơn. Anh Hưng đồng ý. Ai viết đây ? Rất may, anh Hưng là người kể chuyện rất có duyên và hóm nữa. Hơn hai phần ba đời người anh sống ở nước ngoài mà tiếng Việt dùng vẫn  chuẩn, chỉ có một ít lỗi chính tả lẫn lộn giữa dấu hỏingã. Tôi cổ vũ khích lệ anh viết. Anh có hứng và hăm hở viết. Chủ đề thiên hồi ký xoay quanh việc làm thế nào để bảo vệ được quyền yêu nước của một Việt kiều trí thức. Dù ở cố đô Luăng Prabăng (Lào), Bỉ, ở Pari hay Xanh Petécbua… viết được chương nào anh đều email về cho tôi đọc thẩm định lại. Năm qua, anh đã viết được 15 chương. Một số chương đã đăng tải trên blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và thu được những hồi âm rất tốt từ phía bạn đọc.

Hy vọng với đà này, năm nay cuốn hồi ký sẽ hoàn thành để ra mắt bạn đọc.

Ngày 1-1  ngày sinh nhật lần thứ 70 của anh, thực khách dự đông đến dăm chục người, toàn là các viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, học giả, nhà văn, nhà báo, học trò. Họ mang đến những bó hoa tươi thắm và những lời chúc phúc nồng nhiệt. Tiệc buypphê quanh hồ bơi trong vườn ngôi biệt thự xây theo kiểu lâu đài… rất vui, thân mật và ấm cúng.

Nguyễn Đăng Hưng là một người tử tế, một nhà khoa học lão thực, một người yêu nước chân thành ngay từ thời sinh viên đã biểu tình trước trụ sở của Nato đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Anh là người toàn vẹn, hoàn toàn khác xa một số Việt kiều yêu nước chót lưỡi đầu môi tôi từng tiếp xúc. Tôi kính anh như trọng một hiền nhân, quân tử.

Chúc mừng anh thượng thọ :

Bảy mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, viết hồi ký khỏe
Trần mà như thế thật là tiên !

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN