NHÂN ĐỌC “THẬT - GIẢ TRONG
NGHỆ THUẬT” NÓI CHO VUI
THÁI DOÃN MẠI
Học giả Thái Doãn Hiểu có bài viết “Thật giả trong Nghệ thuật”. Đoạn cuối tác giả reo lên “ ơ reka”: chân lí là cái lí có chân. Cái sự chơi chữ ở đây thật giản dị mà thâm thúy :
- Chân (hán việt) : thực, có thực, không hư ảo, bản chất…
- Chân (nôm) :cái chân (để đi từ nơi này sang nơi khác.)
Nếu ảnh Ba Tầu dịch ra tiếng ảnh thì chỉ là : chân lí thị lí hữu túc. Đồng bào của ảnh đọc thì chả có gì là hay ho thâm thúy Âu đây cũng là cái lí có chân, cùng 1 ý nghĩ của 1 người mà tính nghệ thuật khác nhau.
Không riêng gì trong nghệ thuật, trong đời thường, trong lịch sử, trong khoa học…đã để lại những bài học sống động về thật giả lẫn lộn. Tôi hơi “ bị liều” mà nói rằng: C. Andersen đã nhìn thấy: Con đà điểu ở sa mạc gặp đối thủ. Từng chứng kiến Triệu Cao chỉ con hươu và nói với Tần Nhị Thế cùng bách quan: “ đây là con ngựa”.
Đó là cứ liệu để C. Andersen Tiên sinh viết “Bộ quần áo mới của Hoàng Đế”?
Trở lại kinh thành Đan Mạch, ngụy chân lí (hoàng bào đẹp) lúc đầu đứng ở mảnh đất quyền lực và xu nịnh .Thực ra chân lí đã có sẵn ở trong đầu mọi thần dân. Oái oăm thay , chân quân tử (Nhân –Trí –Dũng) đưa ra cái chân lí trần trụi “ hoàng đế cởi truồng” lại là 1 chú bé mũi còn thò lò. Vì sao vậy ? vì chú bé này chưa học được 2 câu thần chú :
Y hi quản thược chi âm
Phảng phất chi lan chi vị.
So sánh cho vui thôi, sao lại có sự tương đồng đến lạ:
Tần Hồ Hợi là hoàng đế cởi truồng (như Tần Doanh Chính : độc tài, hưởng lạc…)
Triệu Cao chính là 2 tay thợ may (lắm tài nhiều mưu biết được “gu” của “xếp”). Thực ra đang đứng giữa cuộc đời bụi bặm , ồn ào…để nhìn ra chân lí đâu có dễ. Tô Đông Pha đã từng than thở:
Hoành khan thành lĩnh trắc thành phong,
Viễn cận cao đê, các bất đồng.
BẤT THỨC Lư Sơn CHÂN diện mục,
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung.
Nguyễn Du đã từng thấm thía : “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.
Tôi có thói quen hơi bị sai : chân lí thuộc đa số, phụ thuộc vào quyền lực, vì vậy khi thấy nhiều người giơ tay tôi cũng giơ tay biểu quyết. Thực ra chân lí có lúc chỉ thuộc về một người (Galile và thuyết nhật tâm) có lúc thuộc về kẻ yếu ( Nhạc Phi đời Tống) .Tôi chưa biết Mẹ của Chân Lí là ai, nhưng chắc chắn rằng Người phải mang nặng đẻ đau….Không nói đến những “cái” đại chân lí, siêu chân lí có phạm vi quốc tế, vũ trụ ( như luận điểm chủ nghĩa tư bản rẫy chết, vụ nổ bingbang, hiệu ứng nhà kính….), tôi chỉ dám nói tới vài cái tiểu tiểu chân lí thôi.
Nhớ ngày nào:
- Khẩu hiệu có ở khắp nơi : HTX là nhà, xã viên là chủ.
- Thực tế ở ruộng đồng: cha chung không ai khóc.
- Thực tế ở cái bồ thóc xã viên: thu nhập tính bằng lạng (100gam)/ ngày công lao động.
Người Ơ re ka ra cái chân lí: tính tư hữu của nông dân cũng là một động lực của sx là ông Kim Ngọc. Đưa ra các hình thức khoán , chính là cởi trói cho nông dân để VN là nước có xk gạo. À! Hóa ra “ăn cây nào rào cây ấy” cũng không có gì phải xấu xa! Kịch bản cho con trâu Lão Am là qua mấy vụ cày thì đổ, da của nó chỉ có tác dụng: “sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”. Với khí thế hừng hực cách mạng, tôi đã say sưa kẻ những dòng khẩu hiệu hoành tráng:
Cầm vàng còn sợ vàng rơi,
Vào HTX đời đời ấm no
Nhắc lại cũng để nói cho vui… chứ đến Thánh cũng không dạy khôn cho lịch sử.
Nước Nam ta trọng Văn Hiến, trọng Thực học, khinh cái ngụy học:
Anh mừng cho chú đỗ ông nghè,
Chẳng đỗ thì trời cũng chẳng nghe,
Ân tứ dám đâu coi rẻ rúng
Vinh qui ắt hẳn rước tùng xòe
Thật là zui zẻ khi ra ngõ gặp tấn sĩ (có tiến sĩ chưa qua trường cấp 3 )
Đỗ Việt Khoa chính là chú bé trong Kinh thành Đan mạch cổ xưa giáng trần ở Hà Tây quê lụa. Anh đã phát hiện ra nguyên nhân có cái sáo ngữ:
“Thành tích năm nay cao hơn năm ngoái”. Cái sự đó thật hiển nhiên: đã đi học là lên lớp, đã thi là đỗ, trường ta, huyện ta phải là topten. Tôi già hơn ĐVK, nên có phần“khôn” hơn, tôi nhớ lời mai mỉa của Cụ Tam Nguyên:
Tầm thường sở chí tại ôn bão,
Hà cảm dao dao đàm thế nhân,
Nên trong các kì thi tôi ngậm miệng làm giám thị (không dám nhìn!)
Bộ Học của ta có lẽ đang chờ 1 người như kiểu Kim Ngọc? để nguyên khí nước nhà nối dòng thịnh vượng.
Tham đứng đầu trong 3 tội (tham sân si), có quyền lực thì máu tham càng đậm như anh Máu Dê cho xem phim sex. Loài người đang tích cực hạn chế (chứ thiến làm sao được) cái bệnh tham nhũng.
Theo như ông Nguyễn Minh Thuyết, nếu xếp thành số liệt, sự tăng trưởng của các tảng băng nổi tham nhũng, ta có:
La Thi Kim Oanh, PMU18 , Vinashin….(phần chìm của nó là mấy % ?)
Nếu ta ngắm videoclip chống tham nhũng sao giông giống cảnh trong “Thu Điếu” đến vậy:
“…Cá đâu đớp động dưới chân bèo”, hay làm tôi nhớ tới một câu thơ của Bác Hồ: “Ttrời đất Lai Tân vẫn thái bình”.Chao ôi! Tiền thuế là của nhân dân đóng góp…đến trẻ, con cũng biết, vậy thì mình chẳng xứng hạng thất phu.vô tích sự, toàn nói cho vui!
Hôm qua,một cô gái góa chồng thẽ thọt hỏi tôi mấy câu đến là khó chịu:
- Tham nhũng khu trú ở cơ quan nào trong lục phủ ngũ tạng?
- Cơ chế để tham nhũng là gì? (Thân phụ và Thân mẫu của cái vi rut này ?)
- Cơ chế chống Tham nhũng có giống cơ chế thổi còi bắt lỗi ở bóng đá không ?
Tôi liếc mắt đưa tình: Em hãy vào Gu Gờ, rồi thắp hương khấn vái ở Phủ Khai Phong, xin chỉ giáo.
Trở lại Kinh thành xưa , C Andersen sắp ra các vai diễn:
- 2 tên thợ may chính là bộ sậu của lãnh đạo Vinashin
- Hoàng thượng và các Thượng thư: Theo nguyên CTQH Nguyễn Văn An đó là Vua Tập Thể (cho nên N/Q của BCT : không có ai bị phê bình, tất cả là thành công và tốt đẹp…) và được CT nước Trương Tấn Sang ví như đàn sâu bọ, làm cho ai có thần kinh thép cũng phải rùng mình.
Và đang rất thiếu một chú bé với lời thoại: Hoàng Thượng khỏa thân ! Hoàng thượng cởi truồng!
Còn tôi, được xếp vai phó thường dân, đứng lẫn trong bách tính, đi xem rước tùng xòe về nhà rỗi rãi tập làm văn, gọi là nói cho vui
Nha Trang 30/ 10/2011
Thái Doãn Mại
0 nhận xét