"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

TRƯỚC TÁC KHOA HỌC

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Tưởng niệm nhân  229 năm ngày sinh nhà bác học Phan Huy Chú:


TRƯỚC TÁC KHOA HỌC
ĐỂ MỘT ĐỜI HIỂU THẤU MUÔN ĐỜI


THÁI DOÃN HIỂU


Năng lượng khoa học mà Phan Huy Chú gửi vào bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí là khuynh hướng tư tưởng duy lý, phương pháp tư biện phân tích, phân loại, tổng hợp một cách nhất quán, hệ thống logic, tạo nên được một sản phẩm văn hóa khổng lồ, đột phá, vượt quá xa thời phong kiến trung cổ của văn minh… nông nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chính Phan chứ không ai khác là người tiên phong khai sáng cho sự tiến triển của văn hóa nước nhà từ cổ đại sang hiện đại.

*


Phan Huy Chú (1782-1840) là nhà thơ, nhà bác học lỗi lạc của thế kỷ XIX.

Phan Huy Chú tự Lâm Khanh, hiệu Mai Phong. Quê quán của ông ở xã Thụy Khê, tục gọi làng Thày, một vùng quê có thắng tích Sài Sơn ở Hà Tây. Quê gốc - họ Phan Huy của ông hiện  nay vẫn là một dòng họ lớn có truyền thống khoa bảng ở xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Gốc gác xa xưa của họ nổi tiếng về nghề ca xướng.

Phan xuất thân trong một gia đình trí thức có tầm cỡ với những tên tuổi đáng nể trọng : Phan Huy Cận (ông nội), Ngô Thì Sĩ (ông ngoai), Phan Huy Ích (cha), Ngô Thời Nhiệm (bác – anh mẹ), Ngô Thì Vị (cậu), Phan Huy Ôn (chú), Phan Huy Sáng (chú), bà Ngô Thị Thục (mẹ) là người có học, rồi vợ ông (con gái danh y, quan thượng thư, tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch tức Nguyễn Gia Phan)… Gen di truyền, sự kế thừa và môi trường ấy đã nâng đỡ, tơ trời vấn vít tạo nên tài năng, học vấn cho Phan. Vốn thông minh, lại được các thành viên trong gia đình rèn cặp nên Phan học rất giỏi, nổi tiếng uyên bác cả vùng Sài Sơn.

Phan sống trong gai góc vây bủa thời tráng niên của mình là một hàng rào lý lịch khá đặc biệt nguy hiểm : nội thân ngoại thích của ông đều là trụ cột của Tây Sơn - kẻ tử thù của nhà Nguyễn vừa bị họ đánh đổ, trả thù khốc liệt, hèn mạt. Con đường thi thố tài năng bằng hoạn lộ thật mịt mờ. Sau vài phen thử vận may vào năm 1807 và 1819, không vượt khỏi tú tài vì bị kỳ thị, ông Kép Thày  (dân làng nể trọng gọi thế) đành chuyển sang con đường trước thuật  với tất cả năng lực được tu luyện khá kỹ càng cùng chí hướng nung nấu của một trí thức tự do. Ròng rã 10 năm trời từ tuổi 27 (1809) đến tuổi 37 (1819), Phan dựng nhà trong núi, “đóng cửa tạ khách” (đóng cửa không tiếp khách) để làm sách. Sống giữa một thiên nhiên u nhã với bạt ngàn sách vở tàng trữ được bao đời trong kho thư tích gia bảo của gia đình, Phan đã chịu đói lạnh dùi mài nghiên cứu, tổng kết được mọi điển chương, thâu tóm được mọi tinh túy học vấn dân tộc của những người đi trước, soạn ra bộ bách khoa sử học đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí.

Năng lượng khoa học mà Phan gửi vào bộ sách là khuynh hướng tư tưởng duy lý, phương pháp tư biện phân tích, phân loại, tổng hợp một cách nhất quán, hệ thống logic, tạo nên được một sản phẩm văn hóa khổng lồ, đột phá, vượt quá xa thời phong kiến trung cổ của văn minh… nông nghiệp. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chính Phan chứ không ai khác là người tiên phong khai sáng cho sự tiến triển của văn hóa nước nhà từ cổ đại sang hiện đại.

Dẫu không có chân trong đám đại khoa nhưng tiếng thơm của Phan vẫn bay xa. Vua Minh Mệnh nghe tin đồn xuống chiếu triệu ông vào Huế cho giữ chức Hàn lâm viện biên tu (1821), sung đoàn sứ bộ đi sứ nhà Thanh (1828), thăng Hiệp trấn Quảng Nam (1829). Sau đó Phan bị giáng. Năm 1831, lại được cử đi sứ Trung Quốc lần hai, khi về bị cách tuột vì bị ghép tội lộng hành. Năm 1832, lại bị Minh Mạng bắt đi tiền quân hiệu lực ở Inđônêxia về công thương buôn bán.. Xong việc, Phan được khôi phục với chức vụ Tư vụ bộ Công. Trên thực tế, Minh mạng cũng muốn dùng Phan nhưng không thể ưu ái, tin cậy được bọn cừu gia đệ tử. Bản thân Phan cũng vậy, làm sao ông có thể yêu quý cái triều đình đã nọc cổ cha và bác ông đánh tóe máu, một người mang đầy thương tích, một người tử thương giữa Văn Miếu ? Phan không phạm lỗi sao được khi tài năng và đức thương dân của ông vượt ra khỏi trí não lôi long hẹp hòi, bảo thủ của bọn hủ nho già (1)

Có lẽ đến đây, trên mười năm “tha hóa” (chữ dùng của nhà sứ học Lê Văn Lan) làm quan chức hành chánh triều nhà Nguyễn, Phan đã  lợm mùi khổ nhục thăng giáng nơi quan trường, lấy cớ đau yếu xin cáo quan về nghỉ, mở trường dạy học ở Thanh Mai, rồi mất ở đó. Mộ ông hiện nay còn táng tại ở xã Vân Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ngoài bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú còn để lại : Hoàng Việt địa dư ký: sách viết về địa lý nước ta dưới triều Nguyễn; Hoa thiều ngâm lục là tập thơ Phan đi sứ Trung Quốc lần thứ nhất (1825) gồm: quyển thượng có một bài tựa, 161 bài thơ, 3 bài phú, quyển hạ  có 114 bài thơ, 1 bài phú và 8 bài từ; Hoa trình tập ngâm là tập thơ Phan đi sứ Trung Quốc lần thứ hai (1831) gồm 127 bài thơ; Dương trình ký kiến (ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc hành trình trên biển) khi Phan đi tiền quân hiệu lực sang Inđônêxia (1832), tác phẩm này bị mất nay chưa tìm thấy; Nam trình tạp ngâm tập thơ 36 bài (bị mất); Tiến Ngọc phả biểu là cuốn gia phả nhà Nguyễn do Phan và một người khác soạn dâng Minh Mệnh.

*

Lịch triều loại chí là công trình lớn nhất làm cho tên tuổi của Phan sống  mãi. Toàn bộ trí tuệ, tài năng, sự đam mê khoa học, ý chí lao động Phan dồn hết cho công trình này. Nó là sự kết tinh một tình yêu lớn đối với lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Trong lời tựa của tác phẩm, Phan đã kể về công việc của mình:

Nước Nam từ Triệu, Đinh, Lê, Lý, trần, phong hội đã mở, đời nào cũng có chế độ của thời ấy. Đến thời nhà Lê kiến thiết kỹ càng, phép tắc đầy đủ, thanh danh của nước và văn hóa, nhân tài đều thịnh không kém gì Trung Hoa…

Duy điển lễ của các triều trước chưa có sách sẵn. Trong quốc sử biên chép công việc hàng năm về điển lễ còn sơ lược nhiều. Huống chi từ năm Bính Ngọ (1786) xẩy ra việc binh đao đến giờ, sách cũ tan nát, chỉ còn lại một  ít của các cố gia thế tộc cất giấu đi. Các sách nát, vở cũ còn lại biên chép lẫn lộn sai lầm chưa lần ra đầu mối, có bàn về điển cố các triều thì lờ mờ không bằng cớ vào đâu. Vậy thì, chép lấy những điều mắt thấy tai nghe, chia ra từng việc, từng loại để làm một quyển có khuôn phép há chẳng phải là nhiệm vụ của nhà học giả ư ?

Tôi từ nhỏ đi học vẫn thường có chí ấy. May nhờ sách vở của mấy đời để lại và sự dạy dỗ của gia đình nên về điển chương gọi là có biết qua đầu  mối, nhưng hiềm vì sứ sách tản mát chưa kịp sửa chép. Từ khi vào núi đến giờ, mới đóng của tạ khách cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách được nhàn rỗi, thì lại tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được điều gì thì làm ra lời bàn. Ngày tháng góp lại đến nay đã trải 10 năm, biên chép đã xong”…

Lịch triều hiến chương loại chí tất cả có 10 chí, 49 quyển ghi chép 10 bộ môn được phân loại, nghiên cứu, theo trình tự:

1- Dư địa chí: nghiên cứu sự thay đổi về lãnh thỗ bờ cõi qua các thời đại.
2- Nhân vật chí: kể về hành trạng cá vua chúa, những nhân vật  như danh tường, hiền sĩ có công tích đối với các triều đại.
3- Quan chức chí: việc đặt quan chức và thay đổi quan chức các triều đâi, chế độ phâ phát bổng lộc, chế độ bổ dụng người làm qua.
4- Lễ nghi chí: những quy định về y phục, mũ miện, xe cộ của vua chúa, các phong tục thờ cúng, tang ma, cưới hỏi.
5- Khoa mục chí: phép tắc thi cử, thể lệ các kỳ thi, học vị học chế các đời.
6- Quốc dụng chí : sổ hộ khẩu, phép thu thuế, đánh thuế hàng hoá, tiền tệ, chế độ ruộng đất…
7- Hình luật chí: khái quát về luật lệ, luật pháp các đời.
8- Binh chế chí: việc tổ chức quân đội, chế độ quân lương, quân trang, quân dụng, phép thi võ.
9- Văn tịch chí: nói về sách vở, văn hóa, văn học các thời.
10- Bang giao chí: thể chế ngoại giao, nghi lễ đón tiếp các sứ thần các nước.

Đó là toàn bộ lịch sử văn hiến của một dân tộc chứa đựng trong bộ sách bách khoa toàn thư với chiều rộng và bề sâu 10 khoa học thiết yếu của một quốc gia. Thực chất công việc nghiên cứu của Phan là tỉ mẩn làm công việc phân loại, hệ thống và đánh giá các tri thức. Với cốt cách sáng suốt, sành sỏi, bao quát, tường tận với tính chính xác của tư liệu, sự tôn trọng sự thực khách quan, Phan Huy Chú đã vững vàng đóng các vai nhà sử học, nhà địa lý, nhà luật học, nhà kinh tế học, nhà giáo dục, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thư tịch học, nhà nghiên cứu và phê bình văn học… Lĩnh vục nào Phan cũng tỏ ra uyên thâm, chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ, thể hiện tinh thần dân tộc độc lập và bản lĩnh học thuật cao cường của cá nhân Phan cũng như tinh hoa của các thế hệ. Sau 177 năm từ khi Lịch triều hiến chương loại chí ra đời, liệu có ai đó ở nước ta dám làm một công trình quy mô như ông “tú quèn” họ Phan này chăng ?

Tính mục đích của Lịch triều hiến chương loại chí nằm ngay trong tên gọi của nó: hãy giữ vững và làm theo pháp chế, điển chế của các đời. Rõ ràng sách là đối tượng nghiên cứu phổ biến tâm thuật trọng yếu của nhà bác học, ông nghĩ: “Cái tinh vi của  lòng nghĩ ngợi lo toan, đều gửi gắm trong văn chương để hiếu thấu đường đời. Văn minh của  loài người đều chứa trong sách” (Tựa Văn tịch chí).

Cùng với tập ký Vân đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí là một trước tác khoa học chặt chẽ, khuôn mẫu để “người đọc một đời hiểu thấu muôn đời”.

Khi bộ Lịch triều hiến chương loại chí dâng lên,  vua Minh Mạng thưởng cho Phan 30 lạng bạc, 1 chiếc áo sa, 30 ngòi bút lông, 30 thỏi mực. Chút nhuận bút hương hoa bạc bẽo cho mười năm lao động khoa học với công trình không ai sánh nổi đã không làm cho Phan buồn tủi, trái lại làm ông vui sướng vì bao điều tâm huyết của nhà học giả kiêm nghệ sĩ gửi gắm trong đó đã được khắc in và phổ biến.



----------------------
(1) Sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ chép : Vào năm Minh Mệnh thứ tư (1823) “Lang trung bộ Lại Phan Huy Chú dâng sớ điều trần bốn việc, nói nhiều điều viển vông, bậy bạ, không thiết thực việc đời. Vua xem cười bảo rằng “Chú cầu tiến thân mong được hợp ý như bọn Mao Toại tự tiến vậy”, rồi trả lại sớ”.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN