ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ
Tuỳ bút TRẦN MẠNH HẢO
Trần Mạnh Hảo, Hà Nội tết 1976
Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ,
để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi
đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu.
Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm
trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn
lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết
nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên
mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời,
mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn
sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như
tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có
hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.
Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây
lúa cũng được ăn tết như người. Tôi dẫn ba đứa em, cuốn áo bông vào
rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ
mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra sông, sông trốn vào sương mà lưng
lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như
thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt
vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong
làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn
gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi
tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt,
rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng
xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ
nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con
như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui
con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ.
Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm
hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà
sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc
không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên
ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng
hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn
ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai
như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ
như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên
cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào
sưởi ấm.
Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực. Mẹ bị bà
nội bắt nạt, sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra
vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi
mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc
tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt
ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. Riết
rồi lộng giả thành chân, mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa
hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc
ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và
cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười
roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với
những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc. May mà có đám
cào cào châu chấu là chúng mày an ủi mẹ, thương mẹ.
Có những khuya cả nhà ngủ cả, mẹ bảo nhỏ vào tai tôi như thế. Có lúc,
mẹ tủi thân, lặng đi, đoạn ôm lấy bốn đứa con còn bé dại hỏi : chúng
mày có thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to : thương !
Mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ
khóc, sợ quá cùng khóc theo.
Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy
cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có
khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru
đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả
tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn
không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như ma. Nỗi buồn len lén như sương
ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi
qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ
thường ra núp thở than.
Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi
được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm
tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn
tôi ra bến xe lên đường đi vào cõi…tử, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu
ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng. Tôi ngoái
nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu
ngõ vậy. Tôi ù té chạy, sợ quay lại sẽ không thể đi khỏi cái xã quê
hương mình, nơi cán bộ xã đầy đọa tôi vì lý lịch, không cho đi đại
học, bắt ở nhà làm tổ trưởng gánh phân bắc ( phân người), phải đút lót
mười con gà mới được gọi nhập ngũ… Tôi đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi
không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là
mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và
tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…
Đấy là chuyện của mấy mươi mươi năm xưa. Giờ đây, tôi ngồi thắp nén
hương trước ảnh mẹ. Khói nhang như tóc mẹ từ thế giới hư vô còn rụng
về đôi ba sợi cho tôi tưởng vọng. Mẹ trên tấm ảnh chừng vẫn rét, vẫn
cứ đội khăn len và mặc áo len. Trong Sài Gòn này tết đổ mồ hôi. Mẹ
ngồi trên bàn thờ vẫn rét, vẫn cứ là không gian của bờ bãi sông Hồng
ngày tết. Con đâu kiếm được mưa phùn quấn quít, bọc lấy ngọn gió xuân
như quê ta mà dâng mẹ lúc này. Mẹ tuy già nhưng tươi tắn nhìn tôi như
sắp mỉm cười, như muốn nói với tôi rằng mẹ vẫn hiện hữu trên đời bằng
chính thân xác và tâm hồn tôi, vẫn sống trong hoài niệm, trong ký ức
con cái, xóm giềng.
Rằng mấy đứa con chính là di tượng của mẹ còn sống động, còn bay nhảy
trên mặt đất. Tôi không hề ngủ gật và nằm mơ như thuở xưa. Nhưng gió
bấc đã đến và thổi bay mẹ tôi đi về cõi khác mất rồi. Người Việt mình
có câu :” Sinh dữ, tử lành”. Ngày tết, trước giao thừa, là dịp chúng
ta tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà đã khuất. Mẹ đã hóa thành nấm cỏ xanh
ngoài đồng vắng sau làng. Cỏ ấy ngày xưa mẹ từng dạy tôi cầm liềm cắt
về nuôi trâu ăn lấy sức kéo cày. Nay mẹ lại biến thành nấm đất nuôi cỏ
xanh. Chỉ có đội kèn dế là ở mãi bên mẹ để cử hết bản nhạc này đến bản
nhạc khác, những bài ca Requiem, kinh cầu hồn của tạo vật.
Bây giờ mẹ thở bằng nhịp triều lên xuống của con sông chảy qua làng,
toả kênh mương mà nối với nơi mẹ nằm. Cua cáy lại đến nhờ nấm đất mẹ
mà trú ngụ. Ngày xưa còn trẻ, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, ngoài bãi,
ngoài sông tìm cái sống dưới bùn đất nuôi chúng tôi. Giờ nằm xuống, mẹ
lại ở ngoài đồng cả đêm ngày, ở mãi mãi, chung nhà với cua cáy, cá
tôm. Tôi từng làm đóm mạ chạy ra đồng, xách giỏ cua đỡ mẹ. Con cua cắp
để lại càng trên tay, lên bờ, lặng người, rứt càng cua ra khỏi tay rồi
mẹ mới ngồi đau. Đôi bàn tay búp măng của mẹ lúc nào cũng đầy vết cua
cắp, vết ngạnh cá trê đâm, vết gai từ các chà cá cào xước. Những móng
tay, móng chân mẹ nào có được sơn son đỏ như phụ nữ đô thị bây giờ.
Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ
từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất. Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa
mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió
xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…
Dù tôi có đưa tay ra ngoài nghìn dặm cũng không với tới mẹ nữa. Tóc
bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả gió bấc, mưa phùn, cả nén
hương trên bàn thờ viếng mẹ dù xúm xít đứng chung cả cụm vẫn cứ mồ
côi. Và tôi lại trở thành con trẻ, đang đi một mình giữa làng, chợt
thình lình gọi mẹ. Và tôi, lại trở thành anh lính trẻ xa nhà lần đầu,
mười tám tuổi rồi mà nửa đêm còn nhớ mẹ ứa nước mắt. Và tôi, lại trở
về nằm trên võng dưới hầm mùa mưa Bà Rá đêm tránh bom B.52, sốt rét ác
tính quật tưởng chết, vừa thở hắt ra vừa gọi mẹ để giã từ…Và tôi, sẽ
mãi là cậu bé con lấm lem đất cát ngồi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để
được chia quà. Mẹ đi chuyến chợ vô biên này, tôi ngồi chờ hết năm này
qua năm khác, mà mẹ ơi sao mẹ chẳng về ăn tết ?
Giao thừa đến rồi đó mẹ. Ở phía bên kia của cuộc sống, mẹ không cần ai
mừng tuổi đâu. Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời,
các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là
thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi
trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi
từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của
nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô. Nơi con
người bước vào cuộc đời, vất vả cực nhọc kiếm sống, hạnh phúc, khổ đau
rồi lại trở về, như những đứa con về với mẹ vĩnh hằng.
Cõi ấy không có nồi bánh chưng chụm bằng gộc tre già đượm lửa. Cõi ấy
không có những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, bám vạt áo mẹ
đi chúc tết bà con hòng kiếm tiền mừng tuổi. Sợ cõi ấy chỉ có Niết
Bàn, chỉ có Thiên Đường vui hơn tết, không kiếm đâu cho mẹ một chút
khổ đau, một chút buồn tủi mà nhớ đến chúng con, nhớ đến kiếp người,
nhớ đến thời con gái mẹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ăn toàn nỗi đau mà
sinh nở hạnh phúc cho kẻ khác.
Nhưng mẹ ơi, cái thế giới vui buồn sướng khổ này, dù mẹ con mình mỗi
người chỉ đến một lần thôi, song mưa phùn gió bấc, hoa xuân bướm vàng,
bánh chưng, mắt lá răm, dưa hành và câu đối đỏ tình nghĩa lắm, quý hóa
chúng ta lắm, cứ muốn níu chúng ta ở chơi hết tết này đến tết khác,
đừng bỏ giao thừa lại cho ai đó ngồi thắp hương tưởng niệm mà tội thay
cho người còn sống. Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng
vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào
ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn thiếu mẹ trên mặt blogs
xuân phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có
Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn
chúng ta vậy.
Sài Gòn những ngày tết tha phương cầu thực
T.M.H.
Thẻ:Trần Mạnh Hảo
Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện?
Nguyễn Đăng Hưng
Tôi lại không may mồ côi mẹ rất sớm, sống thường xa cha, xa ông bà, xa gia tộc, nên những mối giây liên đới đến bà con, cô bác, đến làng quê không được nhắc nhỡ, chăm sóc để qua thời gian có thể còn khả năng đọng lại, rõ nét trong tôi.
Thử vọng về những kỷ niệm của tuồi ấu thơ tôi chỉ còn nhớ lại những câu ca dao má tôi ngân lên khi ru em tôi ngủ. Em gái tôi vừa sinh ra khi tôi mới lên năm tuổi. Những đêm trăng tôi lẽo đẽo đi theo ông nội tôi, đi dạo ngắm trăng và hoa trên những trên con đường chính từ ngỏ đi vào khu nhà thờ tộc họ Nguyễn Đăng. Ông nội tôi là trưởng tộc, sở hữu đất hương hỏa tọa lạc trên vùng cao, cách đường quốc lộ chỉ chừng trăm mét. Ở Điện Bàn Quảng Nam đây là một ân huệ vì lũ lụt hằng năm nhưng chưa bao giờ nước dâng lên đến khu vườn gia tộc. Nhưng sau này trong chiến tranh, ngược lại đây là điều bất hạnh vì thường xuyên bị càn quét bởi quân đội Pháp mà phần lớn là lính đánh thuê gốc Phi Châu, đóng đồn gần đó. Để chống quân du kích Việt Minh, người Pháp chủ trương chung quanh đồn bót phải có bảo đảm an toàn, phải trống trải trơ trụi, không cấy cối um tùm, không lủy tre che khuất… Kết quả là toàn bộ khu vườn nhà ông bà nội và ba má tôi với nhiều cây trái sum sê ngọt ngào bóng mát sau này chỉ còn là bình địa. Tôi còn nhớ rõ cây mít bà cỗ kính, loại mít ướt có thân to cao sù sì mà bọn trẻ chúng tôi năm đứa nắm tay bao quanh mới đi hết vòng… Họ đã làm gì với cây mít bà thân yêu của tôi? Lúc ấy tôi đã đi rồi đi theo ba tôi tham gia kháng chiến ở tận Tam Kỳ, Tiên Phước, vùng hẻo lánh thời ấy còn gọi là vùng tự do vì ở đây người Pháp không kiểm soát được.
Tôi cũng còn nhớ những ngày theo má tôi về thăm quê ngoại khu nhà của bà Hương Nữ ở An Trạch, có tiếng là giàu có vì sở hữu nhiều ruộng đất… Khu nhà có sân lát gạch rộng mênh mông bao quanh bằng những con đường rợp bóng mát của hai hàng cây mù u dài xa tít.
Những năm còn hòa bình cuộc sống quê tôi sao êm đềm đến thế. Tôi cũng lần đầu tiên, cấp sách rụt rè theo chân má tôi vào lớp học trường làng. Con đường đi đến trường khúc khuỷu quanh co, lắm khi sình lầy qua cơn mưa. Lớp học thì rất đông còn thầy giáo thì thật là nghiêm khắc…
Tôi nhớ mãi những đêm lẽo đẽo theo ông tôi và nghe ông ngâm vang lên dưới đêm trăng những bài thơ cỗ. Tôi đã thuộc lòng từ thuở ấu thơ những bài thơ thất ngôn bát cú của bà Huyện Thanh Quan như vậy đó…
Sau này tôi yêu văn học cũng vì ảnh hưởng xa xôi từ ông tôi… Tôi đã từng định học văn khi thi đậu vào cao đẳng sư phạm Sài Gòn, nhưng ba tôi không cho… Ba tôi muốn tôi học y. Tôi lại thi đậu vào trường quân y nhưng học chưa đầy bốn tháng là nhận được học bổng du học tại Bỉ và thời ấy 1960 du học sinh bị bắt buộc phải đổi sang các ngành kỹ sư.
Thế là tôi trở thành một kỹ sư ngành vật lý hàng không không gian, một nhà nghiên cứu về cơ học tính toán, một tiến sỹ khoa học ứng dụng, một giáo sư đại học, một cuộc đời, một sự nghiệp hơn 50 năm ở xứ lạ quê người.
Năm Tết hòa bình thống nhất đầu tiên, Tết Bính Thìn năm 1976 tôi có dịp về thăm quê cũ làng xưa chỗ tôi chào đời Bồ Mưng Điện Bàn. Tôi cũng ghé thăm nơi tôi đã sống di tản khi lên 8 tuổi Tam Dân, Tam Kỳ… Cuộc chiến ác liệt vào bậc nhất của lịch sử loài người đã tràn qua quê tôi. Cái mất mát quá lớn, quá sức tưởng tượng. Những hình ảnh êm đềm của thời thơ ấu của tôi đã trở thành tro bụi, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Những ám ảnh của hai cuộc chiến cứ theo tôi suốt những năm dài sống ở quê người. Tôi đã ghi lại những dòng sau đây, ngày giao du yên lành tại vùng cao xứ Thụy Điển, không xa vùng Bắc cực:
Cậu bé thành người thì họ đã đi rồi
Không để lại, ngay những lời trăn trối
Người thân yêu lưu lạc khắp địa cầu
Bè bạn xa rồi, không biết về đâu
Không biết hôm nay, ai còn ai mất
Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn có thật
Nhưng mấy ai tả hết nỗi kinh hoàng!
Năm 1977 tôi được Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước mời về thỉnh giảng khoa học. Nhưng thời ấy còn quá nhiều bất cập vì cơ chế bao cấp còn đè nặng trên quê hương. Phải đợi đến sau ngày đổi mới tôi mới bắt đầu triển khai những dự án do tôi đề xướng và điều động tại Việt Nam.
Có người hỏi tôi sao giáo sư không giúp đỡ các đại học Quảng Nam Đà Nẳng mà đi mở các lớp đào tạo tại Sài Gòn và Hà Nội, ròng rã kéo dài đến gần 20 năm? Xin thưa, tôi là một chuyên gia có kinh nghiệm điều phối các lớp đào tạo liên đại học trong khuôn khổ cộng tác đại học của khối Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ rằng việc kết nối hệ thống liên đại học mà tôi đã dày công xây dựng này với các đại học Việt Nam là một việc làm nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Và để gặt hái thành công, tôi bắt buộc phải bắt đầu triển khai tại những nơi có đông đảo sinh viên kỹ sư ra trường, có trình độ ngoại ngữ và học thuật đủ để có thể tham gia tuyển sinh vào các lớp đào tạo thầy cho Việt Nam, cấp bậc thạc sỹ và tiến sỹ. Tôi quan niệm trên giải đất hình chữ S ở đâu cũng là quê hương Việt Nam…
Lúc ban đầu những năm 90, trở về Việt Nam sau mười năm vắng bóng (1979-1989), tôi ưu tiên về thăm và làm sê-mi-na tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẳng thời hiệu trưởng Phan Kỳ Phùng. Nhưng vì thấy số kỹ sư tốt nghiệp tại miền Trung còn quá ít để hình thành các lớp cao học có chất lượng với sỹ số ít nhất phải đến 20 người. Tôi phải bằng lòng với quyết định tài trợ chi phí di chuyển cho các kỹ sư từ Đà Nẳng hay các vùng miền Trung (bắt đầu từ Phan Thiết) vào Sài Gòn theo học cao học Châu Âu. Trên thực tế đã có gần mươi người thành công tốt nghiệp bằng thạc sỹ do Bỉ cấp theo cách ấy.
Năm 2002 tôi đã bỏ ra một năm nguyên, sửa soạn các thỏa thuận ký kết giữa các đối tác để đề xuất một dự án có qui mô đáng kể cho Đà Nẳng, trong khuôn khổ chương trình Asia-Link của Châu Âu. Đó là dự án: “Tổ chức một trường cao học tại Đà Nẳng với sự tham gia của 10 trường Đại Học lớn của Liên Hiệp Châu Âu, 10 trường Đại học Việt Nam, một trường Đại học Lào và một trường Đại học Campuchia”. Vì dự án có bố trí trợ cấp học bổng tạo điều kiện cho các sinh viên ở xa tụ về Đà Nẳng nên tổng số kinh phí khá lớn. Có lẽ đó là lý do mà dự án không được Ủy Ban Châu Âu chấp nhận tài trợ.
Tôi đành ngậm ngùi tự bảo lại một lần nữa không có duyên với quê mình.
Phải đợi đến tháng 11/2009 tôi mới có dịp làm một động tác thiết thực cho Quảng Nam, Tam Kỳ,
Nguyên tôi có người cháu bên ngoại họ Đỗ tên Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Phước Tiến chuyên sản xuất chế biến hải sản, xuất cảng chủ yếu sang Nhật Bản. Bắt đầu từ 2009 vì những biến động tại Biển Đông, doanh thu giảm sút vì nghề đánh cá bị đe dọa nặng nề, cuộc sống của ngư dân Việt Nam gặp rất ư là khó khăn hiễm nghèo. Điều này ai cũng biết. Cháu tôi đổi hướng kinh doanh, muốn đóng góp trong công cuộc giáo dục đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề cho tuổi trẻ địa phương và vùng Tây Nguyên lân cận. Anh ta đã mua lại trường Cao Đẳng Phương Đông. Vì thiếu người, cháu tôi khẩn khoản mời tôi về giúp trường làm Hiệu Trưởng. Tôi do dự rất lâu vì bấy lâu nay tôi chỉ chuyên môn tổ chức đào tạo và giảng dạy các cấp bậc cao học còn cấp bậc dạy nghề hay cao đẳng kỹ thuật thì thú thật tôi chưa bao giờ làm. Nhưng vì thấy lợi ích thiết thực cho quê nhà, vì thấy tôi có thể giúp cho trường củng cố cơ sở phát huy trong tương lai, nhất là xây dựng liên thông với các trường dạy nghề có uy tín tại Sài Gòn, theo hướng giao lưu, trao dồi nâng cao trình độ của giáo chức nhà trường, tôi đã chấp nhận làm hiệu trưởng không ăn lương (quyết định ngày 23/11/2009 của thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận).
Năm 2010 nhân ngày tựu trường tôi đã phát biểu trong bài tham luận của ngày khai giảng đầu niên học:
“Tôi có cảm tưởng hôm nay khi đồng ý về đây nhậm chức lãnh đạo nhà trường, tôi đã đi trọn con đường vòng phát xuất cách đây đã 60 năm ròng rã. Trước đây 60 năm, tôi đã từng là cậu bé sống lưu lạc ở Tam Kỳ, được một gia đình ở Tam Dân cho tá túc nương tựa. Tôi đã từng làm công việc đồng án, từng chăn trâu, tát đìa, bắt cá, hái củi, trồng rau tham gia chia phần lao động cho gia đình. Tôi cũng đã được cắp sách đến trường trong giai đoạn rất khó khăn của chiến tranh kháng chiến, thường xuyên bị máy bay oanh tạc, học hành không liên tục và bài bản. Rất may, tôi đã được sống sót, rồi sau này có điều kiện vươn lên vì được đi du học tại Châu Âu.
Nhìn các em hôm may tôi nhớ lại năm xưa và tôi rất vui sẽ đồng hành cùng các em trên con đường xây dựng nhà trường, cải tiến phòng thí nghiệm, bồi dưởng giáo viên, liên thông đào tạo, cải tiến chất lượng học trình… Tôi mong mỏi các em sẽ phấn đấu học hành, thấu triệt tay nghề, cùng nhau trở về với truyền thống giáo dục dân tộc: nhất nghệ tinh nhất thân vinh, không chạy theo bằng cấp hảo, nói không với hình thức, với giả tạo, với thành tích không dựa trên thực chất…”
Đầu năm 2011, trường Đông Phương đã tìm được hiệu trưởng mới, có điều kiện thường trực tại Tam Kỳ, tôi đã xin chấm dứt vai trò của mình với sự đồng thuận của các thành viên sáng lập.
Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện, quảng cách vẫn còn xa. Nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi không bao giờ thấy áy náy hay tiếc nuối. Bỡi vì lòng tôi lúc nào cũng gần gũi với quê cha, đất tổ.
鯉魚
章孝標
眼似真珠鱗似金
時時動浪出還沉
河中得上龍門去
不嘆江湖歲月深