"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

HÀ NGUYÊN DŨNG VỚI CUỘC TÌNH THIÊNG

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

THÁI DOÃN HIỂU

Nhân ngày cả nước ta đang long trọng làm giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc mậu Âu Cơ cùng các vua Hùng 10-3 âl (tức ngày 24-4-2010), Tôi – Thái Doãn Hiểu xin gửi tới quý bạn đọc một áng thơ hay Cuộc tình thiêng của Hà Nguyên Dũng. Thi phẩm kể lại cuộc tình đầy lãng mạn của đấng sinh thành ra chúng ta - những con Rồng cháu Tiên.

Trước khi thưởng thức thơ, bạn hãy lắng lại mấy phút tìm hiểu chút ít hành trạng tác giả của nó – Nhà thơ Hà Nguyên Dũng.




Hà Nguyên Dũng
Tên khai sinh : NGUYỄN DŨNG
Sinh năm : Bính Tuất (1946)
Tại: Hà Mật, (Gò Nổi) Điện Bàn, Quảng Nam
Có thơ đăng ở trên một ít báo, tạp chí ở
Sài Gòn trước 1975, và từ 1975 trên một ít báo, tạp chí ở
hải ngoại và những báo, tạp chí trong nước.

ĐÃ IN: QUÊ TÌNH (thơ) Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh 1992
HỘT MUỐI BỎ SÔNG (thơ), Trẻ, 1996
CỬA-ĐỢI-SÔNG-HOÀI (thơ) 2002

Nhà thơ đã từng đoạt giải Nhất thơ của tạp chí
Kiến thức ngày nay; Giải thưởng tác phẩm
Tuổi xanh của báo Tiên Phong.

Địa chỉ : 52 Sơn Hưng, F.12 – Tân Bình, SàiGòn
8493424 - 0908267671
hanguyendung@yahoo.com


Hà Nguyên Dũng tự họa chân dung mình :

Tôi là một đứa thất phu
chí múc không đầy vỏ hến
sức cùng lắm không bằng sức kiến
không nhấc thân lên khỏi mặt đời
(Tâm sự cùng Hạng vũ)

Đó là tục nhân hay thi nhân ?

- Thi nhân đấy ! Hơi phóng đại một chút nhưng quả đúng nhà thơ của chúng ta là kẻ bị trời đày, có lúc dồn đến chân tường cơm áo. “Đời đùn đẩy tôi vào thế bí – vung bút bao lần không thoát được vòng vây !” . Những lúc “tranh áo cơm như Hán Sở tranh hùng” thơ anh viết mới thấm. Có người bảo rằng muốn có thơ hay phải đem bỏ đói các nhà thơ, ý kiến cực đoan này không phải không có lý. Một chân bị kẹt trong hữu hạn, chân kia nhảy vào cõi vô hạn, Hà Nguyên Dũng bị phanh thây không phải bằng bốn ngựa mà bởi hai thế giới. Thơ anh như dây thần kinh phơi trần chạm đến đáy nỗi đau hàn sĩ. Đó phải chăng là cách cứu rỗi linh hồn kẻ khốn cùng ? Đau khổ tinh thần câm lặng cất thành lời nặng nề hơn hết mọi khổ ải. Nhà thơ đã không e dè khóc than cho số phận hẩm hiu của mình. Anh có lý do để khóc. Cứ khóc đi cho vợi nhẹ khổ đau, dẫu than vãn chẳng phải là sự hùng biện của kẻ trí. Nó sẽ ngủ thiếp đi trong nỗi thống khổ triền miên, dằng dặc của ta.

Mọi bất hạnh của con người đều do chính con người không biết sống gây nên. Tính cách người nào quyết định sự thành bại của người đó chứ nó không nằm
bên ngoài các sự kiện. Mỗi người cần rút ngay từ trong những lỗi lầm của mình đúc thành bài học khôn ngoan để dẫn dắt mình đi tới thành công.

Đời sống chứa đầy hy vọng. Hy vọng phục sẵn trong sự tuyệt vọng. Hy vọng đánh thức lòng quả cảm. Có hy vọng là ta đang bước vào ngưỡng cửa của tương lai. Nhà thơ hãy giữ vững lòng tin, không có đức tin đời sống sẽ trở nên trống rỗng và vô vị. Kể ra, xưa nay được - mất, bại - hành xét cho cùng đều hư ảo cả (?).Ở đời, chẳng có ai sung sướng, cũng như không có ai quá đói khổ như anh tưởng. Dám coi thường những nỗi thống khổ trên trường đời mới xứng là bậc mày râu.

Cũng may, kẻ lỡ vận này có cay đắng thật nhưng không cay cú, có đau đời nhưng không hận đời, bởi xét cho cùng Cuộc Đời thật đáng sống cả những khi tưởng không chịu nổi nó nữa. . Phải rồi, Hà Nguyên Dũng có thể bỏ đời nhưng đời nhân hậu không bao giờ bỏ anh. Vấn đề cốt yếu là phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu Con Người. Và, thế là giữa sự cô độc, đau xé, gằn gọc, ta lại luôn tìm thấy nụ cười ánh lên trong thơ anh. Bản chất của cuộc sống là nghệ thuật biết kết hợp hài hòa giữa cái bi - hài như vậy đó.

Mà khuya nghe trống mõ lòng chùng
Tiếng mõ như xoi lòng ta vậy
Và những tiếng chuông khuya tan chảy
Nhểu xuống lòng như hạt Phật ươm
(Đêm ở Thập Bảo Tự)

Đấy là tâm trạng một đêm ngủ nhờ nhà chùa của một kẻ “Tài cao, phận thấp, chí khí uất” (Tản Đà), luôn lấy Lã Vọng và Hạng Vũ là người an ủi, chở che.

Không phải là người yếm thế, Hà Nguyên Dũng còn là cây kể chuyện vui tươi, phong nhã và hóm. Cuộc tình thiêng của anh thật có duyên với cổ tích : trí tưởng tượng rộng mở, ngôn ngữ đằm thắm, bút pháp linh hoạt, giọng kể rất trẻ con mà người lớn đọc thấy mê. Bút pháp Cuộc tình thiêng của Hà Nguyên Dũng gợi chúng ta nhớ Nguyễn Nhược Pháp với Sơn Tinh Thủy Tinh.


Hà Nguyên Dũng có lần tự bạch :

“Những người thân thường trách tôi không lo làm ăn mà chỉ lo lơ-tơ-mơ-làm-thơ. Vậy làm thơ không phải là làm ăn (?). Đó là một cách chơi ! Dù chơi, phần mình cũng cố gắng chơi cho đàng hoàng một chút”.

Thôi, ôm trái tim làm bình bát
Đi khắp đất trời khất sắc hương
(Đêm ở Phật Bảo tự)

Đi ăn mày cái cao quý, thế có nghĩa là nhà thơ phong sương với hồn thơ bị thương vẫn đi làm thi sĩ, quyết không chừa. Thật đáng yêu ! Không, “Giữa trận đời ngậm ngải làm ngon”, anh chẳng “tay không” đâu Hà Nguyên Dũng. Anh đã lấy “nhụy lòng” mình luyện nên một đõ mật vàng khươm. Bạn đọc sẽ tìm ra những nét đồng điệu của anh nơi Bùi Giáng :

Bỏ đàn dê lại sườn cao
Vung roi lùa mộng đi vào cõi thơ.
(Bùi Giáng)



CUỘC TÌNH THIÊNG

Thơ HÀ NGUYÊN DŨNG



Thuở đó, trời đất chưa tỏ tường
Chưa chia không phận, rạch biên cương
Có người con gái trong hang cỏ
Tên gọi Âu Cơ, thân sắc hương

(Truyền thuyết : nàng tiên từ cõi sắc
Đêm xuân cưỡi thuyền đi chơi trăng
Va vào bãi đá mây thuyền lật
Nàng rớt, may chụp được cõi trần !)

Từ buổi có nàng rừng bớt độc
Ngàn hoa đua nở cũng vì ganh
Chuốc giọng bao lần chim mới thốt
Tiếng tựa Âu Cơ ngọt, ngọt thanh.

Một mình nàng sống thầm như tối
Giọng bắt đầu nghe thoảng ý đau
Thân còn đậm sắc hương tiên giới
Tâm như đã bị nhuốm màu !

Một buổi nắng trời tha nắng cất
Rừng râm trời dịu gió mơn man
Nàng ra tự mé bờ sông Mật
Một thoáng như mơ ghé nhẹ hồn…

Thuở đó, trong lòng nước mập mờ
Con trai Thủy Vương sống căn cơ
Vượt qua chín cửa sông mê muội
Thoắt, hóa thân rồng vàng, vàng mơ.

Rồng – tên hiệu Lạc Long Quân
Lưỡi trông như ngọn lửa lòng
Mắt lồi như trợn, đầu đội mồng
Bụng khoang đựng những phép thần thông

Thủy Vương trị nước yên như kính
Thêm được con khôn, bụng sướng thầm
Giữa triều vương hất râu, lịnh :
- Cho con du mấy xứ cõi trần !

Lạc Long nhận chiếu hồ hởi đi
Hoàng gia, thủy tộc tiễn buồn vui
Chàng phóng mình qua thủy cung, lội
Đất động trùng dương bọt sóng sùi

Mặt trời thấy lạ chạy lên ngó
Và đứng trân như chết điếng lòng
Lạc Long bay, lộn gây nên gió
Mất đà Trái Đất lăn vòng vòng

Từ đấy thời gian chia đêm ngày
Trần gian cam chịu sự đổi thay
Sáng hoa tươi tắn, chiều ủ rũ
Đêm ngày đi mà như thể bay !

Rồng bay một chặp đã đêm tăm
Bèn quấn thân trên cột đá nằm
Ngủ mê thấy một luồng hương lạ
Từ hàm bay ra hiện hình nhân.

Hình nhân, chính hồn Lạc Long, có
Vầng trán cao như trán đụng trời
Hai chân hai cặp trụ chống đỡ
Bám đất mà đi khắp chốn nơi.

Lần theo hương nắng chàng đi mãi
Đất mát trời thơm dịu, lịm lòng
Qua sông, dụi mắt thấy người gái
Như thể ngồi mơ chuyện mặn nồng.

Người gái trần gian đẹp lạ lùng
Đôi vai thon nhỏ như vành cung
Một bầy tóc-rắn trườn trong gió
Da thịt như trái chín thơm lừng

Hoan hỉ, chàng gọi lớn : Mỵ nương !
Tiếng vang rờn rợn cõi âm dương
Âu Cơ sực tỉnh niềm tơ tưởng
Quơ vội cành xanh đậy sắc hương

Nhìn nhau nửa lạ, nửa như thân
Trong người như có lửa cháy rần
Hồn Lạc Long như tàn rụi, quỵ
Bên làn hương sắc gái thanh tân

Lạc Long như van ! Và Âu Cơ
Buông cành, hé nhẹ cánh môi chờ
Lạc Long ôm dáng hương sắc, nghĩ
Cuộc đời có thực hay là mơ !

Vạt cỏ bờ sông bị rối nhàu
Khi người dâng kẻ đoạt lấy nhau
Đôi lòng như đói từ bao kiếp
Môi gặm môi như thể ăn nhau

Vầng trăng kéo tấm khăn mây che
Màn đêm như một tấm màn the
Lạc Long nghe chút tài hoa rụng
Âu Cơ rung người đê mê nghe…

Trần gian từ đây thêm ấm nồng
Bởi có đôi tim rực tình hồng
Họ như đôi đũa so bằng ý
Gắp tình nuôi nhau, thôi đói lòng

Từ đây hai người thôi bơ vơ
Đêm đêm nằm gối tay nhau mơ
Vầng trăng bẽn lẽn núp cành lá
Nắm ánh vàng gieo sinh tứ thơ

Hai người đắm đuối trong lòng nhau
Và hình như Âu Cơ có bầu
Bụng-tròn-như-nửa-vầng-trăng-úp
Chàng áp tai nghe, khoái vuốt râu !


Nàng sinh trăm trứng nằm ấp ủ
Chín tháng mười ngày mới hóa duyên
Năm chục tài hoa ! Năm chục nụ
Tinh anh của một cuộc tình thiêng.

1988


(Trích chương 72 - Gãy hết cành xuân dính chút thơ
Trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)

THÁI DOÃN HIỂU
Mob : 0919991694
Mail : hieu.thaidoan@gmail.com

0 nhận xét

Đăng nhận xét

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN