"Tôi trước tác là để phổ biến tâm thuật chứ không phải để kiếm danh lợi." THÁI DOÃN HIỂU

Giao lưu với nữ nhà thơ Đồng Thị Chúc

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012 6 nhận xét


GIAO LƯU VỚI NỮ NHÀ THƠ ĐỒNG THỊ CHÚC


Nhân sự kiện Đồng Thị Chúc trở lại với thơ ca sau 15 năm vắng bóng trên thi đàn bằng thi tập LỤC BÁT DÂNG TẶNG NGƯỜI XƯA  Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 1-2012.   http://thaidoanhieu.blogspot.com/2012/01/ve-ieu-luc-bat-rieng.html đầu xuân, nhà thơ hành phương Nam để gặp gỡ giao lưu với các thi hữu và bạn đọc thân quý. Gia đình Thái Doãn Hiểu con trai, con dâu nhộn nhịp đón khách.

Sáng ngày 19-2- 2012 tại tư gia ông bà Thái Doãn Hiểu ở số 414/10b Nguyễn Duy Trinh, P Bình Trưng Đông, Quận 2, TP Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc gặp mặt thân tình giữa nữ sĩ Bắc Hà và các sĩ phu Nam Hà.

Đồng Thị Chúc là nhà khoa học (về điện tự động) làm thơ nên khách mời là các bạn thân thiết của Thái Doãn Hiểu – Hoàng Liên  phần lớn cũng là các nhà khoa học làm thơ như: GS TS Nguyễn Đăng Hưng, GS TS y khoa Nguyễn Huy Dung, TS Nguyễn Bách Phúc, PGS TS Dương PhúcTý, Nhà thơ & nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo, Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm…Rất tiếc thiếu Viện sĩ Vũ Đình Huy, Nhà thơ Đặng Hấn và Nữ sĩ  Đặng Nguyệt Anh  vì lý do đặc biệt. Nhà thơ  Nguyễn Trọng Tạo không đến được gửi bánh cáy đặc sản Thái Bình cho anh em thưởng thức và dùng điện thoại chúc mừng.

Quý nhau về tài, trọng nhau bởi đức, các nhà khà khoa học, nhà thơ, nhà giáo lừng danh trò chuyện với nhau thật thân mật, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Nữ nhà thơ khép nép tặng tập thơ in ấn thật sang trọng trên nền giấy cutse và thủ thỉ trình diễn những bài thơ tâm đắc trong tập Lục bát dâng tặng người xưa. Nàng thơ còn nhã ý tặng mỗi người một củ sâm tươi Cao ly chính hiệu với hàm ý giữ gìn sức khỏe. Trần Mạnh Hảo “quát thơ” bằng những bài thơ gan ruột đau đời như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Bính… làm cho Dương Phúc Tý trầm trồ “ Thơ thế mới gọi là thơ – thơ đích thực”.  Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm như nhà hiệp sĩ  của Văn đàn bi tráng xúc động trình bày  chương mở đầu của trường ca tâm huyết làm gs Hưng và nhiều người khác sửng sốt. Nhà phê bình Thái Doãn Hiểu đứng dậy đánh giá cao tác phẩm ấy. Cao hứng, Nguyễn Bách Phúc, Dương Phúc Tý, Nguyễn Đăng Hưng, Thái Doãn Hiểu, Bác sĩ Nguyễn Huy Dung  lôi những bài thơ ruột làm từ hồi tráng niên ra tranh nhau đọc trong cơn khoái cảm ngây ngất. Xôm tụ nhất là bác Nguyễn Đăng Hưng ôm cây đàn ghi ta, âu yếm như ôm người tình và bằng chất giọng to vang ấm làm sống dậy âm nhạc của Ngô Thụy Miên và những  tình khúc nổi tiếng thế giới do anh dịch lời Việt.. Chủ khách hoà quyện trong tình thân ái đậm đà, rộn rã tiếng cười và tiếng pháo tay.

Cảm kích trước tấm thịnh tình của các bạn thơ phương Nam, nữ thi sĩ Đồng Thị Chúc đứng dậy nhỏ nhẹ ứng tác bài THĂM MỘT MIỀN TRÍ THỨC để kính tặng các nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học mà tác giả hân hạnh được diện kiến tại nhà riêng ông bà Thái Doãn Hiểu – Hoàng Liên:


Em từ vùng lạnh giá
Về thăm nắng nơi đây
Gặp không gian xanh lạ
Gặp tình người thiết tha.

Ngợp giữa miền tri thức
Em như không đường ra
Phải rồi, giữa ma trận
Thôi, lặng ngồi nhìn ra

Ngắm những mái đầu bạc
Ngắm những vầng trán cao
Kiến thức ngự trong đó
Núi liệu cao hơn nào ?

Em xin là hoa dại
Góp một chút hương xa
Thơm về miền mong đợi -
Miền sáng trong lòng ta.


Tiệc kéo dài tư 9 h sáng đế 1h30 chiều.
Ra về, ai cũng giữ mãi trong hồn một ấn tượng sâu đậm tốt đẹp về tinh thần kẻ sĩ. Buổi gặp gỡ đã được tự tay chủ nhà Thái Doãn Hiểu ghi hình đầy đủ.

4h chiều cùng ngày, con trai Thái Hoàng Quỳnh lái xe đưa cô Chúc và bố mẹ đi bát phố theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Thoạt đầu xe lăn bánh trên đại lộ Đông Tây chui qua sông Sài Gòn bằng đường Hầm - một kỳ quan mới của thành phố, rồi đi qua chợ Bến Thành, qua phố xá Quận 1, quận 3, men theo sân bay đến quận Gò Vấp…

Là  người của công việc, sáng mai 20-2, lúc  9h sáng Nhà thơ Đồng Thị Chúc đáp chuyến máy bay sớm trở lại Hà Nội – nơi công việc điều hành với công ty Hàn Quốc đang chờ cô. Tuy gặp mặt ngắn ngủi với  Sài Gòn chỉ  hơn 32 tiếng đồng hồ nhưng tình cảm để lại hết sức mỹ mạn, sâu sắc.

PV tờ web http:/thaidoanhieu.blogspot.com tường trình

T trái sang phi : Hoàng Liên, Đng Th Chúc, Nguyn Bách Phúc, Dương Tý, Nguyn Huy Dung, Trn Mnh Ho.

Nguyen Dang Hung

Phó nhòm đang ghi hình

Ta đàm v thơ ca cùng tp Lc bát dâng tng người xưa.

Ch nhân khai rượu mi thi hu thưởng xuân.



Đất người đã vác chuông ra

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012 2 nhận xét

ĐẤT NGƯỜI ĐÃ VÁC CHUÔNG RA.


THÁI DOÃN HIỂU

Thời trai trẻ, Phan Bội Châu rất say hát phường vải (1). Có lẽ đó là dịp tốt để cậu đồ nho tiêu khiển, rũ bỏ đầu óc khô khan của lối học từ chương, tắm gội trong dòng sông êm ả mát lành của dân ca xứ Nghệ.


                                                                (I)


Một đêm mưa to gió lớn, Phan vẫn cùng ba ông đồ hay chữ được mệnh danh là “Nam đàn tứ hổ” rủ nhau qua Chín Nam hát. Sông Lam trở nên mênh mông mù mịt, người chèo đò biệt đâu mất. Đợi mãi không được, họ liền cởi phăng áo quần nhét vào hũ, nút lại làm phao bơi qua sông Lam chỗ bến đò Vạn Rú.

Đến nơi, vẫn khô ráo, tươi tỉnh, tứ hỗ liền nhập phường. Chị em phường bạn mừng rỡ ra chào, hát hỏi :

Bốn chàng quê ở nơi đâu
Xin tường danh tính để  sau khuyên mời ?

Tứ hổ đáp ngay:

Nam Đàn tứ hổ là đây
San, Lương, Đôn, Quý - một bầy bốn anh (2)

Phường vải đố:

Dồn rằng là bậc văn nhân
Ba năm sinh một tháng nhuần là sao ?

Ba hổ chịu đơ, đứng như trời trồng. Phan San cũng bí rì, liền chống chọi liều:

Thiên thời độ số cũng vưa (vừa)
Vì chưng đó thiếu đây thừa nẩy ra !

Bên gái đã đỏ mặt nhưng vẫn truy:

Sách rằng Nghiêu hữu cửu nam
Biết Đan Chu là một, hỏi tám chàng tên chi !

Phan vò đầu bứt tai mãi không biết trả lời sao. Trong Bắc sử, chỉ chép vua Nghiêu có chín người con trai, người trai đầu là Đan Chu chứ tám người kia có ghi tên đâu. Quẫn qúa, Phan đành đánh trống lảng, láu lỉnh vặn lại:

Các em là phận nữ nhi
Một Đan Chu là đủ hỏi mần chi những tám người ?

Gỡ nguy, chuyển bại thành thắng, còn quay lại tấn công người ta làm cho cô nào cô nấy thẹn chín người. Các cô đâm ra túng túng, khen lao:

Rằng hay lại thực rằng giòn
Sơn tàu lót thủy khuyên tròn mười khuyên.


                                                    (II)

Phan vừa thường trực tiếp hát vừa bí mật làm “thầy dùi” để “gà” cho các phường vải. Phường nào có mặt Phan là nổi đình đám. Cuộc hát nào bí là Phan gỡ ra ngay.

Một anh bạn nhà nho, đêm trước đi hát về, vừa ôm vò quần áo hì hụp bơi cập vào bến sông trước nhà thì ông thân đã vác gậy đứng chực đó từ bao giờ “phang” ngay. Trong lúc túng thế, trong tay duy nhất chỉ có cái vò, nhà nho ta đành đưa ra đỡ… đòn. “Choang” - chiếc vò đất vỡ tan. Thế mà, tối hôm sau, nhà nho “có hiếu” ấy vẫn không thể vắng mặt ở phường  hát !. Câu chuyên hồi hôm bể ra khắp vùng. Một cô gái trẻ, chắc là ý trung nhân của chàng, vừa vào cuộc đã “bẻ” ngay:

Không thương anh vì ruộng vì bò
Chỉ thương anh có một nết vác vò “xán” (ném) cha !

Phường con gái cười rộ lên phụ họa. Ông nhà nho đã bí lại càng thêm rối trí. Phan tiên sinh liền ra tay cứu bồ:

Tối hôm qua hốt hoảng lôi đình
Tâm thần bất định có xán của ông thân sinh một vò.

Cũng có đêm, một văn nhân bước vào cuộc chơi với những lời hát khiếm nhã. Các o (cô) trong huyện vẫn “kiềng” thầy Cử Cường là một nhà khoa bảng thô bạo, tục tằn trong câu hát lẫn cử chỉ. Các thiếu nữ đang lúng túng. Phan viện trợ phái yếu với chữ nghĩa thánh hiền:

Đọc thơ, hành lộ tam chương (3)
Gái ngoan há để bạo cường xâm lăng.

Nghe hát. Cử Cường tiu nghỉu như gà phải cáo !

Lại một ông khác – ông Cửu Thiện ở làng Hữu Bằng, Hương Sơn, luôn luôn hợm mình là nhà thông thái. Nghe danh đầu xứ Nam Đàn, ông ta tìm đến thử tài thực hư ra sao.

Cử Thiện bất ngờ tới, từ dáng dấp đến giọng hát đều xa lạ với phường vải. Phái nữ công kích ngay:

Tối tăm biết trúc là mai
Biết đào là liễu, biết ai mà chào !

Cửu Thiệu đã chuẩn bị sẵn để đối phó với tình huống này. Ông ta cất giọng đùng đục vừa xưng danh vừa đố:

Đào nguyên một giải thanh danh
Tiền triều đã định, liên thành còn in ?

Phường vải Nam Đàn ngơ ngác: hát chi lạ vậy ? Từ các thầy cử ông tú đến những cô sành sõi nhất trong nghề bẻ chuyện cũng đành chịu tịt, đổ dồn cả vào mắt Tú San. Im lặng nặng nề kéo dài. Thế rồi cậu Tú mỉm cười, thầm thì bên tai một người đẹp tốt giọng. Câu hát âm vang cất lên:

Hương Sơn là chốn quê nhà
Phải tên danh Bích có là… đúng không ?

Cửu Thiện ở bên kia đang gật gù mồi thuốc, nhấm nháp chiến công của mình trước thế “bí” của phường vải Nam Đàn bỗng như điện giật, quăng cả điếu cày đang cầm trên tay xuống đất reo lên như ma ám “Bái phục ! Bái phục !”.

Thì ra, Cửu Thiện dụng ý uyên bác dùng điển tích và sách địa phương chí  ở Hương Sơn:  Đào Nguyên là tên gọi khác của Ngàn Phố. Tiền triều là tên gọi khác của của làng Tuần Lễ. Người ngoài xứ khó mà hiểu được nếu không lịch lãm và đọc các sách địa chí. Lại còn chữ   “liên thành” mượn trong sách “Liên thành vi bích” (ngọc bích là ngọc Liên Thành). Phan đã vạch đúng thành ngữ, dùng “tên danh Bích” là xách mé gọi đúng tên cúng cơm của Cửu Thiện.

Chỉ một câu hỏi thôi, Cửu Thiện đã công nhận Tú San - niềm tự hào của phường vải quê hương – là người hay chữ nhất nước, đế ra mắt và xin làm quen.


                                                               (III)

Trên đường đi thi từ tỉnh về, đi qua làng Nam Liên, San gặp một cô gái phường vải làm cỏ lúa đang ngồi nghỉ xả hơi đầu bờ ruộng, miệng nhóp nhép ăn bắp rang bữa thì. Người thiếu nữ thấy “người quen” đon đả đưa mời:

Em đưa anh một nạm (nắm) ngô rang
Anh gieo vô mô mọc được, em theo chàng về không ?

Ngô đã rang thì làm sao mọc được ! Hiểm quá ! Đang rầu ruột vì cuộc thất trận ở trường thi, lẽ nào Phan lại để cô bé con này hãm vào thế bí nhục nhã ! Sau một thoáng suy nghĩ, Phan đành xuý xóa “dặm” lại:

Chỗ mô mưa ba năm không ướt
Nắng sáu tháng không khô
Anh đem gieo vô chỗ nớ
Thì nạm ló  (lúa) ngô em mọc liền !

Dễ thường, nữ sĩ họ Hồ sống lại nghe đến đây chắc cũng phải phì cười, chịu thua !?


                                                                (IV)

Một lần, thấy Phan vừa đặt chân đến, phường vải Nam Diên xôn xao hẳn lên. Cái anh chàng này chữ nghĩa bề bề, đi đến đâu là gieo bão tố đến đó, chị em mình không thể xem thường hát quấy quá được đâu. Họ bàn nhau chọn chữ, chuốt lời sao cho “độc” và sắc để xứng với tài danh anh Giải San.

Vào cuộc, một giọng nữ cao ở bên tê đã oanh vàng thỏ thẻ:

Độc đạo Nam hành chí Bắc thành
Thiên trung bán nguyệt điểm tam tinh
Tam nhân đồng tọa ngưu vô giác
Nhất điểm tam hoành dữ khẩu thanh ?

Chàng mà giải được, thiếp em đây xin theo hầu ?

Phường vải dứt lời. Chà ! Hôm nay lại bày trò đố chữ nữa kia ! Phan hào hứng hẳn lên “Khoản này là đụng tới cái kho của nha rồi”. Phan lẩm nhẩm:

Độc đạo Nam hành chí Bắc thành, đường độc đạo chạy từ Nam ra Bắc không phải chữ nhất  thì chẳng có chữ gì nữa.

Thiên trung bán nguyệt điểm tam tinh, nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời rõ là chữ tâm.

Tam nhân đồng tọa ngưu vô giác, ba người cùng ngồi, con trâu không có sừng dàn xếp lại là chữ phụng.

Nhất điểm tam hoành dữ khẩu thanh, một chấm ba ngang cùng mở miệng nói thành tiếng rõ ràng là chữ thỉnh ?

Trò đố chữ đã được Phan chóng vánh giải mã : “Nhất tâm phụng thỉnh” có nghĩa là một lòng kính mời. Té ra, người ta thích mình, mời mình ! Cái lối chào của phường vải này mới đài các làm sao ! Phan vui vẻ cất tiếng trả lời:

“Nhất tâm phụng thỉnh”ơn nàng
Một lời ghi tạc đá vàng thủy chung.

Phường vải Nam Diên xáo động, trầm trồ. Vẫn cái giọng oanh vàng bên kia rang rảng:

Ý hay từ lại dịu dàng
Tài này đáng giá ngàn vàng chẳng sai !
                 
Hát một chặp, Phan thấy các o phường này nhan sắc mặn mà nhưng lả lơi, giọng hát ngọt ngào tình tứ, nhưng lời nhàm thô, ý vụng , Phan kiếu quay lui.

Phường vải rất đỗi ngạc nhiên, thắc mắc. Sao những chàng trai trẻ khác cứ đêm đêm rập rình tới lui mà anh Đầu Xứ lại bỏ về là can cớ chi, liền kháy:

Tần cung mỹ nữ tam thiên
Bái Công năng bất thùy yên dã hồ?

Lại điển tích ! Phan thoáng nhớ lại một đoạn Bắc sử : Khi diệt được nhà Tần, Bái Công đi vào đất Tần thấy 3.000 mỹ nữ non tơ thì say tít. Ông ta chết mê chết mệt ở lại, quên phứa mất đường về Hán.

Bọn phường vài này thâm thật – Phan dừng chân nghĩ - họ mượn tích Tàu rồi chế ra lục bát : “Nơi cung cấm Tần vương có những ba ngàn gái đẹp hơ hớ làm sao Bái Công lại không thèm nhỏ dãi ra?” để ngụ ý xỏ mình thấy các nường phường vải Ức Lệ đẹp thế kia gì mà không động dong, chắc cũng thèm lắm (thấy gái đẹp ai lại không ham), nhưng còn giả đó làm bộ làm tịch ra về, đồ đạo đức giả!

Đã đành Bái Công háo sắc, đắm đuối trong sóng khuynh thành nơi cung Tần mà quên mất đại sự, nhưng đã có trung thần Phàn Khoái cùng Trương Lương sang tận nước Tần can gián. Trương Lương cực chẳng đã phải gay gắt với Bái Công: “ Thưa chúa công, tất cả những thứ phù phiếm xa hoa cùng sắc dục nơi đây đã chôn vùi cơ nghiệp nhà Tần, giờ sao chúa công lại ham vui nhặt hoa dưới đất, bẻ hoa cuối mùa những đồ thải này làm gì nữa”. Bấy giờ Bái Công mới tỉnh ngộ !

Lấy độc trị độc, Phan mượn ngay đoạn cuối tích này, đứng tận bên ngoài cổng phường vải này hát chõ vào:

Tần cung phàm thử lệ xa
Sở dĩ vong dã công hà dụng yên.

Những thứ xa hoa, sắc dục ấy chỉ tổ táng hại thanh danh, đây nhất quyết không màng, không thèm tới. Thế là các nường phường vải Ước Lệ  đã rõ Phan là kẻ trượng phu, phục lắm, nhưng chẳng nhẽ thua cuộc, đành vớt vát:

Muốn cho nước giếng sau chùa
Không yêu ta cũng bỏ bùa cho yêu ?

Vô duyên đối diện bất tương phùng thì yêu làm sao được, Phan cự tuyệt thẳng thừng:

Khi nào rau diếp làm đình
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta !

Thế là chuyện tình đã đi đến chỗ cạn tàu ráo máng. Phường vải buồn lắm, nhưng quyết không nao lòng, họ hạ thấp xuống hơn nữa, nỉ non:

Trách người quân tử cơ cầu
Gặp nhau chi để mối sầu tơ vương ?

Ưa dưa thơm không ưa dưa thối. Tơ duyên không đậu chớ trách mình không biết đường xe, Phan bồi thêm:

Khi nào Đông Hải có cầu
Anh qua anh gỡ mối sầu cho em !

Chàng trẻ đa sầu, đa cảm, đa… nghịch ngợm Phan San cũng có lúc “sắt thép” nhẫn tâm với phái đẹp thế kia ư ?


                                                                  (V)

Trong số những nho sĩ đi hát phường vải, Phan được phái đẹp thiện cảm hơn cả bởi tài năng mẫn tiệp, cốt cách quân tử, cử chỉ hào hoa phong nhã và cả danh tiếng   “Đầu Xứ” lúc 16 tuổi của chàng.

Hễ bẵng Phan đi một thời gian là phường vải để thương để nhớ. Họ ngóng trông, hỏi han  thắc mắc:

Thuyền tình ghé bến Cô Tô
Sao mà vắng tiếng chuông chùa Hàn San ?

Lát sau Phan đến, bạn bè thuật lại, Phan liền cất giọng nam trầm báo hiệu sự có mặt của mình:

Đất người đã vác chuông ra
Chờ cho rõ mặt thì ta nện chày !

Thế là phương vải náo động lên ngay !

Trong rất nhiều cuộc hát, các thôn nữ quê hương yêu thầm nhớ trộm đã mạnh bạo gửi gắm tình yêu nồng nàn không giấu nổi của mình cho Phan. Ở Nam Kim, cô Ban đã hát:

Sáp (gặp) nhau một gánh nặng nề
Giang sơn bịn rịn tình quê nghẹn ngào.

Sao nói đến tình yêu, trái tim cô rơm rớm ? Linh tính hình như báo cho cô hay chàng trai mải nghĩ tới tình đất nước trong cơn loạn ly hơn tình quê ? Đúng rồi, chàng Phan đã hát tiếp:

Đêm xuân gặp gỡ giữa đường
Gang sơn một đội (gánh) cương thường hai vai.

Chàng trai này quả có chí lớn ! Tình yêu không thể níu cánh chim bằng. Càng thêm yêu, thêm trọng, cô Ban nguyện:

Chung vui chung cả đò đầy
Cho em chung mẹ chung thầy với anh ?

Phan rất cảm động trước tấm tình si thiệt thà của nàng, nhưng chàng đã hướng cho người bạn gái thân thiết ấy nghĩ tới những gì lớn lao, cao rộng hơn ngoài hạnh phúc gia đình:

Chung binh, chung tướng, chung vương
Cùng anh chung cả tứ phương sơn  hà ?


                                                            (VI)

Hát phường vải đâu chỉ là toàn chuyện tình yêu, chuyện nô đùa, chọc ghẹo. Trong buổi nước mất nhà tan, những cô gái xinh đẹp xứ Nghệ quê ta không bao giờ quên nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân là lo lắng đến vận mệnh của đất nước.

Trong  một buổi hát ở làng Hoàng Trù, cô Dũng Thơn (4) hát:

Nhất vui thơ túi rượu bầu
Biết ai khanh tướng, công hầu là ai ?

Câu hỏi bình thường nhưng chẳng bình thường chút nào ! Thâm ý của người hỏi rõ ràng không phải là mong chàng trai gặp hội công danh để võng anh đi trước võng nàng theo sau mà chí hướng cứu dân cứu nước. Phan nhạy cảm đáp lại:

Mặc ai khanh tướng công hầu
Dưới thành luống những muốn câu cá kình.

Cô gái cảm phục, hát tặng:

Rõ ràng cốt cách trượng phu
Nước non luống dậy cơ đồ có phen ?

Một cô khác ở phường Nam Phong đã hỏi Phan:

Mấy lâu anh mắc (bận việc) chi nhà
Núi Hoành Sơn lở, hỏi anh đà biết chưa ?

Chàng nho sĩ đã thân mật trả lời:

Tai nghe miệng em nói, dạ anh cũng trù trừ
Ô hô ! Núi Hoàng Sơn lở răng dừ (bao giờ) rứa em ?

Ấy là lúc kinh thành Huế thất thủ (1885) và phong trào Cần Vương đang dấy lên sôi nổi khắp nơi.

Rồi, có một độ vắng mặt Phan. Nghe đâu, ông Đầu Xứ tổ chức một đội nghĩa tử Cần Vương, thảo hịch đánh Tây, các phường bạn mừng lắm. Hôm gặp lại trong một phường hát, chị em ân cần chào thăm:

Ầm ầm nghe tiếng ong San
Bầy (tụi, bọn) em cất cánh lên rừng tìm hoa ?

Giải San cảm kích niềm nở mời chị em – con cháu bà Trưng bà Triệu tham gia vào công việc đánh giặc cứu nước:

Chị em cất gánh sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.

Thế rồi, Phan nhất quyết ra đi ! Đất nước đen tối gay go, liệu Phan có xoay trời đổi đất được hay không ? Phường vải Nam Kim vừa lo lắng vừa hy vọng lưu luyến tiễn chàng:

Nên chăng trống dục, chiêng hồi
Thuyền tình ta sẽ xa vời rộng thênh.

Và, khi Phan đi xa về ghé làng, các o xúm lại hỏi thăm:

Mừng chàng nay đã phản hồi
Mấy lâu góc biển chân trời ra sao ?

Thì Phan hát trả lời, âu yếm và hăm hở:

Mừng ta nay được trùng phùng
Cánh hồng tiện gió vẫy vùng biển khơi.
--------------------------------
(1)   Hát phường vải: hình thức hát dân ca ở Nghệ Tĩnh. Họ chia ra hai phường nam nữ vừa quay xa kéo sợi vừa hát.
(2)   Bầy bốn anh: Phan Văn San ở Đan Nhiệm có tài mẫn tiệp; Nguyễn Bá Đôn ở Xuân Hội có tài thâm thúy; Trần Duy Lương ở Kim Liên có trí nhớ tuyệt vời; Vương Thúc Quý (thầy học Bác Hồ) cũng ở Kim Liên có tài sắc sảo thông minh.
(3)   Ba chương trong Kinh Thi (Thiệu Nam). Trong ba khúc này, người phụ nữ tỏ rõ ý chí quyết giữa vững trinh tiết, chống lại sự tấn công của kẻ cường bạo, không để nó làm bẩn thanh danh của mình.
(4)    Tức bà Hoàng Thị An, dì ruột bác Hồ.

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU 3 nhận xét








CUNG CHÚC NHÂM THÌN NGUYÊN ĐÁN

Trước thềm năm xin gửi tới quý bạn đọc xa gần
lời chúc phúc tốt lành nhất:
VUI, KHỎE, HẠNH PHÚC !

    
               Sài Gòn, 29 tháng Chạp năm Mão
                                                 Thái Doãn Hiểu – Hoàng Liên

Đêm giao thừa nhớ mẹ

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU 6 nhận xét

ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ
Tuỳ bút TRẦN MẠNH HẢO

Trần Mạnh Hảo, Hà Nội tết 1976

Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ,
để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi
đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu.
Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm
trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn
lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết
nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên
mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời,
mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn
sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như
tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có
hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.

Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây
lúa cũng được ăn tết như người. Tôi dẫn ba đứa em, cuốn áo bông vào
rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ
mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra sông, sông trốn vào sương mà lưng
lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như
thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt
vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong
làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn
gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi
tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt,
rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng
xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ
nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con
như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui
con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ.

Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm
hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà
sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc
không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên
ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng
hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn
ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai
như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ
như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên
cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào
sưởi ấm.

Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực. Mẹ bị bà
nội bắt nạt, sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra
vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi
mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc
tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt
ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. Riết
rồi lộng giả thành chân, mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa
hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc
ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và
cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười
roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với
những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc. May mà có đám
cào cào châu chấu là chúng mày an ủi mẹ, thương mẹ.

Có những khuya cả nhà ngủ cả, mẹ bảo nhỏ vào tai tôi như thế. Có lúc,
mẹ tủi thân, lặng đi, đoạn ôm lấy bốn đứa con còn bé dại hỏi : chúng
mày có thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to : thương !
Mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ
khóc, sợ quá cùng khóc theo.

Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy
cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có
khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru
đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả
tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn
không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như ma. Nỗi buồn len lén như sương
ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi
qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ
thường ra núp thở than.

Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi
được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm
tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn
tôi ra bến xe lên đường đi vào cõi…tử, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu
ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng. Tôi ngoái
nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu
ngõ vậy. Tôi ù té chạy, sợ quay lại sẽ không thể đi khỏi cái xã quê
hương mình, nơi cán bộ xã đầy đọa tôi vì lý lịch, không cho đi đại
học, bắt ở nhà làm tổ trưởng gánh phân bắc ( phân người), phải đút lót
mười con gà mới được gọi nhập ngũ… Tôi đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi
không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là
mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và
tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…

Đấy là chuyện của mấy mươi mươi năm xưa. Giờ đây, tôi ngồi thắp nén
hương trước ảnh mẹ. Khói nhang như tóc mẹ từ thế giới hư vô còn rụng
về đôi ba sợi cho tôi tưởng vọng. Mẹ trên tấm ảnh chừng vẫn rét, vẫn
cứ đội khăn len và mặc áo len. Trong Sài Gòn này tết đổ mồ hôi. Mẹ
ngồi trên bàn thờ vẫn rét, vẫn cứ là không gian của bờ bãi sông Hồng
ngày tết. Con đâu kiếm được mưa phùn quấn quít, bọc lấy ngọn gió xuân
như quê ta mà dâng mẹ lúc này. Mẹ tuy già nhưng tươi tắn nhìn tôi như
sắp mỉm cười, như muốn nói với tôi rằng mẹ vẫn hiện hữu trên đời bằng
chính thân xác và tâm hồn tôi, vẫn sống trong hoài niệm, trong ký ức
con cái, xóm giềng.

Rằng mấy đứa con chính là di tượng của mẹ còn sống động, còn bay nhảy
trên mặt đất. Tôi không hề ngủ gật và nằm mơ như thuở xưa. Nhưng gió
bấc đã đến và thổi bay mẹ tôi đi về cõi khác mất rồi. Người Việt mình
có câu :” Sinh dữ, tử lành”. Ngày tết, trước giao thừa, là dịp chúng
ta tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà đã khuất. Mẹ đã hóa thành nấm cỏ xanh
ngoài đồng vắng sau làng. Cỏ ấy ngày xưa mẹ từng dạy tôi cầm liềm cắt
về nuôi trâu ăn lấy sức kéo cày. Nay mẹ lại biến thành nấm đất nuôi cỏ
xanh. Chỉ có đội kèn dế là ở mãi bên mẹ để cử hết bản nhạc này đến bản
nhạc khác, những bài ca Requiem, kinh cầu hồn của tạo vật.

Bây giờ mẹ thở bằng nhịp triều lên xuống của con sông chảy qua làng,
toả kênh mương mà nối với nơi mẹ nằm. Cua cáy lại đến nhờ nấm đất mẹ
mà trú ngụ. Ngày xưa còn trẻ, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, ngoài bãi,
ngoài sông tìm cái sống dưới bùn đất nuôi chúng tôi. Giờ nằm xuống, mẹ
lại ở ngoài đồng cả đêm ngày, ở mãi mãi, chung nhà với cua cáy, cá
tôm. Tôi từng làm đóm mạ chạy ra đồng, xách giỏ cua đỡ mẹ. Con cua cắp
để lại càng trên tay, lên bờ, lặng người, rứt càng cua ra khỏi tay rồi
mẹ mới ngồi đau. Đôi bàn tay búp măng của mẹ lúc nào cũng đầy vết cua
cắp, vết ngạnh cá trê đâm, vết gai từ các chà cá cào xước. Những móng
tay, móng chân mẹ nào có được sơn son đỏ như phụ nữ đô thị bây giờ.
Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ
từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất. Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa
mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió
xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…

Dù tôi có đưa tay ra ngoài nghìn dặm cũng không với tới mẹ nữa. Tóc
bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả gió bấc, mưa phùn, cả nén
hương trên bàn thờ viếng mẹ dù xúm xít đứng chung cả cụm vẫn cứ mồ
côi. Và tôi lại trở thành con trẻ, đang đi một mình giữa làng, chợt
thình lình gọi mẹ. Và tôi, lại trở thành anh lính trẻ xa nhà lần đầu,
mười tám tuổi rồi mà nửa đêm còn nhớ mẹ ứa nước mắt. Và tôi, lại trở
về nằm trên võng dưới hầm mùa mưa Bà Rá đêm tránh bom B.52, sốt rét ác
tính quật tưởng chết, vừa thở hắt ra vừa gọi mẹ để giã từ…Và tôi, sẽ
mãi là cậu bé con lấm lem đất cát ngồi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để
được chia quà. Mẹ đi chuyến chợ vô biên này, tôi ngồi chờ hết năm này
qua năm khác, mà mẹ ơi sao mẹ chẳng về ăn tết ?

Giao thừa đến rồi đó mẹ. Ở phía bên kia của cuộc sống, mẹ không cần ai
mừng tuổi đâu. Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời,
các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là
thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi
trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi
từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của
nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô. Nơi con
người bước vào cuộc đời, vất vả cực nhọc kiếm sống, hạnh phúc, khổ đau
rồi lại trở về, như những đứa con về với mẹ vĩnh hằng.

Cõi ấy không có nồi bánh chưng chụm bằng gộc tre già đượm lửa. Cõi ấy
không có những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, bám vạt áo mẹ
đi chúc tết bà con hòng kiếm tiền mừng tuổi. Sợ cõi ấy chỉ có Niết
Bàn, chỉ có Thiên Đường vui hơn tết, không kiếm đâu cho mẹ một chút
khổ đau, một chút buồn tủi mà nhớ đến chúng con, nhớ đến kiếp người,
nhớ đến thời con gái mẹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ăn toàn nỗi đau mà
sinh nở hạnh phúc cho kẻ khác.

Nhưng mẹ ơi, cái thế giới vui buồn sướng khổ này, dù mẹ con mình mỗi
người chỉ đến một lần thôi, song mưa phùn gió bấc, hoa xuân bướm vàng,
bánh chưng, mắt lá răm, dưa hành và câu đối đỏ tình nghĩa lắm, quý hóa
chúng ta lắm, cứ muốn níu chúng ta ở chơi hết tết này đến tết khác,
đừng bỏ giao thừa lại cho ai đó ngồi thắp hương tưởng niệm mà tội thay
cho người còn sống. Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng
vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào
ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn thiếu mẹ trên mặt blogs
xuân phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có
Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn
chúng ta vậy.

 Sài Gòn những ngày tết tha phương cầu thực

T.M.H.
Thẻ:Trần Mạnh Hảo

Làm gì cho đất Quảng quê tôi

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU 1 nhận xét

Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện?

Nguyễn Đăng Hưng

____
Tôi sinh ra ở làng Bồ Mưng, phủ Thanh Quít, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhưng vì thời buổi loạn lạc chiến tranh, tôi phải di tản, rồi di cư, rồi di chuyển, rồi di trú khi còn là một cậu bé mới năm sáu tuổi. Do đó, hình ảnh của nơi chôn nhau cắt rốn của tôi có gì nhạt nhoà xa xôi của một thời mà ký ức tuổi thơ chưa đủ khả năng thâu nhận hết những giá trị có bề dày văn hóa.

Tôi lại không may mồ côi mẹ rất sớm, sống thường xa cha, xa ông bà, xa gia tộc, nên những mối giây liên đới đến bà con, cô bác, đến làng quê không được nhắc nhỡ, chăm sóc để qua thời gian có thể còn khả năng đọng lại, rõ nét trong tôi.


Thử vọng về những kỷ niệm của tuồi ấu thơ tôi chỉ còn nhớ lại những câu ca dao má tôi ngân lên khi ru em tôi ngủ. Em gái tôi vừa sinh ra khi tôi mới lên năm tuổi. Những đêm trăng tôi lẽo đẽo đi theo ông nội tôi, đi dạo ngắm trăng và hoa trên những trên con đường chính từ ngỏ đi vào khu nhà thờ tộc họ Nguyễn Đăng.  Ông nội tôi là trưởng tộc, sở hữu đất hương hỏa tọa lạc trên vùng cao, cách đường quốc lộ chỉ chừng trăm mét. Ở Điện Bàn Quảng Nam đây là một ân huệ vì lũ lụt hằng năm nhưng chưa bao giờ nước dâng lên đến khu vườn gia tộc. Nhưng sau này trong chiến tranh, ngược lại đây là điều bất hạnh vì thường xuyên bị càn quét bởi quân đội Pháp mà phần lớn là lính đánh thuê gốc Phi Châu, đóng đồn gần đó. Để chống quân du kích Việt Minh, người Pháp chủ trương chung quanh đồn bót phải có bảo đảm an toàn, phải trống trải trơ trụi, không cấy cối um tùm, không lủy tre che khuất… Kết quả là toàn bộ khu vườn nhà ông bà nội và ba má tôi với nhiều cây trái sum sê ngọt ngào bóng mát sau này chỉ còn là bình địa. Tôi còn nhớ rõ cây mít bà cỗ kính, loại mít ướt có thân to cao sù sì mà bọn trẻ chúng tôi năm đứa nắm tay bao quanh mới đi hết vòng… Họ đã làm gì với cây mít bà thân yêu của tôi? Lúc ấy tôi đã đi rồi đi theo ba tôi tham gia kháng chiến ở tận Tam Kỳ, Tiên Phước, vùng hẻo lánh thời ấy còn gọi là vùng tự do vì ở đây người  Pháp không kiểm soát được.
Tôi cũng còn nhớ những ngày theo má tôi về thăm quê ngoại khu nhà của bà Hương Nữ ở An Trạch, có tiếng là giàu có vì sở hữu nhiều ruộng đất… Khu nhà có sân lát gạch rộng mênh mông bao quanh bằng những con đường rợp bóng mát của hai hàng cây mù u dài xa tít.
Những năm còn hòa bình cuộc sống quê tôi sao êm đềm đến thế.  Tôi cũng lần đầu tiên, cấp sách rụt rè theo chân má tôi vào lớp học trường làng. Con đường đi đến trường khúc khuỷu quanh co, lắm khi sình lầy qua cơn mưa. Lớp học thì rất đông còn thầy giáo thì thật là nghiêm khắc…








Cũng trên con đường tôi đã theo má tôi vào học lớp vở lòng này tại quê tôi
Cũng trên con đường tôi đã theo má tôi vào học lớp vở lòng này tại quê tôi








Tôi nhớ mãi những đêm lẽo đẽo theo ông tôi và nghe ông ngâm vang lên dưới đêm trăng những bài thơ cỗ. Tôi đã thuộc lòng từ thuở ấu thơ những bài thơ thất ngôn bát cú của bà Huyện Thanh Quan như vậy đó…
Sau này tôi yêu văn học cũng vì ảnh hưởng xa xôi từ ông tôi… Tôi đã từng định học văn khi thi đậu vào cao đẳng sư phạm Sài Gòn, nhưng ba tôi không cho… Ba tôi muốn tôi học y. Tôi lại thi đậu vào trường quân y nhưng học chưa đầy bốn tháng là nhận được học bổng du học tại Bỉ và thời ấy 1960 du học sinh bị bắt buộc phải đổi sang các ngành kỹ sư.

Thế là tôi trở thành một kỹ sư ngành vật lý hàng không không gian, một nhà nghiên cứu về cơ học tính toán, một tiến sỹ khoa học ứng dụng, một giáo sư đại học, một cuộc đời, một sự nghiệp hơn 50 năm ở xứ lạ quê người.

Năm Tết hòa bình thống nhất đầu tiên, Tết Bính Thìn năm 1976 tôi có dịp về thăm quê cũ làng xưa chỗ tôi chào đời Bồ Mưng Điện Bàn. Tôi cũng ghé thăm nơi tôi đã sống di tản khi lên 8 tuổi Tam Dân, Tam Kỳ… Cuộc chiến ác liệt vào bậc nhất của lịch sử loài người đã tràn qua quê tôi. Cái mất mát quá lớn, quá sức tưởng tượng. Những hình ảnh êm đềm của thời thơ ấu của tôi đã trở thành tro bụi, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Những ám ảnh của hai cuộc chiến cứ theo tôi suốt những năm dài sống ở quê người. Tôi đã ghi lại những dòng sau đây, ngày giao du yên lành tại vùng cao xứ Thụy Điển, không xa vùng Bắc cực:

Cậu bé ngày xưa lam lũ cút côi
Cậu bé thành người thì họ đã đi rồi
Không để lại, ngay những lời trăn trối
Đất nước hồi sinh, cuộc đời tiếp nối
Người thân yêu lưu lạc khắp địa cầu
Bè bạn xa rồi, không biết về đâu
Không biết hôm nay, ai còn ai mất
Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn có thật
Nhưng mấy ai tả hết nỗi kinh hoàng!

Cậu bé ấy là tôi, những ngày còn ở Quảng Nam, huyện Điện Bàn hay đang theo ba tôi lưu lạc ở Tam kỳ, Tiên Phước… Những cậu bé như vậy vẫn còn phổ biến tại quê nhà cũng lam lũ trên cánh đồng bát ngát hay bơ vơ trên hè phố đầy bụi bặm. Bỡi vì vậy, tôi thường tôi tự bảo mình dù thế nào chăng nữa cũng làm gì cho quê hương, cho tuổi trẻ Việt Nam. Tôi coi đó như một định hướng, một hoài bảo, một thân phận, một định mệnh…

Năm 1977 tôi được Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước mời về thỉnh giảng khoa học. Nhưng thời ấy còn quá nhiều bất cập vì cơ chế bao cấp còn đè nặng trên quê hương. Phải đợi đến sau ngày đổi mới tôi mới bắt đầu triển khai những dự án do tôi đề xướng và điều động tại Việt Nam.

Có người hỏi tôi sao giáo sư không giúp đỡ các đại học Quảng Nam Đà Nẳng mà đi mở các lớp đào tạo tại Sài Gòn và Hà Nội, ròng rã kéo dài đến gần 20 năm? Xin thưa, tôi là một chuyên gia có kinh nghiệm điều phối các lớp đào tạo liên đại học trong khuôn khổ cộng tác đại học của khối Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ rằng việc kết nối hệ thống liên đại học mà tôi đã dày công xây dựng này với các đại học Việt Nam là một việc làm nhanh chóng và hữu hiệu nhất. Và để gặt hái thành công, tôi bắt buộc phải bắt đầu triển khai tại những nơi có đông đảo sinh viên kỹ sư ra trường, có trình độ ngoại ngữ và học thuật đủ để có thể tham gia tuyển sinh vào các lớp đào tạo thầy cho Việt Nam, cấp bậc thạc sỹ và tiến sỹ. Tôi quan niệm trên giải đất hình chữ S ở đâu cũng là quê hương Việt Nam…

Lúc ban đầu những năm 90, trở về Việt Nam sau mười năm vắng bóng (1979-1989), tôi ưu tiên về thăm và làm sê-mi-na tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẳng thời hiệu trưởng Phan Kỳ Phùng. Nhưng vì thấy số kỹ sư tốt nghiệp tại miền Trung còn quá ít để hình thành các lớp cao học có chất lượng với sỹ số ít nhất phải đến 20 người. Tôi phải bằng lòng với quyết định tài trợ chi phí di chuyển cho các kỹ sư từ Đà Nẳng hay các vùng miền Trung (bắt đầu từ Phan Thiết) vào Sài Gòn theo học cao học Châu Âu. Trên thực tế đã có gần mươi người thành công tốt nghiệp bằng thạc sỹ do Bỉ cấp theo cách ấy.


Hình chụp năm 1979 ngày tôi về làm việc tại trường ĐH Bách Khoa Đà Nẳng. Hiệu Trưởng Phan Kỳ Phùng là người thứ hai hàng đầu từ phía bên phải
Hình chụp năm 1989 ngày tôi về làm việc tại trường ĐH Bách Khoa Đà Nẳng. Hiệu Trưởng Phan Kỳ Phùng là người thứ ba hàng đầu từ phía bên phải


Năm 2002 tôi đã bỏ ra một năm nguyên, sửa soạn các thỏa thuận ký kết giữa các đối tác để đề xuất một dự án có qui mô đáng kể cho Đà Nẳng, trong khuôn khổ chương trình Asia-Link của Châu Âu. Đó là dự án: “Tổ chức một trường cao học tại Đà Nẳng với sự tham gia của 10 trường Đại Học lớn của Liên Hiệp Châu Âu, 10 trường Đại học Việt Nam, một trường Đại học Lào và một trường Đại học Campuchia”. Vì dự án có bố trí trợ cấp học bổng tạo điều kiện cho các sinh viên ở xa tụ về Đà Nẳng nên tổng số kinh phí khá lớn. Có lẽ đó là lý do mà dự án không được Ủy Ban Châu Âu chấp nhận tài trợ.
Tôi đành ngậm ngùi tự bảo lại một lần nữa không có duyên với quê mình.

Phải đợi đến tháng 11/2009 tôi mới có dịp làm một động tác thiết thực cho Quảng Nam, Tam Kỳ,
Nguyên tôi có người cháu bên ngoại họ Đỗ tên Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Phước Tiến chuyên sản xuất chế biến hải sản, xuất cảng chủ yếu sang Nhật Bản. Bắt đầu từ 2009 vì những biến động tại Biển Đông, doanh thu giảm sút vì nghề đánh cá bị đe dọa nặng nề, cuộc sống của ngư dân Việt Nam gặp rất ư là khó khăn hiễm nghèo. Điều này ai cũng biết. Cháu tôi đổi hướng kinh doanh, muốn đóng góp trong công cuộc giáo dục đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề cho tuổi trẻ địa phương và vùng Tây Nguyên lân cận. Anh ta đã mua lại trường Cao Đẳng Phương Đông. Vì thiếu người, cháu tôi khẩn khoản mời tôi về giúp trường làm Hiệu Trưởng. Tôi do dự rất lâu vì bấy lâu nay tôi chỉ chuyên môn tổ chức đào tạo và giảng dạy các cấp bậc cao học còn cấp bậc dạy nghề hay cao đẳng kỹ thuật thì thú thật tôi chưa bao giờ làm. Nhưng vì thấy lợi ích thiết thực cho quê nhà, vì thấy tôi có thể giúp cho trường củng cố cơ sở phát huy trong tương lai, nhất là xây dựng liên thông với các trường dạy nghề có uy tín tại Sài Gòn, theo hướng giao lưu, trao dồi nâng cao trình độ của giáo chức nhà trường, tôi đã chấp nhận làm hiệu trưởng không ăn lương (quyết định ngày 23/11/2009 của thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận).


Ngồi phòng Hiệu Trưởng trường Cao Đẳng Phương Đông, Tam Kỳ, 2009
Ngồi phòng Hiệu Trưởng trường Cao Đẳng Phương Đông, Tam Kỳ, 2009


Năm 2010 nhân ngày tựu trường tôi đã phát biểu trong bài tham luận của ngày khai giảng đầu niên học:
“Tôi có cảm tưởng hôm nay khi đồng ý về đây nhậm chức lãnh đạo nhà trường, tôi đã đi trọn con đường vòng phát xuất cách đây đã 60 năm ròng rã. Trước đây 60 năm, tôi đã từng là cậu bé sống lưu lạc ở Tam Kỳ, được một gia đình ở Tam Dân cho tá túc nương tựa. Tôi đã từng làm công việc đồng án, từng chăn trâu, tát đìa, bắt cá, hái củi, trồng rau tham gia chia phần lao động cho gia đình. Tôi cũng đã được cắp sách đến trường trong giai đoạn rất khó khăn của chiến tranh kháng chiến, thường xuyên bị máy bay oanh tạc, học hành không liên tục và bài bản. Rất may, tôi đã được sống sót, rồi sau này có điều kiện vươn lên vì được đi du học tại Châu Âu.

Nhìn các em hôm may tôi nhớ lại năm xưa và tôi rất vui sẽ đồng hành cùng các em trên con đường  xây dựng nhà trường, cải tiến phòng thí nghiệm, bồi dưởng giáo viên, liên thông đào tạo, cải tiến chất lượng học trình… Tôi mong mỏi các em sẽ phấn đấu học hành, thấu triệt tay nghề, cùng nhau trở về với truyền thống giáo dục dân tộc: nhất nghệ tinh nhất thân vinh, không chạy theo bằng cấp hảo, nói không với hình thức, với giả tạo, với thành tích không dựa trên thực chất…”

Đầu năm 2011, trường Đông Phương đã tìm được hiệu trưởng mới, có điều kiện thường trực tại Tam Kỳ, tôi đã xin chấm dứt vai trò của mình với sự đồng thuận của các thành viên sáng lập.
Làm gì cho đất Quảng quê tôi, từ dự định đến thực hiện, quảng cách vẫn còn xa. Nhưng trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi không bao giờ thấy áy náy hay tiếc nuối. Bỡi vì lòng tôi lúc nào cũng gần gũi với quê cha, đất tổ.

TSKH Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn ngày 16/12/2011

Bài này đã được đăng trên báo Quảng Nam, Xuân Nhâm Thìn ra ngày 5/1/2012, được giới thiệu ở đây:

Nhân năm Thìn, phiếm đàm

Người đăng: THÁI DOÃN HIỂU 2 nhận xét



Nhân năm Thìn, phiếm đàm                   
 về cá chép – rồng thiêng hiện.

THÁI DOÃN MẠI



Mỗi năm âm lịch ứng với một linh vật. Linh vật của năm Nhâm Thìn là rồng. Rồng là con vật trong huyền thoại của người Trung Quốc, Việt Nam…và là linh vật trong tứ linh: long li qui phượng.

 Rồng là kết tinh tinh túy vũ trụ, âm dương;truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ nói tới nguồn gốc huyết thống dân tộc:con Rồng cháu Tiên.

Rồng là biểu tượng cho một lực lượng trừ tà trượng nghĩa,có tính vĩnh cửu:đầu đao đình chùa có dáng rồng bay.

Rồng gắn liền với quyền uy,hoàng đế là người thuận thiên thừa vận,nên mặt vua là long nhan, thân thể vua là long thể,áo vua là long bào,xe vua là long giá…

Nơi thắng địa,trù phú, ngoạn mục…đều gắn với từ tố “long”:thành Đại La được Lí Công Uẩn cải thành Thăng Long,vịnh đẹp nhất nước là Hạ Long, đồng bằng trù phú –vựa lúa cả nước là Cửu Long, thế đất lợi về phong thủy là thế “tả thanh long hữu bạch hổ”…

Cơ hội có một không hai,đem lại những điều tốt đẹp,hài hòa…làm người ta nghĩ tới rồng:

                        Thưa rằng lượng cả bao dong
                 Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
                        Trai anh hùng gái thuyền quyên
                  Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
                                                                             (Truyện Kiều)

Với mình thì khiêm nhường,với người thì tôn kính, ta thường nói “rồng đến nhà tôm”, hoặc là “lỗ mũi em 18 gánh lông - Chồng yêu em chồng bảo râu rồng trời cho”.

Hỡi người muôn năm cũ - Hồn ở đâu bây giờ?”. Đấy là lời sầu não của ông tây An Nam Vũ Đình Liên khi nhìn tháp ngà Nho Việt thành phế tích. Mạo muội xin thưa với Người:Hồn người xưa còn đọng trên đá, đó là 4 chữ nhân tài –nguyên khí trên văn bia Văn Miếu, đó là 2 chữ Bích Động (Ninh Bình),Thanh Hư Động (Hải Dương),Vọng Hải Đài (Quảng Nam), Nam Thiên đệ nhất động (Hương Sơn)…Trước mắt ta đang hiển hiện Thân Nhân Trung, Nguyễn Nghiễm, Vua Trần Anh Tôn, Vua Minh Mạng, chúa Trịnh Sâm…đang thao bút đưa những nét rồng bay phụng múa.

Cảm xúc tự hào nhất, bâng khuâng nhất là vào một ngày đầu xuân ta hân hạnh được chạm bàn tay mình vào thân rồng đá đặt ở điện Kính Thiên
           (di vật thời Lý – Trần trong Hoàng thành Thăng Long)

Tóm lại rồng là totemism có những đặc tính siêu phàm: “ lân trùng chi trưởng, năng u năng minh, năng tế năng cự, năng đoản năng trường, xuân phân nhi thăng thiên, thu phân nhi tiềm thủy”

                    Có người bảo huyền thoại là những điều vô lý, không hợp với logic thông thường…vâng! Đúng vậy, nó phù hợp với logic huyền thoại! Ta hãy lấy câu lục bát này làm ví dụ:

                         Mồng ba cá đi ăn thề
                   Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn.

           Người xưa đã giải mã như sau:
Lí do: Trời cần “tuyển dụng” trong số các loài thủy tộc vào cương vị rồng đi hút nước gây mưa.
Danh sách thí sinh: cá rô, tôm, cá chép,cá chầy, cá trê
Địa điểm thi: “Long môn” trên sông Hoàng Hà (TQ), “Vũ Môn tam cấp lãng”ở Hương Sơn – Hà Tĩnh (VN)
Ngày thi :mồng 4 tháng 4
Tư tưởng chỉ đạo thi: nói không với tiêu cực, vì thế trước đó một ngày tất cả phải đọc lời thề trung thực
Ban chỉ đạo thi: Trời ủy quyền cho vua Thủy Tề làm chủ tịch HĐ coi và chấm.
Đề thi:công khai với thí sinh là vượt qua tam cấp lãng.
Kết quả thi: cá rô qua nhất cấp; tôm nhảy qua tam cấp, song cứt lộn lên đầu nên bị loại; cá trê bị hụt, đầu va vào đá,bẹp đầu;cá chày sợ quá ,bỏ thi, thương bạn khóc đỏ cả mắt; chỉ có cá chép (hiệu là Lý Ngư) được ghi vào Kim bảng.
Đánh giá thi:Tuy chỉ đạt 20% (chứ không phải 100%) Trời vẫn đánh giá là thành công và tốt đẹp. Ra khỏi phòng họp HĐ, Trời vẫn còn lẩm bẩm: ok ! ok!(chả là trước đó Ngài bắt chước bộ trưởng Hiển có đi bổ túc Ăng Lê Ngữ ở Lông Đông)
                 
                Rõ ràng cá chép là biểu tượng cho ý chí vươn lên đẳng cấp cao nhất của linh vật vũ trụ. Dựa vào điển tích này, cuối thế kỷ XX người ta gọi Đại Hàn Dân Quốc, Tân Gia Ba cộng hòa… là những con rồng châu Á. Người VN ta có phong tục coi cá chép là rồng dự bị, là “ á long” nên vào ngày 23 tháng chạp cố chọn đôi cá chép để 2 Cụ Táo làm phương tiện giao thông về giời.

                 Như vậy, cá chép, rồng có một vị trí trong đời sống văn hóa phương Đông. Kết luận bài viết tôi muốn nói tới 2 tác phẩm nghệ thuật về cá chép.

Tác phẩm thứ nhất là bức tranh dân gian có tên : lí ngư vọng nguyệt. Ta coi như có được bóng trăng do đáy ao là gương phẳng.Trăng tròn là biểu tượng cho cuộc sống hoàn thiện,viên mãn!?. Cá chép “vọng” bóng trăng cũng là con người cố tìm về sự viên mãn của cuộc đời.Tâm hồn lãng mạn của người nghệ sĩ đọng lại ở sự lung linh trong mắt cá chép.

Tác phẩm thứ 2 là bài thơ Lí Ngư của Chương Hiếu Tiên (đời Đường)

鯉魚
章孝標
眼似真珠鱗似金
時時動浪出還沉
河中得上龍門去
不嘆江湖歲月
Phiên âm Hán.  (Không có phần mềm chữ Hán)


Dịch nghĩa:
Cá chép

Mắt cá như hạt ngọc,vẩy cá là vàng (Au)
Cá luôn quẫy thành sóng, có lúc nhẩy lên rồi lặn xuống
Muốn từ sông để vượt Long Môn (hóa rồng)
(Thì)đừng than thở phải (luyện) lâu dài trong sông hồ

Dịch thơ :
Cá Chép

Mắt tựa ngọc châu, vảy ánh vàng,
Vút lên khỏi sóng tỏa hào quang.
Vũ Môn vượt thác, Kim Long hiện,
Chẳng thẹn bao ngày sống ở hang.


Lịch sử, cuộc đời có những sự trùng hợp kì lạ. Đất Chín Rồng có bến Nhà Rồng, từ đây Nguyễn Tất Thành (lúc nhỏ ở Nghệ An được gọi là Côn-tên một loài cá huyền thoại vượt được qua biển lớn)mang theo tấm lòng yêu Nước, khăn gói hướng trời tây, mong tìm đường giải phóng.Một sự kết hợp hài hòa- văn hóa Đông Tây nảy nở, biểu tượng con rồng phương Đông và lý tưởng Tự Do luôn thôi thúc Người vững bước:


Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ
(mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới)
Tự Do thiên thượng thần tiên khách
(tự do tiên khách trên trời)
Lung khai trúc sản xuất chân long
(nhà lao mở cửa ắt rồng bay)
                                      (trích Nhật ký trong tù)

Cuối năm rồng (Canh Thìn 6/1/1941) Người cùng những học trò xuất sắc lên đàng rời Quế Lâm (rừng quế) theo đường Long Lâm (rồng đến) về Tĩnh Tây, tại đây tài liệu “Đường Giải phóng” ra đời…để 28/1/1941 Người đặt chân lên địa đầu Tổ Quốc,sau 30 năm bôn ba đi tìm hình của Nước…Ngày 2/9/1945 văn hiến nước nhà có thêm một dòng vàng chói lọi:Nước VN có quyền hưởng tự do và độc lập,và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập.

Cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa,trước đó mấy năm, trong ngục thất u ám , Người nghe thấy tiếng gà gáy:

          “ Nhất thanh hoán tỉnh quần lê mộng” (trích từ NKTT)
           (nghĩa là một tiếng toàn dân bừng tỉnh giấc)
Bài thơ “thính kê minh” coi là sấm ký, tạm giải mã như sau: năm 1945 là năm Dậu – năm con gà, sự nghiệp giải phóng dân tộc hoàn thành.  

Ngày Xuân Rồng ta hãy thư thái đi vào vườn Bác, ta như thấy Bác vẫn ngồi kia,đang lặng lẽ ung dung bên đàn cá chép lung linh giữa làn ao lóng lánh.


Mạt đông –Tân Mão .
Thái Doãn Mại
16c Nguyễn Biểu –Nha Trang –Khánh Hòa

CHÂM NGÔN SỐNG VÀ VIẾT

Tôi viết phê bình là để làm sáng giá và sang giá tác giả, tác phẩm văn học.

HOÀNG NGỌC HIẾN

Mỗi ngày gặp một người, họ là mảnh của thiên tài nhân loại. Hãy nhặt những chữ của đời mà viết nên trang.

CHẾ LAN VIÊN

Sở dĩ tôi nhìn được xa trông được rộng là bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ.

NIU TƠN