"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

THẤP THOÁNG PHÍA SAU LẦU HOÀNG HẠC

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011 0 nhận xét


Thái Doãn Mại là thầy giáo vật lý, Hiệu phó trường Phổ thông Trung học Ý Yên, Nam Định, đã nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông thành thạo Hán văn và rất yêu văn học cổ. Dưới đây là lối thưởng lãm những áng thơ xưa trong góc nhìn của riêng ông - thaidoanhieu.blog.


THÁI DOÃN MẠI




Anhxtanh có nói rằng: ‘Xúc cảm ngưỡng mộ thiêng liêng đối với vũ trụ là khích lệ nghiên cứu khoa học mạnh nhất và cao nhã nhất”. Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, Hoàng Hạc lâu của Nguyễn Du như một ngôi đền thiêng được bao thế hệ ngưỡng vọng. Bài thơ vượt biên giới, vượt thời đại.Ta đang bước vào ngôi đền thiêng đó.

                  Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu  thế kỷ VIII)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư hoàng hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

                 Hoàng Hạc Lâu (Nguyễn Du thế  kỷ XIX)

Hà xứ thần tiên kinh kỉ thì,
Do lưu tiên tích thử giang mi
Kim lai cổ vãng Lư Sinh mộng,
Hạc khứ lầu không Thôi Hiệu thi
Hạm ngoại yên ba kinh diểu diểu,
Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.

Ngôi đền được kiến trúc bởi những vật liệu như những ngôi đền khác : đó là một bức họa thủy mặc, có mây trắng lửng lờ, có cỏ cây xanh mát, có khói sóng mờ mờ ảo ảo trong buổi chiều tà,và đặc biệt là dấu tích lẻ loi của một huyền thoại – người tiên cưỡi hạc vàng bay về cõi huyên vi. (lầu Hạc trên đồi cao).
Tôi ngẫm rằng bài thơ thiêng vì lẽ cả bài thơ là một sự chiêm nghiệm của Con Người đối với không gian,thời gian. Không gian, thời gian gắn liền với sự tồn tại của vật chất,mà vật chất luôn tồn tại, vận động độc lập với ý thức con người. Khônggian, thời gian là vĩnh cửu, vô tận.Ta đang sống trong không gian, thời gian 4 chiều, riêng chiều thứ tư có tính bất đối xứng. (“dòng” thời gian không chảy ngược)
Sự chiêm nghiệm không gian, thời gian có tính định lượng, đơn giản nhất là khảo sát một phương trình chuyển động cơ học X=f(t).
Vì sao có huyền thoại? Xuất phát từ ước muốn đời người được vĩnh hằng như thời gian nên ở Vũ Xương cổ đại có huyền thoại tiên cưỡi Hạc bay về “hà xứ thần tiên”(trái với quan niệm : về với cát bụi)

Vì sao Thôi Hiệu, Nguyễn Du có tâm trạng cô đơn khi đứng ở lầu Hạc? Vị trí này là núi cao, trời rộng, sông dài…nhìn lên, nhìn xuống (yếu tố không gian) dễ làm cho con người cảm thấy nhỏ bé trước vũ trụ.Thôi Hiệu, Nguyễn Du, cũng như Trần Tử Ngang cảm thấy cái lẻ loi trên trục số lạnh lùng của thời gian:

Đăng U Châu đài ca

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi thế hạ.  

Tôi tạm dịch:
             Bài ca khi lên đài U Châu

Bản dịch 1: Nhìn trước người xưa chẳng thấy nào           
                    Ngoái nhìn hậu thế mịt mờ sao!
                    Nghĩ rằng trời đất mênh mông quá,
                    Riêng xót lòng đau lệ ứa trào.

Bản dịch 2:Nhìn trước không gặp người xưa,
                  Ngoái nhìn sau vẫn là chưa ai nào.
                  Mênh mang trời đất xiết bao,
                  Riêng mình lệ rỏ tuôn trào buồn đau.

Nỗi cô đơn đó – đọng lại thành giọt sương, chứa cái vô tận của không gian – thời gian (Trung tính vô hạn), được Nguyễn Du  giữ ở trong lòng (bằng thùy tố), rồi tan ra thành vị đắng (minh nguyệt thanh phong dã bất tri). Nỗi cô đơn của Thôi Hiệu bị nhân lên bởi “yên ba giang thượng” và cố tìm nẻo “hương quan” (gốc tọa độ không gian – thời gian của mỗi kiếp người) để gửi gắm, giải tỏa:

                 Tấc lòng cố quốc tha hương,
                  Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời,
                  Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
                  Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.
                                       (Nỗi lòng Thúy Kiều nơi đất khách)

Giữa cái hữu hạn (tuổi thọ, thân xác) và vô hạn (không gian – thời gian) luôn xuất hiện những  phạm trù tương đối :  quá khứ và hiện tại
             
               Tích nhân dĩ thừa        |   bạch vân thiên tải
              Cổ   vãng                      |  kim lai
                Hạc   khứ                    |  lâu không
             Chung diểu diểu            |   thượng y y
                Hà xứ thần tiên           |   do lưu tiên tích


                                             Ảo và thực

                       Lư Sinh mộng     |    Thôi Hiệu thi
                          Hoàng hạc        |     bạch vân, thảo thụ thượng y y
                      Tích  nhân            |    Thử địa, tình xuyên, phương thảo, yên ba
          


Người ta nói rằng, tại lầu Hạc, từ cổ chí kim, có đển 300 bài ngâm vịnh, sàng lọc lại, chỉ còn Hoàng Hạc lâu  của Thôi Hiệu đang sắc nét trên bia đá và trong lòng người. Ở Việt Nam ta, số bản dịch Hoàng Hạc lâu cũng rất nhiều, xin trình các thi hữu cùng thưởng lãm:

                            HOÀNG HẠC LÂU
                                của Thôi Hiệu
            
          a/ Bản dịch của thi sĩ Tản Đà

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa ,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

            b/ Bản dịch của nhà văn Ngô Tất Tố

Người xưa cưỡi hạc đã cao bay,
Lầu Hạc còn suông với chốn này.
Một vắng hạc này xa lánh hẳn,
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.
Vàng gieo bến Hán ngàn cây hửng,
Xanh ngắt châu Anh lớp cỏ dầy
Trời tối quê hương đâu tá nhỉ,
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây.

                 c/ Bản dịch của dịch giả Thái Doãn Mại

Thăng rồi cưỡi hạc người xưa,
Trơ đây lầu Hạc nắng mưa dãi dầu.
Hạc vàng nào trở về đâu,
Ngàn năm lơ lửng trắng mầu mây trôi.
Trên sông mưa tạnh lâu rồi,
Hán Dương cây hửng một thời xuân qua.
Bãi Vẹt thắm cỏ thơm hoa.
Ráng chiều giục hỏi quê nhà là đâu,
Khói buông sóng gợn nhịp sầu.
(chàng Thôi ngâm khẽ vài câu với lòng)

                    HOÀNG HẠC LÂU
              của đạii thi hào Nguyễn Du

              a/ Bản dịch của thi sĩ Quách Tấn

Nào thuở tiên đi mãi đến giờ,
Dấu tiên bên bến đứng trơ vơ.
Xưa qua nay lại Lư dồn mộng,
Hạc khuất lầu không Hạo để thơ.
Thăm thẳm nước mây ngàn vạn dặm,
Dờn dờn cây cỏ vẫn ngàn xưa,
Nỗi lòng ấp ủ cùng ai tỏ,
Gió mát trăng thanh luống lững lờ.

                 b/ Bản dịch của nhà thơ Ngô Văn Phú

Đâu chốn thần tiên trải mấy thì,
Dấu xưa  bờ bến dấu còn ghi.
Xưa qua nay lại Lư Sinh mộng,
Hạc cũ lầu không Thôi Hiệu thi.
Khói sóng ngoài hiên còn ngát ngút,
Cỏ cây trước mặt vẫn nguyên y.
Lấy ai bày tỏ tình chan chứa,
Gió mát trăng trong có biết gì.

                   C /Bản dịch của Thái Doãn Mại

Thần tiên đâu? Đã bao thời?
Mà còn dấu tích in ngời bên sông.
Mộng Kê có có không không,
Trơ lầu ,hạc vắng, thơ nồng họ Thôi
 Ngoài hiên khói sóng chơi vơi,
Trước mắt cây cỏ như thời ngày xưa
San cõi lòng với ai đưa,
Trăng trong gió mát đành thừa vậy thôi.


Thôi Hiệu, Nguyễn Du  thay chúng ta xúc cảm trước Vũ trụ. Ta xúc cảm trước Con Đẻ của Người, lòng ta rộn lên một câu hỏi cổ xưa nhất: Ta là ai ? từ đâu đến ? đi về đâu?
                                            
Bến Chèm cuối Xuân Tân Mão
  THÁI DOÃN MẠI 
số 11 khu TT đài phát Mễ Trì xã Mễ Trì,
Từ Liêm,  Hà Nội

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN