"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

NGÔ NGHÊ NGỐ NGHỆ

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NGÔ NGHÊ NGỐ NGHỆ, NGỘ, NGHI NGỜ

Phiếm đàm của THÁI DOÃN MẠI



Có những điều quen thuộc với mọi người mà mình không hiểu gọi là ngố. Ngộ có nhiều nghĩa: là gặp (hội ngộ), là sai lầm (ngộ nhận) là hiểu ra (diệu ngộ) là trái ngược (ngộ ngược). Có lẽ nhiều người phải trải qua như thế. Sợ bị người đời chê là dốt nát, tôi đành ghi cái ngố của mình vào nhật kí để “ một mình mình biết một mình mình hay”.

        Hôm qua làm cái đơn, dòng đầu là CH XHCN VN, quốc hiệu này làm tôi nhớ tới quốc hiệu 1945 VN DC CH. Điều này làm tôi ngờ ngợ vị trí của danh từ riêng VN. Ngố Nghệ tự lí giải: quốc hiệu 45, VN là trung tâm ngữ, DC,CH (tính từ) làm định ngữ. Vậy cụm từ VN DC CH được sắp xếp theo trật tự cú pháp nước Nam ta. Suy rộng ra , quốc hiệu 76 CH XHCN VN được sắp đặt theo cú pháp Tầu chăng ? Vua Minh Mạng đặt quốc hiệu Đại Nam thì chắc chắn thuận theo cú pháp Tàu là nhẽ dễ hiểu. Học tập Bác Hồ tôi muốn dân tộc hóa quốc hiệu nước mình : VN XHCN CH . Ôi, nghe mà nghịch cái lỗ nhĩ, phải chăng ta quen tai đi rồi !

       Trong các đại lễ, quốc thiều VN vang lên thật hùng tráng. Nghe nói ban đầu Tiến Quân Ca (ra đời trong hoàn cảnh phát xít thực dân hoành hành) có ca từ : “thề phanh thây uống máu quân thù”…, sau này được sửa lại : “thề vì Dân chiến đấu không ngừng”… nghe nhân văn  mà vẫn hào sảng. Nay trộm nghĩ trong quốc ca có câu : “Đường vinh quang XÂY XÁC quân thù nghe ra có mùi hiếu sát”. Nghĩ rằng Nguyễn Trãi đánh quân Minh nhưng vẫn sẵn mở đường hiếu sinh, Bác Hồ những ngày căng thẳng cuối năm 1946 vẫn tính đường nhân nhượng, để Pháp, Việt không đổ máu. Mạo muội tôi đề xuất ca từ thay thế: “Đường vinh quang thấm máu anh hùng”, để tôn vinh ý chí quật cường cả một dân tộc anh hùng, tránh cái hành vi trả thù Cám  của Cô Tấm dịu hiền trong cổ tích.

       Có người lấy thơ phổ nhạc, tôi mơ ước lấy thơ “phổ họa”, nếu tôi có tài như Cù Huy Hà Vũ, tôi sẽ vẽ 2 bức thủy mặc lấy đề tài từ 2 bài thơ nổi tiếng : Thiên Trường vãn vọng của vua Trần Nhân Tông và Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh).Hai bài thơ vẽ ra cái không gian (gần như tịnh) của một buổi chiều ở đồng bằng Nam Định, của một đêm trăng êm đềm ở núi rừng Việt Bắc …cánh cò trắng cứ mãi dập dờn trong tâm trí ta , ánh trăng rằm cùng nước thượng nguồn sông Đà mãi tắm mát tâm hồn ta. Ở bài Nguyên Tiêu, nếu thay từ “quân sự” bằng từ “thời vụ” thì dễ ngộ nhận hai tác giả là hai Thiền sư Thi sĩ (hoặc là 2 Ẩn giả Thi sĩ) , thực ra đây là 2 Người Lính. .. Thi sĩ đã gác bỏ mọi thế sự , thành bại, sinh tử…Thiên nhiên an bình của bậc Đạo Sư liễu ngộ với cái thơ ngây trong sáng của trẻ thơ. Bức thủy mặc thứ 2 thế nào cũng có núi (sơn) , nhưng ở nguyên tác lại không có núi, tôi bèn cải đi cho riêng mình: Xuân sơn, xuân thủy tiếp xuân thiên. Trộm nghĩ vắng chữ “giang”  thì đã sẵn có chữ “thủy” liền kề .( đại khái người ta dung chữ “ thủy” như chữ “giang” : “ Lục Đầu vô thủy bất thung thanh”, nghĩa là ở Lục Đầu không có con sông nào không vang lên tiếng đóng cọc gỗ lim , “Dịch thủy tống biệt” nghĩa là tiễn biệt bên dòng sông Dịch, gọi Lam giang hay Lam thủy đều có nghĩa là sông Lam.)

             Truyên Kiều là ngôi đền thiêng trong khuôn viên Văn hiến nước nhà. Năm Tân Mão này Hội Kiều Học ra đời, ngôi đền đó đã có thủ từ…từ nay Nguyễn Tiên Điền , Người không phải ám ảnh về nỗi cô đơn Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Trong niềm thành kính bậc đai thi hào, mình vẫn có một tý xíu “thóc mách”. Vòng vo Tam quốc là như vầy: Văn chương và toán học cũng có liên quan không nhiều thì ít (đọc văn chứ đâu phải đọc bản vẽ kĩ thuật). Nhà văn Ngô Tất Tố viết : Mặt trời đã lên cao một cây sào (Tắt Đèn) …vậy lúc đó là mấy giờ ..7 ..8..hay 9 h, Nam Cao viết : cái mặt của  Thị  (Nở) bề  dài ngắn hơn bề rộng (Chí Phèo)…cái hình chữ nhật này có tỉ lệ nào? Họa có là điên mà đi bắt bẻ độ “nhòe” của những câu văn này, dù có “nhòe” thì đã có “sai số văn chương” đỡ đòn. Nhưng dù là văn chương cũng không được vượt ngưỡng cho phép (Con rắn vuông là một ví dụ)

     Tôi giở đến màn Sở Khanh rủ Vương  Thúy Kiều vượt biên . Mật mã “ticviet” được giải mã thành “ trấp nhất nhật tuất tẩu”, sự không hợp lí ở đây là : giờ tuất tính từ 7h đến 9h tối, đêm 21 âm lịch mãi đến giờ tí mới có trăng lên, tôi lo cho cái giờ G có sự trục trặc…vậy lấy đâu ra cảnh : “Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”… nên chăng chỉ có thể là : “ Đóa trà mi đã ngậm sương lạnh lùng”. Đang mổ cò chợt nghe trẻ con nghêu ngao hát :  “20 giấc tốt 21 nửa đêm” , liệu điều này có đúng với tọa độ “hai kinh vững vàng” không nhỉ ? Mình nghi hoặc bởi dốt quá, không có cách gì kiểm tra !

          Đến màn Từ Hải đại vương xuất hiện…Tôi tưởng tượng : Ngài oai phong như ông Hộ pháp ở cổng tam quan làng mình xưa, không ngờ tôi thất vọng , vì diện mạo ngài có quá nhiều nét ( nói dại )của súc …s..u..c  vật : “lông hùm hàm én mày ngài” và số đo thì lỏng khỏng lòng khòng:  vai 5 tấc rộng: bằng 20 cm, lưng 10 thước cao: bằng 3,33 m hay 4,0 m gì đó (chuyển đổi từ hệ đo lường cổ TQ theo hệ SI).Tôi có “ mác” chân dài tôi sẽ yêu đại za khác, nếu tàm tạm sửa đi tí chút : “ vai 10 tấc rộng lưng vài thước cao”, thì may ra  tôi cũng xiêu lòng.

       Trong Truyện Kiều có 2 chữ “ ngài”.
1/ “Khuôn trăng”…. “nét ngài”…Đây là cặp tiểu đối mô tả hai phần: diện mạo nàng Vân và dáng người (tổng thể). Ngài ở đây là người ( tiếng Nghệ), dân xứ tôi thường nói : “nhọc cấy (cái) con ngài”, nghĩa là mệt cả con người. Các nhà chú giải cứ đè con tằm ngài ra mà chú giải, khổ thân mày! Lông mày nở nang là lông mày sâu róm, Kim lang không thể ok được. Thực ra thi  hào muốn nói tới cái số đo phồn thực của nàng Vân( to mông rộng háng đáng quan tiền) . Nhân bảo như thần bảo, sau này ta biết nàng sinh đẻ vô kế hoạch “một sân quế hòe”, như Cầm Giang  nói “tung một nắm thóc hóa ra đàn gà

 2/…Hàm én mày  ngài. Ngài ở đây mới thực là tằm ngài… cặp lông mày của  Từ Hải có độ dốc như chữ bát (    ) lật ngược…( thư pháp : nét mác cong)

     Mùa xuân đi trẩy hội Đạp thanh, giàu nghèo gì thì cũng cố phô ra cái sự sang trọng: “ngựa xe như nước, áo quần như” ( X). X từng được chú giải là  nêm cối (chặt …nhiều), X từng được chú giải là nen , như cây năn cây lác mọc chi chit ở ruộng hoang…tôi cho rằng không ổn. Phương án chú giải của tôi : X là cây nen hay còn gọi là cây niệt, thấp,thân gỗ lá hình elip sáng bóng, đặc biệt trên thân nó thường mang 3 loại quả nhỏ xanh vàng đỏ sặc sỡ vui mắt…có vậy mới phù hợp với cái cảnh thiếu nữ du xuân nơi hương đồng cỏ nội “ Xiêm y mớ  bảy  mớ ba -  Xanh hồng vàng lục…như là  quả nen”.

Cứ đồng quang sang rú rậm như thế này kể cũng tốn giấy và phạm thượng… tôi phải “phanh” cái thể văn “ lan man kí” này lại …cầu trời mong đất sớm có nhãn dược  để mắt mình  luôn luôn “trông gà hóa  Oke”.


Nha Trang 13/ 11/2011
Lâm tẩu Thái Doãn Mại

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN