Một minh triết thiền: THẾ À !
THÁI DOÃN HIỂU
Cách đây khá lâu, một nhà xuất bản nọ ở phương Nam có nhã ý nhờ tôi xem lại bản dịch và nhân thể viết mấy lời đưa duyên cho một công trình thiền học (1) của Nhật Bản. Tôi phấn hứng làm công việc này vì phát hiện ra rằng đằng sau một nước Nhật phồn thịnh về công nghệ còn có một nước Nhật với nền văn hóa truyền thống hào hoa. Không ai tưởng tượng nổi người Phù Tang văn minh hiện đại lại là một dân tộc có nhiều tín ngưỡng đến thế. Vâng, ở đời làm sao sống được trên trần thế này mà lại thiếu tín ngưỡng !?. Người Nhật có 221 triệu dân thì có đến 217 triệu tín đồ ! Chỉ có 4 triệu là vô thần [trong đó có 112 triệu người theo đạo Shinto (quốc giáo), 89 triệu Phật tử, Thiên Chúa giáo 1,7 ; 14,5 triệu theo các giáo phái khác] (2) Tác phẩm ấy có tên là SHASEKISHU do vị tổ sư MUJU khởi thảo từ thế kỷ XIII và các đồ đề của ngài thuộc dòng thiền về sau viết nối. Nó là quyển minh triết thiền thú vị gối đầu giường của bất cứ người dân Nhật có đạo hay không có đạo Phật suốt 8 thế kỷ qua. Quyển sách mỏng, nhỉnh hơn trăm trang đã được dịch ra hầu hết các ngữ quan trọng của thế giới (3). Theo chỗ tôi được biết thì người Nga cũng vô cùng thích thú tiếp nhận sách thiền này khi nó được dịch vào quãng tháng 5-1989. Và bây giờ đến lượt người Việt Nam chúng ta.
Nhân dịp này, để thưởng thức nghệ thuật, tôi xin đọc hầu quý bạn một mẩu giai thoại thiền có duyên nợ nhiếu nhất đối với tôi trong cuốn sách trứ danh đó.
THẾ À !
Thiền sư Hakuin được những người xung quanh ca tụng là người trong sạch. Một gia đình người Nhật có tiệm bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở. Họ có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai.
Việc này làm cha mẹ cô gái nổi giận. Cô gái không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.
Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến xỉ vả ngay vị thầy đức hạnh này. Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng: Thế à ? rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm cho Hakuin mảy may buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế, ngày ngày xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng rằng người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin, xin Hakuin tha lỗi, chuyện xin lỗi dài dòng, và xin đứa bé về. Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt ra hai tiếng : Thế à !
LỜI BÌNH : Sự thật là sự thật, thế nào cuối cùng cũng phơi ra ánh sáng chẳng cần một ngoại lực nào. Tôi nhớ câu nói của vị Thánh Ấn Độ Gandhi “Một chân lý bao giờ cũng là chân lý dù bị tất cả thiên hạ đả đảo. Một sai lầm vẫn là một sai lầm dù được tất cả thiên hạ hoan nghênh”.
Thiền sư Hakuin là một dạng Quan Âm Thị Kính của nước Nhật nhưng ở tầm cao hơn. Như bạn thấy đấy Thị Kính - ở thời kỳ đầu còn ý thức và vật vã về nỗi đau khi bị vu oan giá họa, còn Hakuin thì tuyệt nhiên không. Do tu luyện kỹ thành chánh quả, thiền sư xử lý trầm tĩnh mọi tai biến vượt ra ngoài tầm thế tục. Người đã thành huyền nhân rồi.
Một thời, tôi vốn là người hăng hái đấu tranh để đến nỗi những người gần gụi thường trách cứ là “đi đâu cũng ham đấu đá”. Bà vợ tôi thường khổ sở vì cá tính mạnh “không phải hòn bi cho người khác dễ lăn”. Âu cũng là do bản tính hướng thiện và sự tuân thủ quá mê tín lời dạy “Hạnh phúc là đấu tranh” của ông Mác. Nhưng sau bao nhiêu là tai ương gặt hái từ cái dại dột “Đấu tranh = tránh đâu”, tôi bỗng trầm mình lại giác ngộ khi đọc thiên minh triết thiền Thế à ! Rồi, tôi đi học thiền và tích cực vận dụng vào đời sống.
Người phương Tây ưa lăng xăng đi cải tạo thế giới và kẻ khác, còn người phương Đông lại thích âm thầm khám phá mình. Xưa nay, sửa trị người khác dễ, nhưng sửa mình cực khó. Một bà mẹ nào đó đã dạy con thật chí lý “Bên phải của mình là bên trái của người”. Mỗi một con người sống là phải gánh chịu sự tàn phá ghê gớm của thời gian và sự bất công lăng loàn của loài người. Ai cũng tự mình sống cho đúng thì có cần rậm lời cãi vã tranh được tranh thua không nhỉ ?
Rõ khổ, con người luôn luôn sống trong bệnh hoạn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ đó. On peut guérir le comrps, on ne peut passe quérir du corps - Muốn cho thân không bệnh thì tâm phải vô bệnh. Giai thoại thiền này cùng với quyển sách là phương thần dược chữa lành bệnh tâm. Nó đã giúp tôi cập được bến bờ bên kia của bát nhã (5). Đọc các bạn nghe là để thiền với tinh thần đó.
--------------------
(1) GÓP NHẶT CÁT ĐÁ do Đỗ Đình Đồng dịch, Xạ Thụy Thái Doãn Hiểu hiệu đính, nhuận sắc và đề tựa. Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành vào tháng 7-1990. Trong vòng một năm đã tái bản đến 3 lần, những năm sau tổng cộng 7 lần.
(2) Tài liệu thống kê của Viện Phương Đông học (Nga)
(3) Những tên dịch khác nhau của tác phẩm này: THẠCH SA TẬP (tiếng Trung Quốc); , THE ZEN PARDOXES (bản tiếng Anh phổ cập ở tất cả các nước), NGƯỢC CHIỀU CỦA THIỀN (tiếng Nga)…
(4) Nói đúng hơn là đối với các bạn đọc ở miền Bắc. Ở miền Nam trước đây Nhà xuất bản Lá Bối đã in nhiều lần và bạn đọc miền Nam rất trân trọng xem nó là hạt ngọc quý.
(5) Bát nhã: phương pháp dùng trí tuệ để quan sát, chiêm nghiệm, tìm tòi sự thật của sự vật.
0 nhận xét