"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

Nhân năm Thìn, phiếm đàm

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012



Nhân năm Thìn, phiếm đàm                   
 về cá chép – rồng thiêng hiện.

THÁI DOÃN MẠI



Mỗi năm âm lịch ứng với một linh vật. Linh vật của năm Nhâm Thìn là rồng. Rồng là con vật trong huyền thoại của người Trung Quốc, Việt Nam…và là linh vật trong tứ linh: long li qui phượng.

 Rồng là kết tinh tinh túy vũ trụ, âm dương;truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ nói tới nguồn gốc huyết thống dân tộc:con Rồng cháu Tiên.

Rồng là biểu tượng cho một lực lượng trừ tà trượng nghĩa,có tính vĩnh cửu:đầu đao đình chùa có dáng rồng bay.

Rồng gắn liền với quyền uy,hoàng đế là người thuận thiên thừa vận,nên mặt vua là long nhan, thân thể vua là long thể,áo vua là long bào,xe vua là long giá…

Nơi thắng địa,trù phú, ngoạn mục…đều gắn với từ tố “long”:thành Đại La được Lí Công Uẩn cải thành Thăng Long,vịnh đẹp nhất nước là Hạ Long, đồng bằng trù phú –vựa lúa cả nước là Cửu Long, thế đất lợi về phong thủy là thế “tả thanh long hữu bạch hổ”…

Cơ hội có một không hai,đem lại những điều tốt đẹp,hài hòa…làm người ta nghĩ tới rồng:

                        Thưa rằng lượng cả bao dong
                 Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
                        Trai anh hùng gái thuyền quyên
                  Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
                                                                             (Truyện Kiều)

Với mình thì khiêm nhường,với người thì tôn kính, ta thường nói “rồng đến nhà tôm”, hoặc là “lỗ mũi em 18 gánh lông - Chồng yêu em chồng bảo râu rồng trời cho”.

Hỡi người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?”. Đấy là lời sầu não của ông tây An Nam Vũ Đình Liên khi nhìn tháp ngà Nho Việt thành phế tích. Mạo muội xin thưa với Người:Hồn người xưa còn đọng trên đá, đó là 4 chữ nhân tài –nguyên khí trên văn bia Văn Miếu, đó là 2 chữ Bích Động (Ninh Bình),Thanh Hư Động (Hải Dương),Vọng Hải Đài (Quảng Nam), Nam Thiên đệ nhất động (Hương Sơn)…Trước mắt ta đang hiển hiện Thân Nhân Trung, Nguyễn Nghiễm, Vua Trần Anh Tôn, Vua Minh Mạng, chúa Trịnh Sâm…đang thao bút đưa những nét rồng bay phụng múa.

Cảm xúc tự hào nhất, bâng khuâng nhất là vào một ngày đầu xuân ta hân hạnh được chạm bàn tay mình vào thân rồng đá đặt ở điện Kính Thiên
           (di vật thời Lý – Trần trong Hoàng thành Thăng Long)

Tóm lại rồng là totemism có những đặc tính siêu phàm: “ lân trùng chi trưởng, năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi thăng thiên, thu phân nhi tiềm thủy”

                    Có người bảo huyền thoại là những điều vô lý, không hợp với logic thông thường…vâng! Đúng vậy, nó phù hợp với logic huyền thoại! Ta hãy lấy câu lục bát này làm ví dụ:

                         Mồng ba cá đi ăn thề
                   Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn.

           Người xưa đã giải mã như sau:
Lí do: Trời cần “tuyển dụng” trong số các loài thủy tộc vào cương vị rồng đi hút nước gây mưa.
Danh sách thí sinh: cá rô, tôm, cá chép,cá chầy, cá trê
Địa điểm thi: “Long môn” trên sông Hoàng Hà (TQ), “Vũ Môn tam cấp lãng”ở Hương Sơn – Hà Tĩnh (VN)
Ngày thi :mồng 4 tháng 4
Tư tưởng chỉ đạo thi: nói không với tiêu cực, vì thế trước đó một ngày tất cả phải đọc lời thề trung thực
Ban chỉ đạo thi: Trời ủy quyền cho vua Thủy Tề làm chủ tịch HĐ coi và chấm.
Đề thi:công khai với thí sinh là vượt qua tam cấp lãng.
Kết quả thi: cá rô qua nhất cấp; tôm nhảy qua tam cấp, song cứt lộn lên đầu nên bị loại; cá trê bị hụt, đầu va vào đá,bẹp đầu;cá chày sợ quá ,bỏ thi, thương bạn khóc đỏ cả mắt; chỉ có cá chép (hiệu là Lý Ngư) được ghi vào Kim bảng.
Đánh giá thi:Tuy chỉ đạt 20% (chứ không phải 100%) Trời vẫn đánh giá là thành công và tốt đẹp. Ra khỏi phòng họp HĐ, Trời vẫn còn lẩm bẩm: ok ! ok!(chả là trước đó Ngài bắt chước bộ trưởng Hiển có đi bổ túc Ăng Lê Ngữ ở Lông Đông)
                 
                Rõ ràng cá chép là biểu tượng cho ý chí vươn lên đẳng cấp cao nhất của linh vật vũ trụ. Dựa vào điển tích này, cuối thế kỷ XX người ta gọi Đại Hàn Dân Quốc, Tân Gia Ba cộng hòa… là những con rồng châu Á. Người VN ta có phong tục coi cá chép là rồng dự bị, là “ á long” nên vào ngày 23 tháng chạp cố chọn đôi cá chép để 2 Cụ Táo làm phương tiện giao thông về giời.

                 Như vậy, cá chép, rồng có một vị trí trong đời sống văn hóa phương Đông. Kết luận bài viết tôi muốn nói tới 2 tác phẩm nghệ thuật về cá chép.

Tác phẩm thứ nhất là bức tranh dân gian có tên : lí ngư vọng nguyệt. Ta coi như có được bóng trăng do đáy ao là gương phẳng.Trăng tròn là biểu tượng cho cuộc sống hoàn thiện,viên mãn!?. Cá chép “vọng” bóng trăng cũng là con người cố tìm về sự viên mãn của cuộc đời.Tâm hồn lãng mạn của người nghệ sĩ đọng lại ở sự lung linh trong mắt cá chép.

Tác phẩm thứ 2 là bài thơ Lí Ngư của Chương Hiếu Tiên (đời Đường)

鯉魚
章孝標
眼似真珠鱗似金
時時動浪出還沉
河中得上龍門去
不嘆江湖歲月
Phiên âm Hán.  (Không có phần mềm chữ Hán)


Dịch nghĩa:
Cá chép

Mắt cá như hạt ngọc,vẩy cá là vàng (Au)
Cá luôn quẫy thành sóng, có lúc nhẩy lên rồi lặn xuống
Muốn từ sông để vượt Long Môn (hóa rồng)
(Thì)đừng than thở phải (luyện) lâu dài trong sông hồ

Dịch thơ :
Cá Chép

Mắt tựa ngọc châu, vảy ánh vàng,
Vút lên khỏi sóng tỏa hào quang.
Vũ Môn vượt thác, Kim Long hiện,
Chẳng thẹn bao ngày sống ở hang.


Lịch sử, cuộc đời có những sự trùng hợp kì lạ. Đất Chín Rồng có bến Nhà Rồng, từ đây Nguyễn Tất Thành (lúc nhỏ ở Nghệ An được gọi là Côn-tên một loài cá huyền thoại vượt được qua biển lớn)mang theo tấm lòng yêu Nước, khăn gói hướng trời tây, mong tìm đường giải phóng.Một sự kết hợp hài hòa- văn hóa Đông Tây nảy nở, biểu tượng con rồng phương Đông và lý tưởng Tự Do luôn thôi thúc Người vững bước:


Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ
(mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới)
Tự Do thiên thượng thần tiên khách
(tự do tiên khách trên trời)
Lung khai trúc sản xuất chân long
(nhà lao mở cửa ắt rồng bay)
                                      (trích Nhật ký trong tù)

Cuối năm rồng (Canh Thìn 6/1/1941) Người cùng những học trò xuất sắc lên đàng rời Quế Lâm (rừng quế) theo đường Long Lâm (rồng đến) về Tĩnh Tây, tại đây tài liệu “Đường Giải phóng” ra đời…để 28/1/1941 Người đặt chân lên địa đầu Tổ Quốc,sau 30 năm bôn ba đi tìm hình của Nước…Ngày 2/9/1945 văn hiến nước nhà có thêm một dòng vàng chói lọi:Nước VN có quyền hưởng tự do và độc lập,và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập.

Cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa,trước đó mấy năm, trong ngục thất u ám , Người nghe thấy tiếng gà gáy:

          “ Nhất thanh hoán tỉnh quần lê mộng” (trích từ NKTT)
           (nghĩa là một tiếng toàn dân bừng tỉnh giấc)
Bài thơ “thính kê minh” coi là sấm ký, tạm giải mã như sau: năm 1945 là năm Dậu – năm con gà, sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn thành.  

Ngày Xuân Rồng ta hãy thư thái đi vào vườn Bác, ta như thấy Bác vẫn ngồi kia,đang lặng lẽ ung dung bên đàn cá chép lung linh giữa làn ao lóng lánh.


Mạt đông –Tân Mão .
Thái Doãn Mại
16c Nguyễn Biểu –Nha Trang –Khánh Hòa

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN