Thái Doãn Hiểu
Giáo sư Trần Văn Giàu bệnh lâu. Cái ngày ấy sẽ đến đã đến. Nghe tin tôi rụng rời thương cảm. Còn nhớ năm 1996, khi in xong bộ sách, nghe lời cô giáo Phan Thị Minh Châu (Cháu gọi ông Phan Đăng Lưu bằng chú ruột), tôi mang quyển Kẻ sĩ Việt Nam với chân dung của 94 danh nho đến tặng bác Giàu ở đường Phạm Ngọc Thạch. Bác rất vui nheo nheo cặp mắt không kính đọc dòng đề tặng “Kính tặng một kẻ sĩ của thời nay TRẦN VĂN GIÀU. Vợ chồng cháu Thái Doãn Hiểu” Bác bỗng mỉm cười hồn hậu nói “Kẻ sĩ là người đạo cao đức trọng, cô chú thương thì gọi thế chứ thực ra bác chưa xứng đáng đâu”. Tôi lẩm nhẩm “Trời đất, bác Giàu không dám nhận mình là kẻ sĩ thì ở nước ta thời nay ai xứng đáng đây ?
Là người mang dòng máu trực hệ thúc bá với ông Phan Đăng Lưu, tôi hỏi chuyện bác Giàu về quan hệ tình bạn giữa hai người.Bác Giàu đính chính ngay “Sao lại gọi là bạn được. Thầy chứ. Ông Lưu ổng là thầy tôi. Những năm thập niên 20 của thế kỷ trước tên tuổi ảnh lẫy lừng tả xung hữu đột trên mặt trận báo chí ở Sài Gòn. Chính anh Lưu dạy, dìu dắt tôi viết báovà làm cách mạng, nên người hôm nay là nhờ ảnh.
Bác say sưa kể cho tôi nghe ngày độc lập ở Sài Gòn năm 1945 bằng cái giọng hào sảng của một người đứng đầu chính quyền cách mạng lâm thời ở Nam Bộ. Chúng tôi nói chuyện rất ăn ý về triết học, về chủ nghĩa Mác. Bác rầu rầu nói “Cách mạng xã hội chủ nghĩa không thành công vì người ta không hiểu chủ nghĩa Mác, làm sai nó, biến nó thành thứ chủ nghĩa xã hội trại lính, chứ nó là một học thuyết bách chiến bách thắng. Riêng triết học macxít với phép Duy vật biện chứng và phép Duy vật lịch sử sang nửa thế kỷ XXI nhân loại vẫn loay hoay chưa có một triết thuyết nào thay thế được”.
Ra về, để đáp lễ, bác Giàu đến trước giá sách rút một cuốn dày ngót ngàn trang về Chủ nghĩa Mác và cách mạng Việt Nam vừa in xong 500 bản tặng tôi với lời đề từ thân mật và chữ ký ngay ngắn. Bác cười vui “Nhuận bút 5 triệu đồng, không đủ ăn sáng và uống cà phê cho 5 năm ngồi viết nó”.
Sài Gòn, 17-12-2010
Thái Doãn Hiểu
ĐƯA TIỄN MỘT VĨ NHÂN
Sáng này 25-12-2010, tôi dậy thật sớm từ 5 h sáng, đáp chuyến xe buýt đầu tiên vào nội thành để đưa tiễn một vĩ nhân về nơi yên nghỉ cuối cùng : đất Long An quê cha.
Tôi đến đưa tiễn Người với hai vai : 1- Một đồng nghiệp nhỏ đối với đồng nghiệp lớn - học trò đối với sư phụ; 2- Ông Phan Đăng Lưu và ông Trần Văn Giàu là bạn chiến đấu với nhau. Tôi thay mặt dòng họ Mạc của ông Lưu tiễn ông Giàu.
Một đại thần thất sủng đã trở thành một học giả lừng lẫy, một vị sư biểu lớn nhất thời đại, như đại thụ mà bóng cả đã che rợp nền học thuật nước nhà thế kỷ XX. Đất nước quả có thiếu đi một chính khách nhưng được thêm một khoa học gia hàng đầu. May hay rủi ? Đáng buồn hay nên vui đây ? Vui chứ. Đã làm chính trị thì thôi đừng làm khoa học, đã làm khoa học thì thôi không làm chính trị. Đó là một nguyên lý của đời sống xã hội. Cả đời hy sinh cho cách mạng và trước tác, không có con nối dõi nhưng Giáo sư để lại 150 công trình, mỗi công trình được xem như một đứa con tinh thần máu thịt.
Lễ tang được cử hành với cấp nhà nước trang nghiêm và kính cẩn đối với một bậc phu tử tiền bối mà cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách trong suốt như khối pha lê. Ông bí thư thành ủy Lê Thanh Hải đọc bài điếu ca ngợi công đức Cụ Giàu rất xúc động. Trong lễ truy điệu, có mặt đủ thành phần, đặc biệt có sự hiện diện nhiều nhà khoa học tên tuổi như Gs Đinh Xuân Lâm, Gs Phan Huy Lê, Gs Dương Trung Quốc, Gs Mai Quốc Liên, Gs Trần Khuê… với sự kính phục, tự hào và tiếc thương vô hạn.
Dưới đây, tôi xin gửi đến bạn đọc một số hình ảnh lễ tang.
0 nhận xét