"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

MÙA THU ĐI QUA CÒN ĐỂ LẠI…

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011


MÙA THU ĐI QUA CÒN ĐỂ LẠI

THÁI DOÃN MẠI


Sáng nay bóc tờ lịch, chợt nhìn thấy dòng chữ “sơ cửu nhật lập thu”, lòng tôi lại xốn xang một nỗi niềm khó tả… Một tứ thơ cổ điển nào đó ùa về:

Bất chợt ngô đồng một lá rơi,
Đều hay thu đến ở muôn nơi.
Nhạn kêu một tiếng trong hoang lạnh,
Phảng phất mùa thu thoảng giữa trời.

Bức tranh Thu vàng của I .Levitan hiển hiện: Cả một sắc vàng chủ đạo của rừng bạch dương ôm lấy dòng nước phẳng lì trong suốt như gương, chứa cái yên tĩnh vĩnh hằng, kìa! làn mây trắng kia có duyên nợ gì không với “bạch vân thiên tải”của Thôi Hiệu?

Cổ kim thi phẩm về mùa thu, có những điều gì đặc biệt, khó mà nói được tường minh.
 Đại thi  hào Nguyễn Du có 2 bài “thu chí”, có lẽ sáng tác vào 2 thời điểm khi còn lưu lạc ở đâu đây hoặc khi đã là một mệnh quan của triều Nguyễn Gia Long.
Đó là một mùa thu bế tắc, u ám:
                    
THU CHÍ ( I )

Tứ thời hảo cảnh vô đa nhật
Phao trịch như thoa vãn bất hối.
Thiên lí xích thân vi cửu khách
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai.
Liêm thùy tiểu các tây phong động
Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai.
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát
Nhất sinh u tứ vị tằng khai.

Xin tạm dịch :  Đây mùa thu tới
 
Ngày đẹp 4 mùa đếm lại rầu
Thoi đưa vùn vụt nước qua cầu.
Chiếc thân ngàn dặm đời lưu lạc
 Lá úa đầy sân thu đến chầu.
Tuyết phủ xóm nghèo, tù vẳng oán
Rèm buông gác bé gió từ đâu.
Rầu rầu năm tháng đầu thêm bạc
Ngẫm ngợi lòng riêng kín nỗi sầu.

Đó là một mùa thu chán nản ,vô vọng:

               THU CHÍ (II)

Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu.
Vãng sự bi thanh trủng
Tân thu đáo bạch đầu.
Hữu hình đồ dịch dịch
Vô bệnh cố câu câu.
Hồi thủ Lam Giang phố
 Nhàn tâm tạ bạch âu.

Xin tạm dịch : Thu tới

Sông Hương trăng một mảnh
Chồng chất cổ kim sầu .
Việc xưa thương nấm mộ
 Thu chớm bạc mái đầu.
Có thân mang lận đận
Uốn lưng mỏi buổi chầu.
Bến sông Lam ngong ngóng
Đành lỗi hẹn chim âu.

Thi trung hữu họa, cả 2 bài thơ đều xuất hiện mái tóc bạc của Thi hào.
Trong Truyện Kiều người viết : “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu”-                  
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Có lẽ , người đã thể nghiệm từ bản thân, rồi mới có câu lục bát gan ruột kia . Thật là một mâu thuẫn lớn của cuộc đời : năm nào , giữa trời thu, người là con chim xơ xác bơ vơ…”thiên lí xích thân vi cửu khách”, còn bây giờ, thi hào đã là mệnh quan triều đình, Người lại ao ước tung bay, làm bạn với cánh chim âu nơi sông nước quê Choa. Nào có được!

 Hồi thủ Lam giang phố
 Nhàn Tâm tạ bạch âu.

 Theo lối chiết tự, quả là “ai đem thu cảnh ( thu ) đặt lên thu lòng (tâm = sầu )”
  Ở thế kỉ XX nhà thơ Lưu Trọng Lư đã ghi lại Tiếng thu thật là khẽ khàng
                  
  Em không nghe mùa thu ,
  Lá thu kêu xào xạc
  Con nai vàng ngơ ngác               
  Đạp lên lá vàng khô?

Tôi lẩm cẩm so sánh: lấy cân tiểu li, “cân” bức tranh  Thu vàng , rồi “cân” bài thơ Tiếng thu.   Trước đó, từ Tk XV, Nguyễn Trãi đã ghi lại tiếng thu là tiếng đập vải ven sông. mà tiếng dội của nó là tiếng lòng của người cô phụ gửi đến kẻ chinh phu:

                   THÔN XÁ THU CHÂM

Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh
Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.
Nhất chủng Tiêu quan chinh phụ oán
Tổng tương li hận nhập thu thanh.

Xin tạm dịch :  Tiếng chày đập vải

Khắp sông vang tiếng nện chày
Đêm trăng thảng thốt khách này  xa lâu.
Chồng Tiêu quan, vợ ngậm sầu,
 Nỗi buồn xa cách rách nhầu tiếng  thu.


Mùa thu chim di cư chuyển vùng, Bạch Cư Dị lại phải tiễn bạn ra đi, nỗi buồn bị nhân lên:   

THU GIANG TỐNG KHÁCH

Thu hồng thứ đệ qua
Ai viên triêu tịch văn
Thị nhật cô chu khách
Thử địa diệc li quần.
Mông mông nhuận y vũ
Mạc mạc mạo phàm vân
Bất túy Tầm Dương tửu
Yên ba sầu sát nhân.

Xin tam dịch : Bên sông thu tiễn khách

Chim hồng lần lượt bay qua
 Ngày đêm tiếng vượn xót xa điệu buồn.
 Là buổi chiếc bách cô đơn
 Nơi đây giã bạn không hơn một mình.
 Mưa mịt mù ướt áo
 Mây man mác che buồm.
 Rượu Tầm Dương vẫn nhạt
 Khói sóng xúi ai buồn

Giọt mưa thu (dân gian gọi là mưa ngâu) được giải thích bằng câu chuyện chàng Ngưu ả Chức vì thương nhớ nhau mà khóc thành mưa ! Ngô thời Nhậm cho rằng không phải vậy Trời thương chung những kẻ nặng tình mà phải xa cách, trời nhỏ lệ, có thật thế không ?                      


THU TỨ                                                                                                                                 
  
Nữ Ngưu bất tác tương tư lệ
Thiển trích thu thanh nhất vũ hành.
Thiên thượng dã tri cơ tứ khổ
Khuê tình khẳng hướng khách tình mang.

Xin tạm dịch :    Tứ mùa thu

Ả Chức chàng Ngưu có khóc đâu
Mà buông tí tách giọt mưa ngâu
Lòng  Trời cũng biết đau li biệt
Dặm khách – khuê môn vướng lưới sầu,

Cũng lạ, đang giữa mùa xuân, sao có người cứ lấy mùa thu làm cái cọc tiêu trên trục số thời gian :      

Vấn quân năng hữu kỉ đa sầu
Nhất giang xuân thủy hướng đông lưu.
Tàn y nhất phiến tàng tâm khảm
 Hi vọng thân hương lưu đáo thu.
                                  (Có lẽ là thơ của vua Tự Đức)

Xin tạm dịch :

Đong được bao sầu hả anh
Nước trôi Đông hải xuân xanh một dòng.
Áo rách em gấp vào lòng
May còn giữ chút hương nồng đến thu.

Với mùa Xuân, Xuân Diệu là vận động viên cự li 100 mét
Với mùa Thu, Xuân  Diệu là  vận động viên cự li ma ra tông. Đây! thi sĩ ghi lại cái mỏi mệt của mình sau chặng đường 42.195 mét:

 Hơn một loài hoa đã rụng cành
 Trong vườn sắc úa rã màu xanh.
 Những luồng run rẩy rung rinh lá
 Đôi nhánh khô gầy sương mỏng manh.

Thật không có ai duyên nợ nhiều với mùa thu như cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Chắc chắn là Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh được sáng tác khi cụ đã về hẳn vườn Bùi. Ba bài thơ thu cho một nét thanh tao, nhẹ nhàng, trong sáng… của một Đào Tiềm, của một làng quê đồng bằng Bắc bộ. Sự gắn bó máu thịt của cụ với “cố viên” được bộc lộ rõ khi gió heo may, mùa thu lại về  (dù cho khi ấy, Cụ đang ở Huế):

    THU DẠ HỮU CẢM 
      
 Sơn hà liêu lạc tứ vô thanh
 Độc tọa thư đường khán nguyệt minh.
 Hà xứ thu phong xuy nhất diệp
 Dẫn lai vô hạn cố viên  tình
  
Xin tạm dịch: Đêm thu không ngủ

Sông núi xa xôi lặng bốn bề
Một mình trăng sáng ngắm say mê.
Heo may đâu đến vèo cùng lá
Xao động cõi lòng nẻo chốn quê.

Nhà thơ Hồ Chí Minh từng viết: Lão phu nguyên bất ái ngâm thi, nhưng duyên nợ của người với thiên nhiên đâu dễ gì dứt được. Người có hai câu thơ về hai mùa như anh em sinh đôi “Xuân sơn xuân thủy tiếp xuân thiên” (Trong bài Nguyên tiêu) và  Thu phong thu vũ báo  thu   hàn  (trong bài Thu dạ)

Xin tạm dịch :

 - Xuân sông hòa với xuân non xuân trời
 - Thu  mưa thu gió báo cho  thu hàn

Trộm nghĩ, nếu lấy hai c âu trên làm thành đôi câu đối thì nó đã có nội hàm của không gian - thời gian (universe)

Mùa Thu là mùa của thi sĩ. Vâng, đúng như vậy. Viết đến đây, bỗng ti vi nhà bên bật lên bản nhạc Nha Trang ơi mùa thu lại về, tôi bừng tỉnh và không viết thêm được gì thêm nữa!

Chèm 7/8/2011
Thái Doãn Mại
11 khu tt đài Mễ Trì Từ Liêm, Hà Nội

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN