"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

LÀNG VẠC - PHẾ ĐÔ NƯỚC ÂU LẠC !?

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010


Nhà bia tại khu khảo cổ di chỉ làng Vạc






THÁI DOÃN HIỂU


Kinh đô nước Âu Lạc của Thục An Dương vương ở chỗ nào ? Đó là một thắc mắc lớn làm xốn xang lòng tôi  từ ngày bước chân lên bục giảng  thiên tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy  cho các học trò xứ Nghệ  – nơi xẩy ra thảm kịch  nước mất nhà tan của vị vua viễn tổ khai sáng nước ta. Từ đầu thập niên thứ 6 của thế kỷ trước (cách đây đúng 50 năm), tôi trăn trở cố công đi tìm, tìm mãi, rồi cuối cùng  cũng tìm ra…
Bài viết này ghi lại cuộc trò chuyện giữa tôi THÁI DOÃN HIỂU và nhà viết tiểu thuyết lịch sử THÁI VŨ ngày 29-8-1986 về vấn đề trên. Do bận bịu làm các công trình văn hóa lớn, tôi quên khuấy đi mất. Hôm nay, sau vừa đúng một phần tư thế kỷ, tình cờ lục tìm được nó trong đống bản thảo tưởng thanh lý ném cho ve chai. Thấy bài viết vẫn còn nguyên giá trị khoa học, tôi cập nhật thêm một số thông tin mới từ cuộc điền dã ở cố hương Nghệ An hè 2008, xin gửi tặng Thái Vũ để nối lại tình bạn văn của chúng ta đã bị gián đoạn suốt 23 năm nay kể từ năm 1987. Xin liên lạc về : Web: thaidoanhieu.blogspot.com; Email: hieu.thaidoan@gmail.com;  Mob: 01 287 793 354;  Máy bàn : (08) 22 194 879 (TDH)

*

Vào cuối thu 1986, khi viết xong tiểu thuyết Tình sử Mỵ Châu, nhà văn nổi tiếng Thái Vũ đưa bản thảo dày cộp cho tôi.
-         Cậu đọc và cho mình xin  ý kiến.
Tôi đọc xong  rất nhanh (chuyện tình mà)  và Thái Vũ choáng váng nhận được một câu phán xanh lè.
-         Sai toét. Thế mà cũng đòi viết tiểu thuyết lịch sử !
Lão nhà văn rất đỗi ngạc nhiên, nhướng cái mặt già chát thiếu ngủ thách thức :
-         Làm sao sai, cái cậu này, láo ?  
Tôi cật vấn, khéo léo đưa nhà văn vào tròng.
     - Cụ có thừa nhận thành Cổ Loa ở Đông Anh - kinh đô nước Âu Lạc  của Thục An Dương vương và đền Công ở Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An (cách tp Vinh 30 cây số về phía Bắc) - nơi tử nạn “cơ đồ đắm biển sâu” của cha con An Dương vương - Mỵ Châu  là những địa danh lịch sứ có thực tồn tại trên hai ngàn năm nay ?

-         Vâng, tớ thừa nhận - Thái Vũ quả quyết. Thì sao nào ?
-         Cụ có biết thành Cổ Loa ở Đông Anh cách đền Công, Diễn An bao xa?
-          Khoảng độ trên 300 cây số - nhà văn già lẩm nhẩm tính toán.
-         Vâng, chính xác theo đường số Một hiện nay là 294 km. Trong lịch sử, người ta dùng ngựa để chuyển thư từ bưu phẩm, cứ mỗi trạm 20 km họ lại thay ngựa một lần, nếu không ngựa sẽ đứt ruột mà chết. Xin hỏi lão gia có con tuấn mã nào kham nổi trên lưng nó một sức nặng 120 ký chở  phụ hoàng và công chúa chạy như cướp đường bởi quân giặc hò reo truy sát  sau lưng một quãng đường dài vậy không? Đó là phi lý thứ nhất.
  Thái Vũ  thừ mặt ra.
-         Trên dặm đường chạy giặc thiên lý đó có hai con sông lớn sâu và rộng là sông Hồng và sông Mã, chưa kể hàng trăm sông rạch chằng chịt. Vậy xin hỏi tiểu thuyết gia ai bắc cầu phà cho họ vượt qua ? Đó là cái phi lý thứ hai.
Thái Vũ ngồi thuẫn ra, nao núng.
-         Đến khi Trọng Thủy tìm được xác Mỵ Châu trên bãi biển núi Dạ Sơn, Diễn An, hắn cắp  nàng lên ngựa, đưa về  Cổ Loa.  Dưới ánh nắng gắt của mặt trời nhiệt đới, cái xác Mỵ Châu sẽ phân hủy rất nhanh. Thưa ngài liệu cái anh chàng si tình Trọng Thủy ấy có thể ôm khư khư cái xác thối rữa hàng nửa tháng trời để về an táng ở Cổ Loa được không ?  Đó là cái phi lý thứ ba.
Đến đây, Thái Vũ  thấy rõ các chi tiết sách của mình quá hớ hênh. Lịch sử đâu phải là cái đinh đóng lên tường để cho Đuyma Cha tha hồ mắc áo. Truyền thuyết gì thì cũng không thể mặc sức tưởng tượng phi thực tế đến thế.
-         Vậy theo cậu, trong hai địa danh kia tất có một cái ảo ? Thái Vũ hoang mang !
-         Có một cái thực, cụ ạ, là đền Công ở núi Mộ Dạ. Tôi kể cụ nghe nhé : Tương truyền nơi hai cha con đức vua tử nạn thuở ấy rừng rú hoang sơ sát biển, chiều chiều trong bóng hoàng hôn  chập choạng, chim công rực rỡ xống áo từng đoàn ra múa may hoan lạc trong thế giới riêng của nó, thành thử mới có tên chữ là núi Mộ Dạ và tên Nôm là Cuông (công đọc trại ra). Nhân dân Âu Lạc thuở đó đã  lặng lẽ dựng nên ngôi đền thiêng thờ phụng người anh hùng  bại trận,  hương khói nghi ngút trải mấy ngàn năm bi tráng.

Trong chiến tranh chống Mỹ, năm 1968. đơn vị Đại đội Thanh niên xung phong của tôi ém quân ở xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu để bảo đảm giao thông huyết mạch cho trọng điểm đường độc đạo cầu Cấm. Diễn Phú đối mặt với đền Công, gần lắm độ hơn cây số. Những lúc ngớt bom đạn, tôi dắt theo mấy chiến sĩ băng qua đường sắt ga Mỹ Lý, vượt cầu Mỵ Châu viếng nơi thờ tự hai ngàn năm dư Thục An Dương vương. Đứng dưới đường Một ngước  nhìn lên cổng tam quan chót vót vời vợi. Đền có ba tầng lầu cổ kính, mái ngói sẫm màu rêu phong. Những cây si xanh om mọc xé đá leo lên đến tầng thượng xum xuê. Những cột đền đồ sộ, chạm nổi hình rồng phượng tinh xảo sơn son thếp vàng rực rỡ. Câu đối hoành phi chữ nghĩa của các bậc danh nho bốn phương còn lưu lại. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ đôi câu đối “Nhất thống dư đồ khai vũ trụ - Thiên thu miếu mạo túc thanh cao” đầy hào khí kể về công đức người khai sáng đất nước và văn minh Âu Lạc. Ở đây, tượng, gươm giáo, voi ngựa, nghê đá, đồ tế khí nhiều vô kể.  Không khí trong đền là một cõi tịnh mịch, u nhã. Xung quanh đền bát ngát núi non, biển trời, cảnh quan hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Thục An Dương vương đã được thần Kim Quy cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước đưa vào thủy phủ sống trong thế giới thần linh. Thôi, chớ đem thành bại mà luận anh hùng ở đây. Mái đền uy nghi như cánh hạc khổng lồ, nửa rợp lên núi, nửa nghiêng chao trên sóng biển bạc đầu. Trước mắt hai rặng núi Hạc Lĩnh và Long Sơn như hai con rồng hùng dũng lượn về ngàn tây giữa muôn vạn chồi biếc thắp sáng bạt ngàn thông xanh. Thưa cụ,  di chỉ này là có thực 100%, không ai bịa  tạc ra được. Trải hai ngàn năm có lẻ, ngôi đền được trùng tu không biết bao nhiêu lần, như một vật thiêng uy nghiêm đứng đó thách thức gội mưa tắm nắng thời gian.


Lễ tế thần ở Đền Công


Mãi sau này hết chiến tranh, đến thời hòa bình, tôi được biết Ðền Công là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng. Lễ hội Ðền Công 15 tháng 2 âm lịch hằng năm là  lễ hội lớn ở Nghệ An, thu hút hàng vạn lượt người từ khắp nơi đổ về trẩy hội. Không giống như lễ hội Cổ Loa, luôn có ba phần: lễ tế thần, lễ rước kiệu, khách thập phương dâng hương, vui hội, lễ hội Ðền Công chỉ có lễ tế thần, sau đó là các sinh hoạt văn hoá: hát tuồng, chèo, thả đèn hoa.   
Mùa xuân, đến với Ðền Công không chỉ là dịp cầu phúc, cầu tài mà còn là dịp để lòng người ghi dấu đoạn kết bi thương của câu chuyện Loa Thành. Đền Công linh thiêng và lòng ngưỡng vọng của nhân dân cũng đủ để ta rút bao đi
ều suy ngẫm. Vó ngựa An Dương, lưỡi gươm oan nghiệt, dòng máu Mỵ Châu đỏ tươi luôn thức tỉnh và  chỉ đường  cho dân tộc chúng ta đi.


Đền Công thờ Thục An Dương vương trên  núi Mộ Dạ, xã Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An

Đến đây, nhìn gương mặt dúm dó, khổ sở của nhà văn, tôi thấy mình có lẽ  công kích ông rậm lời quá chăng ?
-         Thế đích thực kinh đô Âu Lạc của Thục An Dương vương ở đâu ?!
Thái Vũ nôn nóng bồn chồn.
-         Từ từ, để đệ nói cho mà nghe. Sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép “ Sau khi diệt được nước Văn Lang của vua Hùng, Thục Phán đặt tên nước là Âu Lạc, xưng vương là An Dương vương, đóng đô ở đất Việt Thường”. Đất Việt Thường là nơi mô? Tôi băn khoăn lắm, bèn tra cổ sứ của ta và cổ sứ Trung Quốc về nghệ An (1). Vất vả lắm, mãi sau mới thòi ra được dòng chữ này “Việt Thường là từ cổ để chỉ vùng đất Hoan Châu” (2). Hoan Châu đúng là đất Nghệ An rồi. Nhưng trời đất, làm sao tìm cho ra cái  thành trì trải tang thương dâu bể nó chỉ còn bé như cái kim vứt đáy bể?

      May quá, trời giúp tôi. Mùa Xuân năm 1966, đơn vị đội 65 TNXP của tôi rải quân ra cả  chục đại đội làm một tuyến đường mới 15B song song dự phòng cho đường 15A, nếu bị đánh phá tắc đường. Con đường  từ Phà Sen chập chờn ẩn hiện trong rừng thẳm vượt  bản Gò Khế, chạy vào Đông Hiếu, vượt dốc Lụi, xuyên qua huyện Nghĩa Đàn (tên cổ là Nghĩa Đường) ở đội sản xuất số 8 và 10 của nông trường Quân đội Một tháng Năm, rồi trườn sang Thanh Hóa. Ở chính gần nơi con đường đi qua, đơn vị TNXP đại đội 325 của tôi đóng quân ở bản Đồng Be, xã Nghĩa Trung, một bận tôi nghe một già làng người dân tộc Man Thanh tên là cụ Sỏi đồn kháo về một thành trìTôi tò mò lách qua hẻm núi Khe Tọ ra thị trấn Thái Hòa, ngược lên đến xem cho rõ thực hư thì thấy giữa thung sâu, bốn bề đại ngàn im lìm ngủ chìm trong hàng chục thế kỷ có một tòa thành hình xoắn ốc đắp bằng đất lắp xắp hình hài mờ tỏ trơ gan cùng tuế nguyệt giãi dầu, cấu trúc và diện tích bằng cái ở Cổ Loa thành Đông Anh. Phải rồi, Nghệ An xưa nay được xem là đất phên dậu, nó là địa bàn trọng yếu của quốc phòng qua các thời đại. Chọn nơi này xây lũy đắp thành phòng thủ giữ nước thì sáng suốt vô cùng.

Toàn cảnh làng Vạc nhìn từ sông Hiếu

Mãi 6 năm sau, năm 1972, Viện khảo cổ học Việt Nam cho tiến hành  khai quật  khu di chỉ ở làng Vạc (3) này. Di chỉ khảo cổ học làng Vạc (xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Đàn) đã đạt đến đỉnh cao, ở vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Đông Sơn. Với hàng nghìn hiện vật được phát hiện, trong đó có nhiều hiện vật quý như trống đồng, rìu, dao găm cán tượng người phụ nữ, dao găm cán tượng người đàn ông bằng đồng, dao găm cán hình rắn quấn chân voi, bao chân bao tay có lục lạc, các loại trang sức bằng đá, thuỷ tinh được chế tác tinh xảo, các loại khuôn đúc, mảnh trấu thóc ... đặc biệt có một loại hiện vật mới phát hiện được duy nhất ở làng Vạc mà các di chỉ văn hoá Đông Sơn khác chưa có được, đó là lẫy nỏ và mũi tên đồng  giống hệt như ở Cổ Loa Đông Anh. Tôi suy nghĩ lung lắm hàng chục năm, sau nhiều phân tích, biện giải đã đi đến nhận định là : trong buổi bình minh dựng nước ở thế kỷ thứ III TCN, để phòng thủ bảo vệ đất nước, An Dương vương đã cho xây dựng nhiều thành trì  theo mô hình xoắn ốc, ít ra đây là cái thứ hai sau Cổ Loa ở Đông Anh. Có thành cao hào sâu, có binh khí tân tiến, có súc tích  lương thảo, binh hùng tướng mạnh, làm được như thế mới đánh tan được cuộc xâm lăng ào ạt của hàng chục vạn quân Tần Thủy Hoàng, giết được cả danh tướng Đồ Thư; làm như thế các bộ tộc Âu Việt của Triệu Đà vốn sống xen với người bộ tộc Lạc Việt trong quan hệ hết sức gần gũi mới bớt lăm le nhòm ngó và luôn chực thôn tính lẫn nhau.
Sơ đồ thành Cổ Loa (4) ở Đông Anh để chống xâm lăng       
của Tần Thủy Hoàng và sự thôn tính của Triệu Đà



Ơrica ! Ơrica ! Tìm ra rồi. “An Dương vương đóng đô ở đất Việt Thường”. Việt Thường là nơi duy nhất tồn tại ở di chỉ làng Vạc chứ chẳng có cái thứ hai nào trên đất  Hoan Châu cả. Tôi sướng rơn lên. Phế đô của nước Âu Lạc kia ư !? Hoang vắng quá, thê lương quá ! những hai ngàn hai trăm năm rồi còn gì. Thục Phán An Dương vương ở ngôi được 50 năm (257- 208TCN) là vị vua thứ 3 sau vua Hùng với nước Văn Lang và trước đó là Kinh Dương vương với nước Xích Quỷ. Ôi, cái thời tiền sứ Hồng Bàng xa vời !...

Theo hành trình chạy trốn của phụ hoàng Thục vương và công chúa vượt qua Tuần  xuôi Yên Thành đổ xuống Cầu Bùng tới nơi  tử nạn thì làng Vạc cách Mộ Dạ 38 cây số, không hề vướng bận một con sông rạch nào cả. Hợp lý quá đi chứ về mọi phương diện, phải không, thưa tiên sanh ? từ khoảng cách, địa hình, di vật, địa danh trong chính sử, với cả cái làng Nho Lâm (nay là Diễn Thọ), là cố hương của tướng quân Cao Lỗ (5) bị An Dương vương bãi chức bởi những lời can gián nghịch tai. Bị đuổi về làng, do nắm vững kỹ thuật chế tác binh khí, ông mở lò đúc rèn nông cụ truyền nghề cho dân làng, truyền mãi đến tận nay. Cao Lỗ chính là ông tổ nghề rèn lâu đời ở xứ có một cái mỏ sắt không nhỏ và ông còn là vị thủy tổ của danh gia vọng tộc họ Cao (6) với những tên tuổi lừng lẫy: quan tứ trụ   triều Nguyễn, nhà sử học Cao Xuân Dục, giáo sư triết học uyên bác Cao Xuân Huy, nhà ngôn ngữ học hàng đầu Cao Xuân Hạo, kể cả Đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hoà Cao Văn Viên đẻ tận bên Lào… đều là hậu duệ xa đời của tướng quân Cao Lỗ. Hiện Cao Lỗ có nhà thờ khá hoành tráng thờ ông ở làng Nho Lâm cách hồ Xuân Dương nước xanh trong mơ mộng quanh năm ở giữa, đi một quãng nữa là tới đền Công.

     - Chí lý  ! Có lý lắm – Thái vũ khoái trá xuýt xoa -  ông lúng búng buông một câu :
 - Thế còn lưa cái thành Cổ Loa ở Đông Anh ai xực đi cho ?
 -  Ai làm sao xơi nổi cái thành to tổ bố thế hả cụ.  Nó cũng là một di chỉ thực 100% đấy thôi, nhưng người đời sau đã ngụy tạo ra những sai lầm dây chuyền như dựng đền thờ An Dương vương, tôn tạo những di tích để hồi nhớ cố quốc Âu Lạclàm cho con cháu chúng ta tưởng thật, cho rằng vùng đất  Phong Khê Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc thì sai rồi.     

Sau khi ép con trai làm kế phản gián ăn cắp được bí mật quân sự của đối phương, Triệu Đà (7) diệt được Âu Lạc của An Dương vương. Y cho san phẳng Cổ Loa thành ở làng Vạc, kéo quân về thành Cổ Loa  Đông Anh đóng kinh đô, lập ra nhà Triệu. Lịch sử nước Việt
sang trang mới với một triều đại chính thống : nhà Triệu (207-111TCN). Triệu Đà một bộ tướng thuộc dòng  Âu Việt chứ không phải là quân xâm lược phương Bắc như có người lầm tưởng (bởi Triệu Đà hùng cứ ở quận Nam Hải  tức Quảng Đông bây giờ, mà Quảng Đông, Quảng Tây thời đó kể từ hồ Động Đình, sông Dương Tử tức Trường Giang đổ xuống  là đất đai của người Bách Việt chúng ta). Thành ra, một thời khá dài trong lịch sử hiện đại Việt Nam, các nhà làm sử nước ta thiến mất chữ Triệu trong câu mở  Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi : “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê xây nền độc lập - Cùng Hán Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương”.

 Như vậy, rõ ràng Cổ Loa Đông Anh là kinh đô nhà Triệu chứ không phải là kinh đô nước Âu Lạc. Sau nhà Triệu  thì đến thời kỳ một nghìn năm Bắc thuộc phong kiến Trung Hoa nối tiếp nhau cai trị nước ta cũng đóng đô ở đây với những tên thái thú sừng sỏ như Sĩ Nhiếp, Tô Định, Mã Viện… [ Bắc thuộc lần I : (207 TCN – 40), có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43). Bắc thuộc lần II (43-541) có  khởi nghĩa Bà Triệu, có L ý Bôn Nhà Tiền Lý và Triệu Việt vương (541-602). Bắc thuộc lần III (602-905)  có khởi nghĩa Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, có thời tự chủ (905-938) với Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn]. Khi lấy lại được nước, Ngô Quyền gĩư nền độc lập (938-967) cũng đóng đô tại đây nốt. Đến lúc dẹp được loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lập ra nhà Đinh (968-980) mới đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Thành thử Cổ Loa thành luôn được tân tạo, chỉnh trang để xứng đáng là chốn kinh kỳ của một quốc gia. Chuyện tượng không đầu của Mỵ Châu, hình tượng giải oan ngọc trai giếng nước nơi Trọng Thủy đâm đầu tự vận đều nằm  trong khuôn viên thành Cổ Loa là chuyện có thực. Con cháu chúng ta về sau này đã lóa mắt trước các di vật khảo cổ ở đây, dẫn đến lầm lẫn đáng tiếc là vậy.

- Hay ! Hay, thật lí thú ! (Ông hạ giọng nhỏ lại, trầm ngâm như nói thầm cho chỉ mình nghe). Bình sinh tớ chỉ phục một người. Đó là Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc. Từ ngày vào sống ở Sài Gòn tìm thêm được một người thứ hai: Thái Doãn Hiểu. Nhưng nghỉ (hắn ta) chuyện trò, giảng bài và viết văn hay hơn.

*

Vài tháng sau, quyển Tình sử Mỹ Châu của Thái Vũ được Nhà xuất bản Trẻ in xong. Tôi được tác giả tặng một cuốn. Giở xem thì vẫn là chuyện tình ướt át trắng trong vô tư ẩn dưới mưu mô xảo quyệt của những mẹo lừa chính trị đểu cáng theo như trí tưởng quá phong phú của nhà viết tiểu thuyết lịch sử. Tình sử Mỹ Châu của Thái Vũ vẫn chưa vượt qua được trí tuệ, quan điểm đánh giá nhân vật lịch sử công minh của nhân dân trong thiên truyền thuyết dân gian phức tạp và hấp dẫn này. Ở quyển này Thái Vũ viết không có văn (8).  Bối cảnh vẫn diễn ra ở kinh đô Cổ Loa thành Đông Anh !? Ở đây, cần phải kể đến một sáng kiến mới mẻ rất ghê gớm của nhà văn là : hành trình chạy giặc của cha con An Dương vương - Mỵ Châu không cặp theo đồng bằng ven biển mà chạy vòng lên mạn ngược theo núi. Có lẽ ở trên đó các con sông đều hẹp hơn nên có thể lội bộ qua dễ dàng chắc? Sáng kiến thành tối kiến !
-         Sao ngây ngô tra thế ông văn sĩ ơi là ông văn si ! Tôi kêu trời
-         Thái Doãn Hiểu thì đúng và hay thật đấy. Nhưng tiếc luận thuyết của cậu chỉ có một người ! – Thái Vũ bẻn lẹn  chống chế.
Tôi lặng lẽ nhìn nhà văn già từ đầu đến chân, mỉm cười :
-         Bó tay luôn. Riêng trường hợp này, không phải số đông bao giờ cũng đúng.

Tp H ồ Ch í Minh, 29-8-1986
Cố hương Nghệ An, mùa hạ 2008
Sài Gòn, 15-12-2010
Thái Doãn Hiểu

.
*****************************
CHÚ THÍCH :
(1) Lịch sử tên gọi của Nghệ an :          
◦Thời Hùng Vương và An Dương Vương, tỉnh Nghệ An bao gồm bộ Hoài Hoan và phần bắc bộ Cửu Đức.           
◦Thời nhà Hán, thuộc huyện Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân.   
◦Đời nhà Tấn là quận Cửu Đức.
◦Đời nhà Tùy là quận Nhật Nam.          
◦Năm 628 đổi là Đức Châu, rồi lại đổi thành Châu Hoan, lại Châu Diễn.  
◦Đời nhà Đường là quận Nam Đức.      
◦Thời nhà Ngô, tách ra khỏi quận Cửu Chân đặt làm quận Cửu Đức.       
◦Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê gọi là Hoan Châu.  
◦Năm 1030, bắt đầu gọi là châu Nghệ An.         
◦Từ năm 1490 gọi là xứ Nghệ An.         
◦Thời Tây Sơn, gọi là Nghĩa An trấn.     
◦Bản triều năm Gia Long nguyên niên lại đặt làm Nghệ An trấn. 
◦Năm 1831, vua Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía Nam sông Lam). Sau đó hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập lại, lấy tên là tỉnh An Tĩnh.
◦Từ năm 1976 đến 1991, Nghệ An và Hà Tĩnh là một tỉnh và được gọi là tỉnh "Nghệ Tĩnh".
◦Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay. 
◦Ngày 15 tháng 11 năm 2007,  thành lập thị xã Thái Hòa, thuộc tỉnh Nghệ An trên cơ sở tách thị trấn Thái Hòa và 7 xã.

(2) Dòng chú giải bộ Đường Thư, mục Vương Bột.
(3) Khu di chỉ văn hoá khảo cổ Làng Vạc nằm trên địa bàn xã Nghĩa Hoà huyện Nghĩa Đàn. Cách thành phố Vinh 90km về phía Tây Bắc. Từ ngã Ba Yên Lý, theo đường quốc lộ 48, đến thị trấn Thái Hoà, rẽ về phía Tây Bắc đến địa phận xã Nghĩa Hoà, huyện Nghĩa Đàn.



Khai quật di chỉ làng Vạc       
Đây là khu di tích khảo cổ học quý giá, nằm trên vùng đất rộng khoảng 3ha. Qua 6 đợt khai quật và nghiên cứu, b
ắt đầu từ năm 1972, ..1991, …1999…
Theo GS Hoàng Xuân Chinh, Viện Khảo cổ học VN trong "Tầm vóc Làng Vạc - một trung tâm văn hóa lớn trên lưu vực sông Cả" thì tại khu di chỉ này phát hiện được tổng cộng 347 ngôi mộ (Di chỉ Làng Vạc là nơi phát hiện nhiều mộ táng nhất trong số hàng chục di chỉ khảo cổ về văn hóa Đông Sơn ở nước ta),  1.228 hiện vật, trong đó đồ đồng là 665 chiếc, đáng chú ý nhất là 14 chiếc trống đồng có niên đại khoảng 2.100 năm, và các vòng tay, dao găm có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Những Di chỉ  đ gốm Xóm Đình có  niên đại thuộc các thế kỷ VI – V trước Công Nguyên. Ngoài ra còn có bao tay, vòng cổ tay, hoa tai... Các hiện vật này hin nay được lưu giữ tại bảo tàng Nghệ An. Đây thực sự là dấu tích của người Việt cổ thời đại đồng thau. Di chỉ  làng  Vạc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ  quan quản lý. Tại khu di tích khảo cổ học làng Vạc, huyện Nghĩa Đàn đã xây dựng nhà bia, nhà triển lãm (Ảnh trên đầu bài).
Rất đáng tiếc là mấy năm gần đây, di chỉ làng Vạc tan hoang bởi nạn dân đào bới  tìm kiếm cổ v ật.

     

            

Mặt trống đồng và các hoa văn trang trí trên trống làng Vạc


     
                Đèn dầu thắp sáng                 Bao chân có lục đạc                   Mũi tên đồng

Các di vật  tìm thấy ở di chỉ làng vạc - tiếng vọng của một nền văn minh đã mất

Một sự tình cờ ngẫu nhiên, vào những năm 50 của thể kỉ XX, di chỉ làng Vạc xuất hiện! Đây chính là minh chứng cho nhận định: Cách đây 2500 năm  Thị xã Thái Hoà là nơi quần tụ của người Việt cổ, nơi phát triển rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn.
Làng Vạc, nơi mà địa danh dường như đã trở thành danh từ chung khi người dân nơi đây nói về nguồn cội. Truyền thuyết làng Vạc - Lễ hội làng Vạc - Văn hoá cội nguồn như một sợi chỉ hồng xuyên suốt trong đời sống tâm linh đồng bào các dân tộc vùng Phủ Quỳ nối từ ngàn xưa đến hôm nay. Bản thân sự giao hoà ấy đã trở thành ngôi đền thiêng liêng giữa cõi đời, cõi người...
 Năm 1999, từ những giá trị đích thực qua những hiện vật được tìm thấy, khu Di chỉ khảo cổ Làng Vạc được Bộ VH-TT (cũ) công nhận và cấp bằng Di chỉ khảo cổ cấp Quốc gia, và cũng từ đó hình thành Lễ hội Làng Vạc để đồng bào các dân tộc trong vùng có dịp tìm về cõi tâm linh, nhớ về một thuở  Văn Lang Hùng Vương  và Âu Lạc An Dương vương dựng nước.      
Tháng Hai về Nghĩa Đàn đi hội... Lễ hội Làng Vạc hằng năm chính thức được tổ chức vào các ngày Mồng 7, Mồng 8 và Mồng 9 tháng Hai  (âm lịch)- trước Giỗ tổ Hùng Vương một tháng. Đã thành thông lệ, khởi sự từ năm 1999, đến nay qua 11 lần tổ chức, Lễ hội làng Vạc đã chính thức trở thành một lễ hội truyền thống hội đủ những yếu tố tâm linh, những sắc màu văn hoá trong đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc miền đất Phủ Quỳ- Tây Bắc Nghệ An.







Lễ hội làng Vạc Thái Hòa, Nghĩa Đàn
Tại đây, mọi người được chiêm bái pho tượng đức Quốc tổ Hùng Vương bằng đồng, có kích thước  cao 145cm, nặng 500kg. Tượng được các nghệ nhân đúc đồng ở huyện Ý Yên tỉnh Nam Định đúc. Trước anh linh Vua Hùng, lãnh đạo và toàn dân thị xã Thái Hoà  bày tỏ lòng thành kính, sự tri ân các đấng khai quốc từ thưở hồng hoang của loài người và hứa quyết tâm toàn dân thị xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Trong các kỳ lễ hội, ngoài những nghi lễ tâm linh, những hội thi văn hoá thể thao... năm nào cũng không thể thiếu các cuộc thi tìm hiểu về đất nước – con người quê hương với sự tham gia nhiệt tình của các nam thanh nữ tú đến từ 32 xã, thị trấn trong huyện với truyền thống uống nước nhớ nguồn.
(4) Loa thành, bọn đô hộ phương Bắc thường gọi là thành Côn Lôn. Loa thành xoáy 9 vòng thành cao sông, hào sâu, dài 16 km, là công trình quân sự lớn nhất thời cổ đại được xây từ thời An Dương vương.
(5) Cao Lỗ (?-179TCN) còn gọi là Cao Thông, Thạch Thần, dân gian gọi là Ông Nỏ. Tướng giỏi, người phát minh ra nỏ liên châu và mũi tên đồng. Ông khuyên An Dương vương dời đô xuống đồng bằng (TDH nhấn mạnh, xin lưu ý), là người được nhà vua sai thiết kế và chỉ huy xây Loa thành. Người đời sau phong là Thánh của nghề rèn, đặt tên đường phố. Ông phản đối việc cầu hôn của Triệu Đà, báo trước nguy cơ mất nước. An Dương vương không tiếp thu, lại nghe lời gièm pha, bãi chức, đuổi ông đi, mắc mưu kế thâm độc của giặc khiến vận nước tan tành. Khi nghe tin kinh thành thất thủ, ông cùng người em trai là Cao Trí đến chặn giặc và gục ngã ngay giữa chiến trường sau khi cha con An Dương vương đã tháo chạy khỏi kinh thành (Sách Thủy Kinh chú). Từ Nho Lâm đến làng Vạc chỉ 41 km, ở gần thì Cao Lỗ mới tiếp cứu được, còn ở Cổ Loa Đông Anh cách những 298  cây số thì nước xa không cứu được lửa gần !?
(6) Họ Cao là dòng họ khoa bảng có truyền thống Diễn Châu, Nghệ An. Đến năm  2010, dòng họ đại tôn này kể từ Cao Lỗ đã truyền được 91 đời con cháu chút chít. Xin đơn cử một gia đình gồm cha, con  cháu và chắt 4 đời: Cao Xuân Dục (1843–1923), Đại thần, Thượng thư bộ Học, Đông các đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán. Cao Xuân Tiếu (1865-1939), Thượng thư, Hiệp biện đại học sĩ, Tổng tài Quốc sử quán. Cao Xuân Huy (1900-1983), Giáo sư Hán học. Cao Xuân Hạo (1930-2007), Giáo sư Ngôn ngữ học.
Người họ Cao rất hiếu học. Ví dụ Cao Giãn Liên, Cao Như Nhật, Cao Trọng Sính, Cao Đăng Nghĩa, Cao Đăng Vĩnh, v.v... và dòng họ Cao-Xuân ở Diễn Châu Nghệ An.

Ở thôn Thịnh Mỹ, Diễn Châu Nghệ An có ba chi họ Cao: Cao-Xuân, Cao Huy và Cao Văn - thảy đều có thể phát xuất từ ông bà Non.

Ông tổ họ Cao-Xuân cũng có thể là ông Cao Quýnh thời vua Lê Thánh Tông. Ông Cao Quýnh thi Hương đỗ Cử nhân lúc 27 tuổi, sau đó thi Hội khóa Ất Mùi (1475) đỗ hội nguyên và thi Đình đỗ thám Hoa làm quan tới chức Đông các đại học ssĩ và được khắc tên trong bia Văn Miếu, Hà Nội. Từ ông Cao Quýnh đến ông Cao Xuân Dục là khoảng 13 đời.
Quan điểm của giáo sư Cao Thế Dung phù hợp với quan điểm của chúng tôi cũng cho rằng thủy tổ của họ Cao ở Nghệ An là hậu duệ của Cao Lỗ.
(7) Triệu Đà (207-111TCN). Khi lấy được Âu Lạc, Triệu Đà sát nhập vào quận Nam Việt, dùng chính sách “dĩ di công di” (Lấy người Việt trị người Việt) giữ nguyên quyền vị cho các lạc tướng, dùng họ cai trị nhân dân Âu Lạc. Triệu Đà chỉ đặt một số quan lại tâm phúc và số quân  đồn trú để khống chế các lạc tướng, đốc thúc họ nạp cống. Triệu Đà là người đảm lược kiêu hùng thường đặt tài năng của mình trên cả Tiêu Hà, sánh ngang với Hán đế. Triệu vương nghênh ngang tự đắc, sôi sục chí cả. Về già, Nam Việt bị Hán Văn đế nhà Tây Hán thôn tính bằng ngón đòn ngoại giao nửa răn đe nửa dịu ngọt.
 (8) Trong hội nghị khoa học của Khoa Văn Đại học sư phạm Vinh ở Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An  mùa hè 1970 tôi có được tham dự. Trước các nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu văn học Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu có đọc cho chúng tôi nghe truyện thơ Tình sử Mỵ Châu Trọng Thủy, cực hay, nhất là đoạn Mỵ Châu ngồi sau lưng ngựa rút lông ngỗng và độc thoại với Trọng Thủy, trữ tình đằm thắm ngang với màn Juyliet tự tình  với Rômêô nơi ban công. Xuân Diệu chơi đúng 3 trang. Tôi không hiểu cho đến tận giờ, người nào quản lý di cảo của Xuân Diệu sao không xuất bản  truyện thơ này cho bạn đọc thưởng thức một áng thơ hay.

LỜI BÌNH CỦA TỪ ANH TUẤN  :

                                Thân gửi Anh Hiểu, Hoàng Liên.
    Tôi đã đọc bài Làng Vạc - phế  đô nước Âu Lạc mấy lần rồi. Rất kinh ngạc thấy sự liên tưởng tinh tường mà táo bạo của Anh. Chưa có ai nghĩ đến cả. Đọc xong, tôi đọc ngay Sử kí Tư Mã Thiên. Định viết cho Anh ngay sau đó, nhưng mạng hỏng. Hôm nay xin thảo luận với Anh mấy ý sau.
    1/ Bài phản biện của Anh đối với tác phẩm của nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài) ta tạm gác lại, coi đó là một giai thoại văn học giữa một nhà nghiên cứu và một nhà văn.
    2/ Suy đoán của Anh rằng di chỉ Làng Vạc là phế đô nước Âu Lạc rất có cơ sở lịch sử và khoa học, rất nghiêm túc, sử liệu rất rõ ràng, phương pháp tiếp cận vấn đề rất thuyết phục.
     Tôi đọc Sử kí và rất tin vào những tư liệu của nó vì Tư Mã Thiên sinh năm 145 tr.c.n. Sau khi bị thiến, được Hán Vũ đế cho tự do ra vào mật cung, được đọc các tài liệu mật như biểu, tấu.... Ông viết Sử kí lúc khoảng trên dưới 30 tuổi. Có thể nói, Ông đồng thời với nước Âu Lạc.
     Khi Hán Cao tổ lên ngôi, phong cho Đà làm Nam Việt vương năm 196 tr.c.n, tức là công nhận nền độc lập của Nam Việt, nhưng bị coi là chư hầu; xuống chiếu bảo phải hòa hợp với dân Bách Việt để yên biên giới phía Nam. Lúc này, cương vực phía Nam của Đà đã đến Quế Lâm và Tượng quận.  Đà thường dùng uy lực hiếp biên giới, đem đồ đạc, của cải đút lót cho Mân Việt và Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình. Không nói Đà đánh diệt Âu Lạc. Lại nói Âu Lạc đánh nhau làm rung động Nam Việt.
    Sau này Hán đánh thắng Nam Việt. Triệu thua, theo về Hán. Quan Giám quận của Quế Lâm là Cư Ông dụ dân Âu Lạc theo Hán thành công. Những người này đều được phong Hầu.
    Nhà Triệu ở ngôi 5 đời, cộng 93 năm, đóng đô ở Quảng Châu. Sử kí không nói Đà có con trai là Trọng Thủy, chỉ nói người kế vị Đà là cháu Đà, tên Hồ.
    3/ Tôi cho rằng, lúc đầu Thủ đô của Âu Lạc là Cổ Loa. Nó là trung tâm của Âu Lạc. Âu Lạc lúc này đang gồm cả phần lớn Quảng Tây ngày nay. Xin nói thêm là theo Anh Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Đại sứ ta tại Ba Lan, nguyên Tổng Lãnh sự ta tại Viễn Đông Liên bang Nga cho biết, ở Nam Quảng Tây có trên dưới 100 đền thờ Hai Bà Trưng. Năm 1960, khi sang thăm Việt Nam, Chu Ân Lai đã dâng hương tại đền thờ Hai Bà ở Mê Linh đấy, Anh ạ.
   Triệu Đà đánh Âu Lạc nhưng chỉ diệt được chính quyền Trung ương thôi. Lúc đầu chiếm được Cổ Loa, An Dương Vương  phải chạy vào Hoan Ái, xây dựng Thủ đô tại làng Vạc. Nhưng chắc là chưa xong, chưa kịp đặt tên thì lại bị truy diệt.
   Triệu Đà không trực tiếp cai trị được dân Âu Lạc vì mắc phải cái chiếu của Hán. Hơn nữa, dân Âu Lạc cũng rất hùng. Vả lại, Triệu Đà cũng không có đủ oai quyền và thực lực. Thế mới có chuyện Sử kí nói rằng Cư Ông dụ dân Âu Lạc theo Hán thành công. Hán là một trong những thời đại oai hùng bậc nhất của Trung Quốc. Có lẽ vì thế mà dân Âu Lạc theo. Đến lúc đó, Hán mới lần lượt bổ nhiệm các Thái thú, như Đồ Thư, Sĩ Nhiếp, Tô Định...
    Và người đời quên Làng Vạc.
    Còn địa danh Cổ Loa tôi rất nghi là do Triệu Đà đặt sau khi chiếm được Thủ đô Âu Lạc. Trước đó có lẽ mang một tên gì đó thuần Việt, nay bị lãng quên. Cổ Loa là một từ Hán Việt, nghĩa đen là bụng con ốc, tức là gọi theo hình dạng thành trì. Làm sao thời An Dương Vương đã có từ Hán Việt? Triệu Đà đặt thế, sau này các cụ đọc theo âm Hán Việt là Cổ Loa. 
    Tôi nghĩ, nếu Anh bỏ phần tranh biện giữa Anh và Bùi Quang Đoài, chỉnh lí, bổ sung thêm một số tư liệu thì bài Làng Vạc - phế đô nước Âu Lạc là một công trình khoa học rất nghiêm túc, rất hay!
   
     Chúc Anh, Hoàng Liên và các cháu vạn sự như ý.

4 nhận xét

  1. Phạm Lưu Vũ 25/01/2011
    Riêng cái vụ “Làng Vạc” này thì những lý sự của Thái tiên sinh là có lý lắm. Tôi đi qua đền Cuông nhiều lần, ngay từ đầu đã nghi ngờ cái chuyện chạy trốn ngót ba trăm km của bố con ADV. Cùng lắm thì ADV nhảy xuống sông ở đâu đó rồi xác trôi về đây. Nếu vậy thì ADV cũng phải… to béo lắm nên cá rỉa không hết chăng? Nay có thêm những tư liệu của Thái tiên sinh, kể cũng đáng suy gẫm lắm thay.
    Thái tiên sinh luôn có cách [ngầm?] tự giới thiệu mình, chẳng hạn “do bận bịu làm các công trình văn hoá LỚN”… lại còn tạo ra cả một “Giai thoại” với một “nhà viết tiểu thuyết lịch sử” NỔI TIẾNG (không mấy ai biết) cho thêm phần huyền ảo. Việc LỚN dường này, đâu cần phải như thế.
    Nói thực, ai đã trót đọc ĐÔNG CHU, TAM QUỐC, hoặc hiện đại hơn như Alezăng Đuy Ma, Kim Dung… thì mới thấy cái gọi là “tiểu thuyết lịch sử” của mấy bác nhà văn An Nam ta (kể cả cuốn của NQT vừa được giải thưởng HNV), nói (xin lỗi) chỉ là tuồng… con trẻ. Tiểu thuyết lịch sử gì mà không vượt qua được mấy dòng Sử kí, mấy câu truyền miệng…
    Cám ơn tiên sinh nhiều lắm.

     
  2. CAO ĐẠI SƠN 27/01/2011
    Người Pháp uốn lưỡi đến 7 lần mới nói. Học giả Thái Doãn Hiểu uốn lưỡi và nghiền ngẫm một vấn đề đến 50 năm mới dám viết. Thật là cẩn trọng, công phu. Chuyện khoa học mà được phủ dưới một màn sương khói giai thoại thật hấp dẫn và lý thú.
    Một phát hiện lớn, gây sốc cho cả nước, tầm cỡ một luận án tiến sĩ sử học nếu khai triển nó ra.
    Trong làng văn, Thái tiên sinh là người thường xuyên gây những chuyện động trời như thế.
    Năm 1991, ông phát hiện ra nơi thi hào Vương Bột tử nạn làm “sửng sốt” cả nước Trung Quốc (chữ dùng của tạp chí Liêu Vọng – tap chí về những vần đề văn hóa đối ngoại của Hội Nhà văn Trung Quốc), xuốc lên cuộc tranh luận giữa các giáo sư đại học Sơn Tây Ngô Trọng Tương, Nhà Phương đông học Lợi Quốc – Giáo sư đai học Bắc Kinh với học giả Việt Nam Thái Doãn Hiểu.

    Năm 2008, ông thông báo đã hoàn tất và cho đăng tải THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI sau 17 năm lao động cật lực trên các tạp chí chuyên ngành và các báo điện tử.

    Tháng 9-2010, ông tung bài VÌ SAO NGUYỄN DU VIẾT TRUYỆN KIỀU trên tạp chí Sông Hương số 10-2010 và chục trang báo mạng, trong đó có vanvn của Hội Nhà văn Việt Nam.

    Tháng 1-2011, ông công bố bài LÀNG VẠC – PHẾ ĐÔ NƯỚC ÂU LẠC!?

    Còn gì nữa đây ? Theo chỗ tôi được biết, xin bật mí: còn hai bài
    1. CHẢY CÙNG MỘT DÒNG MÁU TRONG HUYẾT QUẢN BA THI HÀO HỌ NGUYỄN: NGUYỄN TRÃI – NGUYỄN DU – NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU.
    2.PHẢI CHĂNG CHU THẦN CAO BÁ QUÁT LÀ CHA ĐẺ CỦA PHÓ VƯƠNG BẮC KỲ HOÀNG CAO KHẢI !?
    Cả hai bài đã viết xong đang nằm trong compute của ông Thái. Hãy chờ xem…

     
  3. Thật toàn là những vấn đề khó tưởng tượng. Các nhà khoa học nhất là các nhà sử học nước ta nên suy xét kỹ những điều tác giả Thái Doãn Hiểu viết và có sự lý giải cặn kẽ. Chả nhẽ trong bao nhiêu năm dân ta "mồ cha không khóc khóa đống mối" hay sao?!

     
  4. Chào Anh Hiểu, nay mới đọc được bài viết của anh, rất muốn trao đổi cùng Anh về vấn đề chính của bài viết với các cứ liệu, dữ kiện cơ sở có tính định lượng để chứng cho nhận định của anh. Thân chào anh.
    (mail: ngocminh61@gmail.com (ĐT: 0918882547)

     

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN