"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

KHI NHÀ KHOA HỌC HÀNH HƯƠNG LÊN CÕI THIỀN YÊN TỬ

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2010



THÁI DOÃN HIỂU

Nhà khoa học Hoàng Quang Thuận sinh ngày 5-5-1953 tại huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình. Nhà thơ đã từng học Đại học Sư phạm Vinh, khoa Vật lý, từng gia nhập quân đội trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Là tiến sĩ Vật lý, hiện nay Hoàng Quang Thuận đảm nhận chức vụ Viện Trưởng Viện Công Nghệ Viễn Thông - Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản: Thi Vân Yên Tử, Nhà xuất bản hội nhà văn 1998; Ngoạ Vân Yên Tử, Hội nhà văn 2001. Hai tập thơ được in và tái bản bốn lần bằng tiếng Việt và tam ngữ Việt – Pháp – Anh, tổng cộng có 15.000 bản đã được phát hành.

*
Ngày 26 –11 – 1997, có một đoàn phật tử Miền Nam 20 người do Ni sư Huệ Giác làm trưởng đoàn, từ Thành Phố Hồ Chí Minh lặn lội ra tận Uông Bí, Quãng Ninh thăm Phật Tích Yên Tử - nơi từ thời Trần là trung tâm tu hành của Phật Giáo, lần đầu tiên xuất hiện một dòng thiền thuần Việt mà ngôi giáo chủ là người Việt Nam.

Yên tử có đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc nước ta là ngọn Yên Sơn 1.068 mét với thế thần rồng lượn ngầm ra Biển Đông, đầu Rồng quay lại hướng Thăng Long. Tại nơi này năm 1299 Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) sau khi lãnh đạo đoàn quân đánh tan quân Nguyên – Mông, đất nước trở lại thái bình, đã từ bỏ cung điện vàng ngọc trèo lên non xanh nước biếc tu hành, trở thành Tổ thứ nhất tông phái Trúc Lâm “Được làm Vua chăn dân muôn họ - Được làm Phật cứu độ muôn loài”. Có lẽ, đó là lý do chính thôi thúc Ông Viện trưởng Viện Công nghệ Viễn thông Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia Hoàng Quang Thuận nhập đoàn hành hương về Yên Tử để chiêm quang cảnh “Vua Trần đã biến thành vua Phật” ra sao, để suy ngẫm “Từ cái nhất của cái hữu danh” tìm đến “cái vĩnh hằng” ở nơi “Yên Tử trường xuân”.

Đi hành hương thắng tích Phật trở về mà gặt hái được cả một tập thơ dày dặn 63 bài với 9 phụ bản màu rất đẹp, quả là chuyện hiếm lạ, ít có nhà thơ chuyên nghiệp nào làm được. Tập thơ Thi Vân Yên Tử được in hai năm tiếp, sau những lần hành hương lên cõi thiền Yên Tử, Hoàng Quang Thuận lại viết tiếp 80 bài nữa, tập Ngoạ Vân Yên Tử ra đời. Hoàng Quang Thuận tâm sự với tôi là ở tập đầu Thi Vân Yên Tử, anh đã viết liền ba đêm một mạch trong trạng thái tham thiền nhập định: đêm thứ nhất làm được 14 bài, đêm thứ hai làm được 31 bài. Về lại Sài Gòn, mười ngày sau khi vãn cảnh chùa Bồng Lai (Bài Rịa) làm thêm được 18 bài. “Thơ cứ tuôn như suối chảy tôi chỉ việc chép lại, thế mà trước đây để làm được một câu thớ cứ phải đánh vật với nó”.

Đến với Yên Tử Hoàng Quang Thuận không nhận xét, đánh giá cuộc thăm thú theo cách nhà khoa học, trái tim anh thủ thỉ cất lời. Cảm hứng thi ca của anh như từ chốn cao sâu huyền bí rót xuống. 143 bài thơ là 143 bức tâm cảnh. 143 bài duy nhất một đề tài, nhất quán một bút pháp và duy nhất một thể thơ. Cảnh và tình hoà quyện vào nhau trong thể nhật ký lữ hành viết bằng ngôn ngữ thơ ca khá nhuần nhị.

Bước chân lên Yên Tử “ bồng lai nơi trần thế” với pho Phật tích kỳ vĩ 700 năm Hoàng Quang Thuận như Lưu Nguyễn nhập thiên thai, đến đâu cũng là cảnh cũ người xưa, lạ mà quen, quen mà lạ, dường như kiếp trước anh đã từng tu hành ở nơi đây (?!) “Yên Tử thầy ơi! Con tới đây – Mênh mông mây núi bóng sư thầy – Trăm năm duyên kiếp còn lưu lại – Lối cũ đường xưa nhập cỏ cây” (Vân du Yên Tử). Lần theo bước anh, ta vạch cây rẽ lối leo lên núi trong tiếng “Chim trời líu lót với hương trời”; “Sóng núi chạy dài đầy thông phủ - Làng Mụ làng Nương trắng cánh cò” (Chùa Cầm Thực); Ta tần ngần đi trên con đường gập ghềnh “Hoa dại trắng dài mỗi bước đi”; “Cổ thụ vương cao xòe tán rộng - Rừng già nắng lọt đốm hoa rơi”; ta ngại ngùng thích thú trước ngổn ngang “đá xếp thiền đồ trận”; ta thu vào hồn cảnh sắc “Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xoá - Bạch vân triền núi một nhành mai”; ta đi trong “Trúc ngã vai gầy mây khóm lau”; ta đi trong ngày, ta đi trong đêm “Sương đêm sực nức mùi hoa đại - Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng”; ta ngắm cảnh non thiêng chập chùng, núi biếc mông lung, đại ngàn bí hiểm, thác reo, mây trắng ngủ trong mây, chim gù cảnh tiêu dao; ta săm soi “vết đá mòn chân lễ hội”, ngắm giọt sữa nhỏ ra từ vú đá; ta cúi đầu chiêm bái trước lăng Quy Đức mà cảm cái đức làm người để “cứu đời” của Điều Ngự Giác Hoàng; ta lặng người nơi Trạng nguyên Huyền Quang Tôn giả “Khuya sớm sáng chong đèn bát nhã – Hôm mai rửa sạch nước ha ma”; ta tròn xoe mắt trước cảnh “gốc đa ôm gốc thị”, kinh dị trước cảnh tượng “hổ nghe kinh”, “mấy ông rắn lớn … náu mình tượng Phật ngắm giang sơn”; ta đứng bên bờ sông Hương Hải sửng sốt “Mây vàng ngũ sắc chưa tan hết – Bát nhã tâm kinh tán pháp hoa”; ta cảm cái ơn sâu cứu nhân cứu nhân độ thế của các sư “Yên Tử cao non thành y viện - Cứu khổ chúng sinh khắp mọi miền”; ta cười diễu “uổng công tu luyện” trước khí thiêng Yên Tử hoá đá cả đạo sĩ người Tàu An Kỳ Sinh; ta xao xuyến trước hư ảnh “Đại già phủ phục trước sân chùa”, “Am đá ghép mây gài ngũ sắc”; ta thán phục thiên nhiên diệu kỳ “Bụi trần không bợn hoa đua nở”; ta đứng trên đỉnh non Yên, xưa vốn là đáy biển tò mò trước đoá trà mi, sú, vẹt, ốc, sên, cá voi, ếch ộp, thờn bơn dẹt trong đá - viện bảo tàng hải dương học sống động - mường tượng “sóng biển gầm vang giữa lưng trời”; ta lắng nghe tiếng chuông chùa Hoa Yên mà giật mình “tỉnh giấc mê hồn tục”; ta ngắm lòng hồ đầy ắp trăng rằm để tấy sạch bụi trần, bàng hoàng trước khoảng lặng bao la “Một giải rừng thiêng giữa núi rừng – Cõi trấn xa lánh vòng tục lụy” mà phân vân huyễn hoặc tự hỏi như tác giả “Thật phải trần gian hay cảnh tiên?”…

Trong Thi Vân Yên Tử và Ngoạ Vân Yên Tử Hoàng Quang Thuận có những câu thơ trẻ trung: “Mận chín trĩu cành lúc lĩu quả - Trứng gà chiu chít cả trong mây” (Chùa Cầm Thực), “Đôi bồng đảo bập bềnh trên sóng - Cả rừng thông xao động mặt hồ” (Hồ Yên Trung). Câu thơ gợi tâm trạng “Lăn tăn sóng gợn làn thu thủy - Tiếng gà xao xác cả tầng mây” (Hồ thu Yên Trung). Thật gây ấn tượng khi anh tả nơi Phật tắm “Từng mây hoa nước cứ tuôn đầy” giống nhu một nghệ sĩ nhiếp ảnh, thắng tích được Hoàng Quang Thuận nhìn dưới nhiều góc độ nên cảnh sắc biến ảo. Hồn nhập thiền niên cảnh chấm phá rất hoạt “Mây trôi lơ lửng triền Yên Tử - Tùng xanh lãng đãng bóng trong sương” (Chùa Tiêu Vân) chủ thể được truyền tâm nên anh thẩm lắng được âm “Ngân nga chuông vọng chiều xa vắng – Cung nữ ngàn xưa tiếng thở than” (Chùa Giài Oan).

Thiên nhiên cứ lồng lộng hây hây thoắt biến thoắt hiện chờn vờn trước cặp mắt đắm đuối của thi nhân. Đạo pháp của tác giả đã hoà trong tình yêu sông núi, dắt người đọc giũ bỏ bụi trần đến với non bồng nước nhược một cách thực tâm thành ý. Yên tử quả là một bức tranh thuỷ mặc hoành tráng, thơ mộng, đầy huyền bí…

Khác với Thi Vân Yên Tử tập thơ Ngoạ Vân Yên Tử nghiêng về thiền định. Hoàng Quang Thuận đào sâu lai lịch từng gốc cây, khóm hoa, giống chi, ngôi chùa, mỏm núi, khe suối. Thiên nhiên đã hoà hợp, giao đãi tinh tế với hồn người thi sĩ. Hoàng Quang Thuận còn sùng bái các vị vua Trần, hoàng hậu, công chúa, các đệ tử và người thân của các Tam tổ Trúc Lâm…suốt trong chiều dài bảy trăm năm đã đến với Yên Tử tu hành, giác ngộ thành chánh quả. Nhà thơ lần giở từng trang lý lịch nhà chùa, đọc kỹ tiểu sử trên các bài vị bàn thờ, tìm hiểu hành trạng của từng vị chân tu. Nơi đây, công chúa Huyền Trân đã từ Chiêm Thành về nước thăm quê nhà, trèo lên Yên Tử vấn an vua cha “Nước mắt thành mây trắng”. Nỗi niềm của công chúa đã thành huyền thoại “Vì cha vì nước mà li biệt - để lại cho đời một ánh sao”. Công tử Trịnh Sài con trai Thái Bảo công, sinh 3-1-1606 “Xa rồi điện ngọc vương Trần phủ - Khói bụi thời gian đã lấp đầy” (Du xuân). Ngài được miên viễn ở chùa Hoa Yên. Ni sư Diệu Tín tên thật là Trần Thị Ngọc Lan quê ở xã Trần Xá, phủ Lý Nhân, dòng dõi nhà Trần, cung phi của chúa Trịnh, “vinh hoa phú quú thời xa lánh” người đã hoá thân bồ tát dưới Phật đài. Sư bà Diệu Đăng tên thật là Phạm Thị Khoa, một cung phi trong phủ chúa Trịnh cũng cắt bỏ “ lợi danh cùng thế tục” đến lo phần kinh kệ ở cửa thiền. Ni sư Diệu Pháp (Nguyễn Thị Ngọc Lạp) sinh ngày 17-7-1597, quê xã Phú Lộc phủ Quốc Oai “Khuôn mặt rạng ngời vầng nhật nguyệt – Áng mây tụ hội tiếng thanh tao”. Sư tổ Chân Nguyên (1647-1762) họ Nguyễn tên Nghiêm quê ở xã Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, Hải Dương có “sức kéo núi vần mây” ngài trụ trì ở Long Động, từ bi đến mức “Rắn xanh từng cặp nhắm mắt thiền – Nghe mõ chim rừng im tiếng hót”. Thiền sư Minh Hành (1596 – 1659), từ tỉnh Giang Tây, Trung Quốc lặn lội tìm đến Yên Tử “nhân duyên kiếp trước” nơi có nhiều linh khí, tu hành đắc đạo, viên tịch tại đây ngày 25-3-1659. Hoàng Quang Thuận viết về vị tổ thứ ba Huyền Quang từng chán với nhân tình ấm lạnh “Khi chưa đỗ Trạng chẳng ai gần – Khi thời đỗ Trạng người đua đến”. Ngài đã đến với mây ngàn gió núi bằng “Sáo trúc dặt dìu buông tiếng ngọc” trong những đêm thanh vắng “Sắc thắm hương đưa đoá cúc vàng…Bên hè gió lạnh chùm sao rụng”. Huyền Quang có vài chục năm làm quan, ba mươi năm tu hành, 4 năm làm giáo chủ, viên tịch 23-1-1334. Hoàng Quang Thuận đến tận nơi chiêm quan những kinh sách vua Trần Nhân Tông soạn thảo có các bộ Thạch Thất, Huyền Đăng, Thiền Tâm Thiết…Hoàng Quang Thuận dõi theo từng bước chân vị vua kính mến Trần Nhân Tông: Ngài khoác áo cà sa xuống núi, nước non ngàn dặm bang giao Chiêm Thành. Ngài về thăm lại Kinh Sư thăm chị công chúa Thụy Thiên lần cuối và “Lặng ngắm hoàng cung trong chiều tím”. Đẹp nhất là hình ảnh ngài vào Yên Tử:

Vua đi hài cỏ vào Yên Tử
Ráng chiều đỏ rực cả hoàng hôn

Trần Nhân Tông – Nhà thơ lớn nhất, vị giáo chủ quyền uy nhất thờI Trần ấy luôn khoác áo tiên ông vớI phong thái ung dung đạo cốt:

Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc
Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm
Tiếng sáo thiền ca vui bất tận
Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng
(Am xưa)

Các sự tích địa tầng văn hoá của Yên Tử đan xen với non nước cẩm tú đã khơi nguồn cho cảm hứng bút lực Hoàng Quang Thuận sáng tạo bền bỉ.

Tịnh lặng và nghĩ suy, Hoàng Quang Thuận đã nhìn thẳng vào bản tính hiện sinh của mình, mượn trời mây, non nước, chim muông, cỏ hoa, hổ, rắn, khỉ, vẹt, chồn, cổ miếu, mộ tổ, đại già, đường tùng, suối Giải Oan, các cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại…để tuyết pháp về lẽ nhân sinh, sự tụ tán kiếp ngườI mà ngộ ra lẽ huyền vi của đạo pháp. Nhà khoa học ngành viễn thông Hoàng Quang Thuận thừa biết trong núi làm gì có Phật. Nếu tâm thành thì trí xuất, đó mới chính là Phật, khỏi phải cực khổ tìm kiếm bên ngoài đâu xa. “Nếu biết được tự tâm mình như thật tức là Bồ Đề rồi đó” (Kinh Đại Nhật)
*

Với Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên Tử, ông Nghè Thuận là người thích thiền, các bài thơ đều có ẩn chứa chút thiền, quả đúng như nhận định tinh tường của nhà thơ Ngô Văn Phú – Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà Văn: “Một nhà khoa học không phải là nhà thơ chuyên nghiệp mà khi đối cảnh sinh tình, hơi thở của thiền học đã nhuần thấm vào cảnh sinh tình, hơi thở của thiền học đã nhuần thấm vào cảm hứng trinh nguyên trước một danh thắng nổi tiếng hàng mấy trăm năm”(1).Và tựa Ngoạ Vân Yên Tử”, ông còn nhận xét “Cái gốc của Thiền học Trúc Lâm chính là trọng dân, tôn hiền đãi sĩ. Như thế là anh đã hiểu Trúc Lâm Thiền phái khá tường tận. Cái gốc của Phật Nho thời Trần ấy, là gặp nhau ở chữ Tâm…Hoàng Quang Thuận cũng có trong mình chữ Tâm ấy”.

Dùng tâm quy tụ được nhân tâm
Hưng thịnh triều Trần được lòng dân
Trong người nhân hiếu, tôn hiền sĩ
Đạo Phật thịnh hưng nhất triều Trần
(Lòng dân)
Nhà Trần đã chủ trương một nền chính trị thân dân, nhân chính, đức trị. Bởi thế, sự phù hợp giữa đạo và đời đã làm cho Đạo Phật hưng thịnh thành quốc giáo, chùa chiền mọc lên khắp nơi. Yên Tử trở thành thủ đô tư tưởng của Phật giáo Đại Việt là vì vậy.

Với Thi Vân Yên Tử và Ngoạ Vân Yên Tử, chúng tôi đọc kỹ tới mấy lần. Cái mê lực hút người của nó không phải là thi pháp cao thủ gì đâu, mà là điều làm cho tôi cùng một số bạn đọc, kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp “đọc một mạch mấy bài liền, thấy hay và cảm thấy như mình cũng đang đi thăm ngắm cảnh nơi núi mây độc đáo này. Đọc những bài thơ hay đượm gió ngàn cao, thấm nguồn suối - những bài thơ của một con người đầy tư tưởng nhân văn” (2) đó chính là cái tâm đức, tâm thành, tâm nguyện của Hoàng Quang Thuận được Phật độ phổ vào trong những vần thơ bề ngoài có vẻ xưa cũ phiêu diêu hồn vía giọng thơ Nôm Nguyễn Trãi (3), nhưng bên trong hàm chứa một nội dung mới.

Tôi thích các bài: Chùa một mái, Thác vàng, Hổ thiêng, Tháp cổ, Dốc đá chùa đồng, Hồ Yên Trung, đặc biệt chất thơ có Hoa dại, bàng bạc chất Đường Tống có Thiền sư Đạo Viên.

Đồi thông am nhỏ dựng Thanh Phong
Tiếng mõ kinh chiều giữa hư không
U tịch chiều xưa niềm hoan lạc
Trăng vờn gió đập cửa chùa thông.
(Thiền sư Đạo Viên)

Những bài đó có thể sánh vớI bút lực của những tay thơ lão luyện.

Tác giả Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên Tử có một nghĩaa cử cao cả là thành kính đem phần lớn tập thơ in rất đẹp và sang trọng đợt đầu, và sau này nhiều lần tái bản đều có cúng dường lên Yên Tử. Hoàng Quang Thuận còn vận động tiền của góp phần trùng tu, sữa chữa các di tích – nơi đất lành linh hiển đã có duyên ngầm tặng anh cả một nguồn thi tử!

Có một chuyện rất lạ nữa tôi không thể không thông tin với bạn đọc là giáo sư Hoàng Hữu Đán mặc dù tuổi cao, cũng như bị ai ám hào hứng bỏ ra hai tháng ròng say mê ngồI dịch thơ Thi Vân Yên Tử ra tiếng Pháp. Ông nói: “Tôi ăn Tết năm hổ bằng Thi Vân Yên Tử”. Một bạn đọc ở hải ngoại tên là T.D Nguyen Pho, cảm vì cái nhiệm màu của đức Phật từ Hoàng Quang Thuận cũng đem hết tâm sức dịch ra tiếng Anh. Bản in tam ngữ Vịêt – Pháp – Anh của tập thơ chắc sẽ thoả mãn được nhu cầu tìm hiểu văn hoá Việt Nam cho bạn bè bốn phương. Trong nước, số đông bạn đọc phần lớn là các Phật tử và người cao tuổi hoan nghênh tập thơ khá nồng nhiệt: “Tôi tưởng theo anh thăm Yên Tử - Nào ngờ lạc bước chốn thi vân – Hoàng Quang cửa Phật soi câu chữ - Thuận dòng rửa sạch chốn bụi trần” (Phạm Khắc Lãm – Nguyên tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam). “Thi Vân Yên Tử bừng soi sáng - mở rộng hồn tôi với đất trời” (Trung Nghĩa – 82 tuổI). “Hơn bảy trăm năm, gương chiếu diệu – Hai đường quan niệm hoà hợp nhau” (Nguyễn Phú). “Mấy ai hiểu được thiên cơ ấy – Khoa học, tâm linh toả sáng ngời…Mừng anh thẳng tiến bước vân du - Đột phá không gian giữa mịt mù” (Trần Hiệp). “Mơ màng giấc điệp thần linh ứng - Cổ tích bao đời được thuyết minh -…Hồn thiêng Nguyễn Trãi hay vua Phật - Mượng bút đề thơ gửI thế gian” (Như Thạch).” Đường về khoa học xa là mấy - Nẻo đến văn chương cách mấy nhiêu -Thế hệ hai chiều chung lối chảy – Trăng khuya lưu luyến bóng nghiêng chiều” (Duy Huân)…Giới báo chí, các nhà nghiên cứu phê bình văn học có cảm tình sâu, quảng bá “Không có một tấm lòng yêu mến với quảng Ninh, không có nguồn tình cảm dồi dào trước các sự tích ở Yên Tử, không có các tầng văn hoá đan xen nhau trong nội lực của ngọn bút do chính Yên Tử khơi nguồn, không thể biến một nhà khoa học thành một nhà thơ với tâm hồn trong trẻo và có sức viết bền bỉ như vậy được. (Báo Hạ Long số 205,10+11-2003). …”Yên Tử lại có thêm đôi cánh để bay đến những người xa tổ quốc” ( Báo Hạ Long số 214 ngày 20-2-2004). “Thi Vân Yên Tử không phải là tập thơ Đạo nhưng trong ý thiền chan hoà trong những ần thơ như hương sen thoang thoảng mặt hồ. Đọc và cảm nhận Thi Vân Yên Tử, ta bắt gặp ánh hồn Đạo pháp của anh Hoàng Quang Thuận trong ý tưởng bao dung, hoà hợp của tình yêu thiên nhiên đất nước, khao khát tìm về cội nguồn dân tộc, của bản thể chân như chính mình” (Một hồn thơ lung linh ánh đạo - Đỗ Thị Hồng Cúc - Tạp chí Việt Nam và Đông Nam Á ngày nay số 4-2001). “Với những câu thơ đượm ý vị thiêng liêng, tuy cổ mà rất kim, hiện lên bức tranh toàn bích của một vùng danh lam thắng cảnh” (Xuất bản tập thơ song ngữ Việt Pháp - Kiều Vân – Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 10-6-1998). “Yên Tử, nơi con người hợp nhất với thiên nhiên và dường như tự giác ngộ cái biết tối cao của Thích Ca Mâu Ni Phật khi đắc đạo dưới cây bồ đề. Mỗi bài thơ của Hoàng Quang Thuận không chỉ là những hoạ cảnh mà ẩn sâu trong các lớp chữ nghĩa là cái tâm của người viết,…Là nhà khoa học đã có nhiều công trình, là nhà quản lý công việc bề bộn, nhưng với Thi Vân Yên Tử Hoàng Quang Thuận đã hé mở một góc con người hoàn toàn khác và rất đáng trân trọng của anh” (Diệu Hương). Vẻ đẹp của Yên Tử trong những huyền thoại, cổ tích và phong cảnh đã tạo thành một không gian cảm xúc thơ của Hoàng Quang Thuận. Dường như tác giả muốn giữ mãi những kỷ niệm và khám phá lý thú của mình về Yên Tử bằng vần thơ chân thành, tha thiết ấy. (Minh Phương – Báo Nhân Dân số ra ngày 20-1-2000). “Giữa thời buổi thơ in ra nhan nhản, chủ yếu xoay quanh đề tài tình yêu hoặc co vào suy tưởng chiêm nghiệm cá nhân, đôi khi rối mù tắc tị…thì Thi Vân Yên Tử và Ngọa Vân Yên Tử như một ánh mây lành,thoát tục, trong trẻo đến lạ lùng dắt ngừơi đọc vào chốn Bồng Lai rũ bỏ bụi trần trở vể với bản ngã thiện tâm trong mỗi con người…Đọc hơn trăm bài thơ, tôi càng nghiệm ra đúng là tác giả không cố tình làm thơ. Cảm hứng thi ca như một dòng chảy không cùng, huyền bí nhiễm vào anh, theo chân anh vẽ nên bức tranh khai mở từ ngày đầu đức Hoàng đế Trần Nhân Tông, bỏ ngai vàng về Yên Tử tu hành…Nhiều câu thơ, bài thơ khiến người đọc cảm thấy say lòng, tâm hồn thơ thới, muốn rũ bỏ vướng bận trần tục để sống tốt đẹp hơn. Như vậy còn gì hữu ích , còn gì hãnh phúc hơn khi nhà thơ đem lại cho cuộc đời” (Nguyễn Trọng Tân - Tạp chí Nhà Văn, Hội Nhà Văn Việt Nam 9-2002)…Ngoài nước, chánh văn phòng phủ Tổng thống nước Cộng hoà Pháp Lheritier thay mặt ngày Tổng thống Jacques Chirac phúc đáp tác giả “Xin ông hãy tin rằng ngài Tổng thống đã xem và thưởng thức những bài thơ hay và rất cảm xúc đó” (Thư Pari 20-8-1998). Bộ trưởng văn hoá và Thông Tin Pháp Traumanm “Những bài thơ rất hay được viết từ cảm hứng ở vùng Yên Tử đã làm tôi say đắm…Tập thơ ấy là bằng chứng mối quan hệ trao đổi văn hoá giữa hai nước chúng ta: (Thư Pari ngày 20-8-1998). Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đọc tập thơ và gửi thư tay trân trọng cảm ơn tác giả. Thư ký hoàng cung Thụy Điển Kung L. Hovstaterna “Chúng tôi đánh giá cao sự cao siêu sâu sắc về những vần thơ của ông” (Thư Stockholm ngày 3-3-2000)…

Tuy thế, Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên Tử chưa phải là hai tập thơ toàn bích, còn một số sỏi sạn, lỗi thơ, tả nhiều hơn ngẫm, đơn điệu chưa có cao trào thơ, trùng lắp, chữ nghĩa quê quê ít chắt lọc, tinh luyện. Có thể dồn 143 bài đúc thành khoảng dăm chục bài có lẽ tốt hơn chăng? Tập thể những người in 2 tập thơ cho rắng Thi Vân Yên Tử, Ngoạ Vân Yên Tử là tập thơ thần Phật ban cho bằng cách ứng vào Hoàng Quang Thuận nên chủ trương không sửa chữa bất cứ chữ nào, in đúng nguyên bản thảo. Là người được tác giả tin cậy phó thác cho đọc khi nó hãy còn khởi thảo, tôi nghĩ ngược lại, thần Phật nếu có bàn tay gia cố chăm sóc của con người sẽ tốt hơn. Con người là đấng tối linh của muôn loài như Khổng Phu Tử bảo cơ mà. Ví như bài số 51 Hoa dại (trang 59) tập Thi Vân Yên Tử, chỉ cần ta thêm bớt, đảo vài ba chữ thi tứ sẽ lung linh lên ngay, bài thơ rất đáng được lưu danh:

Xuân hạ hai kỳ đại trổ hoa (4)
Từng chùm sương thắp lạnh trăng ngà
Trắng ửng sân chùa hương rụng ngát
Gót vàng ai giẫm lên hồn hoa (5).

*

Đọc thơ Hoàng Quang Thuận, thế là ta đã được đến thăm đại kỳ quan Yên Tử, nơi “tạo hoá bày tuyệt tác thiên nhiên”. Hãy để cho lòng mình thanh thản lắng lại với nơi này. Thế có nghĩa là Hoàng Quang Thuận khuyên ta nên đi tu tiên chăng? Vâng, có thể! Anhxtanh chẳng đã từng viết: “Trong thời đại duy vật của chúng ta, những nhà khoa học chân chính lại là những người có tín ngưỡng sâu sắc” đó ư? Nhưng, muốn tu đạo tiên, trước phải tu đạo người. Đạo người tu không hay, đạo tiên sẽ xa vời. Sống trong cõi trần mà không vướng bụi trần là con đường đi của người học thiền chân thật. Thời gian tiến lên phía trước, chẳng lẽ người học thiền tụt lại đằng sau? Vinh nhục chớ mảy may động tâm. Tín ngưỡng, chí hướng của mỗi người ở trong tim chứ không phải lê la trên đầu gối.
Hành hương về xứ Phật là dịp được trở lại, đánh thức Phật tánh nằm ngủ yên trong mình. Hoà vào giữa hàng triệu du khách thập phương hàng năm lên xứ Phật, có ngày đông đến hai vạn người, Yên Tử đã thành một cõi đi về, một góc tâm linh riêng của Hoàng Quang Thuận. Từ xưa đến nay, anh là tác giả viết phong phú nhất về Yên Tử. Nắm chắc quyền lực cái đẹp của bản thể, Hoàng Quang Thuận dùng nội lực thi ca khai mở chuyển tải tới người đọc những thông điệp ý tưởng muốn giúp đời tìm giải pháp chữ tâm. Hoàng Quang Thuận đã nuôi được ngọn lửa từ bi hỉ xả trong lòng các bạn đọc Phật tử. Hàng vạn bản in thơ tái bản liên tục cùng buổi sư Thuận “thuyết pháp” vế Thi Vân Yên Tử và Ngọa Vân Yên Tử trước hàng vạn du khách với những tràng vỗ tay vang dội núi rừng Yên Tử là những bằng chứng về sức thuyết phục của nó. Ai thoát khỏi những dục vọng tầm thường để đi vào cõi tịch diệt thì cò thể bàn tới chuyện tịch diệt được. Phật pháp dạy rằng “Tự giác nhi tha giác” (Con người không chỉ giác ngộ cho mình mà còn có trách nhiệm giác ngộ người khác). Đó cũng là cách tìm về cội nguồn dân tộc.

Đời giống mây trôi trên đỉnh núi
Phù vân tán tụ một kiếp người
Vinh hoa phú quý vòng tục luỵ
Bể khổ trấn gian kẻ đầy vơi

Tìm đến Yên Sơn tẩy bụi trần
Hào quang toả sáng đỉnh Phù Vân
Ngoạ Yên Tử theo ngày tháng
Linh sơn đất Phật mãi trường xuân.
(Luận đời)

Thưởng ngoạn Thi Vân Yên Tử và Ngoạ Vân Yên Tử cũng là cách đắm mình giữa hoa cỏ, trời mây, non nước kỳ thú, gột bỏ những tục lụy đời thường, vượt lên tấng thượng thanh khí, là cách gạn đục khơi trong, tu tâm dưỡng tính hướng về cõi thiện. Âu đó cũng là cách học thiền hay vậy.

Viết tại Chợ Lớn, 2-3-1998
- Hương Viên Các, 11-4-2005

(Rút từ bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI sắp xuất bản)


THÁI DOÃN HIỂU

( Xin mời quý vị tham khảo thêm tập thơ Thi Vân Yên Tử (nhấp chuột lên tên tập thơ để xem)


(1) Những câu thơ Yên Tử - Ngô Văn Phú – Thay lời tựa Tập Thi Vân Yên Tử, tập thơ của Hoàng QuangThuận , Nxb HộI Nhà Văn, 3-1998.
(2) Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tác giả Hoàng Quang Tuận ngày 19-2-1998 và Tết năm 2004
(3) Một giai ngẫu: 63 bài thơ của tập ứng với 63 tuổi đời của Nguyễn Trãi (1380 –1442)
(4) Ba gốc đại cổ trước chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, theo các nhà khoa học xác định có tuổi 700 năm.
(5) Không thuyết phục nổi vua Trần Nhân Tông trở lại triều khi Người lên Yên Tử tu hành, một số cung nữ trầm mình dưới suối Giải Oan. Người ta vẫn thường thấy phảng phất gót vàng các oan hồn trinh nữ ấy.

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN