"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

KHI HỌA SĨ DÙNG CỌ LÀM THƠ.

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010 0 nhận xét

THÁI DOÃN HIỂU

Nadim Hítmét cũng bị đau tim, lại phải sống lưu vong nữa. Ép tusencô thường than
“Ôi những người cực tốt – Trái tim thường hay đau”.

Nhà thơ - họa sĩ  Hoàng Hữu đã khuất. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đột ngột kết thúc ngay giữa lúc ban đầu ! Thương lắm đầu xanh tuổi trẻ với dang dở một tài hoa. Trái tim nghệ sĩ  của anh vẫn còn đập nhói buốt trên những trang giấy đã ố màu thời gian.

Nhà thơ, họa sĩ Hoàng Hữu (1945-1981) tên thật là Nguyễn Hữu Dũng, sinh ngày 24-9-1945, mất ngày 29-12-1981 tại Phú Thọ. Quê quán thị trấn Tiên Lãng thành phố Hải Phòng. Hoàng Hữu đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật  Công nghiệp. Nhiều năm nhà thơ sống và viết, vẽ tại Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú, sau này là Phú Thọ. Anh là một trong ba họa sĩ được Hội nghệ sĩ Tạo hình tổ chức trưng bày tranh ở 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 1976. Người xem rất có ấn tượng với các bức tranh Hoa bèo, Ngõ quê, và Hái chè, trong đó bức Hoa bèo được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Phần di cảo tập hợp được 100 bài. Đã xuất bản : Khói ấm sau cây (43 bài), Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú 1984; Hai nửa vầng trăng (36 bài), Văn học 1991.

Các giải thưởng văn học : Giải B cuộc thi thơ của tuần báo Văn Nghệ năm 1981-1982  với bài Hai nửa vầng trăng. Giải thưởng Hùng Vương về văn học và nghệ thuật của tỉnh Vĩnh Phú năm 1985.

&

Có một nhân vật huyền thoại cả trong đời và trong thơ : HOÀNG HỮU.
Anh là một nghệ sĩ đa tài : thơ hay, vẽ giỏi.

Hãy xem họa sĩ Hoàng Hữu vừa vẽ vừa làm thơ về các nàng thôn nữ xuống tắm hồ sen đêm trăng khi anh làm nhiệm vụ sao chép lại các bức phù điêu ở đình làng, chuẩn bị cho cuộc tái thiết sau chiến tranh :

Suốt một ngày tay cuốc tay liềm
Giờ khỏa nước ngón xòe nõn búp
Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn  ngực
Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai

Tay vin cành, hoa đấy áo người đâu
Cổ ba ngấn ngẩn ngơ chiều hương lúa
Màu đen thẳm tóc mây lại tỏa
Hương thầm thì mờ tỏ đêm sen

Sóng dào lên sáng ánh với tay em.

                                   (Mỉm cười trên giấy điệp)

Cũng sexy đấy  mà trời, sao nhã quá. Thật là thanh thoát, lung linh, buông thả mà kín thầm, đẹp và thơ, cần lao với mộng mị… Nhà thơ đang vẽ  mà ! Thân thể trần truồng của người đàn bà là vẻ đẹp vĩnh hằng, xác tín của tạo hóa ban cho con người. Các thiên tài văn hóa đã viết vẽ, về nó. Tôi bỗng nhớ đến Nguyễn Du qua cặp mắt trăm trô của kẻ si tình Thúc sinh ngắm nàng Kiều tắm (1), nhớ tới cái dùng dằng thao láo thèm lẻm của mấy gã chính nhân quân tử trước vẻ khêu gợi toàn cảnh… thiếu nữ ngủ ngày trong thơ Hồ Xuân Hương (2), nhớ đến vẻ đẹp thần bí, vương giả trong Tranh lõa thể của Bích Khê (3). Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương tả trực diện, Bích Khê tả trong tranh mà tĩnh, Hoàng hữu tả qua tranh khắc gỗ dân gian mà động. Nguyễn Du tự nhiên chủ nghĩa nhưng hào hoa, Hồ xuân Hương táo bạo, tinh quái và kích dục. Hoàng Hữu dân dã mà thành thiện. Tất cả đều đẹp, đẹp mỗi người một vẻ dưới ngòi bút ước lệ tượng trưng (Nguyễn Du, Bích Khê), hay tả chân hiện thực (Hồ Xụân Hương, Hoàng Hữu). Trong những vẻ đẹp quyến rũ lành mạnh như một tín ngưỡng đó, theo tôi, bức của Hoàng Hữu thần bút hơn cả, bởi anh hơn hẳn các cụ, anh là nhà-thơ-họa-sĩ. Anh “nhìn” được đối tượng mô tả từ hai phía

Trong thơ Hoàng Hữu có họa, trong họa Hoàng Hữu có thơ. Hai loại hình nghệ thuật này luôn luôn hài hòa bổ túc cho nhau tạo nên mặt mạnh nhất trong thi phẩm và họa phẩm của anh.Thơ Hoàng Hữu tinh tế, thâm thúy.  Những vật vô tri qua tay anh đều sống dậy có linh hồn :

Vầng trăng rất thật kia cũng mới chỉ vầng trăng
Cá quẫy sóng cho tan rồi lắng lại
Để hiện giữa rong rêu chói lói
Một vầng trăng cho cá suốt đời tìm.
                                             (Thơ đề trannh cá)

Đó phải chăng đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Hoàng Hữu ?

Hồn pha mây pha sương
Bút màu không kịp vẽ
Chú bò lưng đốm lửa
Khép chiều trong ngõ quê.
                                   (Quê đồi trong ký họa)

Bức tâm cảnh quả là một bài ca không lời. Người viết giỏi là người viết được cái không viết. Phần đẹp nhất của cái đẹp là cái mà không một tác phẩm nghệ thuật nào có thể diễn tả nổi.

Sao thả neo vàng chật bến đêm
Gió lùa trong vắt, nhịp nhàng êm
Lim dim lửa đỏ nhòe khoang khói
Ngỡ mặt trời quên ngủ dưới thuyền.
                                       (Bến đêm)

Khi lá xanh chưa mở
Nhựa đã lấp đầy cành
Cháy bùng lên hoa lửa
Sáng kịp màu xuân xanh.
                                     (Hoa gạo)

Là nhà thơ kiêm họa sĩ, Hoàng Hữu đã không hướng vào việc là thế nào phơi bày trước mắt bạn đọc những hình ảnh bề nổi tầm thường về cuộc sống, mà cố gắng làm sao để đưa lại cho bạn đọc một sự tái hiện đầy đủ, bao quát, có sức thuyết phục hơn về cuộc sống so với bản thân hiện thực.

Người trần tục thể hiện thế giới như mắt họ nhìn thấy. Nghệ sĩ nhạy cảm thể hiện thế giới như họ suy nghiệm. Người thợ ảnh chớp con người bề ngoài trong máy ảnh, còn người nghệ sĩ phô bày những nét phức tạp bên trong con người, kể cả những bí ẩn của con người đó nữa.

Hội họa chẳng qua là bí quyết dùng cái hữu hình để diễn đạt cái vô hình. Còn thơ dùng cái vô hình để diễn đạt cái hữu hình. Họa sĩ hay nhà thơ không trình bày những gì trông thấy mà biểu hiện những gì sẽ được thấy. “Nghệ thuật hay ở chỗ vừa giống vừa không giống. Không giống thì dối đời, giống quá thì mị đời” (Tề Bạch Thạch).

Nêu hội họa là bức tranh để xem hơn là để cảm, và thơ là bức họa để cảm hơn là để xem thì Hoàng Hữu đã nhuần nhuyễn kết hợp hài hòa được cả hai. Nắm lấy triết học mà sáng tác, Hoàng Hữu đã lèn được thơ ca vào các giới hạn chật hẹp của hội họa và đem hội họa lấp đầy cả lĩnh vực thơ ca.

Danh họa Nguyễn Gia Trí bảo rằng  ông đã qua gần cả đời hiện thực mới dám mon men đến trừu tượng. Thơ Hoàng Hữu sương khói, mong manh ảo huyền ít bám vào hiện thực “hồn pha mây pha sương” là đang “mon men” đi theo xu hướng này ? Lãng đãng sương khói là nét riêng định hình của Hoàng Hữu.

Khi anh  lắng nghe :
Chiều chìm tím lặng bàng thưa
Lặng lờ lá rụng ngẩn ngơ cành gầy
Là khi hạt nắng chót ngày
Dồn cho mắt biếc cháy đầy mình hoa.
                                                      (Là khi)

Khi anh nhìn ngắm :
Má bừng chín giữa khăn choàng gió
Tựa trái mùa đông ấm mắt nhìn.
                                                     (Ký họa sông Đà)

Lắc thắc mưa rơi ướt bí bầu
Cái màu hoa ấy nhớ về nhau.
                                             (Mưa đôi bờ tháng chạp)

Là người biết phải kết thúc sự nghiệp quá sớm, cảm thấy chung cục sắp đến gần, Hoàng Hữu cố níu kéo một cái gì đó của sự sống thật lưu luyến hướng nó vào vĩnh cửu để dành lại cho mình.

Đôi bờ tháng chạp màu hoa nhắc
Mưa để lòng cau thắm với trầu.
                                            (Mưa đôi bờ tháng chạp)

Mây núi xòa chông chênh hơi rượu tan
Hoa thắm lại, chiều dễ gì tắt được.
                                               (Năm ấy hoa bìm)

Tôi cùng sóng bước heo may gió
Cỏ mén hơi sương mướt lối vào

…Trái tim đập suốt mùa giông bão
Trời nối vào thu tự lúc nào.
                                        (Một mình trong vườn thu)

Thơ Hoàng Hữu chuẩn xác, sâu lắng, đẹp và ý nhị. Anh tả mưa “Mưa cứ thả vào lòng đêm từng hạt nhớ” (Đêm nay nhớ bạn vùng than).Anh viết về gió “Ngọn gió lật chiều sang hướng khác – Vòi vọi trên đầu đám mây khô khốc” (Không đề I). Anh viết về nắng “Nắng thơm mùi quả chín lúc đang trưa”. Anh ghi nhận về thời gian “Chiều xanh xanh đến thẫn thờ - Không em. Liễu cứ bên hồ đợi anh” (Thị xã không em). Anh diễn tả cái lạnh không mùa “Rét ngọt chừng chưa qua - Tần ngần trong ruộng mía – Còn băn khoăn chi nữa – Cây đã đầy mật thơm” (Tháng giêng). Anh viết về cái khắc khoải của nỗi nhớ “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau” (Hai nửa vầng trăng). Anh giãi bày tâm trạng của mình trong “Chạm vào lá biết tay mình se giá” (Không đề II). Anh gửi tấm lòng trong “Cánh buồm nhuận sắc đất đai - Gửi người đi nối chân trời khát khao” (Hát tặng chân trời). Anh trân trọng nâng niu “Chẳng ai nỡ hái chung nhau ngắm - Một chút làng xanh giữa đảo mờ” (Làng đảo). Anh gửi tình yêu nồng nàn trong “Mùi khói ấm qua mưa dầm tháng bảy - Tỏa mơ mòng như ánh mắt anh đây” (Khói ấm)…

Hoàng Hữu viết như người trong mơ. Nó là thứ thơ mộng mị, có bóng mà không có hình, tạo chất ảo tác động vào cảm giác chứ không phải vào trực giác. Thơ anh có ma lực thôi miên cuốn hút người đọc mạnh đến mê người. Hai nửa vầng trăng được Hoàng Hữu viết giữa hai cơn đau của cơn bệnh phù phổi cấp nên giọng thơ mới da diết hối thúc đến thế :

Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
trăng đầu tháng có lần em ví
chữ D hoa như vầng trăng sẻ nửa
tên anh như nửa trăng mờ tỏ
ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.

Ơi vầng trăng như con nước đầy vơi
trăng say đắm dào trên cỏ ướt
trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết – em đã khóc
trăng từng hạt tan vào anh mặn chát – em đã khóc
nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
                  (Hai nửa vầng trăng)

Trong nghệ thuật, điều kỳ diệu là đến  một vầng trăng Hoàng Hữu tả thì nó vừa là trăng tròn khuyết mà cũng là chìm nổi đời anh. Khi đã vào nghệ thuật, cái đẹp không còn là cái đẹp riêng lẻ nữa, vì tự cái đẹp đã nằm trong cái đẹp. Sáng tạo là con đường giải thoát thênh thang khỏi mọi khổ đau trần thế, là sự bay bổng cuộc đời người nghệ sĩ. Trong sáng tạo nghệ thuật, tính quy luật được bộc lộ như một cái gì rất ngẫu nhiên. Điều còn lại mãi mãi là tình người trong thơ. Chính tình người, tình đời đã giúp nhà thơ vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Thơ khó thứ nhất là thần. Dường như Hoàng Hữu đã vượt qua được cửa ải đó. Tôi không có dịp được tiếp cận với tranh Hoàng Hữu nhiều nên không thể hình dung được các họa tiết ra sao nhưng tranh của anh hẳn có thần. Các bức Hoa bèo, Ngõ quê, Hái chè… trong cuộc triển lãm tranh 16 Ngô Quyền, Hà Nội tháng 7-1976 đến giờ vẫn còn gây ấn tượng tốt đối với giới hội họa. Chả thế  mà anh đoạt được hàng loạt giải cao về đồ họa trong và ngoài nước. Hoàng Hữu lại gây ấn tượng, có biệt tài sáng tạo bìa sách. Trong lĩnh vực thơ ca, Hoàng Hữu đã thành tựu vượt trội hơn cả hội họa. Hoàng Hữu cũng không ngờ khi anh nằm xuống, năm sau (1982) giải Nhì cuộc thi thơ Quốc gia của báo Văn Nghệ lại trao cho Hai nửa vầng trăng – bài thơ tình vào loại hay nhất thơ tình Việt Nam của anh – bài thơ mà Xuân Diệu trong ban chung khảo cứ đòi tặng cho được giải Nhất ! Trớ trêu thay, sinh thời Hoàng Hữu có mong gì hơn khi ông trưởng trại sáng tác của tỉnh nhà đã loại ra vì “non yếu tư tưởng và nghệ thuật” (!?).

Hoàng Hữu bị đau tim bẩm sinh và  hơn một lần đại phẫu. Mang trái tim thương tích đã mổ xẻ luôn linh cảm về sự hạn hẹp của thời gian, biết mình mệnh yểu, Hoàng Hữu tranh thủ sống, cấp tập viết, vẽ bằng một nghị lực lớn. Nằm xuống ở tuổi 37 (1945-1981)  - tuổi húy của các nhà văn - tuổi tam thập nhi lập, định mệnh khắc nghiệt thật là ngắn ngủi, vội vã, đầy nuối tiếc !

Người xa phơ phất hồn lau gió
Thổi trắng chân đồi như khói pha.
            (Hoa lau trường cũ)

Nadim Hítmét cũng bị đau tim, lại phải sống lưu vong nữa. Ép tusencô thường than
“Ôi những người cực tốt – Trái tim thường hay đau”.

Nhà thơ - họa sĩ  Hoàng Hữu đã khuất. Một sự nghiệp đầy hứa hẹn đột ngột kết thúc ngay giữa lúc ban đầu ! Thương lắm đầu xanh tuổi trẻ với dang dở một tài hoa. Trái tim nghệ sĩ  của anh vẫn còn đập nhói buốt trên những trang giấy đã ố màu thời gian.

CHÚ THÍCH :

(1)    Nguyễn Du :
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên

(2)    Hồ Xuân Hương :
Yếm trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.

(3)    Bích Khê :
Nàng ở mô ! Xiêm áo bỏ đâu đây
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm ?
Nàng là hương hay  nhan sắc lên hương ?
Lệ tích ngọc tích sắp hai hàng đũa ngọc
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc
Vài chút trăng lay động ở làn môi.



Chợ Lớn, 1991
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)
THÁI DOÃN HIỂU

HOÀNG CẦM – THI SĨ KINH BẮC THUỘC DÒNG MẪU HỆ

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 10 tháng 5, 2010 0 nhận xét

Thi sĩ Hoàng Cầm
THÁI DOÃN HIỂU

Sinh năm 1922, thi sĩ Hoàng Cầm nổi tiếng từ năm 1939 với vở kịch Hận Nam Quan, năm 1940 là vở kịch Kiều Loan. Tiếp đến năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, bài thơ tuyệt bút Bên kia sông Đuống ra đời. Là lính văn công, nhà thơ Hoàng Cầm tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, được Đại tướng Tổng tư lệmh Võ Nguyên Giáp gắn huân chương Chiến thắng. Và, vào mùa rét năm 1959, ông là tác giả thiên tình sử Lá diêu bông làm đắm đuối người yêu thơ cả nước.

Tôi bàng hoàng hay tin nhà thơ Hoàng Cầm từ trần  sáng nay 6-5-2010 ! Thế là vĩnh viễn từ nay ông không còn nhìn thấy chân dung mình trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI mà chúng tôi đã trân trọng dành viết về ông. Tôi mở két sắt nơi lưu giữ chương sách Thi sĩ Kinh Bắc thuộc dòng mậu hệ  được đóng gói rất kỹ lưỡng từ năm 2005 trước lúc lên đường đi Trung Quốc,  ra đọc. Hình bóng của Hoàng Cầm hiện lên rất rõ và đẹp suốt 52 trang tiểu luận và tuyển thơ.

Cứ chùng chình mãi, tôi định nhờ Nguyễn Khôi chuyển chương sách ấy cho ông. Thế là không kịp rồi !

Tôi xin trích hai đoạn nhỏ trong thiên tiểu luận vẫn còn thơm nức mùi mực cùng bạn đọc tưởng niệm Thi bá Hoàng Cầm - một tài thơ lớn của đất nước vừa giã từ cõi thế.

(I)               TÌNH SỬ LÁ DIÊU BÔNG.

Nhà thơ Hoàng Cầm kể là ông yêu rất sớm. Lên chưa đầy 8 tuổi, chú chàng đã sớm đem lòng yêu một phụ nữ đẹp lớn gấp đôi tuổi mình.

Chị ấy ra điều kiện là sẽ cưới làm chồng “đứa nào” tìm ra được lá Diêu Bông (!?). Rồi, người yêu đi lấy chồng, người yêu sinh con, thành bà già, qua đời… anh ta vẫn không tài nào tìm ra được lá Diêu Bông ! Bị đánh quả lừa dịu ngọt, chàng trẻ cất công đi tìm, tìm mãi, kiếm hoài. Có lẽ tìm đến trọn kiếp ? Trên đời này làm gì có lá Diêu Bông, chẳng qua là người lớn tìm cách nói dối trẻ con cho xong chuyện, ai ngờ sự gạt gẫm đó đã làm nên chuyện ! Cậu bé Hoàng Cầm ngây thơ tưởng thật lao vào cuộc kiếm tìm. Cậu vừa tìm vừa chiêm nghiệm để giải thoát niềm khao khát tình yêu con người. Trong những khoảng lặng đó, thi sĩ đã không quản nắng mưa dấn thân giữa cánh đồng quạnh hiu cố tìm cho được lá Diêu Bông - biểu trưng cho ẩn số hạnh phúc của đời mình. Anh chàng đã có lúc rất nản, ngấm nghía tận gan ruột cái lẽ đời đắng đót không bao giờ đạt tới “Từ thuở ấy Em cầm chiếc lá – đi đầu non cuối bể - gió quê vi vút gọi… Diêu Bông hỡi… ới Diêu Bông !” Cầm lá Diêu Bông vô hình như một bí mật trong tay, nhà thơ đã vượt lên trên mọi khổ hạnh trầm luân của kiếp người. Và, chúng ta đã có được một thi sĩ đa cảm với trái tim đầy thương tích. Giữa mê hồn trận, luôn thổn thức về những ngày xưa yêu dấu, cậu bé ngây dại lẩn thẩn đi tìm cái đáp số ảo trong lời hứa hão của bà tiên. Anh chàng đã than thở thốt ra những lời giãi bày tâm sự miên man không kiềm chế được. Chia li nếm mùi chết chóc “ù ù gió thổi – em vọng ai đâu  mà hóa đá -… không trói mà không đi - Không canh gà - Không thu không - Mắt không mở - Đừng khép – Kìa dây muống dại kín em rồi” (Cây Tam cúc). Những kỷ niệm dậy thì vẫn ấm nóng trong hoài niệm trinh nguyên :

Chị gọi đôi cây ! Trầu cay má đó
Kết xe hồng đưa Chị đế quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa, Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng buổi đương thì

… Rồi Quan Đốc đồng “Thả tịnh vàng cưới chị”, cậu bé chết sững “Em đứng nhìn theo Em gọi đôi” (Cây Tam cúc)


Vết thương xưa chỉ phiền lụy khi tâm linh ngày nay thẹn thùng. Con người rất dễ bị cám dỗ và bị lừa phỉnh bởi cái anh ta yêu. Khi người phụ nữ yêu ta lừa dối ta, điều ấy hoàn toàn không có nghĩa là người ta không yêu anh, Hoàng Cầm hiểu rất rõ điều đó. Cậu vẫn đơn phương đinh ninh lòng dặn lòng, hăm hở đi tìm :

Đi… ngày tháng lụi tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mãi phất cờ


Lẽo đẽo Em về vườn mai sau
Cúi nhặt chiều lên dăm quả rụng.
                                       (Qua vườn ổi)


Những bông hoa bị quên lãng mọc tốt nhất là ở trên các ngôi mộ. Nhà thơ của chúng ta không đủ can đảm để quên. Hoàng Cầm vẫn “cầm lá Chị chiều Diêu Bông” để cầu được sống đủ đầy hạnh phúc trong cõi mộng :


Đón chị hồn chênh lệch bóng đêm
Chân không dìu đặt cánh tay mềm
Tóc buông đổ thác về vô tận
Bát ngát mùa đương độ tuổi Em


Vậy thì Em ngắt quãng tân hôn
Theo chị lùa mưa dưới nắng buồn
Hai đứa lung linh lơi yếm áo
Thuyền trăng dềnh sã cánh cô đơn


Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay
Hồn trong Em chuốc Chị chìm say
Là em cưới chị xanh thiêm thiếp
Sinh một đàn con. Mây trắng bay
                    (Chị em xanh)


“Người ta khổ vì yêu không phải cách – Yêu sai duyên và  mến chẳng nhằm người – có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi” (Xuân Diệu). Tuy thế, tình yêu vẫn mở ra trước mắt thi nhân một thế giới mới, cho dù tình yêu ấy bất hạnh. Có lẽ trời sinh con người để chuốc khổ gánh đau. Không có gì tồi tệ và vô nghĩa trong thế giới này bằng đau khổ trong tình yêu. Nhưng thực ra không có khổ đau nào hoàn toàn là đau khổ cũng như không có niềm vui nào thuần túy niềm vui. “Chém cha cái số hoa đào - Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi” (Nguyễn Du). Thôi không yêu nữa biết đâu lại là điều hay. Có thể Hoàng Cầm sẽ nhìn thế giới bằng con mắt hoàn toàn khác ? Trên môi Hoàng Cầm còn lưu vị chát khi đã uống cạn chén tình nàng thơ đã giao bôi. Thi sĩ vẫn không thôi ngu ngơ yêu người, sống trong thế giới mộng mị dẫu người đã ngưng yêu, bỏ tình yêu bơ vơ đói khát. Sự quên lãng hay phản bội nói lên rằng đó chính là tình yêu đích thực đang dẫn về cuối chiều. Tình yêu là một quan hệ lựa chọn nhất thời nên nó mỏng manh. Cái gì đã mỏng manh thì dễ
vỡ.

Đeo đuổi một người phụ nữ chẳng làm tổn hại ai cả. Tình yêu thương là con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim người. Khi chưa với tới được, họ vẫn đeo đẳng. Chỉ khi có được rồi chuyện mới trở nên rắc rối. Trong tình yêu, tâm hồn nhỏ không thể giữ được tình yêu lớn. Ông hoàng thơ tình phương Đông Xuân Diệu đã từng rút ra nguyên lý “Yêu là chết ở trong lòng một ít - Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu - Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu - Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”. Rõ là yêu thì khổ nhưng không yêu còn cực hơn. Tình yêu thái quá khó bền lâu. Nhưng ai đặt giới hạn cho tình yêu sẽ không biết thế nào là tình yêu. Bản tính của tình yêu là tự do. Nó không chấp nhận tính nhẫn nhục phục tùng với sự ghen tức, sợ hãi hay ích kỷ. Ai ép buộc hoặc làm khác, tình yêu sẽ chết vì nhàm chán, tàn lụi bởi lãng quên. Ở đâu tình yêu được sống trong bình đẳng, chân thành và đầy đức tin thì ở đó tình yêu càng trong sạch và hoàn thiện. Với Hoàng Cầm, kỷ niệm về tình yêu mãi ngát xanh. Tình yêu say đắm và đích thực của Hoàng Cầm hoàn toàn ứng với lời thơ sau đây “Yêu để được hồi sinh, biến thành hoa để nở - Đã khổ đau rồi hãy khổ đau nữa – Hãy yêu thương mãi khi đã yêu rồi” (Muýtxê)

Và, thi sĩ Hoàng Cầm không đến được thiên đường tình ái của mình nhưng lại đến được cõi thơ !

Lá Diêu Bông không còn là của riêng Hoàng Cầm mà là của chung mọi người - những ai còn chập chững trong cơn tỉnh say, day trở hồn người về cái nổi nênh của phận người muốn muốn hướng về phía trước.

Đẹp thay Lá Diêu Bông !  Diêu Bông đã đan dệt nên một huyền thoại thi ca sáng giá. Thiên bi tình sử nghẹn ngùng này đã làm xao lòng không biết bao nhiêu con tim, chẳng thua kém gì so với tình sử Hai sắc hoa Tygôn của TTKH.

Theo dõi tình sử Lá Diêu Bông, bạn đọc nên tìm thưởng thức nguyên cả chùm bài : Lá Diêu Bông, Cây  tam cúc, Qua vườn ổi, Gió lông ngỗng, Sương cầu Lim, Chị em xanh thì mới thấy hết cái hay và vẻ đẹp liên hoàn của nó.


(II)            NỮ CHÚA NHAN SẮC ẨN MÌNH TRONG CHỮ.


Thi sĩ Hoàng Cầm thuộc nòi tình. Thơ ông đầy chất nữ tính bởi Hoàng Cầm là thi sĩ theo dòng mậu hệ như ông tự nhận. Trong tiềm thức của Hoàng Cầm chỉ có Mẹ - Chị (+ Người yêu) và Vợ. Nhà thơ chỉ sáng tác lấy cảm hứng xoay quanh cái trục nguồn bất hạnh đầy hệ lụy đó.

Thơ Hoàng  Cầm là đặc sản tinh thần tự nhiên trong sáng của vùng quê Quan họ Bắc Ninh nổi tiếng. Do hồn quê đọng lại những làn điệu dân ca phóng khoáng nên bút pháp Hoàng Cầm độc đáo, súc tính, ngôn ngữ tinh luyện đầy biến ảo, cấu tứ phóng túng, câu cú ném ra bất chấp văn phạm… tạo nên một phong cách rất riêng Hoàng Cầm, không lẫn được vào ai của tài tử trấn Kinh Bắc.

Thơ Hoàng Cầm là sản phẩm của nỗi buồn thấm gạn chắt từ nỗi bất hạnh triền miên của đời ông. Đó là thứ thơ ám ảnh, gây thổn thức cấu véo tâm can người đọc. Thơ ông đầy thi vị,  giàu sắc màu, bộn bề ý tưởng. Khi làm thơ, ông chăm chút nuôi dưỡng từng câu thơ, phát triển đến tột cùng rồi bất thần đẩy một vài câu vào chót vót kết một điểm son sáng chói :


Gió vào trăm cửa
Gió ra hồng da thiếu nữ
Gió vào xanh quan lục
Gió ra vàng thớ mít 
Ong bay vai áo tiểu thon mình
                                            (Đêm thủy)

Câu thơ Hoàng Cầm luyến láy, tung tẩy đầy nhạc tính trữ tình :

Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
Cầu kinh tê tê mười ngón tay măng
Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh.
                                                (Đêm thủy)

Ông sử dụng những so sánh gây ấn tượng “Mắt nứa cứa tay em” (Đợi chờ), “Những cô hàng xén răng đen - Cười như mùa xuân tỏa nắng”, “Lá đa lác đác trước lều – Vài ba vết máu loang chiều mùa đông” (Bên kia sông Đuống). Ông dùng những động từ mạnh : nghểnĐá nghển trông con gục đầu sườn núi Dạm”; : “Lụa vànglộc rắc tro tiền”, khuaHỡi em khua guốc ư u phiền”, nhay : “Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa - Ngực lép con nhay đã rã rời” (Tâm sự đêm giao thừa), rụng : “Đứng bên bờ sông này sao luyến tiếc - Sao xót xa như rụng bàn tay” (Bên kia sông Đuống), tắt : “Thôi em xin tắt cơn cười nghẹn - Nỗi nhục ngồi cao hơn nỗi đau” (Bênh)… đặt rất đúng chỗ làm rung rinh cả đoạn thơ. Ông dựng được những nhân hóa sống động, gợi không khí chiến cuộc “Sông Đuống trôi đi một dòng lầp lánh - Nằm nghiêng nghiêng theo kháng chiến trường kỳ” (Bên kia sông Đuống), “Đầu rau nằm sấp toạc môi”… Ông gợi dậy những nét đồng dao tươi sáng :

Hạt mưa chèo bẻo
Nhạt nắng xiên khoai
Hạt mưa hoa nhài
Tàn đêm kỹ nữ
Vỡ gạch Bát Tràng
Mưa gái thương chồng
Ướt đầm nắng quái
Sang đò cạn sông.
                                   (Mưa)

Đậm đà chất dân gian trong vùng ký ức nhoi nhói thức kỷ niệm sống dậy “Áo hai bà giăng mắc”…”Tượng Quan âm má đỏ bồ quân”… “Hội Gióng giong chiêng – Em bé về nằm khoanh lòng mẹ - nghe nghìn năm sau xoa nắn bầu vú lửa – sông dài cát bỏng nắng hồng hoang” đầy chất huyền thoại. Ông viết những câu thơ rất lạ “Mắt trăng hôm ấy mấy chiều đỏ hoe” (Mai sau dù có bao giờ, “Nghẹn hương mùa mắt ướt òa xanh” (Em cứ về bên ấy), “Hàng tre nhả yếm”,  “Gậy mù ngửi hơi đường lạ”, “Loã thõa thân trăng”, “Chắp tay nhìn nghẹn mười phương”, “Miệng bé hạt na nhòa bến vắng” (Đợi mùa), “Hai ngực hòa chung  một tiếng chuông” (Chùa Hương). Ông táo bạo phá vỡ cả cú pháp tiếng Việt “Chị vỡ pha lê. Bùn vấy tay”, “Vậy thì em ngắt quãng tân hôn” (Chị em xanh). Ông viết thật trong sáng “Mê mải rừng mai thấp thoáng hương” (Chùa Hương), “Trầu cau chẳng kịp cốm vàng – Xác pháo đã vùi ngõ mưa lầy lội”… Một thế giới nội tâm xao động dâng đầy, mang rặt hơi thơ Hoàng Cầm, gợi được không khí một vùng quê văn hóa đặc biệt :

Trống Chờ thúc chín tiếng
Chuông Trõ nện ba hồi
Mõ Phù Lưu khua bến đò Lo
Thầy Phẩm Huệ xênh xang năm sắc áo
Biết lòng chim sáo ri.
                                       (Sương cầu Lim)

Tình yêu chân thật, mạnh mẽ đã khiến Hoàng Cầm viết được những câu thơ đẹp đến huyền ảo :

Hỡi em mang guốc ưu phiền
Chìm trong mặt đá nét hiền dáng quê
Trăng đêm qua chẳng nhớ về
Áo mong manh cởi chiều mê mải chiều.

Thôi em ! Cỏ mịn chân đê
Anh đưa em nhẹ gót về xanh xưa
Chỉ tay xuống đất làm mưa
Mát chân em khỏa lững lờ nguồn xuân.
                                             (Lời ru sang xuân hay xanh xưa)

Đi sâu vào lãnh địa tình yêu, không có gì đáng rầu hơn khi óc tưởng tượng của người  viết bị khô cằn. Trong thi phẩm của Hoàng Cầm, sức tưởng tượng của thi sĩ phong phú đến mức có thể tái tạo lại cả vũ trụ :

Xuân đ ã qua. Em cứ về bên ấy
Váy Ngân Hà loang mặt Tiểu Hùng tinh
Ở bên này sao Ngưu đứng vậy
Nghẹn hương mùa mắt ướt òa xanh.
                                     (Em cứ về bên ấy)

Tả cánh du xuân đánh đu, nếu không có bản lĩnh chữ cao thì không thể viết được bài tứ tuyệt với ngôn ngữ chênh vênh kinh người thế này :

Luồn tay ôm giấc say bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh.
                                                      (Thi đánh đu)

Nhà thơ còn vượt qua cả cái siêu phàm đầy chất tính linh :

Một con bướm lửa đậu môi
Hai nhành hoa lửa chia đôi tay cầm
Ba tầng mây lửa trầm ngâm
Bốn con chim lửa đậu nhầm cỏ hoang.
                                                           (Gọi đôi)

Trong thi phẩm của Hoàng Cầm đậm đặc những câu thơ tài hoa làm sửng sốt thần kinh của người thưởng lãm :

Hàng mi em rớt ánh sao
Em đi chân đất khuất vào cõi anh
                                      (Đi bên em)

Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hóa sinh
                                           (Gặp lại)

Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu.
                              (Anh đứng đây đã lâu)

Còn đây, một câu diệu bút :

Một lời quan họ bay lên dốc
Xin chớ dìu nhau xuống vực đau.
                                      (Tiếng hát quan họ)

Thơ Hoàng Cầm là loại thơ ma. Nữ chúa nhan sắc quyến rũ kiêu sa thường tàng hình trong chữ. Người đọc khéo lắm mới dụ được nàng bước ra.

*

Tài sản Hoàng Cầm có đến nghìn bài thơ. Có bài gầy dựng cho ông một cái logo huyền thoại làm nên một thương hiệu thơ nổi tiếng, có bài được huân chương, có bài làm đời ông lên thác xuống ghềnh, bị đấu tố, bắt đi cải tạo, đẩy vào nhà lao. Với thơ, ông nến đủ vinh quang lẫn cay đắng. Từ trong thi nghiệp khá dày dặn của mình, Hoàng Cầm để lại cho thi ca Việt Nam hai kiệt tác. Tùy thuộc vào chất nhân văn, ma lực ngôn ngữ kết tinh trong tác phẩm và tính tất yếu của lịch sử, tuổi thọ tuyệt tác của ông có bài có niên hạn như Bên kia sông Đuống, lại có bài sẽ sống đến muôn đời như Lá Diêu Bông (liên danh chùm bài có thêm Cây tam cúc, Chị em xanh)

Khi làm thơ, Hoàng Cầm tự bạch : “Mơ mộng. Học, tìm, mơ mộng, rồi lại học, lại tìm, tìm mãi cái Đẹp, cái Thật, cái Thiện. Trung thực với bản ngã, dần dần tạo ra phong cácch thơ riêng, thế giới thơ riêng, không vay mượn lặp lại người khác, không tự mãn, cố gắng không lặp lại mình”. Sống chết vì thơ, đặt thơ lên hàng giáo chủ để phụng thờ, Hoàng Cầm luôn trăn trở cách tân. Thi pháp và  bút lực của Hoàng Cầm thuộc hàng cao thủ, bậc thầy nên, những cách tân của ông vừa đủ gây mê để bạn đọc hiểu chứ không tịt mít đánh đố như kiểu Bóng chữ của Lê Đạt hay thơ Trần Dần.
Thật chí lý khi một nhà thơ đồng hương của ông có một nhận xét tinh tường “Thơ Hoàng Cầm, chất Quan họ Bắc Ninh đạt đến độ hàn lâm. Từ thực tại đã thăng hoa tới miền hư viễn của tâm linh. Rất nhiều đam si, trầm ẩn nên không hiếm khoảnh khắc hồn thơ của thi sĩ nhập vào vô thức” (Nguyễn Khôi - Bắc Ninh thi thoại)

Sài gòn, 1h30 ngày 7-5-2010
(Rút trong bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI)
THÁI DOÃN HIỂU

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN